Bộ luật Dân sự Việt Nam (sửa đổi): Cần hạn chế sự bất bình đẳng giữa các chủ nợ có bảo đảm

05/09/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005, một trong những vấn đề quan trọng, có nhiều ý kiến khác nhau đó là cơ chế pháp lý giữa chủ nợ có bảo đảm trong vật quyền bảo đảm pháp định với chủ nợ có bảo đảm trong vật quyền bảo đảm ước định[1]. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích khía cạnh pháp lý của vật quyền bảo đảm pháp định trong mối quan hệ với giá trị pháp lý của việc đăng ký để thấy sự cần thiết phải hạn chế các quy định có thể dẫn đến bất bình đẳng giữa các chủ nợ có bảo đảm.

1. Tham khảo các quy định của Nhật Bản về vật quyền bảo đảm pháp định trong mối quan hệ với giá trị pháp lý của việc đăng ký

1.1. Theo quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản thì vật quyền bảo đảm pháp định gồm quyền cầm giữ và đặc quyền ưu tiên lấy trước. Đây là 02 loại vật quyền bảo đảm pháp định có tính truyền thống, tồn tại cùng với sự phát triển của pháp luật dân sự Nhật Bản, cụ thể như sau:

a) Theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Dân sự Nhật Bản thì nội dung của quyền cầm giữ được hiểu là nếu người chiếm hữu vật thuộc về người khác có trái quyền phát sinh liên quan đến vật đó thì có thể nắm giữ vật đến khi nhận được thanh toán cho trái quyền đó. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng nếu trái quyền chưa đến hạn thanh toán. Từ quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự Nhật Bản, chúng ta nhận thấy để áp dụng quyền cầm giữ thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) Người có trái quyền phải đang chiếm hữu vật bị cầm giữ; (ii) Trái quyền được bảo đảm phải đến hạn thanh toán; (iii) Giữa trái quyền và đối tượng của trái quyền (vật) phải có quan hệ khăng khít (trái quyền phát sinh liên quan đến vật đó). Quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự Nhật Bản cho thấy mặc dù thừa nhận quyền chiếm hữu tài sản của bên có quyền, nhưng pháp luật không công nhận quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản, nghĩa là bên có quyền cầm giữ không đương nhiên được bán tài sản để thanh toán cho trái quyền, trong khi đó quy định về điều kiện xác lập quyền cầm giữ cũng không thực sự rõ ràng, dễ bị lợi dụng trong quá trình áp dung (ví dụ: tài sản bị cầm giữ bắt buộc phải thuộc quyền sở hữu của bên có nghĩa vụ hay có thể thuộc sở hữu của người khác, nhất là trong quan hệ giữa các thương nhân). Do vậy, khi tiếp cận các quy định về quyền cầm giữ, chúng ta cần nghiên cứu, xem xét kỹ về điều kiện áp dụng quyền cầm giữ và mối quan hệ giữa quyền cầm giữ với các quyền đã được đăng ký liên quan đến tài sản là đối tượng bị cầm giữ.

b) Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự Nhật Bản thì nội dung đặc quyền ưu tiên lấy trước được hiểu là bên có quyền ưu tiên lấy trước sẽ có quyền nhận khoản thanh toán cho trái quyền của mình trước người có trái quyền khác đối với các tài sản của bên có nghĩa vụ. Theo đó, quyền ưu tiên lấy trước được áp dụng trong các trường hợp như: vận chuyển hành khách và hàng hóa; bảo dưỡng động sản; tiền thuê lao động trong nông nghiệp... (Điều 311) hoặc bảo dưỡng bất động sản; thi công bất động sản và mua bán bất động sản (Điều 325). Đặc điểm nổi bật của quyền ưu tiên lấy trước là được ưu tiên thanh toán trước và mang bản chất của vật quyền bảo đảm. Ngoài ra, đối tượng của vật quyền ưu tiên lấy trước là tổng tài sản của người có nghĩa vụ (động sản và bất động sản). Tuy nhiên, trong trường hợp Nhà nước dành quá nhiều ưu thế cho chủ thể có quyền ưu tiên lấy trước thì rất dễ dẫn đến tình trạng phá vỡ nguyên lý bình đẳng giữa các quyền thông qua cơ chế đăng ký để xác định thứ tự ưu tiên[2].

1.2. Giá trị pháp lý của việc đăng ký theo quy định của pháp luật dân sự Nhật Bản được nhìn nhận ở những góc độ sau đây:

a) Sức mạnh suy đoán: Khi giao dịch bảo đảm được đăng ký thì người đứng tên trong sổ đăng ký được suy đoán là người có quyền lợi bảo đảm. Do đó, người muốn phủ định kết quả đăng ký phải chịu trách nhiệm đưa ra chứng cứ để chứng minh cho tính tiết của mình viện dẫn để lật ngược suy đoán nói trên(Trang 1 Quyển 13 Tập dân sự Bản án Tòa án tối cao ngày 08/01/1959). Vì vậy, một khi không có phản chứng, hiệu lực suy đoán người đứng tên đăng ký có quyền đối ứng với đứng tên đăng ký được gọi là sức mạnh suy đoán của đăng ký.

b) Sức mạnh đối kháng: Theo quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản thì “thứ tự các quyền được đăng ký với cùng một bất động sản sẽ được xác định theo thứ tự đăng ký các quyền đó” (Điều 177) hoặc nếu có nhiều quyền thế chấp được xác lập trên cùng một bất động sản thì thứ tự của quyền thế chấp đó sẽ theo thứ tự thời gian của việc đăng ký các quyền đó” (Điều 373). Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự Nhật Bản áp dụng nguyên tắc không cần biết là bất động sản hay động sản, biến động vật quyền phát sinh hiệu lực chỉ thông qua việc thể hiện ý chí giữa các đương sự (Nguyên tắc ý chí - Điều 176 Bộ luật Dân sự). Vì vậy, đăng ký chỉ có ý nghĩa đối kháng với người thứ ba, nghĩa là “nếu không đăng ký thì hợp đồng vẫn có hiệu lực, nhưng không thể đối kháng với người thứ ba”.  Theo đó, “người thứ ba” được hiểu rất rộng rãi, bao gồm tất cả những người (chủ thể) khác ngoài các bên chủ thể tham gia giao dịch, còn “đối kháng” có nghĩa là có thể đưa ra lý lẽ, chứng cứ một cách ưu tiên đối với người thứ ba tranh chấp về xác lập, mất, thay đổi vật quyền (trong đó bao gồm cả vật quyền bảo đảm).

c) Sức mạnh công tín: Sức mạnh công tín được hiểu là hiệu lực xem như hiện hữu một cách thực tế đúng như ghi trong đăng ký hoặc không hiện hữu quyền lợi không được ghi trong sổ đăng ký. Về vấn đề này, Bộ luật Dân sự Nhật Bản không công nhận sức mạnh công tín của đăng ký (khác với quy định của Bộ luật Dân sự Đức). Theo đó, thông tin mà cơ quan đăng ký cung cấp có giá trị cảnh báo (warning) về khả năng tồn tại của giao dịch, mà không có giá trị xác nhận sự tồn tại chính thức của giao dịch.

1.3. Từ các quy định về vật quyền bảo đảm pháp định và giá trị pháp lý của việc đăng ký nêu trên, chúng tôi nhận thấy có những vấn đề pháp lý cơ bản sau đây:

Thứ nhất: Hiệu lực của vật quyền bảo đảm pháp định không phụ thuộc vào việc đăng ký. Điều này có nghĩa chủ thể trong vật quyền bảo đảm pháp định không phải thực hiện việc đăng ký để làm phát sinh hiệu lực của vật quyền pháp định đối với bên thứ ba. Theo nguyên tắc suy đoán, bên thứ ba phải biết về việc tồn tại vật quyền bảo đảm pháp định khi ký kết, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản là đối tượng của vật quyền.

Thứ hai: Quyền ưu tiên của bên nhận bảo đảm trong vật quyền bảo đảm pháp định có thứ tự ưu tiên cao hơn so với bên nhận bảo đảm trong vật quyền bảo đảm ước định. Điều này cho thấy, dù vật quyền bảo đảm ước định đã được đăng ký trước khi phát sinh vật quyền bảo đảm pháp định thì quyền ưu tiên của vật quyền bảo đảm pháp định vẫn cao hơn so với bên có quyền trong vật quyền bảo đảm ước định.

Thứ ba: Sự tồn tại của các loại vật quyền bảo đảm pháp định dường như đã đi ngược với quá trình phát triển chế độ bảo đảm vật chất trong pháp luật hiện đại, nghĩa là đi ngược lại với nguyên lý vận động của thiết chế đăng ký hiện đại là ai đăng ký trước thì được ưu tiên trước. Sự ưu tiên của pháp luật dân sự dành cho một chủ thể này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác.

Thứ tư: Một hệ thống đăng ký thực sự hiện đại cần đa dạng hóa các loại vật quyền bảo đảm được đăng ký, nghĩa là phải giải quyết được mối quan hệ giữa đăng ký với các lợi ích được ưu tiên mà không phụ thuộc vào việc đăng ký. Để thị trường phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thì tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm phải được tối đa hóa, tức là được công khai, minh bạch ở mức cao nhất.

Thứ năm: Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 mặc dù đã có quy định về cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ (Điều 416), nhưng đây không phải là biện pháp bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự như nguyên lý của pháp luật dân sự Nhật Bản, mà thuộc một trong các nội dung của thực hiện hợp đồng dân sự (trái quyền), do đó nhiều vấn đề chưa được giải quyết như: thứ tự ưu tiên giữa bên cầm giữ với các bên nhận bảo đảm khác; điều kiện áp dụng; mối quan hệ giữa quyền ưu tiên với giá trị pháp lý của việc đăng ký...    

2. Kiến nghị

Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục cân nhắc kỹ các vấn đề sau đây:

2.1. Nếu hệ thống đăng ký thực sự công khai thì chỉ cần quy định về vật quyền bảo đảm ước định, mà không nhất thiết phải đặt ra vấn đề vật quyền bảo đảm pháp định. Xét về bản chất thì vật quyền bảo đảm pháp định có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người thứ ba do không lường trước những rủi ro xảy ra đối với tài sản bảo đảm. Suy cho cùng, mức độ ưu tiên mạnh hay yếu hoàn toàn không phụ thuộc vào đó là vật quyền bảo đảm pháp định hay vật quyền bảo đảm ước định. Việc lựa chọn trường hợp áp dụng vật quyền bảo đảm pháp định cần căn cứ vào chính sách của Nhà nước chú trọng phát triển ngành nghề, quan hệ gì trong xã hội, trên cơ sở đánh giá xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng tôi ví dụ như, nếu áp dụng quyền ưu tiên lấy trước đối với người bán hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh thì các ngân hàng thương mại sẽ rất khó chấp nhận để các doanh nghiệp được vay vốn và thế chấp hàng hóa đó để bảo đảm nghĩa vụ của hợp đồng vay. Nếu doanh nghiệp không được cấp tín dụng thì hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nền kinh tế khó có điều kiện để phát triển. Việc lựa chọn các đặc quyền đối với một chủ thể trong quan hệ dân sự cần hết sức cẩn trọng trên cơ sở đánh giá những tác động mà chính sách đó có thể gây ra trên thực tế.

2.2. Trong trường hợp Bộ luật Dân sự vẫn giữ quan điểm là bổ sung các quy định về vật quyền bảo đảm pháp định thì cũng cần giải quyết triệt để và cụ thể các vấn đề có liên quan như: Các trường hợp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt đối với từng loại vật quyền bảo đảm pháp định; các điều kiện để được áp dụng vật quyền bảo đảm pháp định; trường hợp tài sản là đối tượng của vật quyền bảo đảm pháp định không tồn tại thì giải quyết hậu quả pháp lý như thế nào... Một trong những nguyên tắc đặt ra là hạn chế thấp nhất các trường hợp được ưu tiên không thông qua cơ chế đăng ký, vì như vậy mới thực sự tạo được sự bình đẳng giữa các chủ thể có liên quan trong giao lưu dân sự. Pháp luật cần khuyến khích các chủ thể thực hiện đăng ký để bảo vệ lợi ích của chính mình, trong mối quan hệ với các bên nhận bảo đảm khác.

2.3. Một trong các mục tiêu khi xây dựng thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm hạn chế thấp nhất sự can thiệp mang tính hành chính của cơ quan công quyền và các đặc quyền trong giao dịch dân sự. Nói cách khác, pháp luật phải tiếp cận việc đăng ký như là quyền dân sự của mỗi tổ chức, cá nhân, không phải là quan hệ hành chính, nghĩa là việc đăng ký giao dịch bảo đảm hoàn toàn tự nguyện, không mang tính bắt buộc. Trên cơ sở nguyên tắc đó, thủ tục đăng ký đối với tất cả các loại vật quyền bảo đảm phải thực sự dễ dàng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

2.4. Để góp phần giải quyết mối quan hệ giữa các chủ nợ có bảo đảm một cách công bằng, Bộ luật Dân sự cần thống nhất quy định việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo nguyên tắc thông báo và làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba (không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng, giao dịch). Về vấn đề này, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu các nội dung như: nguyên tắc suy đoán; hiệu lực đối kháng; thứ tự ưu tiên giữa các chủ thể có quyền lợi được đăng ký; mối quan hệ giữa thời điểm có hiệu lực của hợp đồng với thời điểm xác lập quyền...

Hồ Quang Huy

                                                                                  


[1] Vật quyền bảo đảm pháp định được hiểu là những vật quyền bảo đảm đương nhiên phát sinh dựa trên quy định của pháp luật, mà không phụ thuộc vào sự thỏa thuận (ý chí) của các bên trong quan hệ bảo đảm.

[2] Theo Giáo sư Kado Kiyoe của Đại học Rikkyo Đặc quyền ưu tiên lấy trước lạm dụng cực độ chế độ bảo đảm vật chất hiện đại.

Xem thêm »