Một số điểm mới về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính

01/12/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 09/10/2014, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BNV quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2014 và thay thế Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính.

Ngoài việc kế thừa những quy định tại Quyết định số 414/TCCP-VC, Thông tư số 11/2014/TT-BNV đã cụ thể hơn các tiêu chuẩn của từng ngạch công chức cũng như mối liên hệ giữa các ngạch công chức. Một số điểm mới của Thông tư số 11/2014/TT-BNV so với Quyết định số 414/TCCP-VC, có thể kể đến như sau:

1. Quy định tiêu chuẩn chung về phẩm chất của các ngạch công chức

Thông tư số 11/2014/TT-BNV đã quy định tiêu chuẩn chung về phẩm chất của tất cả các ngạch công chức. Với quy định này, Bộ Nội vụ đã cụ thể hóa nghĩa vụ của công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của người công chức trước Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân.

2. Quy định mới về thời gian giữ ngạch để thi nâng ngạch công chức

Theo quy định tại Quyết định số 414/TCCP-VC, công chức dự thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính thì phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên là 09 năm, từ ngạch chuyên viên chính lên ngạch chuyên viên cao cấp thì phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên chính là 06 năm. Tuy nhiên, Thông tư số 11/2014/T-BNV đã có những quy định khác hẳn so với Quyết định số 414/TCCP-VC, cụ thể như sau:

Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương từ đủ 5 năm trở lên (60 tháng), trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên chính tối thiểu 2 năm (24 tháng).

Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc ngạch tương đương từ 5 năm (60 tháng) trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 3 năm (36 tháng).

Đi kèm với điều kiện về thời gian tối thiểu giữ ngạch để dự thi nâng ngạch, Thông tư cũng quy định công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp phải có khả năng chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành được nghiệm thu đạt yêu cầu, cụ thể như sau:

- Đối với công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp thì phải là người đã chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành được ít nhất 02 (hai) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành được nghiệm thu đạt yêu cầu hoặc chủ trì xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình chuyên ngành hoặc tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội cấp tỉnh được cấp có thẩm quyền đánh giá đạt yêu cầu.

- Đối với công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính thì phải là người đã chủ trì xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc chủ trì nghiên cứu, xây dựng ít nhất 01 (một) đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu.

Việc rút ngắn thời gian giữ ngạch tối thiểu để được dự thi nâng ngạch cũng như quy định về xây dựng văn bản, đề án, đề tài một mặt vừa mở rộng đối tượng               dự thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, mặt khác vừa đòi hỏi mỗi công chức phải không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng, khả năng định hướng và xây dựng đề tài, đề án liên quan đến lĩnh vực giao phụ trách nhằm phục vụ tốt cho công tác của Bộ, ngành, địa phương.

3. Bãi bỏ ngạch và mã số các ngạch theo quy định tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV 

Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 11/2014/TT-BNV quy định bãi bỏ ngạch và mã số các ngạch tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03/11/2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành danh mục các ngạch công chức và ngạch viên chức, cụ thể như sau:

a) Kỹ thuật viên đánh máy (mã số ngạch 01.005);

b) Nhân viên đánh máy (mã số ngạch 01.006);

c) Nhân viên kỹ thuật (mã số ngạch 01.007);

d) Nhân viên văn thư (mã số ngạch 01.008);

đ) Nhân viên phục vụ (mã số ngạch 01.009);

e) Lái xe cơ quan (mã số ngạch 01.010);

g) Nhân viên bảo vệ (mã số ngạch 01.011).

Đối với công chức hiện đang giữ các ngạch này được chuyển sang ngạch       nhân viên (mã số ngạch 01.005) quy định tại Điều 9 của Thông tư này.

4. Thay đổi tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của một số ngạch công chức

Theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng các ngạch công chức đã có sự thay đổi so với quy định tại Quyết định số 414/TCCP-VC. Ví dụ: đối với ngạch nhân viên phải tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm. Trừ trường hợp lái xe phải có bằng lái được cơ quan có thẩm quyền cấp (so với quy định cũ là tốt nghiệp phổ thông trung học). Về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, Thông tư cũng quy định chi tiết hơn để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Như vậy, sau khi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; xác định vị trí việc làm; tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức hành chính; tiêu chuẩn  chức danh lãnh đạo, quản lý (dự thảo Nghị định Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước do Bộ Nội vụ xây dựng đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định), đã định hướng đưa nền công vụ Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nơi giá trị truyền thống được kế thừa và giá trị tri thức được tôn vinh./.

  Thạc sỹ Nguyễn Việt Anh, Nhà xuất bản Tư pháp

Xem thêm »