Ngày 26/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Thông tư 18/2014/TT-BTTTT Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện.
Theo Thông tư này, những thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện sau phải có giấy phép nhập khẩu: 1. Danh mục thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép nhập khẩu được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này và chỉ áp dụng đối với thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện mà cả mã số HS và mô tả hàng hóa trùng với mã số HS và mô tả hàng hóa thuộc danh mục. 2. Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép nhập khẩu là thiết bị hoàn chỉnh có đặc tính kỹ thuật, mô tả hàng hóa theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật, cấu trúc thiết kế, có thể hoạt động độc lập; không áp dụng đối với các linh kiện hoặc phụ kiện của các thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện này và không bao gồm thiết bị chỉ thu sóng vô tuyến điện.
Các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện của những cơ quan, tổ chức sau được miễn giấy phép nhập khẩu:
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
Đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao;
Các phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí không thường trú ở Việt Nam (có giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Ngoại giao).
Mặc dù được miễn giấy phép nhập khẩu, nhưng khi sử dụng phải được Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định hiện hành.
Thông tư cũng quy định một số trường hợp được miễn giấy phép nhập khẩu đối với điện thoại di động mặt đất, cụ thể: Điện thoại di động mặt đất (không miễn giấy phép nhập khẩu đối với điện thoại di động vệ tinh) ký gửi cùng chuyến hoặc không cùng chuyến của người nhập cảnh hoặc được nhập khẩu theo đường bưu chính, dịch vụ chuyển phát quốc tế để phục vụ cho mục đích cá nhân; điện thoại di động mặt đất tạm xuất, tái nhập để phục vụ mục đích bảo hành, sửa chữa, thay thế với điều kiện còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định các trường hợp cấp lại giấy phép nhập khẩu. theo đó người nhập khẩu đề nghị cấp lại giấy phép nhập khẩu trong các trường hợp: Giấy phép nhập khẩu bị mất, hỏng nhưng vẫn còn thời hạn hiệu lực và lô hàng được cấp giấy phép nhập khẩu chưa được thông quan hoàn toàn; hết thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy; có thay đổi về Giấy chứng nhận hợp quy; có thay đổi nội dung về số lượng thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu; mục đích nhập khẩu; bên bán hàng hóa cho người nhập khẩu tại giấy phép nhập khẩu.
Để tạo điều kiện cho các đối tượng đã được cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện theo Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT ngày 07 tháng 6 năm 2011, Thông tư quy định vẫn được sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực được ghi trên giấy phép.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 01 năm 2015 và thay thế một số quy định của Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT ngày 07 tháng 6 năm 2011./.