Trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến làm ăn sinh sống, công tác, học tập, tham quan, du lịch… tại Việt Nam. Tuy nhiên có một số người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và bị kết án phạt trục xuất.
Qua thực tiễn làm công tác lý lịch tư pháp hiện nay cho thấy nổi lên vấn đề cần được làm rõ là việc chứng nhận nội dung Phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án trục xuất có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp gặp vướng mắc
Theo quy định tại Điều 32 BLHS năm 1999, trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Khi người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam và một thời gian sau họ quay trở lại Việt Nam để xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp thực sự lúng túng vì họ không biết phải chứng nhận nội dung Phiếu lý lịch tư pháp như thế nào.
Hiện nay, Bộ luật hình sự 1999 quy định tại Điều 28 về hệ thống hình phạt, trong đó có trục xuất. Điều này mặc nhiên thừa nhận trục xuất sẽ để lại án tích cho người phạm tội vì họ đã bị Tòa án kết án và phải gánh chịu hình phạt. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 BLHS năm 1999 quy định về đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án đều không có điều khoản nào đề cập đến vấn đề xóa án tích đối với hình phạt trục xuất.
Đối với hệ thống văn bản pháp luật về lý lịch tư pháp, từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật Lý lịch tư pháp 2009 cho đến các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật như: Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, cũng mới chỉ đề cập đến cách thức cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp thực hiện công tác xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích để thực hiện chứng nhận nội dung Phiếu lý lịch tư pháp. Trong khi đó, Bộ luật hình sự 1999 lại không quy định về các điều kiện đương nhiên xóa án tích đối với hình phạt trục xuất nên cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp có muốn thực hiện việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích cho họ cũng không được.
Thực trạng nêu trên cho thấy, nếu cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp thực hiện chứng nhận nội dung Phiếu lý lịch tư pháp cho người bị kết án trục xuất là “không có án tích” thì không có cơ sở vì rõ ràng là người đó đã phải gánh chịu hình phạt trục xuất theo quy định của pháp luật hình sự và chưa được xóa án tích. Nếu cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp thực hiện chứng nhận nội dung Phiếu lý lịch tư pháp là “có án tích” thì thực sự gây khó cho người bị kết án trục xuất vì đã bắt họ mang án tích suốt đời, không tạo điều kiện cho họ làm ăn, sinh sống lương thiện, tái hòa nhập cộng đồng. Như vậy, vô hình chung, cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã đi ngược lại những quan điểm tiến bộ của Luật Lý lịch tư pháp, trong đó nội dung chứng nhận về án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1 có tác dụng rất lớn trong việc giúp người bị kết án sau khi chấp hành xong hình phạt tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời việc chứng nhận nội dung “có án tích” trong Phiếu lý lịch tư pháp đối với người bị kết án trục xuất cũng chưa phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam.
Cần bảo đảm quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, công dân
Người nước ngoài bị kết án trục xuất xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường có mong muốn nhận được văn bản có nội dung chứng nhận về tình trạng án tích của họ trong thời gian cư trú tại Việt Nam. Cho dù có án tích hay không có án tích thì họ vẫn cần cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho họ.
Tuy nhiên, từ những vướng mắc nêu trên, cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp quả thực là không biết chứng nhận nội dung Phiếu lý lịch tư pháp cho họ như thế nào và đương nhiên là dẫn đến tình trạng cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ để xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác lý lịch tư pháp. Cuối cùng, người chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là người yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp vì không biết đến bao giờ họ mới nhận được tờ giấy trong đó có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền về tình trạng án tích của họ.
Nguyên nhân chính của vấn đề trên là do hành lang pháp lý còn chưa đầy đủ, thiếu những quy định cụ thể, rõ ràng điều chỉnh về việc xóa án tích đối với người bị kết án trục xuất dẫn đến cơ quan, tổ chức không hiểu hoặc hiểu không đúng khi áp dụng pháp luật vào thực tiễn đời sống. Nhưng không phải vì những cái không rõ ràng của hệ thống pháp luật mà cơ quan nhà nước lại tước bỏ quyền lợi chính đáng của người dân nói chung và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam nói riêng, đó là bảo đảm quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đúng thời hạn pháp luật quy định. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành về lý lịch tư pháp cũng không thấy điều khoản nào quy định đây là trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền được từ chối yêu cầu cấp Phiếu. Điều này có nghĩa là quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, cá nhân, công dân cần phải được tôn trọng và bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp.
Giải pháp tháo gỡ
Từ các nguyên nhân nêu trên cho thấy, giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp chính là việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, quy định cụ thể vấn đề xóa án tích đối với người bị kết án trục xuất. Tuy nhiên đây là một việc nằm trong tương lai xa vì nó sẽ nằm trong lộ trình sửa đổi Bộ luật hình sự, Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong thời gian chờ đợi sửa Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn phải tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu và thực hiện giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.
Như vậy, cần sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc này cho cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người yêu cầu cấp Phiếu. Thiết nghĩ, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp này trên tinh thần vận dụng, áp dụng pháp luật theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của cá nhân, công dân và nhà nước.
Chúng tôi cho rằng, khi người bị kết án trục xuất được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục cho phép được nhập cảnh vào Việt Nam thì chứng tỏ rằng họ đã không còn nguy hại cho Nhà nước Việt Nam nữa. Do đó, nếu chứng nhận nội dung họ có án tích, tức là bắt họ mang án tích suốt đời là không đúng với nguyên tắc nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Vì xét về mặt bản chất, người bị kết án trục xuất đã chấp hành xong bản án là rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đương nhiên khi đã chấp hành xong bản án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải bảo đảm lợi ích cho cá nhân họ là được tái hòa nhập cộng đồng. Ngay cả đến người phạm tội chịu án tù có thời hạn, tù chung thân còn được pháp luật quy định việc xóa án tích thì không vì lẽ gì người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt trục xuất và không còn nguy hại cho Nhà nước thì lại không được bảo đảm quyền được tái hòa nhập cộng đồng. Trường hợp này, cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp nên chứng nhận nội dung không có án tích cho họ.
Riêng người bị kết án trục xuất mà vẫn chưa thi hành án, tức là vẫn còn đang ở Việt Nam mà đến xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận nội dung có án tích đối với trường hợp này. Điều này cũng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành là vấn đề xóa án tích được xem xét khi đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án.
ThS. Phạm Ngọc Thắng, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia