Giải quyết vướng mắc trong trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hoặc là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự

14/03/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong thực tiễn cấp Phiếu lý lịch tư pháp những năm gần đây, có nhiều trường hợp công dân đến Sở Tư pháp xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hoặc là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự. Vấn đề đặt ra là cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp  phải giải quyết yêu cầu của công dân thuộc các đối tượng  trên như thế nào để bảo đảm thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao mà vẫn không làm ảnh hưởng đến quyền được cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân.

Qua tìm hiểu công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp trên toàn quốc cho thấy có sự không thống nhất về cách giải quyết đối với trường hợp này. Khi nhận được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hoặc là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, một số Sở Tư pháp thực hiện giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân, một số Sở Tư pháp khác thì trả lại hồ sơ, từ chối yêu cầu cấp Phiếu của công dân.

Những nơi từ chối giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì cho rằng, người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hoặc là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự không được cấp Phiếu với nội dung “không có án tích”, vì nếu được cấp Phiếu xác nhận nội dung này sẽ tạo điều kiện cho họ xuất cảnh ra nước ngoài và bỏ trốn, không quay trở về Việt Nam nữa. Khi đó các cơ quan Điều tra, Kiểm sát, Tòa án sẽ quy trách nhiệm cho cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Ngoài ra, một số Sở Tư pháp khi thực hiện chuyển hồ sơ yêu cầu xác minh sang cơ quan công an thì nhận được phản hồi là trường hợp này là “nhạy cảm”, đang nằm trong chuyên án điều tra tội phạm hoặc người đó đang là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự nên đề nghị Sở Tư pháp không cấp Phiếu lý lịch tư pháp để tránh các phức tạp, rắc rối sau này.

Tuy nhiên, một số Sở Tư pháp nhận được sự phối hợp của cơ quan công an trong việc tra cứu, xác minh thì vẫn thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các đối tượng nêu trên vì cho rằng pháp luật về lý lịch tư pháp hiện hành không quy định đây là trường hợp cơ quan có thẩm quyền được từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin làm rõ một số vấn đề về quyền được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân là người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hay đang là bị can, bị cáo của vụ án hình sự. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân.

Về quyền được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hay đang là bị can, bị cáo của vụ án hình sự

Người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm được hiểu là những người có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật hình sự, đang được cơ quan có thẩm quyền theo dõi, giám sát, điều tra. Bị can  trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 49 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 được hiểu là “người đã bị khởi tố về hình sự”. Khái niệm bị cáo được quy định tại Điều 50 Bộ Luật tố tụng hình sự là người “đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử”. Nhìn từ góc độ pháp luật tố tụng hình sự, người đang nằm trong chuyên án điều tra, người là bị can, bị cáo chưa phải là tội phạm vì theo quy định tại Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì họ vẫn là một công dân được hưởng những quyền mà pháp luật quy định, trong đó có quyền được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Pháp luật về lý lịch tư pháp hiện hành quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là “công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình”. Từ quy định nêu trên cho thấy không có quy định nào hạn chế quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp công dân đang là người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hay là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. Đồng thời, pháp luật cũng không yêu cầu hay bắt buộc công dân phải nêu rõ mục đích xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm mục đích gì. Điều này có nghĩa là công dân có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo nhu cầu của họ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngay cả trong trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu đang là bị can, bị cáo bị tạm giam cũng vẫn có thể thực hiện quyền của mình bằng biện pháp ủy quyền cho người khác đến xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho mình theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp.

 Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Điều 49 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp có quyền từ chối cấp Phiếu chỉ gồm 03 trường hợp là: việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp không thuộc thẩm quyền; người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người khác mà không đủ điều kiện theo quy định; giấy tờ kèm theo Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu không đầy đủ hoặc giả mạo. Như vậy, có thể thấy pháp luật không hề có một quy định nào cho phép cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ chối cấp Phiếu đối với trường hợp người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp là đối tượng nằm trong chuyên án điều tra tội phạm hay là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

Đối với một số trường hợp cơ quan công an không trả lời yêu cầu xác minh của Sở Tư pháp hoặc đề nghị Sở Tư pháp không cấp Phiếu lý lịch tư pháp, chúng tôi cho rằng cách giải quyết các hồ sơ mang tính “nhạy cảm” như trên là chưa đúng với quy định của pháp luật, xâm phạm đến các quyền cơ bản của công dân. Việc một số Sở Tư pháp, cơ quan công an cho rằng khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ tạo điều kiện cho đối tượng liên quan đến công tác điều tra tội phạm hay đối tượng là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự xuất cảnh ra nước ngoài và bỏ trốn là chưa hiểu đúng về ý nghĩa, mục đích của Phiếu lý lịch tư pháp. Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp “Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích”. Như vậy, có thể hiểu Phiếu lý lịch tư pháp là văn bản ghi nhận về tình trạng án tích của công dân, tức là công dân đó đã có bản án kết tội của Tòa án hay chưa, Phiếu lý lịch tư pháp không chứng nhận tình trạng công dân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay công dân có liên quan đến công tác điều tra tội phạm. Do đó, việc xuất cảnh của công dân không có liên quan đến cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp và cơ quan phối hợp xác minh cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Pháp luật hiện hành quy định vấn đề này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo quy định tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Một số kiến nghị

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, một trong những nguyên tắc căn bản cần bảo đảm thực hiện là các cơ quan nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ các quyền công dân đã được pháp luật ghi nhận. Như đã nói ở trên, quyền được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân đã được Luật hóa, do đó nó đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải bảo đảm cho công dân được thực hiện quyền được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

Trên cơ sở phân tích về quyền được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân cũng  như việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:

1. Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Sở Tư pháp thực hiện thống nhất công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho đối tượng là người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hoặc là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

2. Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo, quán triệt các cơ quan công an thực hiện công tác phối hợp tra cứu, xác minh phục vụ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo đúng quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

ThS. Phạm Ngọc Thắng, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia

Xem thêm »