Trong điều kiện cơ chế, chính sách đãi ngộ cho người làm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) còn nhiều bất cập như hiện nay, làm gì để thu hút được người vừa có trình độ chuyên môn vừa có tâm huyết về làm việc tại các trung tâm TGPL?
* Đừng để Trung tâm TGPL chỉ là… trạm dừng chân?!
Thành lập vào năm 1997 theo Quyết định 734 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sau khi Luật TGPL ra đời (năm 2006), mạng lưới trung tâm TGPL trong toàn quốc ngày càng được kiện toàn, củng cố và phát triển. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, công tác TGPL ngày càng đạt được nhiều thành tích trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được hưởng TGPL miễn phí theo quy định pháp luật.
Bên cạnh những thành tích, vẫn còn đó nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác TGPL. Thời gian qua, triển khai thực hiện Luật TGPL, hầu hết các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đều được tăng cường biên chế, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công tác. Biên chế tăng lên, đặc biệt là việc mở rộng chi nhánh ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo nên chiếm phần lớn trong đội ngũ cán bộ ở các Trung tâm là người mới. Họ chưa có kinh nghiệm công tác, mối quan hệ với các cơ quan khác gần như là số không. Dù vậy, việc tuyển dụng cán bộ ở những địa phương này rất khó khăn, nhất là rất hiếm trường hợp tuyển được cử nhân chính quy. Có nơi, để tuyển được người, đưa Chi nhánh vào hoạt động, Trung tâm phải “hạ chuẩn” là tuyển người địa phương, có trình độ Trung cấp Luật nhưng đang học tại chức Đại học Luật.
Đặc thù công việc TGPL là phải thường xuyên “lên rừng, xuống biển”, đi cơ sở khảo sát nhu cầu TGPL, thực hiện TGPL lưu động, xây dựng câu lạc bộ TGPL… Bên cạnh đó, dù là đơn vị sự nghiệp công lập thì ngoài công việc chuyên môn về cung cấp dịch vụ công các lĩnh vực pháp lý, Trung tâm còn phải thực hiện các công việc như: thống kê, báo cáo định kỳ tuần, tháng, quý, năm; thực hiện việc góp ý văn bản (Đề án, Thông tư, Kế hoạch…) theo yêu cầu của cấp trên giống như các phòng chuyên môn thuộc Sở. Do đó, yêu cầu của Luật TGPL là các Trợ giúp viên pháp lý, viên chức khác phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt có trình độ tương đương với Luật sư khi tranh tụng tại Tòa án. Đây là một đòi hỏi quá khó, rất ít Trung tâm có thể đáp ứng.
Theo quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chi nhánh của Trung tâm TGPL được thành lập ở những địa bàn khó khăn của tỉnh. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc Trung tâm, không có tư cách pháp nhân, do đó, tuy viên chức làm việc tại Chi nhánh có trụ sở đóng ở địa bàn miền núi (theo quy định được hưởng phụ cấp khu vực) nhưng tiền lương và các chế độ khác lại được hưởng không khác gì so với người làm việc tại văn phòng Trung tâm. Các viên chức của Chi nhánh phải thường xuyên đi đến địa bàn thôn, xã thực hiện hoạt động chuyên môn, về Trung tâm để họp hành, tạm ứng và thanh toán tạm ứng kinh phí tổ chức TGPL lưu động…Ngoài ra, có những người nhà ở thành phố nhưng làm việc tại miền núi, cách nhà 40 - 50km hoặc xa hơn nữa nhưng phải ngày 2 lượt đi – về vì Chi nhánh không có nhà công vụ, chế độ quy định không có hỗ trợ tiền thuê nhà. Công việc có tính đặc thù, vất vả là vậy, nhưng ngoài lương, những người làm công tác TGPL không còn thêm khoản thu nhập nào khác. Điều này đôi lúc đã làm nảy sinh trong họ tâm lý so sánh với bạn bè làm ở ngành nghề khác trong bộ máy cơ quan nhà nước, dẫn đến thái độ làm việc thiếu tích cực, ngại đi cơ sở và khó khăn cho Trung tâm trong công tác bố trí cán bộ làm việc tại các Chi nhánh.
Trung tâm TGPL là đơn vị thuộc Sở, công việc khá vất vả so với các bộ phận khác, nhưng công chức được hưởng phụ cấp công vụ 25% tiền lương, còn viên chức ở Trung tâm (trừ Trợ giúp viên pháp lý) lại không được hưởng phụ cấp công vụ. Trong điều kiện vật giá ngày một leo thang, thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống bản thân, không lo được cho gia đình (đặc biệt là đối với những người mới vào công tác) đã làm cho viên chức có tâm lý không an tâm công tác, xem Trung tâm chỉ là nơi dừng chân, làm việc tạm thời để… chờ cơ hội. Và khi có điều kiện chuyển đổi công tác, họ sẵn sàng ra đi. Vì vậy, những năm gần đây, số viên chức của các Trung tâm TGPL biến động khá lớn. Có thể nói, so với các phòng, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp, nhân sự thuộc Trung tâm TGPL ít ổn định nhất…
* Giải pháp nào để nâng cao chất lượng công tác TGPL?
Qua nhiều lần trao đổi với những người công tác lâu năm ở các Trung tâm, đặc biệt là tại Hội nghị tập huấn văn bản pháp luật mới và góp ý dự thảo văn bản về TGPL do Cục TGPL tổ chức tại TP.Nha Trang vào trung tuần tháng 5 vừa qua, nhiều đại diện các Trung tâm khu vực miền trung và Tây nguyên đã đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng công tác TGPL trong thời gian tới, tập trung vào những vấn đề sau.
Các đại biểu đều nhất trí nhận xét, trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, nhiều địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, việc bố trí biên chế, cơ sở vật chất và kinh phí để mở rộng hoạt động TGPL thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác TGPL của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, do là đơn vị sự nghiệp duy nhất của Sở Tư pháp không có thu (Sở Tư pháp có 3 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm TGPL, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Phòng Công chứng), hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước cấp nên việc làm hết sức cấp thiết và cần sớm triển khai là xây dựng chế độ, chính sách ưu đãi về thu nhập đảm bảo đời sống viên chức Trung tâm, nhất là đối với viên chức đang công tác tại Chi nhánh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của những tỉnh, thành phố không thuộc khu vực miền núi, hải đảo, kết hợp với tạo điều kiện về học tập nâng cao trình độ (cử đi học sau Đại học, học các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn khác) để thu hút nguồn lực cho công tác TGPL.
Tiếp đến, để giải quyết khó khăn trong tuyển dụng viên chức của Trung tâm TGPL, cần có cơ chế thực hiện việc điều động, luân chuyển công chức từ Sở và Phòng Tư pháp hoặc tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức các ngành khác có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, có thâm niên trong nghề về công tác tại Trung tâm. Qua đó, có đủ nhân lực bố trí thực hiện các lĩnh vực chuyên môn, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL, nhất là nâng cao trình độ chuyên môn của Trợ giúp viên pháp lý, viên chức khác.
Một vấn đề khác là để xây dựng được đội ngũ viên chức của Trung tâm, nhất là các Trợ giúp viên pháp lý giỏi về chuyên môn, ngang bằng với các luật sư – đặc biệt là trong hoạt động tranh tụng tại tòa án, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo chuyên đề, có tính chuyên sâu thì Cục TGPL cần xây dựng phương án giảm bớt các công việc mang tính hành chính để viên chức Trung tâm có thời gian đầu tư vào công tác chuyên môn.
Tuy chưa phải toàn diện, đầy đủ nhưng những đề xuất nêu trên nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Theo các đại biểu được thăm dò ý kiến, để có giải pháp mang tính căn cơ thì cần tổ chức điều tra, nghiên cứu một cách bài bản, kỹ lưỡng trên tất cả các phương diện, thực hiện rộng khắp trong toàn quốc. Tuy vậy, trước mắt nếu sớm triển khai áp dụng vào thực tiễn những đề xuất trên sẽ tạo “cú hích”, ngăn chặn được sự biến động nhân sự của các Trung tâm, tạo cho viên chức Trung tâm tâm lý an tâm công tác, gắn bó lâu dài với hoạt động TGPL, đầu tư thời gian, sức lực và trí tuệ vào chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
Đặng Hữu