Xác định tài sản chung, tài sản riêng là quyền sử dụng đất của vợ chồng

12/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đất đai là tài nguyên của quốc gia, con người không thể tạo ra mà chỉ có thể cải tạo nó. Đất đai có ý nghĩa rất lớn cho nhu cầu cuộc sống của mỗi người dân và của cả cộng đồng. Do đó, quyền sử dụng đất trở thành một loại tài sản có giá trị lớn mà ai cũng muốn sở hữu. Đối với những cặp vợ chồng ở nước ta, với ý nghĩ “an cư mới lạc nghiệp”, thì việc để có được mảnh đất xây dựng nhà ở, làm ăn sinh sống là hết sức cần thiết. Việc phân định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng của vợ chồng tưởng chừng không quan trọng, nhưng trong cuộc sống có thể nảy sinh rất nhiều vấn đề cần đến việc xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng để bảo vệ quyền lợi cho vợ, chồng, con cái trong gia đình cũng như người thứ ba có liên quan (như các chủ nợ).

Tuy nhiên, hiện nay, việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung, riêng của vợ chồng cũng gặp không ít khó khăn do đây là loại tài sản đặc thù nên khi xác định là tài sản chung, riêng cũng có điểm riêng biệt phức tạp hơn so với các loại tài sản thông thường khác; quan trọng hơn nữa là quy định của pháp luật hiện hành về xác định tài sản chung, riêng còn dễ gây ra các cách hiểu khác nhau và khó áp dụng. Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được đưa ra một số vấn đề khi xác định tài sản chung, tài sản riêng là quyền sử dụng đất của vợ chồng để cùng xem xét, trao đổi.

1. Căn cứ nguồn hình thành

Về tài sản riêng của vợ, chồng, khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân”.

Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tài sản chung của vợ chồng gồm:

1. Tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân;

2. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân;

3. Những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân: “Những thu thập hợp pháp khác” của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể là tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền trúng thưởng xổ số, mà vợ, chồng có được hoặc tài sản mà vợ chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại các Điều 247, 248, 249, 250, 251 và 252 Bộ luật Dân sự... trong thời kỳ hôn nhân (điểm a khoản 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000);

4. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung;

5. Những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;

6. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn: Sau khi kết hôn, quyền sử dụng đất mà cả vợ và chồng hoặc mỗi bên vợ hoặc chồng được Nhà nước giao, cho thuê là tài sản chung của vợ, chồng (dựa vào Điều 24, Điều 25 Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Nghị định 70)).

Như vậy, về nguyên tắc, tài sản nếu được hình thành từ nguồn quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình thì đó là tài sản riêng, nếu thuộc ít nhất một trong sáu nguồn quy định tại khoản 1 Điều 27 là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khi áp dụng những điều khoản này cũng gặp những vướng mắc nhất định:

Thứ nhất, quyền sử dụng đất được nhận chuyển nhượng từ khoản tiền riêng hay được nhận chuyển đổi bằng tài sản riêng, về bản chất đây phải được xác định là tài sản riêng, nhưng đã có quan điểm cho rằng, dù quyền sử dụng đất được nhận chuyển nhượng, chuyển đổi từ nguồn tài sản riêng hay chung nhưng trong thời kỳ hôn nhân thì đều là tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân và là tài sản chung. Do đó, luật cần quy định, hướng dẫn rõ hơn đối với tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp này.

Thứ hai, có những trường hợp cần xác định đó là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần do Bộ luật Dân sự điều chỉnh nhưng rất dễ nhầm lẫn và cho đó là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất. Ví dụ: Quyền sử dụng đất do vợ, chồng dùng tiền riêng để mua chung trong thời kỳ hôn nhân (vợ có 200 triệu tiền được thừa kế riêng, chồng có 500 triệu được cho riêng, hai người góp tiền mua “đất” với giá 700 triệu); trường hợp khác, chồng cùng sở hữu chung quyền sử dụng đất với người thứ ba từ trước khi kết hôn, nhưng sau khi kết hôn thì chồng sử dụng tiền chung để mua lại quyền sử dụng đất của người thứ ba đó. Chúng tôi cho rằng, những trường hợp này nên xác định là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần phân chia theo quy định của luật dân sự.

Thứ ba, đối với quyền sử dụng đất là tài sản riêng nhưng sau khi kết hôn đã được đưa vào khai thác, sử dụng chung, xây dựng nhà cửa, trồng cây trên mảnh đất đó thì quyền sử dụng đất này có trở thành tài sản chung hay không? Xu hướng thực tế hiện nay là nếu không có văn bản thỏa thuận nhập vào tài sản chung thì quyền sử dụng đất này vẫn là tài sản riêng, nhưng những tài sản trên đất (nhà cửa, cây cối…) là tài sản chung.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, quyền sử dụng đất đã đưa vào khai thác, sử dụng chung trừ trường hợp có văn bản thỏa thuận là tài sản riêng còn lại sẽ là tài sản chung. Quan điểm này xuất phát từ thực tế nhiều trường hợp vợ chồng kết hôn, được gia đình chồng (vợ) tặng cho hay để lại thừa kế quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở, làm ăn sinh sống nhưng chỉ bằng lời nói, nên khi có tranh chấp, mà không có văn bản thỏa thuận nhập vào tài sản chung thì đương nhiên sẽ được xác định đó là tài sản riêng. Đặc biệt trường hợp người phụ nữ sống chung với gia đình chồng, xây dựng nhà ở, canh tác trên mảnh đất đó nhiều năm nhưng vì không có văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung nên quyền sử dụng đất này vẫn là tài sản riêng của chồng, gây ra nhiều thiệt thòi cho người vợ. Vì vậy, quan điểm này cho rằng, nếu nhất thiết phải có văn bản thỏa thuận nhập vào tài sản chung mới được coi là tài sản chung thì rất cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn.

Thứ tư, quyền sử dụng đất được thừa kế, chuyển nhượng, chuyển đổi trước khi kết hôn, nhưng thủ tục chưa hoàn tất, sau khi kết hôn mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đó quyền sử dụng đất là tài sản riêng. Nhưng trên thực tế, nhiều khi quyền sử dụng đất trong trường hợp này đã được xác định là tài sản chung, vì theo Điều 168 Bộ luật Dân sự năm 2005, việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, bên cạnh đó, Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai năm 2003 cũng quy định hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, do đó quyền sử dụng đất này đã được coi là tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân.

Thứ năm, khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình có đoạn ghi: “Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận”. Chúng tôi cho rằng, quy định này chỉ muốn đề cập đến một loại quyền sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê, theo đó, quyền sử dụng đất này có được sau khi kết hôn do Nhà nước giao, cho thuê cho cả hai vợ chồng hoặc cho mỗi bên vợ hoặc chồng là tài sản chung của vợ chồng (Điều 24, 25 Nghị định 70); nếu nó là quyền sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê cho vợ hoặc chồng trước khi kết hôn hoặc được để lại thừa kế riêng cho vợ hoặc chồng thì chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Nhưng quy định về quyền sử dụng đất thành một đoạn riêng như khoản 1 Điều 27 rất dễ gây ra cách hiểu: Tách tài sản là quyền sử dụng đất để quy định riêng vì nó là tài sản đặc biệt, khi đó đối với các loại quyền sử dụng đất (được chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho…) đều áp dụng quy định riêng này, tức là dù quyền sử dụng đất được chuyển nhượng, chuyển đổi bằng tiền riêng hay được tặng cho sau khi kết hôn đều là quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn nên đều là tài sản chung. Và, sẽ có ý kiến thắc mắc tại sao có quyền sử dụng đất là tài sản chung quy định trong Điều 27 mà lại không có quyền sử dụng đất là tài sản riêng quy định trong Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình?

2. Căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo khoản 2 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình và khoản 1 Điều 5 Nghị định 70 thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng phải ghi tên cả vợ và chồng, việc đăng ký tài sản thuộc sở hữu chung được thực hiện kể từ ngày Nghị định 70 có hiệu lực (ngày 18/10/2001). Nên suy ra việc đăng ký quyền sử dụng đất được thực hiện từ ngày 18/10/2001 mà giấy chứng nhận chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ những trường hợp: Đất này là do sau khi kết hôn được Nhà nước cấp, giao, cho thuê cho cả hai vợ chồng hoặc cho mỗi bên vợ hoặc chồng theo quy định tại Điều 24, 25 Nghị định 70 thì quyền sử dụng đất là tài sản chung; hoặc có văn bản thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung; hoặc có chứng cứ khác chứng minh được đó là tài sản chung (tài sản được hình thành từ nguồn tài sản chung). Mặc dù vậy, việc thực hiện ghi tên cả vợ và chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Hôn nhân và Gia đình và Nghị định 70 ở nước ta chưa được thực hiện triệt để nên nếu cứ căn cứ vào giấy chứng nhận ghi tên một người là tài sản riêng sẽ không chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ, chồng hoặc của người khác. Do đó, hướng dẫn của Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP vẫn được áp dụng, theo đó, đối với tài sản đăng ký quyền sở hữu chỉ ghi tên vợ hoặc chồng mà không chứng minh được là tài sản riêng thì đó là tài sản chung của vợ chồng.

Đối với việc đăng ký quyền sử dụng đất trước ngày 18/10/2001 mà giấy chứng nhận chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì áp dụng theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP được xác định là tài sản chung, trừ  trường hợp chứng minh được đó là tài sản riêng (như có nguồn tạo lập từ tài sản riêng hay có văn bản thỏa thuận đó là tài sản riêng).

Đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên của cả hai vợ chồng, thì đó là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, có trường hợp giấy chứng nhận ghi tên hai vợ chồng, nhưng quyền sử dụng đất không phải là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất mà là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần, thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự như trên đã ví dụ.

3. Theo suy đoán

Khoản 3 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung”.

Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay khi mà việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất chưa thể thực hiện đồng bộ, triệt để ghi tên cả hai vợ chồng thì nguyên tắc suy đoán vẫn rất hiệu quả, đặc biệt bảo vệ được quyền lợi của người phụ nữ vốn chỉ quan tâm công việc nội trợ. Khi có tranh chấp, mọi chứng cứ hợp pháp đều được Tòa án chấp thuận kết hợp để xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng.

Bên cạnh mặt tích cực, thực tế cũng cho thấy bất cập của nguyên tắc này. Trong cuộc sống vợ chồng, ít khi họ lại nghĩ đến việc phải tạo lập, lưu giữ chứng cứ chứng minh tài sản riêng để phòng khi có tranh chấp xảy ra, nên để có chứng cứ nhiều khi là rất khó và đương nhiên khi không có chứng cứ thì tài sản đó sẽ là tài sản riêng dù đúng hay không. Bên cạnh đó, đối với chủ nợ của vợ hay chồng họ cần phải xác định tài sản riêng để kê biên đảm bảo thi hành án nhưng làm thế nào để người đó có được chứng cứ chứng minh tài sản riêng của vợ, chồng khi mà cả hai vợ chồng cố ý cho đó là tài sản chung. Vì vậy, trong tương lai, việc quy định ghi tên cả hai vợ chồng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chung vẫn cần được áp dụng và phải thực hiện triệt để, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết, chứng minh của Tòa án, vợ, chồng cũng như những người khác có liên quan.

Ngô Huyền

Xem thêm »