Bộ luật Hammurabi và đôi nét về tư tưởng công lý thời cổ đại

26/09/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Giữa khu vực Tây Á có hai con sông lớn là Tigrơ (Tigris) và Ơphơrat (Euphrates) bắt nguồn từ miền rừng núi Ácmêni chảy xuôi bên nhau rồi cùng đổ ra vịnh Pecxích. Vùng bình nguyên ở hạ và trung lưu giữa hai con sông đó được gọi là Mêdôpôtami (Mesopotamia), tức là “miền đất giữa hai con sông” hay Lưỡng Hà. Theo thuyết “Đại Babilon”, Lưỡng Hà là cái nôi của văn minh nhân loại, nơi đã xuất hiện và phát triển những xã hội tri thức đầu tiên ngay từ khoảng nửa sau thiên niên kỷ IV TCN. Người có công xây dựng Vương triều Babilon thành quốc gia hùng mạnh, thống nhất cả khu vực Lưỡng Hà là vua Hammurabi (1792-1750 TCN). Bằng các biện pháp vũ lực, ngoại giao khôn khéo và kiên quyết, vua Hammurabi đã lần lượt chinh phục các quốc gia lân bang. Vùng đất Lưỡng Hà rộng lớn, thống nhất đó được gọi là Babilon. Thời kỳ tồn tại của Vương quốc Babilon (1894-1595 TCN) là thời kỳ huy hoàng nhất của lịch sử Lưỡng Hà. Thủ đô Babilon trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của phương Đông cổ đại trong nhiều thế kỷ tiếp theo.

Hammurabi là ông vua đầu tiên của Lưỡng Hà chế định một bộ luật thành văn hoàn chỉnh và áp dụng thống nhất cho toàn khu vực Lưỡng Hà với tên gọi Bộ luật Hammurabi. Bộ luật ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1792 đến năm 1750 TCN, với 282 điều khoản về hình sự, quyền thừa kế tài sản, nô lệ, lĩnh canh ruộng đất…. Đây được coi là Bộ luật thành văn cổ xưa nhất của nhân loại. Cấu trúc của bộ luật được chia thành ba phần rõ rệt: Phần mở đầu, Phần Nội dung bộ luật và Phần kết luận. Phần mở đầu và phần kết luận là một đoạn văn được viết dưới dạng “ văn vần nửa thơ” với nội dung ngợi ca vai trò, sự thông thái và công bằng của vua Hammurabi trong việc duy trì ổn định, thịnh vượng chung của quốc gia.    

Có thể nói, Bộ luật Hammurabi là văn bản viết thời cổ đại đề cập khá rõ nét các tư tưởng, niềm tin, nhu cầu và khát vọng về công lý của con người thời cổ đại. Phần trên bia luật Hammurabi có chạm hình của vua Hammurabi đang đứng trang nghiêm trước thần Mặt trời, ánh sáng và xét xử (Samat). Thiết lập công lý, bảo vệ công lý, đề cao hạnh phúc, chính nghĩa và công bằng là tư tưởng xuyên suốt trong toàn bộ bộ luật. Cụm từ “công lý” (mi-sa-ra-am) được sử dụng xuyên suốt Phần mở đầu và phần kết luận của bộ luật. Công lý như ánh sáng mặt trời cần phải “soi đến dân đen, tỏ ánh sáng khắp mặt đất”.

Ngay tại Phần mở đầu của Bộ luật, vua Hammurabi khẳng định sứ mệnh và mục tiêu của mình trong việc cai quản đất nước, đồng thời khẳng định quyền  của người dân được sống trong một chế độ công bằng, có trật tự:“Khi thần Mácđúc (Thần bảo hộ Balilon-Sau khi Babilon thành kinh đô, thần Mácđúc thành vua của các thần) ra lệnh cho trẫm thống trị muôn dân và làm cho nước nhà được hưởng hạnh phúc, trẫm làm cho công bằng và chính nghĩa tỏa khắp đất nước và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân từ nay về sau”. Tại Phần Kết luận của Bộ luật, một lần nữa vua Hammurabi tiếp tục nhấn mạnh đến những giá trị chân chính của bộ luật, một bộ luật dựa trên một nền tảng công lý chân chính: “Đây là pháp luật công lý (law of justice) do vua Hammurabi bách thắng đặt ra để đem lại hạnh phúc chân chính và đặt nền thống trị nhân từ”.

Bộ luật Hamurabi xác định ý nghĩa, mục tiêu của công lý được đặt ra là “vì hạnh phúc loài người”. Bộ luật khẳng định việc thiết lập công lý là để “phát huy chính nghĩa ở đời, diệt trừ những kẻ gian ác không tuân theo pháp luật, làm cho kẻ mạnh không hà hiếp người yếu”. Công lý được định ra để “đình chỉ phân tranh làm cho đất nước được hưởng thái bình, nơi ăn chốn ở của nhân dân được che chở, không có gì phải lo âu sợ hãi”. Công lý được đặt ra “để cho người mạnh không hà hiếp kẻ yếu, để cho người cô quả có nơi nương tựa, để cho toà án trong nước tiện việc xét xử, để cho sự tuyên án trong nước tiện việc quyết định, để cho những kẻ thiệt thòi được trình bày chính nghĩa”. Như vậy, mục tiêu cơ bản của công lý là ngăn chặn kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu mà hàm ý là sự đe doạ đáp lại mạnh mẽ đối với những người tận dụng sự yếu thế của người khác. Công bằng xã hội là bảo vệ người yếu thế trước những đối xử không công bằng như về địa vị pháp lý, quyền tài sản và các điều kiện kinh tế khác.

Với niềm tin tuyệt đối vào công lý, vua Hammurabi khẳng định: “Trẫm khắc những lời vàng ngọc của trẫm lên cột đá của trẫm trước bức tượng của trẫm cũng tức là bức tượng của một vị vua của công lý (king of justice)”“Nếu có người dân tự do nào đi kiện mà bị thiệt thòi thì đến trước bức tượng của trẫm tức là đến trước bức tượng của vị vua công lý đọc cái cột đá  mà trẫm đã khắc chữ, lắng nghe những lời vàng ngọc của trẫm, để cột đá của trẫm làm rõ vụ án cho người đó để người đó được xét xử một cách công bằng”.

Tuy nhiên, nguyên tắc công lý với cách hiểu là áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra cũng được áp dụng một cách triệt để, tàn khốc và cứng nhắc một cách cực đoan tại bộ luật. Nguyên tắc hình phạt ngang bằng (Talion) này bắt nguồn từ tập quán trả thù nguyên thủy, cho phép người trong thân tộc người bị hại đi truy tìm và trả thù kẻ làm hại người trong dòng tộc họ. Will Durant trong cuốn “Nguồn gốc văn minh” đã đưa ra một ví dụ sinh động về cách phạt vạ khá cẩn thận, tỉ mỉ của người Abysinie trong giai đoạn này như sau: “Nếu một đứa nhỏ trên cây té xuống đúng vào một đứa bạn của nó, làm cho đứa này chết thì mẹ của đứa chết có quyền sai một đứa khác leo lên cây rồi buông tay cho rớt xuống đúng đầu đứa phạm tội”. Trong bộ luật Hammurabi, Điều 196 Bộ luật quy định Kẻ nào làm hỏng mắt của người dân tự do, kẻ đó sẽ bị người ta chọc mù mắt. Điều 197 Bộ luật quy định Kẻ nào đánh gãy tay của một người tự do, người ta sẽ đánh gãy tay của hắn. Điều 230 Bộ luật quy định người thợ xây xây nhà không cẩn thận làm đổ nhà chết con chủ nhà thì phải giết con người thợ xây…

Có thể nói, công lý đã luôn được coi là vấn đề cốt tử trong tâm thức của các nhà làm luật từ thời cổ đại. Tuy nhiên, công lý trong giai đoạn xã hội sơ khai được thể hiện khá rõ nét bằng sự trả thù cá nhân, bằng luật báo thù, dĩ oán báo oán. Ngày nay, những cụm từ “luật Talion” hay nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” đã trở thành những thuật ngữ phổ biến để ám chỉ đến một nền công lý nguyên thủy thời cổ đại: Công lý báo thù.                                  

Nguyễn Xuân Tùng

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Anh Tuấn: Khảo lược Bộ luật Hammurabi của Nhà nước lưỡng hà cổ đại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2008.

2. Vũ Dương Ninh (Chủ biên): Lịch sử văn minh thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục.

3. Will Durant: Nguồn gốc văn minh (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), Nhà Xuất bản văn hoá thông tin, năm 2006.

4.http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%99_lu%E1%BA%ADt_Hammurabi.

Xem thêm »