Quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

08/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2015 quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 

Đối tượng áp dụng theo Nghị định là Cơ quan hải quan, công chức hải quan; Cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

Theo Nghị định, phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa là các khu vực có ranh giới xác định tại một cửa khẩu được mở trên tuyến đường bộ, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới đất liền được quy định tại Nghị định này.

Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế trong nội địa bao gồm: Khu vực nhà ga sử dụng cho các chuyến tàu liên vận quốc tế đi, đến; nơi hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; sân ga, khu vực kho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Bến bãi và các khu vực sử dụng cho các chuyến tàu hỏa liên vận quốc tế đi, đến và thực hiện các dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Những khu vực có các chuyến tàu hỏa liên vận quốc tế chưa làm thủ tục hải quan, đang chịu sự giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan.

Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu cảng hàng không có vận chuyển quốc tế là ranh giới cụ thể của cảng hàng không được quy định trong quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bao gồm: Khu vực nhà ga hành khách, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Khu vực cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế; Khu vực xếp dỡ, chuyển tải, khu vực kho bãi chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển qua đường hàng không; kho lưu giữ hàng hóa, hành lý ký gửi, kho lưu giữ hàng hóa, hành lý thất lạc của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; Khu vực sân đỗ tàu bay; Khu vực chứa và cấp nhiên liệu; khu vực thiết bị phục vụ mặt đất, khu vực sửa chữa, bảo dưỡng máy bay và Đường công vụ.

Nghị định quy định nguyên tắc phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới như sau: Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được thực hiện theo nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, hiệp đồng hỗ trợ lẫn nhau theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp bảo đảm từng lĩnh vực chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chủ trì thực hiện, tránh sơ hở, chồng chéo, đồng thời không cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước khác. Trong quá trình phối hợp nếu có vướng mắc thì các cơ quan nhà nước liên quan trực tiếp trao đổi, giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật; nếu không thống nhất được thì báo cáo cấp trên trực tiếp của mỗi cơ quan để có biện pháp giải quyết. Trường hợp lãnh đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan không thống nhất được thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành của cơ quan hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới: Thông tin về tình hình vi phạm, hàng hóa vi phạm; phương thức, thủ đoạn vi phạm mới liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Thông tin về tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa buôn lậu trên thị trường nội địa; Thông tin về đường dây, ổ nhóm, các tuyến đường, địa bàn trọng điểm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Thông tin về hàng hóa, đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Thông tin về vụ việc vi phạm đã bắt giữ, xử lý gồm: Tổ chức, cá nhân vi phạm; tên, chủng loại, xuất xứ hàng hóa vi phạm; cửa khẩu, khu vực biên giới hàng hóa được đưa vào nội địa, tuyến đường vận chuyển trong nội địa; phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu. Trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm, theo đề nghị của cơ quan hải quan thì cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp lực lượng, hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện khám người, phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm; Phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong việc lấy lời khai, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, xác lập chuyên án; Phối hợp trong việc xử lý các vụ việc vi phạm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 02 năm 2015. Nghị định này thay thế Nghị định số 107/2002/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

Xem thêm »