Đây là vấn đề đã được quy định rõ trong Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhưng thực tế lại có những cách hiểu, cách vận dụng khác nhau.
Là đơn vị phụ thuộc…
Những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện Chiến l
ược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ở các địa phương, bên cạnh việc thành lập, kiện toàn tổ chức các Phòng chuyên môn của Trung tâm là sự phát triển các Chi nhánh ở những nơi xa trung tâm, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Khoản 2 Điều 16 Luật TGPL quy định "Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh." Cũng theo khoản này, Chi nhánh chỉ có chức danh lãnh đạo là Trưởng Chi nhánh, không có chức danh Phó Trưởng Chi nhánh.
Tại điều 11 của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL cũng khẳng định: Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm, chịu sự quản lý của Trung tâm. Nghị định này cũng quy định, Trung tâm chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh. Nghĩa là, Trung tâm chịu trách nhiệm toàn diện về tất cả mọi hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các hình thức TGPL khác như giúp đỡ người được TGPL hòa giải, thực hiện các thủ tục hành chính, khiếu nại, hoạt động truyền thông trong hoạt động TGPL, tập huấn bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức pháp luật... do Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Chi nhánh thực hiện.
...Hay đơn vị trực thuộc?
Chi nhánh được xem là "cánh tay" nối dài của Trung tâm tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của địa phương. Việc thành lập Chi nhánh nhằm kịp thời giải đáp vướng mắc pháp luật cho đối tượng được TGPL nói riêng, các tầng lớp nhân dân ở cơ sở nói chung; qua đó giúp họ không phải tốn kém tiền bạc, thời gian để tìm đến Trung tâm nhờ trợ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật của mình.
Tổ chức được thành lập bắt buộc phải có người lãnh đạo. Do cán bộ của Chi nhánh đa số là người trẻ, mới vào ngành, chưa đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh Trưởng Chi nhánh, nên có địa phương vận dụng bổ nhiệm chức danh Phó Trưởng Chi nhánh cho người chưa đủ tiêu chuẩn (chưa là Trợ giúp viên pháp lý) để lãnh đạo hoạt động của Chi nhánh. Trong Quyết định bổ nhiệm Trưởng Chi nhánh hoặc Phó Trưởng Chi nhánh ghi rõ phụ cấp chức vụ mà người được bổ nhiệm được hưởng tương đương/bằng với những chức danh Trưởng/Phó Trưởng phòng thuộc Trung tâm. Căn cứ để áp dụng phụ cấp chức vụ của Trưởng Chi nhánh hoặc Phó Trưởng Chi nhánh là Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02) ngày 11/02/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ Hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp.
Theo quy định Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BTP-BNV ngày 07-11-2008 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm TGPL nhà nước, Trung tâm có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ như Phòng Hành chính – Tổng hợp, Phòng Nghiệp vụ và các Chi nhánh.
Tại Điều 7 của Thông tư liên tịch số 02 thì chức danh lãnh đạo của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp gồm có: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp; Cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp; Người đứng đầu tổ chức trực thuộc đơn vị sự nghiệp; Cấp phó của người đứng đầu tổ chức trực thuộc đơn vị sự nghiệp. Như vậy, đối chiếu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02 thì các chức danh lãnh đạo được hưởng phụ cấp của Trung tâm gồm có: Giám đốc, các Phó Giám đốc, Trưởng phòng và các Phó Trưởng phòng. Vì Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc Trung tâm, không được quy định trong Thông tư liên tịch số 02 nên Trưởng Chi nhánh là chức danh không được hưởng phụ cấp chức vụ.
Có thể nói, việc các địa phương bổ nhiệm Phó Trưởng Chi nhánh hay vận dụng Thông tư liên tịch số 02 để quy định phụ cấp chức vụ cho Trưởng Chi nhánh hoặc Phó Trưởng Chi nhánh như trên thực tế đã và đang diễn ra là việc làm vừa mang tính giải pháp tình thế, lại vừa có tính sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công việc. Nhưng, qua đó vô tình thừa nhận Chi nhánh là đơn vị trực thuộc Trung tâm!
Thiết nghĩ, Cục TGPL cần sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương hiểu đúng và áp dụng thống nhất những quy định của pháp luật về TGPL trước khi cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 02.
Đ.H