Những vấn đề cần trao đổi thêm về chế định mang thai hộ

09/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Cho phép mang thai hộ là một quy định hoàn toàn mới trong dự thảo Luật hôn nhân và đình sửa đổi. Mặc dù đây không phải là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam bởi việc mang thai hộ vẫn diễn ra trong đời sống thực tế và là nguyện vọng chính đáng của những cặp vợ chồng chưa có con mà người vợ không có khả năng mang thai và sinh con. Chế định này nhận được sự quan tâm của xã hội bởi sự thay đổi chính sách từ việc nghiêm cấm hoàn toàn đến cho phép mang thai hộ. Sự thay đổi này thể hiện một bước tiến trong công tác xây dựng pháp luật là xây dựng chính sách gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, do lần đầu tiên được cụ thể hóa thành luật những vấn đề về mang thai hộ như điều kiện mang thai, quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai, bên mang thai và con … cần phải được nhìn nhận, trao đổi cụ thể và toàn diện hơn. Với mong muốn chính sách được ban hành hoàn thiện và có tính khả thi, người viết xin góp ý một số nội dung sau:

1.  Về yêu cầu, điều kiện mang thai hộ

a) Dự thảo Luật quy định điều kiện đầu tiên để một cặp vợ chồng có quyền nhờ mang thai hộ là có xác nhận của tổ chức y tế về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Quy định này có thể được hiểu rằng vợ chồng chỉ được nhờ mang thai hộ nếu đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhưng không có kết quả. Nếu nhằm hạn chế tối đa việc mang thai hộ vì những hệ lụy mà nó mang lại thì quy định này sẽ đạt được mục đích, tuy nhiên nếu để nhằm mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng vô sinh thực hiện khát vọng, nhu cầu làm cha mẹ, thì quy định này mới chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế khá giả. Bởi vì, theo hiểu biết của người viết thì hiện nay ở Việt Nam có hai kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phổ biến là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm, chi phí trung bình cho mỗi lần thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là khoảng 50-60 triệu đồng (thậm chí cao hơn). Như vậy, sau khi đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn để thực hiện thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm không thành, họ phải bỏ ra một khoản chi phí tương đương và thậm chi cao hơn để sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhằm thực hiện việc mang thai hộ. Như vậy, quy định này vô hình chung chỉ mới hỗ trợ cho người giàu, còn với người nghèo lại rất khó khả thi. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc thêm để bỏ điều kiện “ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản” để tránh hiểu lầm khi áp dụng pháp luật.

b) Dự thảo Luật quy định người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Việc quy định này là nhằm phòng ngừa khả năng mua bán trẻ em, đẻ thuê hoặc vì lý do tình cảm gần gũi giữa người mang thai hộ và con. Tuy nhiên, việc hạn chế này nên cân nhắc thêm vì lý do sau:

Nếu xảy ra trường hợp cả hai vợ chồng nhờ mang thai hộ không có người thân thích hoặc người thân thích không đủ điều kiện như quy định hoặc người thân thích không đồng ý mang thai hộ thì vợ chồng này hầu như khó có cơ hội để có được người con mang huyết thống của mình như nguyện vọng. Vì vậy, để có sự hài hòa trong quản lý nhà nước về tình trạng thương mại hóa mang thai hộ hoặc mua bán trẻ em có thể xảy ra nếu mở rộng người được nhờ mang thai hộ và khao khát chính đáng của những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định theo hướng: ưu tiên những người là quan hệ thân thích, trong trường hợp bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ không có người thân thích thì có thể nhờ người khác mang thai hộ nếu có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp này, dự thảo Luật có thể bổ sung thêm điều kiện người được nhờ mang thai hộ phải có địa chỉ thường trú, tạm trú rõ ràng để dễ dàng cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát vấn đề.

c) Người viết thấy rằng, các điều kiện mang thai hộ quy định tại dự thảo Luật chỉ mới dừng lại ở việc quy định điều kiện cần thiết để thực hiện được việc mang thai mà chưa đề cao tính chịu trách nhiệm của các bên đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình và chưa bảo vệ quyền lợi tuyệt đối cho con từ khi là một thai nhi cho đến khi được sinh ra. Do vậy, nên bổ sung thêm điều kiện mang thai hộ đó là: các bên chỉ đủ điều kiện để thực hiện việc mang thai hộ nếu có sự cam kết về việc thực hiện các nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lý nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng thai nhi và các cam kết về việc giao, nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc bé trong mọi trường hợp kể từ khi bé được sinh ra.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng nên cân nhắc bổ sung quy định điều kiện của người được nhờ mang thai hộ đó là: phải được tiêm các loại vắcxin quan trọng có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi và sức khỏe của người mang thai trước khi quyết định mang thai. Việc cân nhắc này là cần thiết bởi vì trên thực tế những rủi ro trong thời kỳ mang thai cho mẹ và bé là rất phổ biến, không những ảnh hưởng trực tiếp đến họ mà còn để lại gánh nặng cho xã hội nếu sinh ra những em bé bị dị tật. Trong lúc đó, hiện tại có một số loại vắc xin được khuyến cáo nên tiêm trước khi quyết định mang thai 03 tháng để hạn chế rủi ro. Do vậy, nếu chỉ quy định đã được tư vấn về y tế như dự thảo Luật thì không bảo đảm cho những lo ngại trên.

2. Quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ

Người viết thấy rằng, vấn đề sức khỏe của người mang thai và thai nhi trong trường hợp mang thai hộ rất khác với trường hợp mang thai tự nhiên vì phải có sự hỗ trợ của kỹ thuật nên việc chăm sóc sức khỏe cho họ cũng cần phải được quan tâm hơn. Do vậy nếu chỉ quy định người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản….như dự thảo Luật là chưa đảm bảo sức khỏe cho người mang thai và thai nhi. Dự thảo Luật cần phải có những quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ trong vấn đề này, cụ thể: (1) người mang thai hộ có quyền được chăm sóc và kiểm tra sức khỏe trong quá trình mang thai theo tư vấn của bác sỹ và được chi trả các chi phí liên quan đến vấn vấn đề này. (2) người mang thai hộ có nghĩa vụ phải quan tâm, chăm sóc sức khỏe của thai nhi và thông báo về tình hình sức khỏe của mình và thai nhi cho người nhờ mang thai hộ. Việc bổ sung những quy định này cần được cân nhắc bởi vì sự phát triển bình thường của thai nhi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chế độ dinh dưỡng, sự quan tâm, tình cảm và tình trạng sức khỏe của người mang thai. Trong lúc đó, người chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cuối cùng với đứa trẻ lại là người nhờ mang thai hộ, do vậy họ nên có quyền được biết những thông tin về sức khỏe của cả hai để cùng nhau chăm sóc, đảm bảo sinh ra em bé khỏe mạnh, bình thường.

3. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ

a) Dự thảo Luật quy định: Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế bởi vì khi bé còn nằm trong bụng thì sự phát triển của bé hoàn toàn phụ thuộc vào người mang thai. Tuy nhiên, có một ngoại lệ là nếu thai nhi được xác định mang bệnh hiểm nghèo như khuyết tật tim bẩm sinh, bị mắc hội chứng down hoặc những dị tật bẩm sinh khác thường được bác sỹ tư vấn nên cân nhắc để chấm dứt thai kỳ. Trong trường hợp thông thường sẽ do bố mẹ là người quyết định cuối cùng, tuy nhiên đối với trường hợp mang thai, hộ dự thảo Luật chỉ cho phép người mang thai có quyền quyết định tiếp tục hay không tiếp tục mang thai. Trong lúc đó, người có nghĩa vụ cuối cùng trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng em bé kể từ thời điểm được sinh ra lại là người nhờ mang thai hộ. Nếu xảy ra trường hợp người mang thai được bác sỹ khuyên nên cân nhắc để chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, do trong quá trình mang thai, hai bên có sự mâu thuẫn trầm trọng trong việc thực hiện các thỏa thuận, người mang thai không thông báo lại cho người nhờ mang thai và quyết định giữ thai để trả thù. Vì theo quy định của dự thảo Luật chỉ có người mang thai mới có quyền quyết định chấm dứt thai kỳ, bên nhờ mang thai không được từ chối nhận con và họ chỉ có quyền và nghĩa vụ với con kể từ thời điểm con được sinh ra, do vậy họ không có quyền can thiệp trong trường hợp này. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật sẽ có khả năng dẫn đến thực tế là sinh ra những đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo, dị tật nặng khó có cơ hội sống sót hoặc sẽ sống đời sống thực vật….điều này không những là nỗi đau của các bé mà còn là nỗi đau, gánh nặng cho người nhờ mang thai và cho toàn xã hội. Do vậy, theo người viết nên cân nhắc nghiên cứu và bổ sung quy định người nhờ mang thai hộ có quyền được biết các thông tin liên quan đến sức khỏe của thai nhi và có quyền cùng bàn bạc, quyết định về việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

b) Về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, dự thảo Luật quy định trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không nhận con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Người viết cho rằng quy định này còn quá lỏng lẻo và khó đảm bảo tính khả thi, bởi vì trên thực tế việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đẻ chung của những ông bố bà mẹ trong các vụ án ly hôn đã rất khó thực hiện, hơn nữa đây là trường hợp nhờ mang thai hộ mà họ lại từ chối nhận con. Do vậy, để quy định có thể thực hiện một cách hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho con, dự thảo Luật nên quy định chặt chẽ hơn, bổ sung thêm những cam kết của người nhờ mang thai hộ đối với nghĩa vụ nhận con, nuôi dưỡng, chăm sóc, cấp dưỡng cho con nhằm phòng ngừa tình trạng trốn tránh nghĩa vụ như đang xảy ra trong thực tế mà pháp luật hiện hành chưa có biện pháp hữu hiệu để thi hành.

4. Giải quyết tranh chấp liên quan đến mang thai hộ

a) Dự thảo Luật quy định: trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không còn mà bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho đứa trẻ theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo người viết, quy định này mâu thuẫn với quy định “Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan” của dự thảo Luật và với Điều 61, Điều 63 Bộ luật Dân sự. Bởi vì, theo dự thảo Luật giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình nhờ mang thai hộ có mối quan hệ như quan hệ huyết thống, họ có các quyền và nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhau…Trong lúc đó, Điều 61 Bộ luật Dân sự quy định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ được xác định như sau:

“-  Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

-  Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ”.

Điều 63 Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp người chưa thành niên không có người giám hộ đương nhiên thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Như vậy, căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự với quy định của dự thảo Luật về mối quan hệ của con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ thì người giám hộ đương nhiên cho con trong trường hợp mang thai hộ mà bên nhờ mang thai hộ không còn phải là ông, bà nội ngoại, cô bác…và Tòa án chỉ thực hiện việc chỉ định người giám hộ nếu không có người giám hộ đương nhiên.

b) Ngoài ra, người viết cho rằng dự thảo Luật chưa xác định chính xác người ưu tiên được quyền nhận nuôi con trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không còn. Theo người viết, nếu không xác định cụ thể về vấn đề này sẽ dẫn ra tranh chấp về quyền nuôi con giữa người mang thai hộ với các thành viên khác trong gia đình bên nhờ mang thai hộ nếu bên nhờ mang thai hộ không còn. Để tránh những tranh chấp có thể xảy ra và để bảo vệ quyền lợi cho con, dự thảo Luật nên cân nhắc bổ sung quy định: Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không còn thì bên mang thai hộ có quyền được nhận nuôi con. Nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi con thì những thành viên khác trong gia đình của bên nhờ mang thai hộ có quyền được nhận nuôi con. Nếu những thành viên khác trong gia đình của bên nhờ mang thai hộ không nhận nuôi con thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho con.

Trần Thị Túy

Xem thêm »