Vừa qua, Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo đó, căn cứ năng lực tài chính của Công ty Quản lý tài sản, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo phương thức quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 53/2013/NĐ-CP đối với các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8, Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu; Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
Nghị định số 34/2015/NĐ-CP cũng quy định: vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản là 2.000 tỷ đồng Việt Nam. Việc điều hành vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước sau khi có thỏa thuận với Bộ Tài chính.
Đối với quyền của Công ty Quản lý tài sản, thay vì quy định Công ty Quản lý tài sản được hưởng một tỷ lệ trên số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sau khi thống nhất với Bộ Tài chính như Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, thì Nghị định số 34/2015/NĐ-CP quy định như sau: Được hưởng một số tiền theo một tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính trên số tiền thu hồi của khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản thu mua bằng trái phiếu đặc biệt trừ đi số tiền tương ứng Công ty Quản lý tài sản đã thu theo quy định tại Điểm 1, Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.
Cũng theo Nghị định này, Công ty Quản lý tài sản được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Việc phát hành trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản không phải áp dụng quy định về nguyên tắc, điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và không áp dụng quy định về nguyên tắc huy động vốn theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty Quản lý tài sản được phát hành trái phiếu theo các phương thức: Đấu thầu phát hành; Bảo lãnh phát hành; Đại lý phát hành và bán trực tiếp. Trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản do tổ chức tín dụng nắm giữ được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể việc phát hành trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản.
Ngoài ra, theo Nghị định số 34/2015/NĐ-CP, Công ty Quản lý tài sản còn có các quyền sau: Được thu một số tiền theo một tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tính trên số dư còn lại cuối kỳ của khoản nợ mà Công ty Quản lý tài sản đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Số tiền tổ chức tín dụng trả cho Công ty Quản lý tài sản theo quy định này được hạch toán vào chi phí của tổ chức tín dụng; Được kế thừa quyèn và nghĩa vụ chủ nợ của tổ chức tín dụng bán nợ, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ tố tụng trong việc khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm tại Toà án; kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của tổ chức tín dụng bán nợ trong quá trình thi hành án; Công ty Quản lý tài sản không phải đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm trong hợp động bảo đảm đã đăng ký khi mua lại khoản nợ xấu từ tổ chức tín dụng bán nợ và tổ chức tín dụng bán nợ không phải đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm khi mua lại hoặc nhận lại khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2015.