Xung quanh vấn đề: bé Ngân có phải là người được trợ giúp pháp lý – bàn về “người được trợ giúp pháp lý” theo Thông tư số 11/2014/TT-BTP

09/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong thời gian gần đây, Bình Dương đã xảy ra một vụ việc thương tâm, đó là cha dượng và mẹ ruột đánh đập con tàn nhẫn dẫn đến cháu bé bị thương tích, nhập viện trong tình trạng não bị chấn thương. Cháu bé đó chính là cháu Trần Thị Kim Ngân, cư trú tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Kể từ ngày nằm viện đến nay, có rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà và quyên góp tiền cho cháu. Bên cạnh việc hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần thì việc tư vấn pháp luật; hướng dẫn thu thập chứng cứ chứng minh thiệt hại về mặt sức khỏe, tinh thần của cháu Ngân và người chăm sóc; thậm chí tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cháu và người đại diện là rất cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bé Ngân có thuộc diện được  được TGPL theo quy định của pháp luật hay không?

Theo quy định tại Điều 10 Luật TGPL thì người được TGPL là: Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL và tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL thì người được TGPL còn bao gồm: người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa; nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người; các đối tượng khác được TGPL theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Điều 12 Thông tư số 11/2014/TT-BTP quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL (thay thế Thông tư số 07/2011/TT-BTP ngày 31/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động TGPL) đề cập đến người được TGPL là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng mới chỉ đề cập đến các biện pháp hỗ trợ cho người được TGPL trong trường hợp họ là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục (Công văn số 365/CTGPL-QLCL về việc xác định người được TGPL theo quy định của Thông tư 11/2014/TT-BTP). Do vậy, cháu Ngân không thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật TGPL hiện hành.

Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, từ việc chăm sóc, giáo dục về thể chất và tinh thần đến việc bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm và tính mạng của các em như: Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, và để tăng cường hiệu quả công tác TGPL cho trẻ em, ngày 20/5/2011, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2910/BTP-TGPL gửi UBND tỉnh/thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan bảo đảm mọi trường hợp trẻ em có vướng mắc pháp luật (bị vi phạm quyền trẻ em, bị xâm hại tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị bạo hành…) đều được tiếp cận và được TGPL với hình thức phù hợp, bảo đảm chất lượng tốt nhất; bảo đảm cho mọi trẻ em, người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại đều được tiếp cận và được bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp ngay từ thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án hình sự hoặc giai đoạn khởi kiện trong vụ án dân sự, vụ án hành chính. Những chủ trương, quan điểm chỉ đạo trên đã cơ bản tạo ra cơ sở pháp lý để các tổ chức thực hiện TGPL tiếp nhận và thực hiện TGPL cho trẻ em nói chung, cũng như trường hợp cụ thể của cháu Ngân.

Thiết nghĩ, hiện nay tình trạng bạo hành trẻ em đang là một vấn đề gây bức xúc trong dư luận với tính chất và thủ đoạn ngày nghiêm trọng cho thấy nhu cầu trợ giúp pháp lý của trẻ em, nhất là trẻ em bị bạo hành gia đình ngày một tăng cao, nhiều trẻ em bị bạo hành gia đình có hoàn cảnh đáng thương chưa được tiếp cận với chính sách TGPL miễn phí của nhà nước do không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về TGPL. Điều này cho thấy việc TGPL cho nạn nhân của bạo lực gia đình đã trở thành yêu cầu cấp bách để bảo vệ quyền lợi của cá nhân và sự ổn định của gia đình, xã hội. Do vậy trong thời gian tới cần có hướng sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về TGPL theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể hơn về người được TGPL, bổ sung  nạn nhân bạo lực gia đình là người được TGPL.

                                     Nguyễn Thanh Phúc

                       Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương

Xem thêm »