Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BXD hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
Theo đó, đối tượng áp dụng giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phải tuân thủ theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
Các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung được quy định tại Thông tư như sau: Xử lý nước thải phi tập trung tại chỗ thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước riêng lẻ với tổng lượng nước thải dưới 50m3/ngày.đêm, thiết bị/trạm xử lý nước thải được đặt ngay tại khuôn viên của hộ thoát nước; Xử lý nước thải phi tập trung theo cụm thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước ở gần nhau với tổng lượng nước thải từ 50 m3/ngày.đêm đến 200 m3/ngày.đêm. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, trạm xử lý nước thải có thể được đặt tại khuôn viên của một hộ thoát nước hoặc ở một vị trí riêng biệt, thuận lợi để thu gom nước thải từ các hộ thoát nước; Xử lý nước thải phi tập trung theo khu vực thường được áp dụng trong một địa giới hành chính nhất định với tổng lượng nước thải từ 200 m3/ngày.đêm đến 1000 m3/ngày.đêm, vị trí của trạm/nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch thoát nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tiêu chí lựa chọn công nghệ để xử lý nước thải phi tập trung: Quy mô công suất trạm/nhà máy xử lý nước thải; Thành phần và tính chất nước thải phát sinh, mức độ ô nhiễm, sức chịu tải nguồn tiếp nhận, vị trí xả nước thải sau xử lý từ nơi phát sinh nước thải; Mức độ sử dụng năng lượng cần thiết cho thu gom xử lý; Các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải sau xử lý; Điều kiện về kỹ thuật, tài chính và năng lực quản lý, vận hành trạm/nhà máy xử lý nước thải; Điều kiện về khí hậu, địa hình, địa chất công trình, địa chất thủy văn; Khả năng mở rộng hoặc nâng công suất và khả năng kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tương lai và các yếu tố khác về môi trường có liên quan.
Các công nghệ áp dụng để thực hiện xử lý nước thải phi tập trung gồm: Bể tự hoại; Bể lọc kỵ khí có vách ngăn; Bể tự hoại cải tiến có vách ngăn và ngăn lọc kỵ khí dòng hướng lên; Hồ kỵ khí, hồ hiếu-kỵ khí, hồ ổn định; Bãi lọc trồng cây; Bể phản ứng theo mẻ và các công nghệ khác.
Việc quản lý, sử dụng nước thải sau xử lý phải hướng tới việc tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng an toàn, đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trường. Nước thải sau xử lý chủ yếu được sử dụng cho các mục đích: Tưới tiêu nông nghiệp; tưới cây, rửa đường, rửa xe; tái sử dụng trong công nghiệp; bổ sung nước cho hồ chứa nước phục vụ cảnh quan giải trí; sử dụng tuần hoàn hoặc cho các mục đích khác. Chất lượng nước thải sau xử lý nhằm sử dụng lại phải đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sử dụng cho các mục đích tương ứng và tuân thủ theo các quy định hiện hành.
Chủ sở hữu công trình thoát nước có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện việc sử dụng nước thải sau xử lý hoặc sử dụng tuần hoàn; Tổ chức chỉ đạo rà soát, đánh giá ảnh hưởng và tác động môi trường đối với hoạt động sử dụng nước thải sau xử lý; Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện; Tổ chức việc giám sát, quan trắc, định kỳ kiểm tra phân tích chất lượng nước thải sau xử lý theo quy định.
Căn cứ các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đối với các hoạt động sử dụng nước thải sau xử lý trên địa bàn phù hợp với điều kiện địa phương; tổ chức thanh tra kiểm tra việc quản lý sử dụng nước thải sau xử lý theo thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2015 và thay thế Thông tư số 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết thực hiện một số nội dung của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp.