Nâng cao hiệu quả tham gia của Việt Nam vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

04/03/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế". Từ phạm trù "hội nhập kinh tế quốc tế" trong  văn kiện của các kỳ đại hội trước chuyển sang "hội nhập quốc tế" một cách toàn diện là một phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại.

Chúng ta cùng nhớ lại sự kiện vào ngày 07 tháng 01 năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Từ chỗ bị bao vây, cấm vận kinh tế, nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước”,  chúng ta đã tham gia vào hầu hết các thiết chế toàn cầu, trong đó có WTO. Trải qua 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đang chứng tỏ năng lực có thể tham gia một cách đầy đủ và có trách nhiệm vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của WTO nhằm bảo vệ một cách tốt nhất lợi ích của mình tại diễn đàn đa phương lớn nhất toàn cầu về thương mại.

Trong giao dịch thương mại xuyên quốc gia, dù muốn hay không, hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp nước này có thể trở thành đối tượng bị áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại bởi cơ quan có thẩm quyền của nước khác (điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế trợ cấp, các biện pháp phi thuế…). Doanh nghiệp bị áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại có nhiều sự chọn lựa: hoặc tiến hành khởi kiện ra trước Tòa án của nước nơi áp dụng biện pháp hạn chế thương mại; hoặc kiến nghị Chính phủ nước mình sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Thực tế trong thời gian qua, các vụ tranh chấp được các nước thành viên đưa ra giải quyết tại WTO không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp[1].

I. Tổng quan về cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO           

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được quy định tại Bản ghi nhớ về thủ tục và giải quyết tranh chấp (gọi tắt là DSU). Cơ chế này được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế. Có thể tóm tắt thủ tục tố tụng theo từng giai đoạn như sau:

 1- Tham vấn và hoà giải:

Bên nguyên đơn trước hết phải đưa ra yêu cầu tham vấn (consultation) đối với Bên kia. Việc tham vấn được tiến hành bí mật và không gây thiệt hại cho các quyền tiếp theo của các Bên. Bên được tham vấn phải trả lời trong thời hạn 10 ngày và phải chấp nhận tiến hành tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu (trường hợp khẩn cấp như hàng hoá liên quan có nguy cơ hư hỏng, các thời hạn này lần lượt là 10 ngày và 20 ngày). Bên được tham vấn có nghĩa vụ "đảm bảo việc xem xét một cách cảm thông và tạo cơ hội thoả đáng" cho Bên yêu cầu tham vấn. Tham vấn chỉ là thủ tục được tiến hành giữa các Bên với nhau. Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) được thông báo về thủ tục này và có trách nhiệm thông báo cho các quốc gia thành viên. Các quốc gia khác có thể xin tham gia vào việc tham vấn này với tư cách Bên thứ 3 nếu Bên bị tham vấn thừa nhận rằng các quốc gia này có “quyền lợi thương mại thực chất” liên quan đến việc tham vấn này.

Bên cạnh thủ tục tham vấn, DSU còn qui định các hình thức giải quyết tranh chấp mang tính “chính trị” khác như môi giới, trung gian, hoà giải. Các hình thức này được tiến hành trên cơ sở tự nguyện, bí mật giữa các Bên tại bất kỳ thời điểm nào sau khi phát sinh tranh chấp (ngay cả khi Ban hội thẩm đã được thành lập và đã tiến hành hoạt động). Tương tự như vậy, các thủ tục này cũng có thể chấm dứt vào bất kỳ lúc nào. DSU không xác định bên nào (nguyên đơn hay bị đơn) có quyền yêu cầu chấm dứt nên có thể hiểu là tất cả các bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu chấm dứt các thủ tục này. Chức năng môi giới, trung gian, hoà giải do Tổng Thư ký WTO đảm nhiệm (Điều 5 DSU).

Trên thực tế, rất nhiều vụ tranh chấp đạt được đồng thuận ở giai đoạn Tham vấn và hòa giải vì các Bên có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí, giữ được quan hệ song phương hữu hảo… Trong trường hợp giải pháp này không đạt được kết quả mong muốn, thì Bên nguyên đơn có quyền đề nghị thành lập Ban Hội thẩm.

2- Thành lập Ban hội thẩm (Panel)

Bên nguyên đơn được quyền gửi “Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm” bằng văn bản đến DSB sau khi Bên được tham vấn từ chối tham vấn hoặc tham vấn không đạt kết quả trong vòng 60 ngày kể từ khi có yêu cầu tham vấn (Điều 6 DSU). Văn bản yêu cầu thành lập Ban hội thẩm phải nêu rõ quá trình tham vấn, xác định chính xác biện pháp thương mại bị khiếu kiện và tóm tắt các căn cứ pháp lý cho khiếu kiện. Yêu cầu này được gửi tới DSB để cơ quan này ra quyết định thành lập Panel. Nhờ có nguyên tắc “đồng thuận ngược” nên hầu như 100% Yêu cầu thành lập Panel của nguyên đơn đều được DSB chấp nhận cho dù bên bị đơn có 1 cơ hội để phản đối tại phiên họp DSB để xem xét yêu cầu này lần thứ nhất.

Nếu các Bên thống nhất được việc chỉ định thành viên Pannel trong vòng 20 ngày kể từ khi có quyết định thành lập Panel thì bên nguyên đơn được quyền đề nghị Tổng Giám đốc WTO chỉ định trong số các quan chức chính phủ hoặc các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực luật, chính sách thương mại quốc tế.

Bất kỳ quốc gia thành viên nào có quyền lợi thực chất trong vấn đề tranh chấp đều có thể thông báo cho DSB về ý định tham gia vụ việc với tư cách là Bên thứ ba. Các Bên thứ ba này được tạo điều kiện để trình bày ý kiến bằng văn bản trước Ban hội thẩm trong các phiên tranh tụng.

3- Hoạt động của Ban hội thẩm (Panel Procedures)

Thủ tục hoạt động của Panel được qui định tại Điều 12 DSU. Sau khi tham khảo ý kiến của các Bên liên quan, Panel sẽ ấn định một thời gian biểu cụ thể cho phiên xét xử đầu tiên (các Bên trình bày các văn bản giải trình tình tiết vụ việc và các lập luận liên quan), phiên xét xử thứ hai (đại diện và luật sư của các Bên lần lượt trình bày ý kiến và trả lời các câu hỏi của Ban hội thẩm – oral hearings). Sau phiên xét xử thứ hai, Ban hội thẩm soạn thảo và chuyển đến các bên phần Tóm tắt nội dung tranh chấp của báo cáo để họ cho ý kiến trong một thời hạn nhất định. Trên cơ sở các ý kiến này, Ban hội thẩm đưa ra Báo cáo tạm thời (mô tả vụ việc, các lập luận, kết luận của Ban hội thẩm). Các Bên có quyền cho ý kiến về Báo cáo này. Nếu có yêu cầu, Ban hội thẩm có thể tổ chức thêm một phiên họp bổ sung để xem xét lại tổng thể các vấn đề liên quan. Sau đó Ban hội thẩm soạn thảo Báo cáo chính thức để gửi đến tất cả các thành viên WTO và chuyển cho DSB thông qua.

4- Thông qua Báo cáo của Panel (Adoption of Panel Report)

Báo cáo của Panel được chuyển cho tất cả các thành viên WTO và được DSB thông qua trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Báo cáo được chuyển cho các thành viên trừ khi một Bên tranh chấp quyết định kháng cáo hoặc DSB đồng thuận phủ quyết Báo cáo (các Bên tranh chấp và các thành viên WTO khác có quyền đưa ra ý phản đối có kèm theo lý do bằng văn bản đối với Báo cáo của Ban hội thẩm chậm nhất là 10 ngày trước khi DSB họp để thông qua Báo cáo). Đây gọi là nguyên tắc “đồng thuận nghịch”.

5- Trình tự Phúc thẩm (Appelate Review)

Khác với Panel, Cơ quan Phúc thẩm của WTO là thiết chế thường trực, được DSB thành lập, gồm 07 người. Nhiệm kỳ của mỗi thành viên là 4 năm và có thể được tái cử 1 lần. Thành viên Cơ quan Phúc thẩm phải là những người có uy tín đã được công nhận, có kinh nghiệm chuyên môn pháp luật, thương mại quốc tế và những nội dung chính của các Hiệp định có liên quan nói chung. Các thành viên của Cơ quan phúc thẩm sẽ bầu ra Chủ tịch. Chủ tịch đầu tiên có nhiệm kỳ 2 năm, các vị tiếp theo có nhiệm 1 năm theo thứ tự luân phiên và không ai được giữ vị trí này quá 1 nhiệm kỳ.

Mỗi vụ việc được chuyển tới Cơ quan phúc thẩm sẽ do 3 trong số 7 thành viên của Cơ quan phúc thẩm xem xét. Việc lựa chọn các thành viên này sẽ dựa trên cơ sở luân phiên, ngẫu nhiên[2] và không căn cứ vào nguồn gốc. Theo định nghĩa tại Thủ tục làm việc cho việc xét xử phúc thẩm thì “Ban” (division) có nghĩa là 3 thành viên được lựa chọn cho mỗi vụ việc phúc thẩm theo quy định của khoản 1 Điều 17 của DSU. Nhiệm vụ của ban này chỉ dừng việc xem xét về những vấn đề pháp luật được đề cập trong báo cáo của Panel và việc giải thích pháp luật của Panel. Cơ quan Phúc thẩm có thẩm quyền giữ nguyên, sửa chữa hay ra quyết định đảo ngược lại các kết luận pháp lý và phán quyết của Panel (khoản 13 Điều 17 DSU).

Việc thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm vẫn tiếp tục được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận nghịch.

6- Khuyến nghị các giải pháp (Recommended Remedies)

Khi Báo cáo của Panel hoặc của Appellate Body được thông qua xác định một biện pháp của một Bên là vi phạm qui định của WTO, cơ quan ra Báo cáo phải đưa ra khuyến nghị nhằm buộc Bên vi phạm phải tuân thủ qui định của WTO (yêu cầu bị đơn rút lại hoặc sửa đổi biện pháp liên quan) và có thể đưa ra các gợi ý (không bắt buộc) về cách thức thực hiện khuyến nghị đó. Trường hợp khiếu kiện không vi phạm, Bên thua kiện không phải rút lại biện pháp liên quan (vì không có vi phạm) nhưng Báo cáo có thể khuyến nghị Bên thua thực hiện các dàn xếp nhất định để thoả mãn các Bên liên quan (Báo cáo có thể đưa ra những gợi ý về biện pháp dàn xếp thoả đáng, ví dụ như bồi thường thiệt hại).

7- Thi hành (Implementation)

Bên thua kiện phải thông báo ý định về việc thi hành khuyến nghị tại buổi họp của DSB (được triệu tập trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông qua Báo cáo). Nếu không thực hiện được ngay, Bên đó có thể được gia hạn thực hiện trong một khoảng thời gian hợp lý (RPT[3]). DSB sẽ giám sát việc thực thi khuyến nghị của các Bên liên quan. Trong thời gian qui định cho việc thực hiện khuyến nghị, bất kỳ thành viên nào cũng có thể đưa vấn đề thực hiện khuyến nghị này vào chương trình nghị sự của DSB. Khi có đề nghị như vậy thì Bên phải thực hiện khuyến nghị có nghĩa vụ giải trình bằng văn bản về việc thực hiện khuyến nghị của mình gửi cho DSB chậm nhất là 10 ngày trước khi tiến hành phiên họp toàn thể của DSB.

8- Bồi thường và trả đũa

Bồi thường và trả đũa là các biện pháp giải quyết tạm thời được sử dụng nhằm đảm bảo lợi ích của Bên thắng kiện trong thời gian Bên thua kiện không thể thực hiện được khuyến nghị của DSB. Các biện pháp này không làm chấm dứt nghĩa vụ thực hiện khuyến nghị của Bên vi phạm. Cụ thể, nếu Bên thua kiện tạm thời không thể thực hiện được khuyến nghị của DSB thì các Bên tranh chấp có thể thỏa thuận về khoản bồi thường. Việc bồi thường phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với hiệp định có liên quan.

Nếu các Bên không đạt được thỏa thuận về việc bồi thường trong vòng 20 ngày kể từ khi hết hạn thực hiện khuyến nghị, Bên thắng kiện có thể yêu cầu DSB cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa song song hoặc trả đũa chéo. Lưu ý là DSU không cho phép việc trả đũa đơn phương mà không có sự chấp thuận của cơ quan này[4]. Mức độ và thời hạn trả đũa do DSB quyết định. Trả đũa song song thực chất là việc Bên thắng kiện không phải thực hiện các nhân nhượng thuế quan đối với hàng hoá của Bên thua kiện trong cùng ngành/lĩnh vực mà Bên thắng kiện bị thiệt hại. Còn trả đũa chéo là hình thức trả đũa nhằm vào ngành/lĩnh vực khác với lĩnh vực bị thiệt hại trong trường hợp việc trả đũa song song không thể thực hiện được.

9-Trọng tài

Thủ tục trọng tài có thể được các Bên tranh chấp thoả thuận sử dụng trong các trường hợp sau đây:

- Xác định thời hạn thực hiện khuyến nghị trong trường hợp Bên thua không thể thực hiện ngay khuyến nghị;

- Xác định mức độ trả đũa trong trường hợp Bên thua có kiến nghị về vấn đề này.

Trong trường hợp này, thủ tục trọng tài sẽ do các thành viên Panel ban đầu làm trọng tài viên. Nếu các thành viên Panel không có điều kiện làm trọng tài viên thì trọng tài viên (là một cá nhân hoặc một tổ chức) sẽ do Tổng Giám đốc WTO chỉ định.

II. Các vụ tranh chấp tại WTO có liên quan đến Việt Nam trong thời gian qua

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã khởi kiện Hoa Kỳ trong 02 vụ về một số biện pháp áp thuế chống bán phá giá (anti-dumping) đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam.

1-Vụ Việt Nam kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp áp thuế chống bán phá giá (anti-dumping) đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam (WT/DS404):

Theo nguồn tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính Việt Nam xuất khẩu 240.000 tấn tôm trong năm 2010[5]. Trước đó vào năm 2009, Việt Nam xuất 210.000 tấn tôm với trị giá khoảng 1,7 tỷ đôla. Trong số các thị trường xuất khẩu thì Nhật Bản là thị trường lớn nhất với 57.000 tấn tôm nhập trong năm 2010, trị giá khoảng 528 triệu đôla. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam về số lượng nhập nhưng các công ty Mỹ thu mua với giá cao hơn nên đã trả 511 triệu đôla cho 48.000 tấn trong 11 tháng đầu năm 2010 (tức là thị trường Hoa Kỳ tăng nhập 20% về lượng và Việt Nam thu lợi 40% về giá so với cùng kỳ năm 2008).

Tuy nhiên, do nhu cầu bảo hộ đối với ngư dân trong nước cũng như tái cơ cấu ngành sản xuất tôm trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng khốc liệt, vào năm 2004, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Việc điều tra được tiến hành đối với 3 doanh nghiệp bị đơn có lượng xuất khẩu lớn nhất (bao gồm: Minh Phú, Minh Hải và Camimex – gọi là bị đơn bắt buộc). Tháng 2/2005, DOC chính thức áp thuế chống bán phá giá với các thuế suất: (i) từ 4,3% đến 5,24% đối với từng bị đơn bắt buộc; (ii) mức 4,57% (là mức bình quân gia quyền của thuế suất áp dụng cho 3 bị đơn bắt buộc) đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn điều tra; và (iii) mức thuế suất toàn quốc 25,76% cho tất cả các doanh nghiệp còn lại. Theo nội luật Hoa Kỳ về chống bán phá giá, sau tròn mỗi năm kể từ ngày lệnh áp thuế chống bán phá giá của DOC được ban hành, DOC sẽ tiến hành rà soát hành chính để xét lại mức thuế chính thức mà mình đã áp đối với khoảng thời gian 1 năm liền trước đó. Theo đó, tính tới thời điểm tháng 2/2010 (thời điểm Việt Nam đệ đơn yêu cầu tham vấn Hoa Kỳ), DOC đã tiến hành 3 cuộc rà soát hành chính (POR) (bên nguyên đơn đã không yêu cầu rà soát hành chính năm đầu tiên sau khi đã thống nhất với phía Việt Nam). Tuy nhiên, vào thời điểm đó mới chỉ có kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ hai và lần thứ ba.

Trong đợt rà soát lần thứ hai - POR2 (04/2007), có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đăng ký tham gia rà soát. Tuy nhiên, DOC chỉ chọn 2 doanh nghiệp (Công ty Minh Phú và Camimex) là bị đơn bắt buộc dựa trên tiêu chí là doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhất. Ngày 02/09/2008, DOC đã ban hành Quyết định cuối cùng về kết quả rà soát POR2. Theo đó, mức thuế suất của các bị đơn bắt buộc (Minh Phú, Camimex) đạt mức thuế suất không đáng kể (0-0,01%). Tuy nhiên, mức thuế suất này không được áp dụng cho các bị đơn tự nguyện (gồm các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có tham gia vào đợt rà soát lần 2 nhưng không được DOC lựa chọn làm bị đơn bắt buộc) mà các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn bị áp thuế theo mức thuế suất từ điều tra ban đầu là 4,57%, mức thuế suất toàn quốc cũng áp dụng theo điều tra ban đầu là 25.76%. 

Trong đợt rà soát lần thứ ba – POR3 (04/2008), DOC chọn 3 doanh nghiệp (Công ty Minh Phú, Camimex và Công ty Phương Nam) trong số 28 doanh nghiệp đăng ký tham gia rà soát để tiến hành điều tra đầy đủ. Ngày 15/09/2009, Quyết định cuối cùng về kết quả rà soát POR3 được ban hành, trong đó, 3 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đều nhận được mức thuế suất tối thiểu (Minh Phú: 0,43%; Camimex: 0,08%; Phương Nam: 0,21%), nhóm các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện không được hưởng mức thuế suất theo thực tế điều tra mà tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá theo điều tra ban đầu là 4,57%, thuế suất toàn quốc là 25,76%.

Trước nguy cơ DOC tiếp tục dùng các phương pháp tính toán như đã dùng trong POR2 và POR3 dẫn tới kết quả rất bất lợi trong POR4 (đặc biệt liên quan đến cơ hội thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện của các doanh nghiệp có kết luận 3 lần biên độ phá giá tối thiểu), VASEP và VCCI  đã chủ động đưa ra phân tích và kiến nghị đề xuất Chính phủ Việt Nam khở kiện Hoa Kỳ ra trước WTO. Tháng 2/2010, Chính phủ đã chấp thuận đề xuất này và bắt đầu vụ kiện bằng tham vấn gửi Chính phủ Hoa Kỳ.

Ngày 01/2/2010, Chính phủ Việt Nam (thông qua Phái đoàn Việt Nam tại Geneva) chính thức trao cho phía Hoa Kỳ bản “Yêu cầu tham vấn”, trong đó đề nghị trao đổi một số vấn đề về “kết quả xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm” liên quan tới việc tuân thủ Điều I, II, VI:1 và V:2 của Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) 1994; Điều 1, 2.1, 2.4, 2.4.4, 6.8,6.10, 9.1, 9.4, 11.2, 11.3, 18.1 và 18.4 Phụ lục II của Hiệp định chống bán phá giá; Điều XVI:4 của Hiệp định thành lập WTO và Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. Do không đạt được kết quả trong giai đoạn tham vấn, ngày 07/4/2010, Việt Nam chính thức có đơn đề nghị thành lập Ban Hội thẩm (panel request) để xét xử tranh chấp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam. Nội dung panel request của Việt Nam tập trung vào các điểm chính sau đây:

- Phương pháp quy về không (zeroing) của DOC trong tính toán biên độ phá giá đối với tôm Việt Nam. Zeroing là phương pháp tính biên độ phá giá cho nhóm sản phẩm thuộc diện điều tra mà theo đó đối với sản phẩm mà có giá xuất khẩu thấp hơn giá thông thường (hay giá trong nước) thì biên độ phá giá là “dương”, nhưng sản phẩm khác có giá xuất khẩu cao hơn giá thông thường (hay giá trong nước), biên độ phá giá không tính là “âm" mà bị qui về bằng 0. Kết quả là một con số bình quân giữa “dương” và “0” được áp lên tất cả nhóm sản phẩm thuộc diện điều tra. Hoa Kỳ là nước áp dụng biện pháp này nhiều nhất và vì vậy cũng bị nhiều khiếu kiện về việc áp dụng các biện pháp này. Nước khởi kiện Hoa Kỳ về zeroing bao gồm không chỉ những nước đang phát triển mà còn có cả các nước phát triển, đối tác thương mại của Hoa Kỳ như EC, Canada, Nhật Bản…;

- Giới hạn số lượng các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất được lựa chọn để điều tra hoặc rà soát đơn lẻ. Điều 6.10 Hiệp định thực thi điều VI của GATT 1994 (Hiệp định chống bán phá giá-gọi tắt là ADA) cho phép Cơ quan điều tra của một nước có thể tiến hành điều tra một số nhà xuất khẩu mà không nhất thiết phải tiến hành điều tra đối với tất cả các nhà xuất khẩu để tính biên độ phá giá. Tuy nhiên ADA cũng có quy định điều kiện đối với việc lựa chọn nhà xuất khẩu để tiến hành điều tra nhằm để hạn chế việc xác định biên độ phá giá tùy tiện và không sát thực tế đối với doanh nghiệp không được điều tra (non-mandatory respondents). Như vậy sẽ có mức thuế suất cụ thể cho từng nhà xuất khẩu được điều tra (bị đơn bắt buộc - mandatory respondents) và có mức chung cho các nhà xuất khẩu khác (all others rate).  Trên cơ sở này, trong hầu hết các giai đoạn của các vụ kiện chống bán phá giá, Hoa Kỳ không tiến hành điều tra tất cả các nhà xuất khẩu;

- Áp dụng thuế suất toàn quốc (country wide rate) đối với toàn bộ doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam với lý do hoạt động của các doanh nghiệp này không có sự độc lập với Chính phủ. Mức thuế cao nhất lên đến 25,67%. Với mức thuế này, doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam phải chịu mức đặt cọc (bond) khổng lồ khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Theo pháp luật Hoa Kỳ, đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường có 3 loại mức thuế như sau: mức thuế suất cụ thể áp dụng cho từng bị đơn bắt buộc;  mức thuế suất chung áp dụng cho các bị đơn tự nguyện tham gia nhưng không phải là bị đơn bắt buộc (mức thuế này có thể coi là tương tự với loại thuế suất thứ 2 được quy định trong ADA - all others rate); mức thuế suất toàn quốc (country wide rate) dành cho các doanh nghiệp còn lại;

- Ngoài ra, Việt Nam cũng nêu quan ngại về việc Hoa Kỳ việc tiếp tục sử dụng các hành vi bị khiếu kiện (“continued use of challenged practices”), ám chỉ việc tiếp tục sử dụng biện pháp zeroing và country wide rate trong các đợt rà soát lần 4, 5, rà soát cuối kỳ và các rà soát sau đó.

Trải qua các giai đoạn tố tụng theo quy định của Hiệp định về giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU), ngày 11/7, Ban hội thẩm đã công bố phán quyết, theo đó, Mỹ đã thực hiện trái với quy định của WTO (thua kiện) ở 2/3 vấn đề chính mà Việt Nam đưa ra trước Panel. Hai vấn đề này liên quan đến việc Mỹ áp dụng phương pháp quy về không trong khi tính biên độ phá giá trong các đợt rà soát hành chính lần thứ 2 và 3 và việc Mỹ áp đặt thuế suất toàn quốc. Tuy nhiên, về việc Mỹ hạn chế số lượng các công ty được điều tra riêng lẻ thì Panel kết luận Bộ Thương mại Mỹ không trái với quy định của WTO. Về nội dung  “continued use of challenged practices” Ban hội thẩm đã không xem xét nội dung này với lý do không nằm trong phạm vi thẩm quyền của Panel. Phán quyết nói trên đã được chính thức thông qua tại cuộc họp của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) vào ngày 2/9/2011.

Có thể nói phán quyết nói trên của Panel là một thắng lợi lớn đối với Việt Nam xét trên phương diện pháp lý. Hiện nay việc thực thi phán quyết của Panel trong vụ kiện này đang được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của WTO thông qua việc Hoa Kỳ phải giải trình tại các phiên họp toàn thể của DSB (thông thường định kỳ hàng tháng).

2-Vụ Việt Nam kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp áp thuế chống bán phá giá (anti-dumping) đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam (WT/DS429):

Trong bối cảnh Hoa Kỳ chưa tuân thủ đầy đủ phán quyết của WTO trong vụ DS404 (gọi tắt là vụ tôm 1), đồng thời còn tiếp tục kết luận doanh nghiệp Việt Nam có hành vi bán phá giá trong các đợt POR sau đó, vào tháng 2/2012 Chính phủ Việt Nam quyết định tiếp tục gửi Hoa Kỳ Yêu cầu tham vấn vụ Việt Nam kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp áp thuế chống bán phá giá (anti-dumping) đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam (WT/DS429). Trải qua quá trình tham vấn không đạt đồng thuận, vào tháng 2/2013, Việt Nam quyết định đề nghị DSB cho thành lập Panel để xét xử vụ kiện. Vào ngày 16 tháng 7 năm 2014, Ban hội thẩm (Panel) đã ra phán quyết. Đây là vụ kiện thứ hai tiếp theo Vụ DS 404 về các vấn đề tương tự nhưng các nội dung phán quyết đã đi xa hơn một bước đáng kể. Panel đã xem xét 11 nội dung trong khiếu kiện của Việt Nam và đưa ra phán quyết có lợi trên 7 nội dung cho Việt Nam được nhóm thành các nội dung như sau:

1. Phương pháp tính biên độ Zeroing do Hoa Kỳ áp dụng đối với các bị đơn bắt buộc trong các rà soát hành chính lần thứ 4,5 và 6 là không phù hợp với Điều 9.3 của Hiệp định chống phá giá và Điều VI.2 của GATT 1990;

2. Việc USDOC mặc định cho rằngmọi nhà xuất khẩu, sản xuất của Việt Nam đều thuộc về một chủ thể duy nhất (NME-entity) và áp dụng một mức thuế duy nhất là thuế xuất toàn quốc (Vietnam-wide rate) là vi phạm “về luật” (as such) các quy định của WTO; Đây cũng là vi phạm khi áp dụng (as applied) trong các rà soát hành chính 4,5 và 6 của Hoa Kỳ. 

3. Hoa Kỳ áp đặt thuế suất toàn quốc (Vietnam-wide) vượt ngưỡng trần được quy định theo Điều 9.4 của Hiệp định chống phá giá;

4. Hoa kỳ sử dụng kết quả tính toán biên độ phá giá theo phương pháp không phù hợp với WTO trong Rà soát hoàng hôn (Sunset Review) là  không tuân thủ Điều 11.3 của Hiệp định chống phá giá;

5. Hoa Kỳ vi phạm Điều 11.2 Hiệp định chống phá giá khi đã phớt lờ yêu cầu bãi bỏ Quyết địnhđiều tra phá giá theo đề nghị của các nguyên đơn là doanh nghiệp chưa được điều tra đơn lẻ trước đó. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đã không tuân thủ quy định của WTO khi không bãi bỏ điều tra phá giá đối với hai doanh nghiệp Minh Phú và Camimex dựa trên phương pháp zeroing trái với quy định của WTO.

Tuy nhiên, phán quyết đã không đồng tình với khiếu kiện của ta trên các điểm sau:

1. Phương pháp Zeroing là vi phạm về luật (as such) của WTO theo Điều 9.3 của Hiệp định chống phá giá và Điều VI:2 của GATT 1990;

2. Cách tính toán mức thuế suất toàn quốc của Hoa Kỳ dựa trên các chứng cứ có sẵn (facts available) là vi phạmvề luật của WTO; Ngoài ra, Panelcũng chưa đủ cơ sở để bác mức thuế suất toàn quốc áp dụng trong các kỳ rà soát hành chính 4,5 và 6 là không phù hợp với Điều 6.8 của WTO;

3. Đoạn 129 (1) liên quan đến việc thực thi các phán quyết của WTO của Hoa kỳ là không phù hợp về luật (as such) với WTO.

So với Vụ kiện DS 404 trước đó, Vụ kiện DS 429 có nhiều điểm tương đồng nhưngcác phán quyếtđã làm rõ hơn nhiều vấn đề có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là trong thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.Về đến phương pháp Zeroing, phán quyết trong Vụ DS 429 không có điểm gì mới ngoài việc tái khẳng định Hoa Kỳ đã vi phạm khi áp dụng Zeroing đối với các rà soát hành chính ngay cả khi đã có hàng loạt phán quyết phủ nhận phương pháp Zeroing là phù hợp với quy định của WTO. Đáng lưu ý là phán quyết DS 429 không khẳng định Zeroing là vi phạm về “luật” (as such) như phán quyết trong vụ DS 404, được xem là một bước lùi “danh nghĩa”. Lý do là việc xem xét phương pháp Zeroing trong thời điểm Hoa Kỳ đã đưa ra cách thức tính mới, bãi bỏ Zeroing trên thực tế.Các kết quả rà soát hành chính lần thứ 7 (sau khi Hoa kỳ đã thay đổi cách tính mới) đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh đã cho thấy điều này. Panel cũng cho rằng với việc Hoa kỳ đã thay đổi cách tính biên độ mới, không áp dụng Zeroing thì việc áp dụng là trở lại Zeroing có vẻ “không dễ dàng” và do đó không đủ tiêu chuẩn để khép biện pháp này vào diện vị phạm về luật (as such). Đây là cách diễn giải mang tính kỹ thuật về luật hơn là phân tích về bản chất. Tuy vậy, với phán quyết này, Panel cũng để ngỏ khả năng Zeroing sẽ vẫn được Hoa Kỳ áp dụng trong những trường hợp ngoại lệ, ví dụ phá giá mục tiêu (targeted dumping).

Việt Nam cũng không thành công khi khiếu kiện Đoạn 129 (c)(1) theo Luật về Hiệp định Uruguay của Hoa Kỳ về thực thi các phán quyết của Cơ quan xét xử của WTO. Đoạn 129 là công cụ pháp lý cho phép sửa đổi các quy định của Hoa kỳ phù hợp với phán quyết của WTO nhưng có hiệu lực sửa đổi tùy thuộc vào ngày mà cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) có chỉ thị cho USDOC bãi bỏ một quyết định hoặc thực thi một quyết định sửa đổi. Mục đích của việc khiếu kiện Đoạn 129 là nếu thắng kiện sẽ buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận thực thi “hồi tố” các phán quyết của WTO nhằm bãi bỏ các quyết định về điều tra và áp thuế chống bán phá giá và hoàn lại tiền đặt cọc đối với các thương vụ nhập khẩu nhưng chưa xác định mức thuế phá giá (unliquidated entries). Tuy nhiên, cũng giống như Vụ kiện trước đó của Canada với Hoa Kỳ (US-Section 129), ngay cả khi quan điểm của hầu hết các thành viên cho rằng Section 129 là không phù hợp với WTO, Cơ quan xét xử đã không thể đưa ra phán quyết với lý do Section 129 không phải là văn kiện pháp lý duy nhất để Hoa Kỳ tuân thủ phán quyết của WTO. Phán quyết này thực tế đã không cho phép Việt nam đạt được đầy đủ lợi ích cơ bản trong Vụ DS 429 tức là không thể lật lại các quyết định hành chính của Hoa Kỳ về thuế chống phá giá đối với tôm đông lạnh của Việt Nam.

Tuy vậy, các nội dung phán quyết có lợi cho Việt Nam là buộc Hoa Kỳ phải xem xet điều chỉnh luật, thủ tục liên quan đến điều tra chống phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo nội luật của Hoa Kỳ, do chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (NME), các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự điều chỉnh theo các quy định riêng biệt trong điều tra và áp dụng thuế chống phá giá. Đoạn 255 Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam buộc phải ghi nhận sự đối xử này trong cách so sánh và xác định mức giá thông thường (Normal Value). Vụ kiện DS 429 đã khẳng định thêm một nội dung quan trọng đó là ngoài việc chấp nhận cách thức xác định mức giá thông thường, Hoa kỳ không có quyền “tùy tiện” diễn giải và thay đổi thủ tục về điều tra, áp thuế chống phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể:  

Thứ nhất, phán quyết trong vụ DS 429 yêu cầu Hoa Kỳ không được “mặc định” mọi doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam đều thuộc pháp nhân duy nhất (NME-entity) và chịu một mức thuế chung là thuế suất toàn quốc (thường được gọi là NME-rate hay Vietnam-wide rate)được xác định dựa trên các chứng cứ bất lợi có sẵn (fact availables). Cũng theo quy định hiện nay, chỉ những doanh nghiệp muốn hưởng một mức thuế riêng (separate rate) “dễ chịu hơn” (thường thuế suất được tính là mức bình quân gia quyền áp dụng cho các bị đơn bắt buộc) phải có nghĩa yêu cầu cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ và phải chứng minh được sự độc lập của mình đối với nhà nước.Trước đó, Ban phúc thẩm trong Vụ EC-Fasteners (Trung Quốc) cũng đã ra phán quyết tương tự, khẳng định việc “mặc định” một doanh nghiệp thuộc một pháp nhân duy nhất (singularity) theo quy định của WTO phải dựa trên chứng cứ rõ ràng.  Phán quyết khẳng định Hoa kỳ vi phạm về luật (as such) và yêu cầuHoa kỳ phải quy địnhrõ nghĩa vụ của USDOC (chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu)chứng minh mối quan hệ khăng khítvới nhà nước đến mức trở thành một pháp nhân duy nhất (single government entity) trước khi bị áp dụng mức thuế suất duy nhất (NME-entity). Đây là phán quyết có ý nghĩa nhất bên cạnh vấn đề Zeroing, có thể thay đổi khá cơ bản thủ tục về điều tra chống phá giá của Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, liên quan đến thuế suất toàn quốc (Vietnam-wide rate) được áp dụng trong các rà soát hành chính,Panel cho rằng việc xác định mức thuế suất toàn quốcđã vi phạm Điều 9.4 của Hiệp định chống phá giá do mức thuế chống phá giá áp dụng cho các doanh nghiệp đã vượt quá biên độ phá giá bình quân gia quyền áp dụng cho các nhà xuất khẩu thuộc diện bị điều tra (không tính biên độ bằng 0 hoặc tối thiểu). Thực tế, Hoa Kỳ luôn áp dụng hai mức thuế (1) Mức thuế riêng áp dụng cho các doanh nghiệp chứng minh độc lập với nhà nước và (2) Mức thuế toàn quốc áp dụng cho các doanh nghiệp còn lại (không chứng minh được sự độc lập với nhà nước hoặc không hợp tác với cơ quan điều tra). Trong Vụ DS 429, mức thuế toàn quốc áp dụng đến 25.76%, vượt nhiều lần so với biên độ trung bình tương ứng với mức thuế riêng (từ 3,93% đến 0,88%). Phán quyết không có tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mà chỉ có ý nghĩa ngăn cản việc Hoa Kỳ tùy tiện đưa ra các mức thuế mang tính cấm đoán, bảo đảm cho nhiều doanh nghiệp thâm nhập vào một số thị trường của Hoa Kỳ.

Thứ ba, về thủ tục xác định nguy cơ phá giá (Likelihood of dumping) trong Rà soát hoàng hôn (Sunset Review), phán quyết cho rằng Hoa Kỳ đã vi phạm Điều 11.3 trong khi sử dụng cách tính biên độ phá giá không phù hợp với WTO (Phương pháp Zeroing). Tuy nhiên, phán quyết này có lẽ không đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ tự động bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá một khi họ tuân thủ cách tính mới, không áp dụng Zeroing và phù hợp với WTO. Panel cho rằng Việt Nam chưa đủ lý lẽ để khẳng định USDOC không đánh giá một cách “khách quan và công bằng”các nhân tố liên quan (mức độ nhập khẩu)khi xác định nguy cơ phá giá ngay cả khi Hoa kỳ đã sử dụng phương pháp tính toán biên độ phá giá vi phạm WTO. Do vậy, phán quyết này chỉ có ý nghĩa hạn chế đối với mục tiêu loại bỏ quyết định áp thuế phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nhưng có ý nghĩa lâu dài đến các vụ việc tương tự.

Thứ tư, liên quan đến khiếu nại của Việt Nam khi Hoa Kỳ từ chối xem xét các đề nghị bãi bỏ quyết định về áp thuế chống phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam với lý do các doanh nghiệp này không được điều tra độc lập và không có quy định nào trong WTO ràng buộc trách nhiệm của cơ quan chức năng phải tiến hành rà soát theo yêu cầu của doanh nghiệp, Panel đưa ra phán quyết cho rằng việc Hoa Kỳ viện dẫn Điều 6.10 (liên quan đến điều tra hạn chế) để từ chối rà soát theo yêu cầu và chỉ xem xét yêu cầu rà soát của các doanh nghiệp đã được điều tra trước đó là điều kiện bổ sung (additional condition) không phù hợp với Điều 11.2. Hoa Kỳ cũng dẫn chiếu đến cơchế khác xem xét yêu cầu bãi bỏ của các doanh nghiệp nhưng bị Panel phản bác với lý do hai cơ chế song hành nhưng không thể loại trừ nhau. Vấn đề là cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm xem xét yêu cầu rà soát của doanh nghiệp.  Với phán quyết này, các doanh nghiệp thuộc diện bị điều tra và áp thuế chống phá giá của Việt Nam có quyền hy vọng vào sự phản hồi của phía Hoa Kỳ nhưng cũng không có nghĩa Hoa Kỳ sẽ tự động bãi bỏ quyết định về điều tra phá giá.

Thứ năm, điểm lưu ý quan trọng của Phán quyết vụ DS 429 là việc Panel đã thẳng thừng cho rằng quyết định của USDOC liên quan đến việc không bãi bỏ quyết định về điều tra và áp thuế chống bán phá giá cho hai doanh nghiệp là Minh Phú và Camimex dựa trên căn cứ là biên độ phá giá tính toán theo Phương pháp Zeroing là vi phạm Điều 11.2. Tuy phán quyết đã mang lại lợi thế cơ bản cho hai doanh nghiệp nhưng cũng chưa bảo đảm các doanh nghiệp này sẽ thoát khỏi đối tượng bị điều tra thuế chống bán phá giá vì theo Luật Hoa kỳ, việc bãi bỏ sẽ chỉ diễn ra vào Kỳ rà soát hoàng hôn (Sunset Review) và căn cứ trên nhiều yếu tố khác ngoài biên độ phá giá được tính toán. Với thành công này, có lẽ ta cần phảikết hợp đấu tranh thêm trước Tòa án nội địa Hoa Kỳ để đem lại lợi thế nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tóm lại, phán quyết trong Vụ 429 đã tiến thêm một bước làm rõ nhiều vấn đề pháp lý mà các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên gặp phải trong thủ tục điều tra và áp thuế chống bán phá giá của Hoa kỳ. Báo cáo của Panel đã cho thấy Hoa Kỳ đã cố tình diễn giải và “vận dụng” nhiều thủ tục dựa trên vấn đề NME khiến doanh nghiệp xuất khẩu tôm của nước ta thường xuyên bị phân biệt đối xử từ khâu điều tra, phân loại doanh nghiệp đến việc tính thuế, áp thuế. Thời gian gần đây, các vụ tranh chấp giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc cũng làm rõ thêm vấn đề pháp lý trong thủ tục điều tra, chống phá giá đối với các nền kinh tế phi thị trường. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng cố gắng theo đuổi các vụ kiện tương tự theo tòa án của Hoa Kỳ, phán quyết của WTO là nguồn luật quan trọng để bổ sung cho các lập luận mới của doanh nghiệp ta     .

Hiện nay, Việt Nam đang kháng cáo lên Ban Phúc thẩm về một số điểm bất lợi cho ta trong vụ kiện trên.

III. Nhận xét, đánh giá, một số kiến nghị:

 1- Nhận xét, đánh giá:

1.1- Về sự chuẩn bị, tham gia tố tụng, những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, thương mại thế giới. Việc này cũng đồng nghĩa với sự tham gia ngày càng tích cực vào các tranh chấp thương mại quốc tế, xét cả từ phía doanh nghiệp cũng như từ phía Nhà nước. Trong bối cảnh đó, với tư cách là vụ kiện đầu tiên Việt Nam chủ động tiến hành và giành thắng lợi tại WTO, vụ kiện Tôm có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích thương mại cho Doanh nghiệp, lợi thế về ngoại giao kinh tế cho Nhà nước, vụ kiện tôm cũng có thể đem lại những kinh nghiệm hữu ích trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, ở nước ngoài cũng như tại WTO trong tương lai. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại toàn bộ sự việc, từ khâu chuẩn bị đến tiến hành, và kết thúc vụ kiện, có thể nhận thấy việc xác định phạm vi của vụ kiện và thời điểm khởi kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với kết quả của vụ kiện tôm của Việt Nam nói riêng cũng như các vụ kiện tại WTO nói chung. Có thể việc xác định phạm vi và thời gian khởi kiện chính là hai trong số những nhân tố tạo nên sự chưa trọn vẹn trong “thắng lợi” của Việt Nam tại vụ kiện này.

Trên thực tế, các nội dung mà Việt Nam khiếu kiện liên quan các biện pháp của Hoa Kỳ trong đợt điều tra lần đầu, trong các đợt rà soát hành chính và rà soát cuối kỳ của vụ kiện chống bán phá giá tôm của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Vì đợt điều tra lần đầu và đợt rà soát hành chính thứ nhất đã hoàn toàn diễn ra trước khi Việt Nam gia nhập WTO, các biện pháp do Hoa Kỳ thực hiện vào thời gian đó không thể bị khiếu kiện và xem xét bởi Panel. Đối với đợt rà soát hành chính lần 4, 5 cũng như đợt rà soát cuối kỳ, vì vào thời điểm Việt Nam khởi kiện ra WTO đều chưa có kết quả cuối cùng, về nguyên tắc cũng không thuộc thẩm quyền xem xét của Panel. Với những lý do này, phạm vi khiếu kiện cũng như các kết luận của Panel chỉ liên quan đến các đợt rà soát hành chính lần 2 và 3 của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, việc có được phán quyết của WTO đối với cả các đợt rà soát thứ 4, 5 và đợt rà soát cuối kỳ mới thực sự có ý nghĩa đối với các Doanh nghiệp Việt Nam. Một mặt, vì các quyết định giải quyết tranh chấp của WTO chỉ có giá trị hiệu lực cho tương lai, việc các Doanh nghiệp Việt Nam được giảm hoặc dỡ bỏ thuế bán phá giá trên cơ sở thực thi quyết định giải quyết tranh chấp chỉ có thể được thực hiện từ đợt rà soát lần 4. Mặt khác, theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, các DN Việt Nam sẽ được dỡ bỏ lệnh áp dụng thuế bán phá giá và thoát khỏi vụ kiện nếu trong ba lần rà soát hành chính liên tiếp biên độ bán phá giá của họ được xác định bằng không. Điều này chỉ có thể đạt được khi tính cả đợt rà soát hành chính lần 4.

Có lẽ xuất phát từ bối cảnh trên, Việt Nam đã xác định “việc tiếp tục sử dụng các biện pháp bị khiếu kiện” của Hoa Kỳ là một trong những nội dung khiếu kiện, yêu cầu Panel giải quyết. Nếu có được thắng lợi về nội dung khiếu kiện này, thì các kết luận của Panel sẽ được áp dụng cả với các đợt rà soát hành chính lần 4, 5 cho dù vào thời điểm xem xét, kết quả cuối cùng của các đợt rà soát này chưa được công bố.

Có thể nhận thấy trong Báo cáo cuối cùng, Panel nhận định rằng trong Yêu cầu thành lập Panel của Việt Nam (Panel Request), Việt Nam đã không nêu một các rõ ràng “việc tiếp tục sử dụng các biện pháp bị khiếu kiện” là một trong những nội dung khiếu kiện. Từ nhận định này, Panel đã từ chối giải quyết khiếu kiện của Việt Nam đối với nội dung này.

Từ các lập luận trên, có thể thấy, Vụ kiện rất có thể đã có kết quả trọn vẹn hơn đối với Việt Nam nếu thời điểm khởi kiện được thực hiện sau đợt rà soát hành chính lần 4 của Hoa Kỳ, hoặc Yêu cầu thành lập Panel đã nêu rõ “việc tiếp tục sử dụng các biện pháp bị khiếu kiện” là một trong những nội dung khiếu kiện.

1.2- Vấn đề về thuê Luật sư, thành phần Panel, công tác vận động hành lang trong và ngoài WTO

Luật sư đóng vai trò rất quan trọng trong các vụ kiện chống bán phá giá. Trước hết, họ giúp các bên hiểu được luật pháp, các quy định cũng như quy trình khởi kiện. Họ cũng là những người chấp bút viết các các bản lập luận, là người đại diện cho các bên đọc các bản lập luận và trình bày lý lẽ trong các phiên tranh tụng và cũng là người tư vấn cho các bên trong các phiên tham vấn cho đến khi vụ kiện kết thúc. Trong Vụ kiện tôm, một vụ kiện được tiến hành bằng một ngôn ngữ không phải ngôn ngữ chính thống của Việt Nam, khi các Luật sư của Việt Nam chưa đủ khả năng ngôn ngữ cũng như am hiểu về luật pháp quốc tế để đại diện cho Nhà nước Việt Nam thực hiện vụ kiện, sự lựa chọn một đội ngũ Luật sư nước ngoài có trình độ, tận tâm đấu tranh cho quyền lợi của Việt Nam là vấn đề mang ý nghĩa sống còn. Vụ kiện cho thấy tính cấp bách của việc phải đào tạo một đội ngũ luật sư Việt Nam đủ ngôn ngữ, trình độ chuyên môn để có thể đại diện cho Việt Nam tham gia các vụ kiện trong tương lai.

Về thành phần Panel, Việt Nam đã đưa ra nhưng tiêu chí nhất định đối với thành phần Panel như “Ít nhất một thành viên Panel phải đến từ một nước đang phát triển, hay ít nhất một thành viên Panel đến từ một nước châu Á….” nhưng đã không thống nhất được với phía Hoa Kỳ. Do đó, Tổng giám đốc WTO đã chỉ định thành phần Panel. Không thống nhất được về thành phần Panel cũng là việc thường xuyên xảy ra trong các Vụ kiện tại WTO.

Vận động hành lang cũng là công tác xuyên suốt quá trình diễn ra vụ kiện. Mặc dù các tham vấn trước và trong quá trình diễn ra vụ kiện không đem lại nhiều kết quả, nhưng việc đàm phán với Hoa Kỳ rút ngắn thời gian thực hiện Phán quyết  xuống  9 tháng là một thành công có sự đóng góp của vận động hành lang. Bên cạnh đó, phải nhắc đến công tác vận động hành lang đối với các bên thứ 3 của Vụ kiện. Vận động để được sự ủng hộ của bên thứ 3 đối với các nội dung khiếu kiện là rất quan trọng:

-  Đối với nội dung khiếu kiện về phương pháp Quy về không, sự ủng hộ rộng rãi của các bên thứ ba là một lợi thế đối với Việt Nam. Một sự ủng hộ như vậy về nguyên tắc cũng sẽ có lợi trong quá trình giám sát, thực thi phán quyết về sau này.

Tuy vậy, vụ kiện tôm cũng cho thấy, để đạt được phán quyết có lợi cho mình không nhất thiết phải được sự ủng hộ của nhiều bên thứ 3. Về việc Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc (country wide rate), trừ Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Việt Nam, tất cả các bên thứ ba nghiêng về phía Hoa Kỳ. Tại nội dung này, Panel đã kết luận ủng hộ quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc.

1.3- Vấn đề quy chế kinh tế phi thị trường

Vấn đề kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình tính toán biên độ phá giá. Khi một quốc gia bị coi là có nền kinh tế phi thị trường thì DOC sẽ sử dụng một nước thứ ba để tính toán Giá trị Thông thường. Một nhà nghiên cứu đã nhận xét: “kết quả thực tế của cách tiếp cận này là chính phủ Mỹ đóng vai trò của Chúa trong việc quyết định số phận của các nhà sản xuất đến từ các quốc gia có nền kinh tế bị coi là phi thị trường.”[6]

Trong Vụ Cá da trơn trước đó, DOC giải thích việc áp dụng Kinh tế phi thị trường như sau:

“Mức độ chính phủ can thiệp vào nền kinh tế vẫn ở mức mà giá và chi phí không phải là công cụ chính để đánh giá giá trị. Đồng tiền Việt Nam, không hoàn toàn có khả năng chuyển đổi vì có những hạn chế cơ bản đối với việc sử dụng, chuyển tiền và tỷ giá hối đoái. Đầu tư nước ngoài được khuyến khích, nhưng chính phủ vẫn tìm cách kiểm soát và điều chỉnh nó qua các quy định hành chính. Tương tự, dù rằng việc kiểm soát giá đã được xoá bỏ ở nhiều lĩnh vực, Uỷ ban Vật giá Chính phủ vẫn duy trì kiểm soát giá cả ở một số lĩnh vực được coi là độc quyền. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng vẫn chậm, do đó đã loại trừ lĩnh vực kinh tế tư nhân khỏi việc tiếp cận các nguồn lực và bảo vệ khu vực nhà nước khỏi cạnh tranh. Cuối cùng, sở hữu đất tư nhân là không được phép và chính phủ không có một chương trình tư hữu hoá đất đai nào.”[7] Trong vụ kiện tôm, DOC vẫn duy trì nhận định rằng Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường và do vậy, đương nhiên doanh nghiệp của ta bị chịu nhiều thiệt thòi cả về phương pháp tính thuế và thủ tục điều tra.

1.4- Một số vấn đề khác

Vụ kiện Tôm cho thấy, thái độ chủ động chuẩn bị, tích cực tham gia cả từ phía các Doanh nghiệp lẫn từ phía các cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giải quyết các tranh chấp. Điều này cũng nhấn mạnh đến nhu cầu tạo dựng và hoàn thiện một hành lang pháp lý phù hợp cho sự liên kết, phối hợp giữa các Doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của các Doanh nghiệp, hiệp hội Doanh nghiệp nói riêng cũng như của các tổ chức xã hội nói chung cùng với các cơ quan nhà nước phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Vụ kiện Tôm cũng cho thấy, để có thể sử dụng tốt cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nhằm bảo vệ những chính sách thương mại quốc gia, đối phó hiệu quả với những chính sách, biện pháp bảo hộ của nước ngoài, việc việc nắm vững và sử dụng linh hoạt các cơ chế tố tụng tại WTO là điều hết sức quan trọng. Về điểm này, cần đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng các án lệ và thực tiễn của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO.

2. Một số kiến nghị, đề xuất

2.1. Đối với Chính phủ

2.1.1. Về hoàn thiện thể chế

Qua vụ kiện đầu tiên tại WTO với tư cách nguyên đơn, trên cơ sở phân tích, lập luận ở trên, có thể thấy rằng về mặt thể chế trong nước của chúng ta còn một số vấn đề tiếp tục cần được hoàn thiện, cụ thể như sau:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về vai trò của các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ theo hướng tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức này cũng như các chuyên gia, nhà khoa học được tham gia sâu, tiếp cận sớm với hồ sơ, tài liệu của vụ kiện để có ý kiến tư vấn, phản biện, giúp cho các cơ quan chính phủ có thêm cơ sở khoa học để xử lý tốt hơn công việc của mình. Trong vụ kiện Tôm, tiếng nói của chuyên gia đã đóng góp một phần đáng kể vào thắng lợi quan trọng nhất của phía Việt Nam. Trong vụ kiện này, để chứng minh phương pháp Quy về không đơn giản (simple zeroing) được sử dụng bởi USDOC trong cuộc điều tra bán phá giá ban đầu cũng như các đợt rà soát hành chính tiếp theo đối với các DN Việt Nam (nội dung 1), Việt Nam đã trình lên Panel Bản khai có tuyên thệ của một chuyên gia phân tích thương mại có tên là Michael Ferrier, người từng làm việc cho USDOC trong phân tích cơ sở dữ liệu trên máy tính dùng để áp dụng phương pháp Quy về không. Bản khai có tuyên thệ của ông Michael Ferrier đã được Panel chấp nhận như một phần trong hồ sơ của Việt Nam, được dùng như một chứng cứ hữu hiệu để Panel đi đến kết luận là phương pháp Quy về không đơn giản trên thực tế đã được áp dụng bởi phía Hoa Kỳ. Tương tự, liên quan đến nội dung khiếu kiện 2 của Việt Nam về phương pháp Quy về không về mặt pháp lý (zeroing “as such”), Bản khai có tuyên thệ của ông Micheal Ferrier cũng được Panel sử dụng như một chứng cứ quan trọng, làm cơ sở cho kết luận về sự vi phạm của Hoa Kỳ. Đặc biệt, liên quan đến nội dung này, để bác bỏ lập luận của Hoa Kỳ cho rằng Bản khai có tuyên thệ của ông Micheal Ferrier không được coi là một “ý kiến của chuyên gia” nhằm chứng mình phương pháp Quy về không “as such” của Hoa Kỳ, Panel đã trích dẫn các án lệ của Ban Phúc thẩm, theo đó Panel có quyền sử dụng các tài liệu trong hồ sơ của các bên trong vụ tranh chấp bất chấp mục đích ban đầu của người cung cấp chứng cứ đó.

2.1.2. Về tăng cường năng lực cán bộ (đặc biệt đội ngũ luật sư công trong tương lai)

Trong vụ kiện này, cơ bản chúng ta đều phải thuê  đội ngũ luật sư nước ngoài. Việc làm này vừa rất tốn kém, mặt khác cũng đặt ra nhiều hoài nghi về vấn đề bảo mật thông tin. Tất nhiên, không thể hy vọng một sớm một chiều chúng ta có thể đào tạo được ngay một lực lượng luật sư đủ khả năng tham gia tranh tụng tại WTO, nhưng về lâu dài chúng ta không thể không tính đến điều này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Đề án đào tạo luật sư, chuyên gia pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” (Đề án 123) trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện. Vừa qua Bộ Tư pháp đã tổng kết Đề án này và kết quả cho thấy vẫn còn ở mức độ rất khiêm tốn. Về lâu dài có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của Trung Quốc, Ấn Độ. Họ cử “đội ngũ nguồn” đi học luật thương mại quốc tế ngay từ bậc đại học tại các nước phát triển, sau đó trở về phục vụ Chính phủ với chế độ đãi ngộ thích đáng.

2.1.3 Về tăng cường năng lực cho hệ thống dự báo/cảnh báo sớm

Hệ thống cảnh báo sớm (early warning system) là sản phẩm của các nước phát triển ngay từ khi GATT 47 ra đời. Theo đó hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp Chính phủ nói chung và doanh nghiệp nói riêng (i) Xác định sớm các mối đe dọa/nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu trước khi chính thức có đơn khởi kiện từ các ngành sản xuất của nước ngoài; (ii) Các doanh nghiệp có đủ thời gian và điều kiện để kịp thời điều chỉnh nhằm loại bỏ những mối đe dọa và chủ động đối phó với các cuộc điều tra của các cơ quan có liên quan của nước ngoài. Nhóm đối tượng hưởng lợi trực tiếp của hệ thống này là các doanh nghiệp xuất khẩu. Họ sẽ được tiếp cận với các thông tin, số liệu về xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực vào các thị trường chính. Họ cũng sẽ được cảnh báo nếu có nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại và được tư vấn để phòng tránh các vụ kiện cũng như giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp vụ kiện xảy ra.

Việt Nam đã chính thức khai trương hệ thống này vào năm 2010[8], tuy nhiên kết quả đạt được có thể nói là còn ở mức độ khiêm tốn. Trong thời gian tới Chính phủ cần đầu tư thích đáng cho hệ thống này, bao gồm nhiều khâu từ mua thông tin thương mại, nâng cấp cơ sở dữ liệu thương mại, phân tích các án lệ, phát huy vai trò “tiền phương” của các cơ quan đại diện ở nước ngoài…

2.1.4. Tăng cường năng lực cho cơ quan đại diện ở nước ngoài; cơ chế tham gia sâu vào DSB

Đối với các nước phát triển và mới nổi, họ rất quan tâm đầu tư cho lực lượng luật sư/chuyên gia pháp lý tại các cơ quan đại diện, đặc biệt tại các địa bàn đa phương. Trước mắt, Chính phủ nên quan tâm hơn nữa đến đội ngũ này tại một số địa bàn như Geneva, New york, Brussels-là những địa bàn tiền phương quan trọng tham gia vào giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Cần xây dựng lộ trình để Việt Nam từng bước tham gia sâu vào hoạt động của Cơ quan giải quyết tranh chấp cùa WTO (cử chuyên gia tham gia các Panel, ứng cử vào Cơ quan giải quyết tranh chấp, Chủ tịch DSB, chair của các nhóm đàm phán DSU...). Ngay tại địa bàn Geneva cũng cần quan tâm tăng cường số lượng cán bộ pháp lý vì trên thực tế, tại Phái đoàn thường trực của các nước lớn như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản...thường có từ 3-5 cán bộ pháp lý. Một số Phái đoàn ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng có 02 cán bộ pháp lý.

2.2- Đối với doanh nghiệp

2.2.1-Về công tác pháp chế doanh nghiệp

Hiện nay ở các Bộ, ngành công tác pháp chế rất được quan tâm, tuy nhiên ở khối doanh nghiệp thì dường như mới chỉ có các tập đoàn lớn (tổng công ty 90, 91) mới quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2008/NĐ-CP ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong thời gian tới cần thực hiện tốt Nghị định này. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực cho Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (trực thuộc Bộ Tư pháp) đặc biệt là tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, tọa đàm chuyên sâu về các tranh chấp thương mại quốc tế.

2.2.2.Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp với Chính phủ

Vụ kiện tôm có thể coi là ví dụ điển hình cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ. Trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa sự phối hợp này, đặc biệt là thông qua vai trò của các hiệp hội như đã nói ở phần trên.

2.2.3. Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ quan đại diện ở nước ngoài

Hiện nay sự liên hệ, phối hợp với cơ quan đại diện ở nước ngoài dường như mới chỉ khoanh vùng ở vai trò của các cơ quan chính phủ (vụ kiện Tôm là một ví dụ). Đối với các nước phát triển, doanh nghiệp có thể tạo kênh liên hệ, trao đổi trực tiếp với cơ quan đại diện, đặc biệt là cung cấp thông tin, dữ liệu thương mại, đề nghị cơ quan đại diện làm cầu nối cho các tiếp xúc song phương và đa phương...

Tóm lại, việc tăng cường hiệu quả tham gia của Việt Nam vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp, trước mắt cho doanh nghiệp, cho người nông dân của ta mà còn tiếp tục củng cố, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần "giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; quán triệt và vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn” như tinh thần của Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10 tháng 4 năm 2013 về hội nhập quốc tế.

 
TS. Nguyễn Hữu Huyên - Nguyên Tham tán Phái đoàn thường trực CHXHCN Việt Nam Bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các Tổ chức quốc tế khác, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế


[1] Tính từ GATT 1994 có hiệu lực đến nay, WTO đã thụ lý 482 đề nghị tham vấn và 300 hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp (nguồn: www.org).

[2]Việc lựa chọn ngẫn nhiên ở đây được thực hiện bằng cách đầu năm 7 thành viên của Cơ quan phúc thẩm sẽ nhận các “số thứ tự” về vụ việc mình sẽ xét xử trong năm đó. Khi có vụ việc nào được chuyển đến Cơ quan phúc thẩm trong năm đó thì tuần tự theo thứ tự các vụ việc sẽ có 3 thành viên có số tự tương ứng xem xét vụ việc này.  

[3] Thời hạn này do DSB quyết định trên cơ sở đề nghị của các Bên; hoặc do các Bên tranh chấp thỏa thuận trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày thông qua khuyến nghị; hoặc theo phán quyết trọng tài tiến hành trong vòng 90 ngày kể từ ngày thông qua khuyến nghị.

[4] Quy định này thực chất nhằm chấm dứt hiện tượng trả đũa đơn phương khá phổ biến trong thực tiễn giải quyết tranh chấp của GATT 1947).

[6] Sungjoon Cho, A Dual Catastrophe of Protectionism, 25 NW. J. INT'L L. & BUS. 315, 330 (2005).

[7] U.S. Department of Commerce, Antidumping Duty Investigation of Certain Frozen Fish Fillets from the Socialist; Republic of Vietnam - Determination of Market Economy Status, Public Document A-552-801 at 2, available athttp://www.ia.ita.doc.gov/download/vietnam-nme-status/vietnam-market-statusdetermination.pdf (last visited Jan. 5, 2005).

[8] www.canhbaosom.vn

Xem thêm »
@!-/#Chào mỪng1
@!-/#Chào mỪng1