Bộ Lao động – Thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư số 29/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/07/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
Thương lượng tập thể định kỳ tại Điều 16 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy định như sau: Thương lượng tập thể định kỳ được tiến hành ít nhất một năm một lần, khoảng cách giữa hai lần thương lượng tập thể định kỳ liền kề tối đa không quá 12 tháng; Đại diện hai bên thương lượng thỏa thuận về số lần, thời gian tiến hành thương lượng tập thể định kỳ hằng năm và thống nhất bằng văn bản có chữ ký của các bên tham gia để làm căn cứ tiến hành thương lượng; Nguyên tắc, quyền yêu cầu, đại diện, nội dung, quy trình thương lượng tập thể định kỳ thực hiện theo quy định tại các Điều 67, 68, 69, 70, 71 của Bộ luật Lao động.
Trách nhiệm của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong việc tham dự phiên họp thương lượng tập thể tại Điều 17 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Khi nhận được văn bản đề nghị tham dự phiên họp thương lượng tập thể của một trong hai bên thương lượng tập thể thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương và ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cử người tham dự phiên họp thương lượng tập thể;
Người được cử tham dự phiên họp thương lượng tập thể yêu cầu bên có văn bản đề nghị tham dự phiên họp thương lượng tập thể cung cấp thông tin có liên quan đến nội dung phiên họp thương lượng tập thể; chuẩn bị tài liệu, tư liệu cần thiết và hướng dẫn pháp luật về lao động, hỗ trợ cho các bên tiến hành thương lượng đảm bảo nguyên tắc khách quan, tôn trọng quyền thương lượng và quyết định của các bên trong thương lượng tập thể.
Trách nhiệm tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại Điều 19 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy định như sau:
Lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm rà soát nội dung của thỏa ước lao động tập thể, nếu phát hiện có nội dung trái pháp luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì thực hiện như sau: Đối với thỏa ước lao động tập thể chưa có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có văn bản gửi cho các bên ký kết thỏa ước lao động tập thể yêu cầu tiến hành thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể và gửi bản thỏa ước lao động tập thể đã được các bên thương lượng, sửa đổi, bổ sung đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định; Đối với thỏa ước lao động tập thể đã có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, đồng thời gửi cho hai bên ký kết thỏa ước lao động tập thể biết.
Thương lượng bồi thường thiệt hại trong trường hợp đình công bất hợp pháp tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy định như sau:
Trường hợp tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công không đồng ý với một trong các nội dung chủ yếu trong văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động quy định tại Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công có văn bản yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức thương lượng;
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu thương lượng, người sử dụng lao động trao đổi, thống nhất với đại diện tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công về thời gian, địa điểm, thành phần tham gia phiên họp thương lượng bồi thường thiệt hại;
Phiên họp thương lượng bồi thường thiệt hại phải được lập biên bản, có chữ ký của các bên tham gia thương lượng và của người ghi biên bản, trong đó phải có những nội dung đã được hai bên thống nhất (nếu có), những nội dung còn ý kiến khác nhau. Biên bản phiên họp thương lượng là cơ sở pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại;
Kết thúc thương lượng, trường hợp hai bên thống nhất nội dung thương lượng thì hai bên có trách nhiệm thực hiện theo nội dung đã đạt được thỏa thuận; trường hợp không thống nhất nội dung thương lượng thì một trong hai bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015. Thông tư số 23/2007/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.