Quy định pháp luật về trưng dụng tài sản cần tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

15/02/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03/6/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 (viết tắt Luật TMTDTS). Mà theo đó, tại khoản 1 và  khoản 2 Điều 2 của Luật này có quy định:“Trưng mua tài sản là việc Nhà nước mua tài sản của tổ chức (không bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân), cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.”; “Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.”. Theo quy định tại Điều 23 của Hiến pháp năm 1992 thì tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do Luật định.”; tại khoản 3 Điều 32, khoản 3 Điều 51 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.”; “…Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.”.Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến chủ thể có thẩm quyền và những vấn đề có liên quan đến vấn đề trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân mà thực tiễn đòi hỏi rất cần sự quy định rõ ràng của pháp luật.

Thứ nhất: Về nguyên tắc trưng dụng tài sản, tại khoản 1 Điều 4 Luật TMTDTS có quy định rõ nguyên tắc trưng mua, trưng dụng tài sản như sau: “Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”. Tài sản là đối tượng có thể được trưng dụng theo quy định tại Điều 23 của Luật này, bao gồm: Nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất; Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác. Vấn đề đặt ra, đó là, hiểu như thế nào là trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia? Quy định này cho đến nay vẫn chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn.

Qua nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành như Điều 7[1] Luật Quốc phòng năm 2005,; điểm e[2] khoản 1 Điều 24 Luật An ninh quốc gia năm 2004; điểm c khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 16[3] Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp năm 2000, chúng ta có thể coi các trường hợp sau đây là điều kiện trưng dụng tài sản theo quy định của Hiến pháp và Luật TMTDTS, đó là:

- Đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh;

-Khi có tình huống đe dọa sự ổn định về chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;

- Khi các mục tiêu công trình quan trọng về an ninh quốc gia (đối tượng, địa điểm, công trình, cơ sở về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hoá xã hội thuộc danh mục cần được bảo vệ) bị xâm hại hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng gây phương hại tới an ninh quốc gia. 

- Khắc phục thảm họa lớn do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Riêng đối với trường hợp này cần phải quy định cụ thể ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đến mức độ nào để có thể coi là thảm họa lớn. Có như vậy để tránh tình trạng lạm dụng trưng dụng trong điều kiện ở nước ta tình trạng thiên tai, dịch bệnh xảy ra tương đối thường xuyên.

Tất nhiên, các trường hợp nêu trên chưa thể là điều kiện đủ để thực hiện trưng dụng tài sản của tổ chức , cá nhân. Có một yếu tố nữa rất quan trọng không thể thiếu đã được Hiến pháp năm 2013, Luật TMTDTS khẳng định là trường hợp thật cần thiết. Tức là không phải cứ có hoàn cảnh xảy ra như trên là quyết định trưng dụng ngay, mà việc trưng dụng chỉ được thực hiện khi xuất hiện trường hợp thật cần thiết, khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không có hiệu quả.

Thứ hai: Về điều kiện trưng dụng tài sản, đến thời điểm hiện tại, Luật TMTDTS đang có hiệu lực nên mọi hoạt động về trưng mua, trung dụng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật này. Theo đó, việc trưng dụng chỉ được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

- Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

- Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;

- Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;

- Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Từ đó cho thấy, Hiến pháp năm 2013, Luật TMTDTS và các văn bản pháp luật khác khi đề cập đến việc trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân  đều quy định rất chặt chẽ điều kiện trưng dụng. Quy định đó nhằm mục đích vừa bảo đảm trưng mua, trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ tài sản hợp  pháp của người dân.

Thứ ba: Về thẩm quyền trưng dụng tài sản, theo quy định tại Điều 24 Luật TMTDTS quy định:

“1. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản quy định tại Điều 23 của Luật này.

2. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.”

Theo quy định này, chỉ có một số chủ thể sau mới có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản theo quy định của pháp luật, đó là: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Luật cũng nhấn mạnh: Người có thẩm quyền trên không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản. Cũng theo khoản 2 Điều 25 Luật TMTDTS:“Quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; trường hợp người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng vắng mặt thì quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trưng dụng.”

Thứ tư: Về trình tự, thủ tục quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, trường hợp đặc biệt không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng phải có giấy xác nhận (giấy xác nhận phải ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản; tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản trưng dụng; mục đích, thời hạn trưng dụng; tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng).

Chậm nhất là 48 giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản và gửi cho người có tài sản trưng dụng một bản. Quyền sở hữu tài sản trưng dụng vẫn thuộc về người có tài sản trưng dụng; quyền quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng trong thời gian trưng dụng thuộc về Nhà nước.

Thứ năm: Về bồi thường thiệt hại phát sinh trong trường hợp trưng dụng tài sản, người có tài sản trưng dụng có nghĩa vụ chấp hành quyết định trưng dụng tài sản và được hoàn trả tài sản trưng dụng và bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra. Thời hạn trưng dụng tài sản bắt đầu từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành đến không quá 30 ngày và được gia hạn thêm không quá 15 ngày.

Trường hợp quyết định trưng dụng tài sản đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà người có tài sản trưng dụng không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế. Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có tài sản trưng dụng tổ chức cưỡng chế thi hành.

Tài sản trưng dụng bị mất, bị hư hỏng; bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng tài sản trực tiếp gây ra sẽ được bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại do do tài sản trưng dụng bị mất hoặc bị hư hỏng phải sửa chữa, khôi phục lại tài sản hoặc phải tốn chi phí bồi bổ, tôn tạo mặt bằng (đối với đất) theo giá thị trường tại thời điểm bồi thường. Trường hợp không thỏa thuận được thì người quyết định trưng dụng tài sản quyết định mức bồi thường. Nếu người có tài sản trưng dụng không đồng ý với mức bồi thường này thì vẫn phải chấp hành nhưng có quyền khiếu nại.Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra được chi trả một lần trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả tài sản. Trường hợp chậm trả tiền bồi thường thiệt hại thì phải thanh toán tiền lãi theo lãi suất ngân hàng.

Vậy hiểu như thế nào là giá thị trường theo quy định tại khoản 2 Điều 3; khoản 2 Điều 35; điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 36 Luật TMTDTS?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Giá năm 2012:Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.” Giá trị thị trường của hàng hóa, dịch vụ được xác định thông qua các căn cứ về những thông tin, dữ liệu về mặt kỹ thuật và về mặt pháp lý của tài sản, giá chuyển nhượng về tài sản thực tế có thể so sánh được trên thị trường; Mức độ sử dụng tốt nhất có khả năng mang lại giá trị cao nhất, có hiệu quả nhất cho tài sản. Việc đánh giá mức độ sử dụng tốt nhất phải căn cứ vào những dữ liệu liên quan đến tài sản trên thị trường.

Trong đó giá thị trường của tài sản, hàng hóa là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường vào thời điểm xác định, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch mua bán khách quan và độc lập, trong điều kiện thương mại bình thường. Như vậy, giá thị trường của một tài sản là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường, là số tiền ước tính để tài sản có thể được mua, bán trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường mà sự mua bán đó thoả mãn những điều kiện của thị trường tại thời điểm xác định. Thời điểm xác định là ngày, tháng, năm cụ thể khi tiến hành xác định mức giá, được gắn với những yếu tố về cung, cầu, thị hiếu và sức mua trên thị trường khi thực hiện áp mức giá thị trường đối với tài sản, hàng hóa. Với điều kiện thương mại bình thường là việc mua bán được tiến hành khi các yếu tố cung, cầu, giá cả, sức mua không xảy ra những đột biến do chịu tác động của thiên tai, địch họa; nền kinh tế không bị suy thoái hoặc phát triển quá nóng…; thông tin về cung, cầu, giá cả tài sản được thể hiện công khai trên thị trường. Giá thị trường thể hiện mức giá hình thành trên thị trường công khai và cạnh tranh. Thị trường này có thể là thị trường trong nước hoặc thị trường quốc tế, bao gồm nhiều người mua, người bán. Trên cơ sở đó, bên bán và bên mua thoả thuận tại một thời điểm sau khi cả hai bên đã khảo sát, cân nhắc đầy đủ các cơ hội và lựa chọn tốt nhất cho mình từ các thông tin trên thị trường trước khi đưa ra quyết định mua hoặc quyết định bán một cách hoàn toàn tự nguyện.

Từ đó cho thấy, việc xác định giá thị trường với một số loại tài sản, như ô tô, xe máy,…mà nhà sản xuất hiện đã ngừng sản xuất từ rất lâu mẫu mã tương ứng với ô tô, xe máy đó và hiện trên thị trường kể cả thị trường nước ngoài cũng rất khó tìm thì xác định như thế nào? Thực tế không ít trường hợp, chỉ vì thị hiếu của người mê đồ cổ, họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đô la để “tậu” cho riêng mình chiếc ô tô hiệu FALCON do Đức sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ XX. Hay như chiếc xe Honda Dream tem lửa đời cuối cùng sản xuất tại Thái Lan, được nhập về năm 1996. Người sưu tầm tiết lộ cố gắng giữ nguyên bản, chưa đổ xăng và chưa lăn bánh, lớp áo keo phủ bề mặt tem giữ nguyên. Chủ nhân cho biết có hai khách hàng tới đề nghị mua lại và giá đưa ra cao nhất là 250 triệu đồng, gần bằng một chiếc ô tô cũ, nhưng vẫn chưa bán[4]. Thiết nghĩ với những trường hợp như thế, để tránh những vướng mắc phát sinh khi áp dụng vào thực tiễn về bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sở hữu hợp pháp tài sản trưng dụng do bị mất hoặc hư hỏng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu, ban hành hướng dẫn thống nhất về nhận thức nội dung này.

Kiến nghị

Qua nghiên cứu tác giả cũng thấy rằng, tuy không nhiều nhưng vẫn còn có những quy định liên quan đến trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013, đó là những quy định không tuân thủ các điều kiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia, đó là:

Thứ nhất: Quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 35 của Luật Đê điều năm 2006, mà theo đó, về huy động lực lượng, vật tư phương tiện để hộ đê: “Trường hợp khẩn cấp chng lũ lụt, bão, thiên tai khác mà cần phải sử dụng đất thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, huyện có quyền trưng dụng đất. Việc trưng dụng đất, trả lại đất và bồi thường cho người có đất bị trưng dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai”;

Thứ hai: Quy định tại khoản 15 Điều 15 của Luật Công an nhân dân năm 2014, về nhiệm vụ quyền hạn của công an nhân dân: “…Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.”. Nghiên cứu quy định này, tác giả thấy rằng có điều gì đó “không ổn” so với quy định tại khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 2 Luật TMTDTS, cụ thể: khoản 3 Điều 32 Hiến pháp năm 2013: “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”và khoản 2 Điều 2 Luật TMTDTS năm 2008, quy định: “Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.”. Như vậy, tại khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân năm 2014 quy định lực lượng công an nhân dân khi làm nhiệm vụ được quyền hạn trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra là vi hiến và trái với quy định của luật chuyên ngành.

Thứ ba: Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (viết tắt Thông tư 01/2016/TT-BCA). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày15/02/2016 và thay thế Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an. Thông tư này khi được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã “vấp” phải dư luận phản ứng nhiều chiều của bạn đọc cũng như giới luật gia, nhà nghiên cứu, cụ thể: Quy định tại thông tư 01/2016/TT-BCA trao cho lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ có thẩm quyền trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức liệu có phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 2 Luật TMTDTS không? Trong khi đó, từ khi Luật TMTDTS có hiệu lực thi hành cho đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có thêm bất cứ văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc trưng dụng tài sản trong các tình huống có thể trưng dụng liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, một trong những căn cứ để Bộ Công an ban hành Thông tư 01/2016/TT-BCA dựa vào Luật Công an nhân dân năm 2014, nhưng quy định về trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân tại khoản 15 Điều 15 của Luật này, như trên đã đề cập là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013, cũng như khoản 2 Điều 2 Luật TMTDTS. Hơn nữa, Thông tư 01/2016/TT-BCA lại trao quyền cho cá nhân chiến sĩ cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng song lại không nêu rõ được trưng dụng trong trường hợp nào, theo quy trình, thủ tục nào. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 24 Luật TMTDTS quy định chỉ có Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản, đồng thời tại khoản 2 Điều 24 Luật này còn quy định rõ người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản theo pháp luật quy định không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản. Như vậy, rõ ràng quy định trên của Thông tư 01/2016/TT-BCA là trái với khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Luật TMTDTS.

Trong khi đó, Luật TMTDTS quy định rất cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và chi tiết về việc trưng dụng tài sản nhưng Thông tư 01/2016/TT-BCA là văn bản dưới luật lại quy định những nội dung trái với luật, thậm chí vượt lên trên cả luật là trái với quy định tại Điều 5[5] Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2015). Mà theo đó, một trong những nguyên tắc khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải bảo đảm tuân thủ triệt để tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhà làm luật đã có những quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ, nhưng theo tác giả dù thế nào đi chăng nửa cũng phải bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, do vậy một số quy định của Thông tư 01/2016/TT-BCA liên quan đến trưng dụng tài sản như vừa đề cập cần được sửa đổi cho phù hợp hoặc hủy bỏ là mới bảo đảm tính pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 

Th.S Lê Văn Sua

Tòa án quân sự khu vực 1 – QK9



[1] Điều 7. Trưng mua, trưng dụng tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức vì lý do quốc phòng

Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, Nhà nước trưng mua, trưng dụng có bồi thường tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo thời giá thị trường.

Việc trưng mua, trưng dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

[2] e) Trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra;

[3] c) Huy động vật tư, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để cứu người, sơ tán nhân dân, cứu tài sản của Nhà nước, của tổ chức và nhân dân, ngăn chặn và khắc phục hậu quả thảm họa. Trong trường hợp cần thiết thì trưng dụng phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Việc huy động lực lượng, huy động hoặc trưng dụng vật tư, phương tiện, tài sản được thực hiện tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp; nếu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thì có thể huy động hoặc trưng dụng thêm từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn có tình trạng khẩn cấp.

3. Việc trưng dụng phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được cơ quan trưng dụng xác nhận theo quy định của Bộ Tài chính

 [4]http://m.baomoi.com/Nhung-chiec-Honda-Dream-Thai-tra-tren-tram-trieu-khong-ban-tai-VN/c/18623977.epi

1. Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

5. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Xem thêm »