Khoản 2 Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định trình tự phát biểu khi tranh luận: "Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa". Quy định như trên đã dẫn đến thực trạng khi xét xử, Chủ toạ phiên toà phải điều khiển phần tranh luận theo trình tự: trong trường hợp bị cáo khi tham gia phiên toà mà có người bào chữa thì người này sẽ bào chữa thay cho bị cáo, còn bị cáo chỉ trình bào lời bào chữa bổ sung nếu có. Như vậy, bị cáo đáng lẽ phải là "nhân vật chính" trong vụ án thực hiện việc bào chữa cho chính mình thì lại bị quy định trở thành "nhân vật phụ", trình bày lời bào chữa bổ sung.
Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp tại phiên toà, sau khi người bào chữa trình bày lời bào chữa theo hướng giảm nhẹ hoặc cố lái hành vi phạm tội của bị cáo sang tội nhẹ hơn tội mà bị cáo bị truy tố thì đến khi bị cáo trình bày lời bào chữa bổ sung đã nhận hết trách nhiệm về hành vi phạm tội, đi ngược với quan điểm của luật sư bào chữa. Có trường hợp người bào chữa đồng ý quan điểm của Kiểm sát viên buộc tội bị cáo và chỉ xin cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng bị cáo lại hoàn toàn không nhận tội.
Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do thứ tự tranh luận của bị cáo và người bào chữa cho bị cáo được quy định trong điều luật chưa hợp lý, dẫn đến ý chí của bị cáo và quan điểm của người bào chữa vênh nhau, thậm chí đối lập nhau. Việc người bào chữa được quy định đóng vai trò chính, "thay mặt" bị cáo tranh luận tại phiên toà để bào chữa cho bị cáo nhưng trong nhiều vụ án đã "thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hình thức, qua loa, đặc biệt là đối với những trường hợp bào chữa chỉ định"[1] đã ảnh hưởng quyền, lợi ích của bị cáo.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trình tự phát biểu khi tranh luận "bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa". So với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì trình tự phát biểu khi tranh luận của bị cáo và người bào chữa cho bị cáo có sự thay đổi cơ bản, phù hợp với việc đảm bảo quyền của bị cáo.
Theo kết cấu xây dựng điều luật quy định tại khoản 2 Điều 320 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì bị cáo và người bào chữa "ngang nhau" về thứ tự khi phát biểu tranh luận tại phiên toà. Tức là có thể bị cáo trình bày lời bào chữa trước, rồi đến người bào chữa trình bày cho bị cáo, nhưng cũng có thể người bào chữa trình bày lời bào chữa trước, rồi bị cáo mới trình bày lời bào chữa bổ sung. Quy định như trên là phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị[2] và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam[3].
Quyền bào chữa là một trong những quyền cơ bản của bị cáo nói riêng và quyền con người nói chung. Bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc "uỷ quyền" cho người bào chữa thực hiện bào chữa cho mình tại phiên toà. Lời bào chữa của người bào chữa tại phiên toà là sự thể hiện ý chí của bị cáo đối cáo buộc của Viện kiểm sát buộc tội bị cáo. Người bào chữa thực hiện việc bào chữa theo nguyên tắc "sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng"[4]. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người bào chữa vì bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được bào chữa mà quyết định thay ý chí của người được bào chữa. Khi thực hiện bào chữa cho bị cáo thì người bào chữa có quyền bào chữa của bị cáo nhưng đó là quyền phái sinh, tức người bào chữa đã nhận sự "uỷ quyền" của bị cáo để thực hiện việc bào chữa. Do vậy, quyền phái sinh của người bào chữa phải xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của chủ thể trao quyền là bị cáo. Quá trình tiếp nhận, thống nhất ý chí của bị cáo với quan điểm của người bào chữa có thể diễn ra trước khi mở phiên toà nhưng cũng có thể diễn ra trong quá trình xét xử vụ án. Có thể trước khi mở phiên toà, bị cáo không đồng ý với bản Cáo trạng buộc tội bị cáo và người bào chữa "chuẩn bị" thực hiện bào chữa theo hướng không nhất trí với quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát. Nhưng tại phiên toà, bị cáo lại thừa nhận hành vi của mình đã phạm tội như lời luận tội của kiểm sát viên thì người bào chữa phải thực hiện bào chữa theo hướng bị cáo nhận tội, dù rằng việc bào chữa đó có thể người bào chữa cho rằng không "bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích" của bị cáo.
Chúng tôi cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 320 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về trình tự phát biểu khi tranh luận là phù hợp với nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền con người đã được ghi nhận Hiến pháp và các văn bản luật quốc tế về nhân quyền.
Nguyễn Duy Nam - Toà án quân sự Quân khu 4
Tài liệu tham khảo:
[1] Hoàng Thị Minh Sơn, (2008)
Những hạn chế trong việc thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, Tạp chí Luật học số 10, tr 40-46.
[2] Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: "
Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp".
[3] Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013:
"Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật".
[4] Khoản 4 Điều 5 Luật Luật sư.