T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức góp ý kiến: Tâm huyết với những vấn đề của đất nước

23/02/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sáng 22-2, tại Hà Nội, Ban Bí thư T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội lần thứ X của Ðảng. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, các cán bộ đoàn, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất xác đáng.

Tham gia có các đồng chí trong Ban Bí thư, Ban Thường vụ, BCH T.Ư Ðoàn, các nhà khoa học của Ðoàn Thanh niên, Bí thư các tỉnh, thành đoàn khu vực phía bắc.

Với 50 năm tuổi đảng và cũng từng đó năm làm công tác thanh vận tại cơ quan T.Ư Ðoàn, và là một chuyên gia lịch sử của đoàn thanh niên, đồng chí Văn Tùng đánh giá rất cao nội dung  Dự thảo, và khẳng định: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Ðại hội X của Ðảng là văn kiện quan trọng được chuẩn bị công phu với sự đầu tư trí tuệ sâu sắc. Thông qua văn kiện này, sự vĩ đại của Ðảng ta thể hiện ở nhiều mặt, trong đó, vấn đề rất quan trọng là Ðảng luôn tự nhìn nhận lại mình, luôn biết điều chỉnh đường lối, luôn nhìn thẳng vào sự thật, phát huy cái đúng, sửa chữa kịp thời những khiếm khuyết. Thành tựu của 20 năm đổi mới và thành tựu của nhiệm kỳ IX cần được coi là thành tựu lịch sử và nguyên nhân dẫn đến kỳ tích đó là do Ðảng có đường lối đúng đắn, sáng tạo, cùng với sự nỗ lực phi thường của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân. Tuy vậy, Dự thảo chưa cân đối, chưa hài hòa giữa phần xây dựng kinh tế với phần xây dựng con người, đặc biệt là chưa đưa ra những  giải  pháp  then chốt nhằm đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn tới việc nhân dân mất lòng tin đối với Ðảng, với Nhà nước.

Ðồng chí Văn Tùng đề xuất: Cần phát động toàn dân đấu tranh chống lại các tệ nạn và cuộc đấu tranh này cần được tổ chức, lãnh đạo chặt chẽ, có cơ chế, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần chú trọng một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa then chốt là yếu tố con người. Việc phát động toàn dân cùng với việc xây dựng và thi hành pháp luật chặt chẽ, đồng thời siết chặt quản lý,  tạo nên sự cộng hưởng, tương tác, chắc chắn sẽ là liệu pháp mạnh để từng bước đẩy lùi các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, lãng phí...

Ðến từ Tạp chí Thanh niên, cơ quan lý luận của T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Dương Tự Ðam chú trọng góp ý về những bài học lớn của chặng đường 20 năm đổi mới, và đề nghị tách bài học thứ hai thành hai bài học, trong đó, nhấn mạnh bài học: Quá trình đổi mới phải bảo đảm mục tiêu CNH, HÐH đất nước, trên cơ sở vận hành cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Ðảng là then chốt, phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội. Ðây là bài học có tính chất trung tâm chủ đạo toàn bộ quá trình đổi mới của đất nước, dân tộc để xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại. Trong công tác cán bộ, cần bổ sung: Chú ý đào tạo cán bộ trẻ từ phong trào cách mạng, cán bộ nữ, cán bộ các dân tộc thiểu số, trí thức chuyên gia trên các lĩnh vực; tập trung bồi dưỡng nhân tài theo định hướng quy hoạch. Ðặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ cơ sở có phẩm chất và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Những thành tựu và bài học kinh nghiệm qua 20 năm đổi mới là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Báo cáo chính trị được nhiều đại biểu quan tâm.

Ðề cập  vấn đề này, đồng chí Nguyễn Việt Phát, Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP T.Ư cho rằng, những thành tựu trên cần được so sánh với sự phát triển của các nền kinh tế khác trong khu vực để thấy rõ và sâu sắc hơn những yếu kém và hạn chế  của ta, từ đó tìm ra những giải pháp mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn. Dự thảo cần đưa ra những giải pháp cụ thể để xóa đi sự trì trệ, bất bình đẳng trong hoạt động kinh tế; nhất là cần có những quy chế cụ thể đối với việc đảng viên làm kinh tế tư nhân. Ðại biểu này nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân góp ý cho văn kiện Ðại hội Ðảng là việc làm rất cần thiết  và có ý nghĩa, tuy nhiên, quan trọng hơn là những ý kiến đóng góp chính xác, thiết thực cần được Ban soạn thảo tiếp thụ và thể hiện trong quá trình hoàn chỉnh Dự thảo.

Từ những thực tế và vấn đề nảy sinh tại địa phương và đơn vị mình trong thời gian qua, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh đoàn Hải Dương khẳng định: Dự thảo  đã đề cập chính xác, kịp thời việc chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, tuy vậy cần xác định rõ con người là nguồn lực quan trọng hàng đầu và nhiệm vụ nêu trên là của toàn xã hội. Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang bày tỏ quan tâm về một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Báo cáo chính trị, đó là: Ðổi mới công tác cán bộ.

Tâm đắc đối  với những yêu cầu, tiêu chuẩn và những giải pháp trong công tác cán bộ mà Dự thảo nêu ra, đồng chí Hương Giang nhấn mạnh: Ðổi mới công tác cán bộ rất cần đổi mới từ nhận thức về quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hiện nay, Ðảng chưa khai thác hết tiềm năng của đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ trẻ; nhất là ở địa phương, cấp ủy chưa tạo điều kiện để cán bộ trẻ phát triển, chính vì vậy, nguồn cán bộ kế cận cho Ðảng chậm được trẻ hóa. Xuất phát từ quan điểm này, đồng chí đề nghị: Công tác trẻ hóa cán bộ cần được dự thảo đề cập cụ thể hơn.

Tiếp cận dự thảo ở một mảng vấn đề khác, đồng chí  Nguyễn Thị Hoàng Vân, Trưởng ban Quốc tế T.Ư Ðoàn, nêu rõ: Dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh việc "thực hiện xã hội hóa giáo dục", nhưng cần đề cập chặt chẽ hơn vì trên thực tế, việc xã hội hóa giáo dục rất dễ dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục bị giảm sút, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao và từ đó gây ra nhiều hậu quả khác trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Ðối với công tác xây dựng Ðảng, Dự thảo cũng đã nêu rõ, chính xác những hạn  chế, vướng mắc. Và, để giải quyết những hạn chế đó, cần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Ðảng, cần tiến hành một đợt phê bình và tự phê bình thật sâu sắc, thật nghiêm túc từ T.Ư đến cơ sở. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là trong cuộc đấu tranh chống lại các tệ nạn xã hội, nhất là tệ tham nhũng. Ðồng thời chú trọng phát huy sức mạnh của nhân dân.

Với mong muốn: Ðảng lãnh đạo toàn xã hội chăm lo, phát triển thế hệ trẻ trở thành nguồn lao động có chất lượng cao, Tiến sĩ Trần Văn Miều cho rằng: Dự thảo đề cập về thanh niên và công tác thanh niên còn chưa ngang tầm và chưa thể hiện rõ quan điểm của Ðảng đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, dự thảo mới nhắc đến thanh niên, tức là còn bỏ sót đối tượng thiếu niên, nhi đồng, trẻ em. Do đó, cần nêu trong văn kiện là "Ðối với thế hệ trẻ...". Ngoài ra, cần xác định rõ: Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh có vai trò nòng cốt chính trị cho phong trào thanh niên và các tổ chức, như: Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam;  Ðoàn có nhiệm vụ, chức năng phụ trách, lãnh đạo Ðội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Ðồng chí đề nghị: Ðảng cần có quan điểm và thực hiện các giải pháp coi việc xây dựng Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh là công tác xây dựng Ðảng. Ðể làm tốt công tác thanh vận trong thời gian tới, Ðảng cần có cách tiếp cận mới cả về lý luận và thực tiễn trong việc bồi dưỡng và phát huy thế hệ trẻ, và trong việc chăm lo, xây dựng tổ chức đoàn, hội vững mạnh. Trong nhiệm kỳ Ðại hội X, BCH T.Ư Ðảng cần ra Nghị quyết mới về đẩy mạnh công tác thanh niên trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước. Có chính sách đào tạo và phát huy đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội và tài năng trẻ, chăm lo phát triển thế hệ trẻ cả về trí tuệ và đạo đức.

Cùng suy nghĩ này, đồng chí Văn Tùng đề xuất nội dung dự thảo viết về thanh niên và công tác thanh niên như sau:

Ðảng, Nhà nước,  nhân dân luôn đặt niềm tin yêu và kỳ vọng thế hệ trẻ được chế độ chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo, luôn giữ vững vai trò là đội xung kích sáng tạo, là nguồn nhân lực có chất lượng cao, là lớp người đầy tài năng, sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ðoàn Thanh niên phải được xây dựng vững mạnh để thật sự là đội hậu bị hùng hậu của Ðảng, là trường học XHCN đoàn kết, tập hợp đông đảo các tầng lớp thanh niên; đại diện, bảo vệ những lợi ích chính đáng của thanh niên, ra sức xây dựng Ðội và chăm sóc thiếu nhi.

Chung quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Lam, Quyền Chủ tịch Hội đồng Ðội T.Ư, trong ý kiến đóng góp của mình, đã nhấn mạnh và nêu rõ tư tưởng của Ðảng, của Bác Hồ kính yêu về công tác chăm sóc, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng, đồng thời đề nghị năm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới; trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thiếu nhi.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển, đồng chí Dương Tự Ðam đề xuất Dự thảo cần bổ sung: Giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức cách mạng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên. Khuyến khích thanh niên và cổ vũ ý chí tự lập, tự cường, nâng cao tri thức, năng lực, tay nghề, tự tạo việc làm. Chú trọng, chăm lo nguồn cán bộ trẻ; tạo điều kiện, cơ hội, chính sách cho thanh niên có tài năng đi đào tạo ở nước ngoài về phục vụ đất nước. Quan trọng hơn, vấn đề thể chế hóa các tư tưởng, quan điểm trong văn kiện của Ðảng thành chiến lược, chương trình, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên và xác lập cơ chế thực hiện trong thực tế. Một khi chủ trương, chính sách đúng, song thiếu thể chế, cơ chế phù hợp thì mục tiêu, đường lối không thể vào cuộc sống.

Về vấn đề này, đồng chí Dương Quốc Hưng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư Ðoàn nhận định: Phần đề cập về thanh niên và công tác thanh niên của Dự thảo còn "khoán" cho tuổi trẻ nhiều công việc quan trọng, quá sức... Các cấp ủy đảng, chính quyền cần coi trọng hơn nữa công tác hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên lập nghiệp. Bên cạnh đó, cần đề ra những giải pháp cụ thể nhằm đổi mới toàn diện công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho tuổi trẻ, nhằm khắc phục tình trạng "học mà không vào" đang phổ biến hiện nay.

Trong công tác giải quyết việc làm cho thanh niên, Dự thảo Báo cáo  đã đề cập lực lượng không nhỏ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự hằng năm. Theo đồng chí Lò Quang Tú, Phó trưởng Ban Mặt trận thanh niên T.Ư Ðoàn, đây là một nét mới trong văn kiện thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ðảng đối với thanh niên khi xuất ngũ. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quân đội, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và chính quyền các địa phương...

Tại Hội nghị, các cán bộ đoàn chủ chốt của các đơn vị, đoàn khối, đoàn trực thuộc đã đóng góp nhiều ý kiến khác nhau vào Dự thảo.

Về việc đảng viên làm kinh tế tư nhân, một số ý kiến đề nghị cần có những quy định, chế tài cụ thể, phù hợp tình hình và đặc điểm nước ta. Có ý kiến đề nghị nêu thêm bài học thứ sáu (ngoài năm bài học dự thảo đã đề ra) về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Nhiều ý kiến đề xuất Dự thảo nên chỉ rõ: các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác thanh niên; tập hợp, thu hút thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động trong tổ chức đoàn, hội; tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ, ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên, trí thức trẻ, TNXP lập nghiệp, công tác tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; xây dựng môi trường học tập, sinh sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.

MẠNH AN- Nhândân

Xem thêm »