Xây dựng chính sách đặc thù đối với phụ nữ dân tộc thiểu số

29/01/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới.

 

Theo Quyết định 178/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu của Kế hoạch là thông qua việc triển khai một số giải pháp bảo đảm thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ và giảm khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao.

Các hoạt động chủ yếu của kế hoạch là tiếp tục quán triệt, làm chuyển biến nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Tăng cường tham mưu việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật; Đẩy mạnh việc thực hiện tốt các chủ trương về tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của các phụ nữ; các chính sách đặc thù đối với phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số; hoàn thiện và triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và hôn nhân có yếu tố nước ngoài không lành mạnh; Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, tổ chức liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ trung ương đến địa phương; bố trí nguồn lực cho hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu bình đẳng giới;Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan trong việc đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo. Trước mắt, cần tích cực, chủ động tham mưu triển khai các chương trình phối hợp liên ngành nhằm phấn đấu đạt tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 mà Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đề ra; đẩy mạnh công tác truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi, xóa bỏ định kiến giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.

Xem thêm »