Xử phạt đối với người vừa là chủ sở hữu vừa là người điều khiển phương tiện có hành vi VPHC?

29/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đã có sự chuyển biến tích cực, tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Một số biện pháp cấp bách đã được triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả, các địa phương đã quan tâm tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng. Hệ thống pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ngày càng hoàn thiện, chế tài xử lý, xử phạt đối với các hành vi vi phạm được tăng cường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm công tác quản lý và bảo vệ rừng, các cơ quan có thẩm quyền đã gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc do một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn chồng chéo, không thống nhất với nhau hoặc quy định được hiểu theo nhiều cách khác nhau nên việc áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm cũng khác nhau. Điển hình như vụ việc sau:
          Vì hám lợi, ông Trần T đã tự ý vào rừng khai thác diện tích rừng trồng cây keo lai thuộc phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý. Sau khi khai thác, ông T đã thuê ông Phạm Đ là chủ sở hữu xe ô tô vừa là tài xế vận chuyển số lượng 5,95m3 gỗ tròn chủng loại keo lai đã khai thác nêu trên. Quá trình vận chuyển, ông Đ đã bị Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối ông T về hành vi vi phạm hành chính là khai thác rừng trái phép được quy định tại Điều 12 và ông Đ về hành vi vi phạm hành chính là vận chuyển trái phép lâm sản được quy định tại Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Căn cứ tính chất, mức độ và hành vi vi phạm của ông T và ông Đ, Hạt Kiểm lâm xác định thẩm quyền xử phạt hành chính trong trường hợp này thuộc Chủ tịch UBND tỉnh nên đã chuyển hồ sơ cho Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thủ tục trình Chủ tịch UBND tỉnh H ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
          Căn cứ ý kiến đề xuất của Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh H ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T và ông Đ. Trong đó, đối với ông Đ bị áp dụng xử phạt với hình thức xử phạt chính là phạt tiền với tổng số tiền phạt 60.000.000 đồng vì đã có 2 hành vi vận chuyển lâm sản trái phép với vai trò là người điều khiển phương tiện được quy định tại Điểm d, Khoản 4 và vai trò chủ phương tiện được quy định tại Khoản 15, Điều 22 (mỗi hành vi áp dụng mức phạt mức tối đa 30.000.000 đồng do có tình tiết tăng nặng là khi bị bắt và lập biên bản, ông Đ đã có hành vi chống đối, manh động đối với lực lượng thi hành công vụ). Về hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu sung công quỹ chiếc ôtô là phương tiện vận chuyển 5,95m3 gỗ khai thác trái phép theo quy định tại Tiết 4, Điểm b, Khoản 11, Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
          Tuy nhiên, quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh H đối với ông Đ tuy đã có hiệu lực thi hành và ông Đ không tự nguyện thi hành nhưng không thể tiến hành cưỡng chế để thi hành quyết định vì không có sự thống nhất với nhau trong việc áp dụng pháp luật khi xử lý vi phạm đối với chủ thể, đối tượng, hành vi vi phạm và mức tiền xử phạt do còn có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc đề xuất hướng xử lý khác nhau tại các cơ quan thực thi pháp luật. Cụ thể là:
          Quan điểm thứ nhất: Nhất trí như Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh H nên cần phải tiến hành cưỡng chế nếu ông Đ không tự nguyện thi hành. Bởi vì, theo quy định tại Khoản 15, Điều 22 Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định: Chủ sở hữu phương tiện bị xử phạt như quy định đối với người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật quy định tại Điều này (trừ trường hp phương tiện đó bị chiếm đoạt hoặc bị sử dụng trái phép quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 Nghị định này). Như vậy, trong trường hợp này ông Đ vừa là chủ sở hữu phương tiện, vừa là người có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép nên bị xử phạt 2 hành vi và mức phạt như Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh H là đúng.
          Quan điểm thứ hai: Một số ý kiến không thống nhất như Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh H vì cho rằng việc xử phạt đối với ông Đ với 2 mức phạt là không đúng với tinh thần của Khoản 15, Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP và nguyên tắc xử phạt hành chính theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính là: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. Trường hợp này, pháp luật quy định chỉ có hành vi vi phạm hành chính là hành vi “vận chuyển lâm sản trái phép với vai trò là người điều khiển phương tiện” được quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 22 Nghị định 157/2013/NĐ-CP. Còn tư cách chủ sở hữu phương tiện không phải là hành vi vi phạm hành chính. Trong tình huống này sẽ chia làm hai trường hợp. Nếu như ông Đ điều khiển phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép do một người khác giao cho thì áp dụng Khoản 15, Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP xử phạt cả ông Đ và người chủ phương tiện này về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép là đúng. Còn trường hợp này thì ông Đ vừa là chủ phương tiện, vừa là người điều khiển phương tiện không thể xử phạt 2 mức tiền như đã nêu trên là không phù hợp vì vai trò chủ phương tiện không phải là hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định nên Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh H là không đúng quy định của pháp luật nên không thể tiến hành cưỡng chế theo trình tự Luật định.
          Trường hợp này thì quan điểm của người viết là nhất trí với quan điểm thứ hai là Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh H đối với ông Đ là không đúng với tinh thần của Khoản 15, Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP và nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, trong trường hợp nêu trên thì quan điểm của các cơ quan chưa thống nhất với nhau về đường lối xử lý. Nguyên nhân phát sinh tình trạng này là những bất cập về hệ thống văn bản pháp luật đang gây khó khăn cho cơ quan thực thi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, để đảm bảo việc xử lý vi phạm được đúng người, đúng hành vi vi phạm và kịp thời cần xây dựng cơ chế chặt chẽ, đầy đủ đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính có hiệu quả và chất lượng, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm chính chính, và có văn bản hướng dẫn cụ thể về biện pháp, đối tượng bị xử lý đối với trường hợp này nhằm đảm bảo tính chính xác trong quá trình thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
                                                                        Lê Kim Chinh - Sở Tư pháp Bình Định

Xem thêm »