Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Một số hạn chế của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014 cần hoàn thiệnLuật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Đây là những đạo luật đánh dấu sự quyết tâm cải cách pháp luật đối với doanh nghiệp của Nhà nước ta, những thay đổi mang tính đột phá của Luật là thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được coi là thủ tục khai sinh ra doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là “giấy khai sinh” của doanh nghiệp mới, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường, thể hiện ý chí của cộng đồng kinh doanh.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đó là tình trạng các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực vẫn chưa được điều chỉnh hoàn thiện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của luật này. Ngoài ra, còn có những hạn chế khác về mặt nội dung, mà những quy định đó gây “vướng” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số hạn chế của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 cần được hoàn thiện, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó mong muốn tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các luật có liên quan đến lĩnh vực này.
Thứ nhất đối với Luật Doanh nghiệp năm 2014
Một là, về việc đăng ký kinh doanh
Tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định về Áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành, mà theo đó: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.”. Nhưng hiện nay, hoạt động luật sư, công chứng, giám định, giáo dục và đào tạo, trọng tài thương mại,... cũng đã được xác định rõ là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên các ngành, nghề này lại không được đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Luật Công chứng năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Giám định tư pháp năm 2012, Luật Giáo dục đại học năm 2012; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Trọng tài thương mại năm 2010;... Hậu quả là nhiều tổ chức hành nghề luật sư, như công ty luật và pháp nhân khác hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” theo quy định tại khoản 6 Điều 4 về Giải thích từ ngữ của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Tương tự, ngân hàng thương mại, công ty tài chính thì đăng ký doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác, trong khi Công ty bảo hiểm, là một doanh nghiệp điển hình, thì lại không thực hiện thủ tục này. Vì theo Điều 65 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), quy định: “Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.” Trong khi đó, hộ kinh doanh hay hợp tác xã, tuy không được xác định là doanh nghiệp theo theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay Luật Hợp tác xã năm 2012, nhưng vẫn thực hiện việc đăng ký kinh doanh như đối với doanh nghiệp.
Do vậy, đề nghị xem xét quy định này của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hoặc Luật Đầu tư năm 2014 theo hướng yêu cầu thống nhất đăng ký kinh doanh tập trung đối với tất cả các công ty và pháp nhân có hoạt động kinh doanh.
Hai là, việc báo cáo nội dung thay đổi
Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp, như sau:“Doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những người sau đây:
1. Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;
2. Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;
3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.”
Hiện nay quy định 3 thủ tục về Đăng ký, thông báo và báo cáo, như sau:
+ Phải đăng ký khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Phải thông báo khi thay đổi nội dung Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
+ Phải báo cáo đối với một số trường hợp khác.
Các nội dung trên không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp Giám đốc hoặc Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật), vì vậy việc báo cáo là vô lý và không cần thiết. Đề nghị xem xét bỏ điều luật trên và chỉ phải báo cáo một số nội dung thật sự cần thiết, có ý nghĩa trong việc theo dõi, quản lý nhà nước.
Ba là, về trách nhiệm của Người đại diện theo pháp luật
Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, như sau:“Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”
Thiết nghĩ, công ty có thể tìm cách trốn tránh trách nhiệm trong các trường hợp bất lợi. Đồng thời gây khó khăn và rủi ro rất lớn cho đối tác giao dịch với công ty, vì không phải lúc nào cũng tiếp cận được Điều lệ và không bảo đảm việc xác định được chính xác nội dung phân quyền cũng như bản Điều lệ nào có hiệu lực thật sự.
Do vậy, đề nghị xem xét quy định theo hướng: Công ty hợp danh có nhiều người đại diện theo pháp luật; Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nghĩa vụ như nhau và Điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và phải đăng ký với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
Bốn là, về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Đối với từng loại hình doanh nghiệp, khi đăng ký thành lập sẽ được yêu cầu chi tiết thành phần hồ sơ, từ Điều 20 đến Điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Ngày 14/9/2015 Chính phủ ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, mà theo đó, tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này, có quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”. Tuy nhiên, theo Công văn số 2544/BXD-QLN ngày 19/11/2009 của Bộ Xây dựng, về việc thực hiện các quy định về quản lý nhà chung cư, gửi đến các Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Hải Phòng; thành phố Đà Nẵng; tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, khi đăng ký trụ sở công ty tại một căn hộ nằm trong cao ốc phức hợp để ở và thương mại, Sở Kế hoạch Đầu tư buộc nhà đầu tư phải chứng minh quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở công ty. Yêu cầu này được hiểu là căn cứ vào Công văn trên của Bộ Xây dựng không cho phép sử dụng nhà chung cư làm văn phòng công ty. Vấn đề đặt ra ở đây là Sở Kế hoạch Đầu tư có quyền yêu cầu nhà đầu tư nộp hồ sơ chứng minh quyền được đặt trụ sở công ty tại căn hộ đã thuê không?
Tương tự, đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cần có giấy phép cho phép thành lập trước của các bộ chuyên ngành. Ví dụ lĩnh vực sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp; lĩnh vực thuốc chữa bệnh cho người do Bộ Y tế cấp; … Vậy Sở Kế hoạch Đầu tư có được quyền yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các giấy phép này ngoài thành phần hồ sơ đã ấn định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 không? Rõ ràng, nếu yêu cầu nộp thêm, Sở Kế hoạch Đầu tư đã vi phạm quy định của khoản 2 Điều 9 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Song nếu không yêu cầu thì Sở Kế hoạch Đầu tư lại vi phạm các quy định của luật chuyên ngành khác!?
Năm là, việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và Giấy chứng nhận đầu tư (IRC)
Theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014, muốn tăng vốn điều lệ thì các nhà đầu tư (thành viên, cổ động, chủ sở hữu) phải góp xong (đã thực tăng) và trong thời hạn mười ngày phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngược lại, đối với doanh nghiệp FDI thì không đơn giản như thế. Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 19/2014/TT-NHNN ngày 11/8/2014 của Ngân hàng nhà nước, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam:“Nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam theo mức vốn đầu tư tại Giấy chứng nhận đầu tư,”, trong đó ghi rõ thời hạn và số vốn được góp. Như vậy, rõ ràng giữa Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã có quy định mâu thuẫn nhau, đó là, theo Luật Doanh nghiệp yêu cầu phải góp vốn trước mới làm thủ tục tăng vốn điều lệ. Ngược lại, Pháp lệnh Ngoại hối lại yêu cầu làm thủ tục tăng vốn điều lệ trước, sau mới cho phép góp vốn.
Sáu là, việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Tại điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Mà theo đó, doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi về một số nội dung, trong đó có việc:“Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần”. Điểm b khoản 1 Điều 33 Luật này quy định sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Doanh nghiệp phải công bố các thông tin, trong đó có “Danh sách cổ đông sáng lập”.
Như vậy, thông tin về “Danh sách cổ đông sáng lập” không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, vì vậy yêu cầu phải thông báo khi có thay đổi và phải công bố thông tin là không hợp lý.
Bảy là, việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần
Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về chuyển nhượng cổ phần, như sau: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.”
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 120 về cổ phiếu của Luật này, quy định: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.”. Vì vậy, quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng thì chỉ phù hợp với trường hợp cổ phiếu là chứng chỉ, không phù hợp với trường hợp là bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Do vậy, quy định này có thể dẫn đến việc gây rủi ro lớn cho người nhận chuyển nhượng, vì không thể biết được cổ phần có bị hạn chế chuyển nhượng hay không. Do cổ phần được tự do chuyển nhượng, nên sau khi giao dịch xong, khi tiến hành làm thủ tục đăng ký vào sổ cổ đông thì mới biết bị hạn chế chuyển nhượng. Hơn nữa, quy định này không có trong Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Đề chặt chẽ hơn, theo tác giả quy định này có thể viết lại theo hướng sau: Trường hợp chỉ ghi việc hạn chế việc chuyển nhượng trên cổ phiếu bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử thì không có giá trị pháp lý.
Tám là, về thành viên điều hành của Hội đồng quản trị
Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Cuộc họp Hội đồng quản trị. Mà theo đó, tại điểm c khoản 4 Điều này quy định chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị là khi “Có đề nghị của ít nhất 02 thành viên điều hành của Hội đồng quản trị”.
Vấn đề gây khó hiểu ở quy định này là “thành viên điều hành của Hội đồng quản trị” khác với “thành viên Hội đồng quản trị” thế nào? Công việc điều hành được hiểu là của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Thực tế, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cũng không có quy định nào giải thích về thành viên điều hành của Hội đồng quản trị. Điều này dẫn đến không xác định được thành viên nào của Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng quản trị. Đề nghị xem xét thay quy định trên bằng quy định có ít nhất 2 thành viên Hội đồng quản trị như Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định.
Thứ hai đối với Luật Đầu tư năm 2014
Một là, về điều kiện đầu tư kinh doanh
Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014: “Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.”. Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2015) có hiệu lực ngày 1/7/2016, mà theo đó, tại khoản 1 Điều 11 của Luật này, quy định “Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.”
Vấn đề đặt ra là theo quy định nêu trên, trường hợp luật chuyên ngành giao thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quang ngang bộ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh thì việc ban hành này có trái với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 không? Trong trường hợp này có được áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2015): “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.” hay không? Trong khí đó, theo quy định tại Điều 19[1] Luật ban hành văn bản quy phạm năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2015), Chính phủ ban hành nghị định để quy định chi tiết điều khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;... Như vậy, trong trường hợp Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng Luật chuyên ngành chưa có quy định cụ thể về ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc không giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh thì có thể áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2015) không?
Hai là, về thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Bên cạnh đó, kết quả rà soát cũng cho thấy phát sinh một số vướng mắc trong việc áp dụng Luật Đầu tư năm 2014 và các luật liên quan. Cụ thể, theo Luật Đầu tư năm 2014 đã cải cách mạnh thủ tục đầu tư theo hướng thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành. Cùng với đó, đầu mục hồ sơ đăng ký đầu tư được giảm thiểu đáng kể theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu như: giải trình kinh tế - kỹ thuật, giải trình đáp ứng điều kiện… để tạo thuận lợi và giảm thời gian, thủ tục cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, vẫn yêu cầu thực hiện một số thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này dẫn đến xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2[2] Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, năm 2014 quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, việc yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước thời điểm quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không phù hợp với thực tế triển khai dự án đầu tư vì tại thời điểm này, nhà đầu tư mới đề xuất địa điểm và chưa có dự án đầu tư được phê duyệt nên không có đủ căn cứ để lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này tạo rủi ro rất lớn về chi phí đầu tư cho nhà đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận vì những lý do không liên quan đến môi trường hoặc buộc phải thay đổi địa điểm thực hiện dự án.
Mặt khác, theo Điều 33[3] Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Mà theo đó, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm giải trình kinh tế - kỹ thuật; đề án tiền khả thi và tuân thủ theo Điều 34[4] Nghị định này, việc lấy ý kiến của các Bộ, Sở ngành có liên quan là một trong các thủ tục phải thực hiện để thẩm tra điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Tương tự, theo Điều 5[5] Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, theo đó, Cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương và chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản.
Có thể thấy, sự thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật đang là rào cản lớn, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, gây rủi ro trong quá trình đăng ký cấp phép đầu tư, tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản luật pháp cũng như việc tuân thủ, triển khai thực hiện của các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước.
Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Mà theo đó, tại Điều 24[6] của Nghị định này quy định cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài rất tiến bộ, khi yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư phải tiếp nhận một lần cả hai hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC). Tuy nhiên cho đến nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện quy định “Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này và các thủ tục khác có yêu cầu phối hợp giữa cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh”, vẫn chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn.
Biết rằng để được cấp IRC, có những lĩnh vực mất từ sáu đến tám tháng hoặc hơn vì Sở Kế hoạch Đầu tư phải chờ kết quả thẩm định dự án của bộ chuyên ngành. Nếu bộ chuyên ngành chưa có ý kiến thì sở không thể cấp IRC. Thêm nữa, nội dung văn bản đề nghị cấp IRC và ERC phải thống nhất với nhau hay trong đơn cấp ERC phải có thông tin mã số IRC, ngày cấp, nơi cấp. Do vậy, sẽ không có thông tin điền vào ERC khi IRC chưa được cấp hoặc khi phải điều chỉnh IRC thì buộc phải điều chỉnh ERC
Tóm lại: Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014, được đánh dấu là sự quyết tâm cải cách pháp luật của Nhà nước và thể hiện ý chí của cộng đồng kinh doanh. Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn không chỉ là nội dung một số quy định của những luật này chưa thật sự phù hợp mà còn là các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm các Luật này có hiệu lực vẫn chưa được hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của luật này. Điều này đang gây nên sự chậm trễ, ách tắc và khiến các các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lo ngại.
Phạm Thị Hồng Đào
[1] Điều 19. Nghị định của Chính phủ
Chính phủ ban hành nghị định để quy định:
1. Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
2. Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;
3. Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh, tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
[2] 2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc sau:
a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư;
b) Cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án thăm dò, khai thác khoáng sản;
c) Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí;
d) Cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng;
đ) Cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này. [3] Điều 33. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư
1. Đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định này:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
b) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Nhà đầu tư là tổ chức cần nộp bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ tương đương khác. Nhà đầu tư là cá nhân cần nộp bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân, lý lịch cá nhân; nhà đầu tư là cá nhân người nước ngoài nộp bổ sung lý lịch tư pháp;
c) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
d) Giải trình kinh tế - kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: Mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư; tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất hoặc thoả thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 29 của Nghị định này; giải pháp về công nghệ và môi trường; kiến nghị ưu đãi đầu tư (nếu có);
đ) Đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục, bao gồm các nội dung sau:
Loại cơ sở giáo dục đề nghị thành lập; sự cần thiết thành lập cơ sở giáo dục; sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Tên gọi của cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục; kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành;
Dự kiến về văn bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo phù hợp với quy định tại các Điều 23, 29, 30, 31 của Nghị định này.
e) Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư theo mức quy định tại Điều 28 của Nghị định này.
2. Đối với dự án đầu tư mở phân hiệu của cơ sở giáo dục quy định tại Khoản 3, 4 Điều 26 của Nghị định này:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;
b) Bản sao có chứng thực Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục;
c) Bản sao có chứng thực Giấy phép hoạt động của cơ sở giáo dục;
d) Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục xin mở phân hiệu hoặc giấy tờ công nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Giải trình kinh tế - kỹ thuật liên quan đến việc mở phân hiệu, bao gồm các nội dung quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này;
e) Đề án tiền khả thi đề nghị mở phân hiệu của cơ sở giáo dục, bao gồm các nội dung sau:
Sự cần thiết mở phân hiệu;
Tên gọi của phân hiệu, phạm vi hoạt động của phân hiệu; kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo tương ứng với từng giai đoạn phát triển của phân hiệu; dự kiến về cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành;
Dự kiến về cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo phù hợp với quy định tại Điều 29, 30, 31 của Nghị định này.
g) Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư theo mức quy định tại Điều 28 của Nghị định này.
3. Văn bản xác nhận do cơ quan nước ngoài cấp cho nhà đầu tư phải được hợp pháp hoá lãnh sự tại Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
[4] Điều 34. Thẩm tra điều kiện về giáo dục, dạy nghề để cấp Giấy chứng nhận đầu tư
1. Việc thẩm tra điều kiện về giáo dục, dạy nghề để cấp Giấy chứng nhận đầu tư được quy định như sau:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm tra dự án đầu tư thành lập trường đại học, trường cao đẳng và phân hiệu của những cơ sở này;
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra dự án đầu tư thành lập trường cao đẳng nghề và phân hiệu của những cơ sở này;
c) Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm tra dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phân hiệu của những cơ sở này; trường trung cấp chuyên nghiệp và phân hiệu của những cơ sở này; cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông;
d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra dự án đầu tư thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và phân hiệu của những cơ sở này.
2. Trường hợp cần thiết, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.
[5] Điều 5. Thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh để hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm cấp Giấy phép kinh doanh để hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá (sau đây gọi tắt là Giấy phép kinh doanh) cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư (gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thương mại.
2. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam có đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì nộp hồ sơ để làm thủ tục đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư. Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư lấy ý kiến của Bộ Thương mại và chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Thương mại chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận đầu tư có giá trị đồng thời là Giấy phép kinh doanh. Thủ tục đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
3. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư vào kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đề nghị bổ sung kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu mà không kinh doanh phân phối hoặc các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư căn cứ vào lộ trình mở cửa thị trường trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cấp hoặc bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư, không cần chấp thuận của Bộ Thương mại.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền phân phối được lập cơ sở bán lẻ thứ nhất mà không phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Nghị định này. Việc lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo hướng dẫn của Bộ Thương mại và theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này.
[6] Điều 24. Cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài
1. Ngoài thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định này và pháp luật về doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có quyền thực hiện các thủ tục này tại một đầu mối theo trình tự sau:
a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo ý kiến cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
d) Trong trường hợp có yêu cầu điều chỉnh hoặc bổ sung hồ sơ đăng ký đầu tư hoặc hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký đầu tư thông báo 01 lần về toàn bộ nội dung không hợp lệ cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;
đ) Căn cứ hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đã tiếp nhận, Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp xử lý hồ sơ và trả kết quả cho nhà đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều này và các thủ tục khác có yêu cầu phối hợp giữa Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh.