Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, kiến nghị hoàn thiện

29/12/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Bộ luật đã có bổ sung quan trọng trong việc quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tại chương XVI gồm 06 điều (từ Điều 223 đến Điều 228).

Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Bộ luật đã có bổ sung quan trọng trong việc quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tại chương XVI gồm 06 điều (từ Điều 223 đến Điều 228).
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”; tạo cơ sở pháp lý thực thi những cam kết về luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong đó có công ước về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, ma túy, chống tội phạm có tổ chức; mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm Tố tụng hình sự của các nước.
Trước đây, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tuy được đề cập trong một số luật như Luật Công an nhân dân, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống khủng bố, Luật An ninh quốc gia… nhưng chỉ quy định chung chung mà chưa quy định cụ thể trình tự thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm tiến hành, thông tin, tài liệu thu thập chưa được xem là nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với bổ sung về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập thông tin, tài liệu, bổ sung nguồn chứng cứ quan trọng có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm, xác định đối tượng phạm tội và đồng bọn, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, truy nguyên tài sản bị tội phạm chiếm đoạt… trong điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng.
Điểm đặc trưng cơ bản của biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là yếu tố bí mật bao gồm bí mật về phương pháp tiến hành, bí mật về đối tượng áp dụng, bí mật về các thông tin, tài liệu không liên quan… nhưng lại được công khai về chứng cứ phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với biện pháp điều tra tố tụng thông thường hay biện pháp điều tra trinh sát.
Đối tượng áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể là con người như cá nhân, đối tượng nghi thực hiện tội phạm hoặc ổ nhóm tội phạm, hoặc cũng có thể là địa điểm nơi có thể xảy ra tội phạm, tồn tại những tin tức, tài liệu, dấu vết cần theo dõi, tìm kiếm thu thập trong quá trình giải quyết vụ án.
Sau đây bài viết xin đề cập tới những điểm chính cơ bản của biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại chương XVI, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:
* Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được tiến hành trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực âm thanh, hình ảnh, điện tử viễn thông, trình độ của chuyên viên công nghệ thông tin… bí mật thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng bị áp dụng nhằm phục vụ công tác điều tra, khám phá tội phạm. Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Những biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho phép ghi nhận hình ảnh với độ phân giải tốt, âm thanh chất lượng và những thông tin, tài liệu khác, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật với đối tượng áp dụng và những người không liên quan.  
* Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Để tránh sử dụng tràn lan và đảm bảo hiệu quả cao trong việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Bộ luật quy định có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các tội phạm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đây là những loại tội phạm có tổ chức chặt chẽ, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che dấu tội phạm hết sức tinh vi, xảo quyệt, đối tượng phạm tội thường ngoan cố, chống đối đến cùng, thiếu hợp tác với Cơ quan tố tụng dẫn tới các biện pháp điều tra tố tụng thông thường không mang lại hiệu quả hay hiệu quả thấp. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho phép Cơ quan điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ trực tiếp chứng minh tội phạm, xác định nhanh chóng, chính xác, toàn diện vụ án, chứng minh tội phạm và người phạm tội, truy nguyên tài sản bị tội phạm chiếm đoạt.
* Thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Đối với những vụ án liên quan tới tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền, tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp xét thấy cần thiết, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.
Biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt liên quan đến quyền bí mật đời tư của cá nhân nên không thể áp dụng tràn lan do vậy Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, Cơ quan thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung khác của văn bản tố tụng.
Để đảm bảo thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thành lập Cơ quan chuyên trách tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Cơ quan chuyên trách được biên chế cán bộ kỹ thuật đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại đã được kiểm duyệt để ghi âm, ghi hình bí mật, nghe lén điện thoại bí mật, thu thập dữ liệu điện tử bí mật.
Những người có thẩm quyền quyết định và thi hành quyết định bao gồm: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra cấp quân khu trở lên ra quyết định và Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, những người trong Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật. Nếu những thông tin về việc tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biết tới đối tượng bị áp dụng trong vụ án sẽ khiến chúng cảnh giác, tìm cách đối phó, tạo ra thông tin sai đánh lạc hướng Cơ quan tố tụng hay có biểu hiện chống đối dẫn tới kiện tụng phiền hà.
* Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được tiến hành ở gian đoạn điều tra, sau khi khởi tố vụ án, để tránh việc lạm dụng hay áp dụng quá lâu ảnh hưởng tới đời tư của cá nhân, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chi tiết về thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là khoảng thời gian tối đa mà pháp luật cho phép để tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định như sau: thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ áp dụng ở giai đoạn điều tra và sau khi khởi tố vụ án nên trong trường hợp vụ án phức tạp đòi hỏi cần thời gian để tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cư thì có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.
* Sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Thông tin, tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt rất rộng liên quan tới bí mật đời tư của cá nhân. Cơ quan tiến hành tố tụng và Cơ quan thi hành quyết định phải phân tích, đánh giá, chọn lọc những thông tin, tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội, truy tìm đồng bọn, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, truy nguyên tài sản bị tội phạm chiếm đoạt… và sử dụng làm chứng cứ phục vụ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Bộ luật nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.
Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ. Đây là nguồn chứng cứ mới hết sức quan trọng có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm và được sử dụng để giải quyết vụ án.
Để phát huy vai trò kiểm sát trong hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt và có cơ sở đánh giá chính xác biện pháp điều tra tố tụng trong giải quyết vụ án còn cần thiết nữa không, Bộ luật quy định Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn.
* Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt. Trong trường hợp không cần thiết phải áp dụng hay có vi phạm trong việc thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đối với những vụ án mà Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi muốn hủy bỏ phải có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan Điều tra quân sự cấp quân khu để Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, Cơ quan Điều tra quân sự cấp quân khu đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ.
Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp: có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền; có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
* Những hạn chế, bất cập
Thứ nhất:
Liên quan tới thẩm quyền ra quyết định tiến hành biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt, tại Khoản 1 Điều 225 quy định “Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”. dường như Điều luật chỉ đề cập tới Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu mà chưa đề cập tới Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trong việc yêu cầu Cơ quan Điều tra cùng cấp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Thứ hai:
Trong một vụ án, điều tra viên thụ lý là người trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra, đưa ra phương hướng điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội. Đối với các vụ án thuộc nhóm tội phạm có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì điều tra viên là người trực tiếp đưa ra nhận định, đánh giá, đề xuất, tham mưu cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, biện pháp điều tra đặc biệt nào phù hợp, hiệu quả nhất, đối tượng, thời gian áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đồng thời, những thông tin, tài liệu thu thập được do Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là rất rộng, chỉ những thông tin, tài liệu cần thiết cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự mới được sử dụng còn những thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Như vậy, đòi hỏi điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án là người tường tận những vấn đề cần chứng minh trong vụ án phải phối hợp Cơ quan chuyên trách trực tiếp kiểm tra, đánh giá thông tin, tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mới mang lại kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ án với vai trò là người thực hành quyền công tố, kiểm sát sẽ đánh giá tính chất vụ án, từ đó có căn cứ đề xuất với Viện trưởng Viện kiểm sát có đưa ra yêu cầu áp dụng, phê chuẩn, hủy bỏ quyết định tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên, Chương XVI, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nhưng chưa đề cập tới nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp điều tra, kiểm sát điều tra trong vụ án áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Thứ ba:
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong nhiều trường hợp cần được tiến hành nhanh chóng nhằm thực hiện các yêu cầu cấp bách trong điều tra vụ án hình sự như: phát hiện đối tượng gây án, truy nguyên tài sản bị chiếm đoạt, truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội, phát hiện đồng bọn đang lẩn trốn… Những tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm cơ sở để Cơ quan Điều tra tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính chặt chẽ trước khi thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thi hành khi được sự phê chuẩn của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đòi hỏi phải chặt chẽ và tiến hành cấp bách, tuy nhiên trong Bộ luật lại chưa quy định trong khoảng thời gian bao lâu thì quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt của thủ trưởng Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp quân khu trở lên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn để thi hành.
Thứ tư: Biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt có thể thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến một vụ án khác hay thông tin có dấu hiệu của tội phạm khác mà không liên quan tới vụ án đang được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Nếu như theo quy định, thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Do vậy, nếu phải tiêu hủy mà không được sử dụng có thể bỏ lọt tội phạm, lãng phí thông tin rất lớn.
* Kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất:
Tại Điều 225, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, điều chỉnh trong Khoản 1 “Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”. cụm từ theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu thành theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp để được câu“Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”.
Thứ hai:
Quy định thêm về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của Điều tra viên thụ lý vụ án hình sự, kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát vụ án hình sự trong việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Thứ ba:
Quy định cụ thể về thời gian phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp tố tụng đặc biệt của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan Điều tra ra quyết định. Trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra cấp quân khu trở lên ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, để đảm bảo tính khẩn trương, cấp thiết trong thi hành quyết định có cần phải phê chuẩn nữa không hay có hiệu lực thi hành ngay sau khi ra quyết định.
Thứ tư:
Có quy định mở trong việc sử dụng thông tin, tài liệu liên quan tới vụ án khác, có dấu hiệu tội phạm khác được thu thập trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
 

Xem thêm »