Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Quy định pháp luật về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh và kiến nghịCạnh tranh là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để có sự cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử… lại phải giải quyết nhiều vấn đề cả ở lĩnh vực xây dựng quy phạm pháp luật, thực thi pháp luật, hành xử của doanh nghiệp và chắc chắn không thể thiếu được sự đóng góp bằng thái độ tích cực của người tiêu dùng. Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh lần đầu tiên đã được thừa nhận là một bộ phận cấu thành của Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Tiếng Anh Paris Convention for the Protection of Industrial Property – Paris Convention thông qua ngày 20/3/1883, được sửa đổi tại Brussels ngày 14/12/1900; tại Washington ngày 02/6/1911; tại LaHay ngày 06/11/1925; tại London ngày 02/6/1934; tại Lisbon ngày 31/10/1958; tại Stockholm ngày 14/7/1967 và tổng sửa đổi ngày 28/9/1979) vào năm 1900 tại Hội nghị ngoại giao Brusels về Sửa đổi Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bằng việc bổ sung Điều 10 bis[1] vào Công ước. Ở đâu có tự do cạnh tranh là ở đó có khả năng xảy ra hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là kết quả tất yếu của một hệ thống kinh tế thị trường tự do cạnh tranh. Tuy nhiên nếu không có biện pháp hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Do đó, yêu cầu tất yếu là sự ra đời hệ thống pháp luật cạnh tranh nói chung và các quy định về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng để có thể xử phạt nghiêm khắc và tiến tới xóa bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sau hơn 10 năm thi hành Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) những kết quả thực thi bước đầu đạt được không chỉ giúp bảo vệ các hoạt động cạnh tranh, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng xã hội về cạnh tranh và bảo vệ cạnh tranh, mà còn giúp điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh và mọi cá nhân, tổ chức khác trong xã hội cho phù hợp để hướng tới một môi trường cạnh tranh có văn hoá, lành mạnh và bình đẳng, nhất là trong thực thi các quy định về chống các hành vi hạn chế cạnh tranh, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của cơ quan cạnh tranh đã tác động một cách trực tiếp tới nhận thức và hành vi không chỉ của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường mà còn cả đối với mọi tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.
Hiện nay các hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra ở nước ta khá phổ biến và ngày càng gia tăng nhưng sự điều chỉnh và chế tài của pháp luật trong lĩnh vực này dường như còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) đang diễn ra thường xuyên hơn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp có chủ trương cạnh tranh lành mạnh và người tiêu dùng. Khi một sản phẩm của một doanh nghiệp A mang Nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ trở nên chiếm lĩnh thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng thì không bao lâu sau hàng tá cơ sở khác cũng tung ra sản phẩm giống y hệt từ kiểu dáng màu sắc và mang chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đã đăng ký. Đương nhiên là chất lượng không thể bằng nhưng sản phẩm cố ý gây nhầm lẫn giá thành có thể rẻ hơn. Do đó người tiêu dùng bị nhầm lẫn giữa các sản phẩm không biết đâu là sản phẩm mang Nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ mà mình mong muốn mua và phân vân về chất lượng sản phẩm. Hậu quả là sản phẩm của doanh nghiệp chân chính bị rơi vào thế cạnh tranh trực diện ảnh hưởng lớn tới uy tín thị phần và đối mặt với việc thương hiệu của mình bị "nuốt" mất. Hiện tượng bố trí “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu, đấu giá; hình thức khuyến mại tinh vi, nhập nhằng về nhãn hiệu, công dụng của sản phẩm gây nhằm lẫn trong lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng phổ biến. Đặc biệt, sau sự cố VINASTAS công bố hàm lượng asen trong nước mắm một cách mập mờ (không nói rõ asen hữu cơ và vô cơ), dư luận nhìn nhận rõ hơn về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến quy định của pháp luật hiện hành xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh và những kiến nghị hoàn thiện.
1.Cạnh tranh không lành mạnh và quy định của pháp luật về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.”
Một số đặc điểm nhận biết đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
i).Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện nhằm mục đích lợi nhuận.
ii). Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi có tính chất đối lập, đi ngược lại các thông lệ tốt, các nguyên tắc đạo đức kinh doanh, có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.
iii). Hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN được quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):
“Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;
b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.”
Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004, quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như sau:
“Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật này bao gồm:
1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;
2. Xâm phạm bí mật kinh doanh;
3. ép buộc trong kinh doanh;
4. Gièm pha doanh nghiệp khác;
5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
8. Phân biệt đối xử của hiệp hội;
9. Bán hàng đa cấp bất chính;
10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định.”
Chỉ dẫn gây nhầm lẫn là việc doanh nghiệp sử dụng những thông tin chỉ dẫn (chẳng hạn trên bao bì, nhãn hàng, các pano quảng cáo ...) gây ra sự nhầm lẫn về tên thương mại, logo, chỉ dẫn địa lý ... để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ của mình.
Quảng cáo nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh là việc doanh nghiệp: So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá cả, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Ngày 21/7/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 71/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh (viết tắt Nghị định 71/2014/NĐ-CP), mà theo đó, hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh được quy định từ Điều 28 đến Điều 36 Mục 4, Chương II của Nghị định này. Đồng thời, hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác, đề cập tại khoản 10 Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004, cũng được quy định cụ thể tại Mục 5, Chương II của Nghị định này, bao gồm: Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu; Hành vi vi phạm các quy định khác liên quan đến quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế trước khi có quyết định cho hưởng miễn trừ của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 49 Luật Cạnh tranh năm 2004 và Điều 40 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, thẩm quyền xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc về Cơ quan quản lí cạnh tranh (từ Điều 40 đến Điều 48 Luật Cạnh tranh năm 2004). Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Thanh tra Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Riêng hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn và hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được quy định ở cả Luật Cạnh tranh năm 2004 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên thẩm quyền xử lý thuộc cả hai cơ quan là Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương và Thanh tra Khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Trường hợp này, chủ thể có quyền có thể lựa chọn một trong các cơ quan để yêu cầu giải quyết, hoặc nếu đồng thời nộp đơn yêu cầu nhiều cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, xử lí hành vi cạnh tranh không lành mạnh dựa vào các căn cứ pháp lý sau:
Một là, phải có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi cạnh tranh đó có bản chất là hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh, hủy hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất hợp pháp hoặc là hành vi tạo ra ưu thế cạnh tranh giả tạo.
Hai là, phải có thiệt hại trong cạnh tranh không lành mạnh. Thiệt hại là một đặc điểm cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh và là điểm phân biệt giữa cạnh tranh không lành mạnh với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Việc xác định thiệt hại là một yêu cầu bắt buộc và cần thiết để bên bị hại có căn cứ đòi bồi thường và cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.
Ba là, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cạnh tranh không lành mạnh và thiệt hại. Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại là mối quan hệ trực tiếp, không phải là sự suy diễn chủ quan. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi diễn ra trước, thiệt hại trực tiếp do hành vi đó gây ra xảy ra sau. Bên thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý và các chế tài tương ứng khi gây ra thiệt hại nhất định cho đối thủ cạnh tranh, mà nguyên nhân trực tiếp là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của mình.
Bốn là, phải có lỗi trong cạnh tranh không lành mạnh. Lỗi là trạng thái tâm lý của người có hành vi vi phạm, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Hành vi cạnh tranh bị coi là có lỗi và không lành mạnh là hành vi vi phạm các tập quán nghề nghiệp, phá vỡ quan hệ bình đẳng, công bằng trong quan hệ cạnh tranh trên thị trường.
Theo Điều 3 Nghị định 71/2014/NĐ-CP thì đối với mỗi hành vi vi phạm, tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức tiền phạt tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Tại Mục 4 Chương II Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định từng mức phạt cụ thể đối với từng hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh (từ Điều 28 đến Điều 36).
-Các hình thức xử phạt bổ sung: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
-Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 71/2004/NĐ-CP, theo đó khi hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra những tổn thất về vật chất và tinh thần cho bên có quyền thì phải bồi thường thiệt hại nhằm khôi phục, đền bù nhằm bù đắp những tổn thất đó. Khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì dẫn chiếu đến pháp luật dân sự, cụ thể là áp dụng các quy định tương ứng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Chương XXI của Bộ luật Dân sự năm 2005).
Bên cạnh các biện pháp xử lý hành chính và dân sự nói trên, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 158); Tội lừa dối khách hàng (Điều 162); Tội quảng cáo gian dối (Điều 168); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171). Chế tài các tội phạm này là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn.
Phải thừa nhận rằng, pháp luật về bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam đã có độ tương thích nhất định với Pháp luật quốc tế nhưng sự mâu thuẫn lại xảy ra ngay giữa chính các quy định pháp luật trong nước với nhau. Các quy định pháp luật xử lý cạnh tranh không lành mạnh và các quy định pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác quy định pháp luật thương mại doanh nghiệp vẫn chưa có sự đồng bộ thống nhất. Một ví dụ điển hình cho thấy sự xung đột giữa quyền tác giả quyền kinh doanh và quyền đối với Nhãn hiệu. Doanh nghiệp A đã đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm/dịch vụ mà họ đang kinh doanh. Sau đó Doanh nghiệp B đăng ký kinh doanh cùng tên với Nhãn hiệu mà Doanh nghiệp A đã đăng ký bảo hộ. Doanh nghiệp C lại có Giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho tác phẩm là mẫu chữ logo có trên biển hiệu cùng tên với Nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ. Rõ ràng hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại của Doanh nghiệp B và Doanh nghiêp C là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Giấy chứng nhận đăng ký Bản quyền tác giả bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghĩa là họ đã có được những quyền hợp pháp tương ứng với những tài liệu đó.
2.Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, việc Quốc hội ban hành Luật Cạnh tranh năm 2004 và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp ban hành rất nhiều văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhưng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra, do lợi nhuận quá hấp dẫn. Bên cạnh đó, hoạt động cạnh tranh đó được “dựa” vào thể chế chưa phù hợp, cũng như những yếu kém trong việc thực thi pháp luật về quản lý cạnh tranh. Do vậy, cần phải đổi mới tư duy trong xây dựng, ban hành chính sách pháp luật cũng như quản lý cạnh tranh để thúc đẩy cạnh tranh thật sự công bằng, bình đẳng. Như vậy, nếu chỉ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý là chưa đủ để xóa bỏ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Qua nghiên cứu, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất: Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường nhưng nước ta hiện vẫn chưa có một cơ quan riêng biệt chỉ thực hiện chức năng quản lý, giám sát cạnh tranh. Thiếu một cơ quan giám sát cạnh tranh độc lập và đủ năng lực sẽ đẩy doanh nghiệp trong nước vào thế bấp bênh, khi các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý thị trường, giám sát cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường, đánh bật các doanh nghiệp trong nước ngay trên “sân nhà”. Vì vậy, phải nâng cấp cơ quan quản lý cạnh tranh, phải tách bạch thành cơ quan chỉ chuyên thực hiện nhiệm vụ giám sát cạnh tranh, không đồng thời làm chính sách hay xúc tiến thương mại.
Thứ hai: Cơ quan chuyên môn giúp việc của các cấp chính quyền địa phương, cần tăng cường nghiên cứu nắm vững hơn các quy định của pháp luật về lĩnh vực chống cạnh tranh không lành mạnh, từ đó, là tham mưu cho lãnh đạo địa phương đề ra chủ trương xử lý những tranh chấp phát sinh phải trên tinh thần tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, không dùng quyền lực hành chính nhà nước, can thiệp vào quan hệ kinh tế thị trường, gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.
Thứ ba: Chế tài xử phạt còn nhiều bất cập.
- Chế tài phạt tiền còn nhiều bất cập, tuy đã được sửa đổi trong Nghị định 71/2014/NĐ-CP nhưng quy định khung tiền phạt thường nhanh chóng lạc hậu theo thời gian và không mang nhiều tính răn đe với các đối tượng vi phạm bởi có thể thấy, trên thực tế, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhiều hơn số tiền phạt họ phải gánh chịu. Bên cạnh đó, còn tồn tại sự không thống nhất mức phạt giữa các quy định pháp luật đối với cùng hành vi vi phạm. Ví dụ, liên quan đến hành vi quảng cáo gian dối, sai sự thật về chất lượng hàng hóa đã đăng kí (có thể nhằm cạnh tranh không lành mạnh) có 2 văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính với chủ thể có hành vi vi phạm, đó là, i) Hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng bị xử lý theo Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP với mức phạt tiền 80.000.000 đến 140.000.000 đồng; ii) Hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị xử phạt theo Điều 51[2] Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng. Sự khác biệt về mức tiền phạt có thể tạo nên sự thiếu công bằng khi áp dụng các văn bản pháp luật khác nhau để xử lý cùng một hành vi có mức độ như nhau, do đó cần phải có được sự thống nhất giữa các lĩnh vực pháp luật khác nhau khi xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Mặt khác, những quy định về xử phạt đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa đủ mạnh để răn đe.Vì vậy, một số doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra số tiền chịu nộp phạt để bôi xấu doanh nghiệp đối thủ. Các doanh nghiệp lớn có thể trả gấp đôi hoặc nhiều hơn khi cố tình vi phạm để đánh bại đối thủ của họ, trong khi đó, mức phạt vi phạm ít hơn nhiều lần so với tiền mà các doanh nghiệp chi cho quảng cáo, nhưng đổi lại tạo ra hiệu quả tức thì!
Nghiên cứu chế tài xử phạt vi phạm hành vi này ở một số quốc gia, như: Hàn Quốc, Trung Quốc,…xử phạt nặng đối với doanh nghiệp có hành vi nói xấu doanh nghiệp khác trên mạng. Chẳng hạn, Hàn Quốc xử phạt hành vi này lên đến 350 triệu đô la Mỹ trong năm 2009; ở Mỹ xử phạt hành vi này lên đến 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010. Còn ở Trung Quốc, với hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, bên vi phạm cũng có thể bị phạt đến 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,7 tỉ đồng Việt Nam). Do vậy, nếu không có biện pháp chế tài mạnh thì sẽ khó quản lý được tình trạng sử dụng mạng internet để bêu xấu doanh nghiệp cạnh tranh. Thậm chí có thể rút tên miền trang web của doanh nghiệp vi phạm để răn đe.
- Cần bổ sung các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp vào nhóm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; làm rõ các dấu hiệu nhận diện đối với biểu tượng, khẩu hiệu kinh doanh; cần có văn bản hướng dẫn, quy định các dấu hiệu nhận diện hành vi nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác để phân biệt và xác định ranh giới với quyền tự do ngôn luận; bổ sung quy định về hành vi bán hàng hóa hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá) vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh... bởi pháp luật cạnh tranh còn chưa quy định cụ thể, rõ ràng nên việc xử lý các hành vi này chưa có thật sự đạt hiệu quả, gây bức xúc trong dư luận.
- Quy định rõ chế tài bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra, bởi quy định dẫn chiếu sang pháp luật dân sự như hiện hành khiến cơ quan có thẩm quyền xử lý gặp khó khăn trong giải quyết, các chủ thể có quyền cũng gặp khó khăn trong việc xác định chính xác lợi ích chính đáng của mình bị thiệt hại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 604 của BLDS năm 2005, người nào do lỗi vô ý hoặc cố ý xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, trong trường hợp những thông tin trên mạng máy tính mà gây thiệt hại thực tế thì doanh nghiệp bị gièm pha có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án buộc người tung tin không đúng sự thật lên mạng thông tin máy tính phải bồi thường cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp bị bêu xấu lại chọn con đường hòa giải để yên thân làm ăn. Nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó chứng minh những thiệt hại của mình với tòa án, trong khi thương hiệu của mình thì ngày càng bị ảnh hưởng nặng. Nhiều doanh nghiệp không có thời gian theo đuổi việc kiện tụng, do đó giải pháp hòa giải luôn được doanh nghiệp chọn dù bị thiệt hại nặng.
Thứ tư: Cần nâng cao năng lực chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao văn hóa pháp lý cho các chủ thể tham gia cạnh tranh và người tiêu dùng. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trước hết là cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề kinh tế, người tiêu dùng trong toàn xã hội. Nhà nước cũng cần có những hình thức tuyên truyền, phổ biến những quy định liên quan đến trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tổng kết kinh nghiệm xử lý các vụ khiếu nại, khiếu kiện; công khai những vụ việc đã được xử lý và các chế tài đã áp dụng đối với các doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện truyền thông để giáo dục, răn đe các doanh nghiệp khác.
Tóm lại: Theo lý thuyết kinh tế học mục tiêu đặt ra là sao cho cạnh tranh trong kinh tế cũng tương tự như trong thể thao ở đó người giỏi nhất sẽ là người chiến thắng và người sử dụng tiểu sảo và hành vi gian dối sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Không ai khác người tiêu dùng sẽ là người trọng tài công bằng nhất ngăn chặn doanh nhân không trung thực bằng cách không quan tâm đến hàng hoá hoặc dịch vụ của họ và ủng hộ những doanh nhân trung thực. Đó là một cơ chế tự điều chỉnh ở tầm quá hoàn hảo mà chúng ta chưa thể ngay lập tức đạt đến được. Bởi vậy trước mắt cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này thật hoàn chỉnh để các quy định pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh được bảo đảm thực thi có hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh tự do và công bằng được coi là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.
Phạm Thị Hồng Đào
[1] Điều 10bis Cạnh tranh không lành mạnh
(1) Các nước thành viên của Liên minh có trách nhiệm bảo đảm cho công dân của các nước thành viên đó sự bảo hộ có hiệu quả chống lại hành động cạnh tranh không lành mạnh.
(2) Bất cứ hành động nào trái với tập quán trung thực trong công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành động cạnh tranh không lành mạnh.
(3) Cụ thể, những hành động sau đây phải bị ngăn cấm:
1. tất cả những hành động có khả năng gây nhầm lẫn dưới bất cứ hình thức nào đối với cơ sở, hàng hoá, hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của người cạnh tranh;
2. những khẳng định sai lệch trong hoạt động thương mại có khả năng gây mất uy tín đối với cơ sở, hàng hoá, hoạt động công nghiệp hoặc thương mại của người cạnh tranh;
3. những chỉ dẫn hoặc khẳng định mà việc sử dụng chúng trong hoạt động thương mại có thể gây nhầm lẫn cho công chúng về bản chất, quá trình sản xuất, tính chất, tính thích hợp để sử dụng hoặc số lượng của hàng hoá.
[2] Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định;
b) Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, Điểm a Khoản 2 Điều 63, Khoản 3 Điều 66 Nghị định này;
c) Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc; xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; định kiến về giới; định kiến về người khuyết tật;
d) Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;
b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng quảng cáo để xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
b) Quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác;
c) Quảng cáo có nội dung tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em;
d) Quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;
c) Quảng cáo gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo;
d) Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam trong quảng cáo mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia;
đ) Sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam trong quảng cáo.
6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước;
b) Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 63 Nghị định này;
c) Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 63 Nghị định này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;
b) Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;
c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.