Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật XLVPHC năm 2012 và kiến nghịKhi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thi hành, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, như: Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/12/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế; Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định 155/2015/NĐ-CP ngày 18/11/2016 , quy định xử phạt vi phạm hành chính trogn lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/02/2017 thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;…Các bộ, ngành theo thẩm quyền cũng ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thi hành nghị định có liên quan, như: Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính; Thông tư 190/2013/TT-BTC ngày 12/12/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; Thông tư 02/2014/TT-BXD ngày 12/02/2014 của Bộ Xây dựng, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP
ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;… Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khá đồng bộ như thế đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm hành chính; đồng thời góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm thực hiện từ thực tiễn cho thấy vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo ra do sự thiếu đồng bộ và chưa thống nhất trong quy định. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 còn mâu thuẫn chồng chéo chưa được hướng dẫn cụ thể; những bất cập từ quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành cần được khắc phục, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc áp dụng vào thực tiễn.
Thứ nhất: Về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
Có sự mâu thuẫn quy định “tình tiết tăng nặng” tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đó là: “Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm”. Nghĩa là, cùng một hành vi vi phạm mà hành vi này xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau, như hành vi trộm chó diễn ra tại nhiều địa bàn của xã A (khoảng 06 lần), nhưng chưa bị phát hiện, đến khi bị bắt quả tang hành vi vi phạm cùng với tang vật, phát hiện ra hành vi vi phạm thì sẽ xử phạt 1 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng. Trong khi đó, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật này có quy định: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.”. Như vậy, với trường hợp vi phạm vừa nêu, thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 hay xử phạt hành vi vi phạm theo từng thời điểm xảy ra hành vi vi phạm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012? Chính sự quy định thiếu rõ ràng trên dẫn đến việc các cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt lúng túng khi áp dụng điều luật, bởi nếu vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử lý có giống như thực hiện nhiều hành vi vi phạm được không?
Mặt khác, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 còn nhiều bất cập, cần được khắc phục. Cụ thể như: tình tiết tăng nặng quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 “Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;” cho đến nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn thống nhất về nhận thức tình tiết quy mô lớn; trị giá hàng hóa vi phạm đến mức nào thì được coi là “lớn” để áp dụng tình tiết tăng nặng này. Trong khi đó, việc áp dụng tình tiết tăng nặng khi ra quyết định xử phạt là giúp cho người có thẩm quyền áp dụng quy định của pháp luật đúng đắn và chính xác, nhưng với quy định chung chung không có định lượng, định tính cụ thể thì khó áp dụng trong thực tế.
Tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.”, nhưng thực tế các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới như thế nào để bảo đảm tính chặt chẽ và chính xác. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 77 Luật này, quy định: “Đối với trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt” nhưng lại cũng không quy định trình tự, thủ tục quyết định việc miễn, giảm tiền phạt, nên gây nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Thứ hai: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Một là, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật này.”
Nghiên cứu nội dung quy định này cho thấy, việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính, chỉ được áp dụng với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Nhưng để chứng minh được lỗi cố ý trong lĩnh vực hải quan, nhiều trường hợp vi phạm hành chính nghiêm trọng là rất khó, bởi không ít cá nhân, tổ chức khi nhận hàng hóa từ nước ngoài gửi về họ thường không biết là mặt hàng gì, nên nếu đó là hàng hóa vi phạm hành chính nghiêm trọng nhưng không thể chứng minh được lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức thì liệu áp dụng quy định tại Điều 26 Luật này có thỏa đáng không?.
Hai là, khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.” Quy định này khi áp dụng đã gây lúng túng, khó khăn trên thực tế do Nghị định 81/2013/NĐ-CP và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể chưa quy định, hướng dẫn chi tiết trình tự, áp dụng đối với biện pháp này, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng không quy định hình thức này là hình thức xử phạt hay biện pháp khắc phục hậu quả, đồng thời thực tiễn các phương tiện vận tải hầu hết có giá trị lớn, người lái xe đa số là làm thuê, thu nhập thấp nên không có khoản tiền tương đương để nộp khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Như vậy, liệu rằng quy định trên có tính khả thi trong thực tiễn?
Hay quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện của tổ chức thì do Luật chưa quy định rõ về thầm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính như thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định như thẩm quyền phạt tiền, tức là, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện của tổ chức cũng gấp 2 lần đối với cá nhân vi phạm hành chính, liệu hiểu như vậy có đúng không?
Một bất cập khác liên quan đến xử lý tang vật vi phạm hành chính, đó là, theo quy định, đối với những tang vật phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá, thời gian quy định là 24 giờ kể từ thời điểm ra Quyết định tạm giữ tang vật, có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ. Với khoảng thời gian được nhà làm luật giới hạn như thế là rất “ngắn” gây khó khăn nhất định trong thực tế áp dụng cho cơ quan chức năng. Bởi lẽ, theo các quy định tại Thông tư 173/2013/TT-BTC và Thông tư 190/2013/TT-BTC thì Hội đồng định giá tang vật ngoài Chủ tịch Hội đồng là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật thì thành viên là đại diện Sở Tài chính cùng cấp. Do đó, việc triệu tập cần có thời gian nhất định, trong khi không phải lúc nào việc phối hợp giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Tài chính cũng đồng bộ.
Ba là, tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này”. Vậy với trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính chưa xác định được chủ sở hữu thì thời hạn để người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu theo quy định được xác định như thế nào cho chính xác và phù hợp? Xoay quanh quy định này, hiện có các quan điểm sau:
+Quan điểm thứ nhất: Việc xác định thời hạn để xử lý đối với tang vật vi phạm thuộc trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu căn cứ theo thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Nghĩa là, người có thẩm quyền ra quyết định xử lý tịch thu tang vật vi phạm hành chính sau 30 ngày nếu người vi phạm không đến nhận. Theo quan điểm này, ngày mà người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm cũng đồng thời sẽ tiến hành thông báo niêm yết công khai theo quy định đối với tang vật vi phạm hành chính. Sau thời hạn thông báo trên, người có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định tịch thu đối vối tang vật vi phạm.
+Quan điểm thứ hai: Việc xác định thời hạn để xử lý đối với tang vật vi phạm thuộc trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu phải căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Mà theo đó người có thẩm quyền ra quyết định xử lý tịch thu tang vật vi phạm hành chính sau 37 ngày nếu người vi phạm không đến nhận (bao gồm thời hạn 07 ngày tạm giữ tang vật và sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định).
Theo tác giả, hai quan điểm trên đều có tính hợp lý riêng. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định hiện hành, nếu theo quan điểm thứ nhất thì chỉ đảm bảo được yếu tố thời gian xử phạt vi phạm vi phạm hành chính. Trong khi đó, người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính quy định tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, do vậy, nếu áp dụng thời hạn để ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính theo quan điểm thứ nhất là chưa đúng với quy định của Luật. Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh trong trường hợp này đó là theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đó là “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Mà theo đó, tang vật vi phạm hành chính chỉ được cơ quan có thẩm quyền tạm giữ và có trách nhiệm bảo quản trong thời hạn tối đa chỉ là 30 ngày. Vậy, thời gian 07 ngày còn lại, vì sau thời hạn 37 ngày thì người có thẩm quyền mới được ban hành quyết định tịch thu tang vật không xác định được chủ sỡ hữu, thì tang vật vi phạm hành chính nói trên sẽ được do ai bảo quản, trách nhiệm sẽ thuộc về cá nhân, tổ chức nào nếu xảy ra mất mát, hư hỏng trong thời gian 07 ngày để chờ người có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý tịch thu tang vật. Đây là vấn đề tuy nhỏ nhưng thật không đơn giản, dễ phát sinh tiêu cực, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn cho các cơ quan, cá nhân người có thẩm quyền liên quan.
Thứ ba: Quy định về mức phạt tiền
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24[1] của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng”; điểm b khoản 2 Điều 38 Luật này quy định: “Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, mà theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền “Phạt tiền đến 10.000.000 đồng”; khoản 2 Điều 68 Nghị định này quy định Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền “Phạt tiền đến 100.000.000 đồng”. Rõ ràng nội dung các quy định giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với văn bản Nghị định vừa trích dẫn trên là mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng.
Thứ tư: Tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61[2] của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.”. Theo quy định này, Luật cho phép gia hạn 30 ngày đối với vụ việc phức tạp, tuy nhiên, lại chưa có quy định rõ loại vụ việc nào được coi là phức tạp để có thể áp dụng quy định về gia hạn thời gian. Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hành chính, nhưng với cơ quan hành chính nhà nước, trừ một số bộ phận “một cửa” làm việc thêm buổi sáng thứ bảy, còn lại làm việc có 05 ngày, vậy nếu 02 ngày còn lại rơi vào ngày nghỉ thì việc cơ quan chuyên môn hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh để ra quyết định xử phạt sẽ không bảo đảm thời gian. Hơn nữa, kể từ khi ban hành Luật cho đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp? Do đó, trong quá trình thực thi áp dụng quy định này chưa bảo đảm tính thống nhất, gây lúng túng, khó khăn cho các chủ thể có thẩm quyền xử phạt.
Thứ năm: Về xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt đã chết, mất tích; tổ chức bị xử phạt vi phạm giải thể, phá sản theo quy định tại Điều 75[3] Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, quy định: “Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản theo quy định tại Điều 75 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà quyết định xử phạt vẫn còn thời hiệu thi hành, thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày người bị xử phạt chết được ghi trong giấy chứng tử; người bị mất tích được ghi trong quyết định tuyên bố mất tích; tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản được ghi trong quyết định giải thể, phá sản. Quyết định thi hành gồm các nội dung sau: a) Đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt, lý do đình chỉ; trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này; b) Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả tiếp tục thi hành”. Thực tiễn cho thấy, lợi dụng quy định này, nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lớn đã lập thủ tục xin giải thể, sau đó, lập thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp mới, để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ nộp phạt vi phạm hành cính của mình.
Thứ sáu: Quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.”. Nghĩa là, về việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường hợp đối tượng có hành vi vi phạm khác nhau như trộm cắp tài sản, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác, cơ quan công an cần thời gian để xác minh làm rõ hành vi, hậu quả thiệt hại, cần xác minh nhân thân của đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng pháp luật, … nhưng đối tượng vi phạm lại không có nơi cư trú ổn định, nếu không áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính thì đối tượng bỏ trốn, gây khó khăn trong công tác xác minh, xử lý, nên đây cũng là vướng mắc từ thực tiễn cần tháo gỡ.
Thứ bảy: Qua nghiên cứu quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, người viết thấy rằng Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã khắc phục rất nhiều những hạn chế, bất cập tồn tại của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, mà theo đó, đã chi tiết hóa về khung và mức phạt, mức phạt tiền được tăng cao, đảm bảo tính răn đe và công bằng trong quá trình xử lý, định nghĩa rõ hơn các hành vi vi phạm để không bỏ sót các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, dù thời gian áp dụng các quy định mới nói trên trong thực tiễn chưa dài, nhưng cũng đã phát sinh những vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ, để không làm giảm hiệu quả việc chấp hành quy định xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể:
Một là, về chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, thì ngoài chủ tịch UBND các cấp, lực lượng công an nhân dân, thanh tra chuyên ngành… thì còn quy định Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm lâm; Quản lý thị trường; Thuế; Cảng vụ hàng hải; Cảng vụ đường thủy nội địa, nhưng lại không quy định thẩm quyền của cơ quan thực hiện chức năng về kiểm tra an toàn thực phẩm. Rõ ràng, tuy chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm được pháp luật quy định khá nhiều, độ “bao phủ” cơ bản rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, nhưng lại thiếu vắng cơ quan chuyên môn tuyến cơ sở như Chi Cục An toàn thực phẩm, tham gia việc xử lý vi phạm, trong khi cơ quan này thực hiện chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính.
Hai là, theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị định này, mà theo đó, hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
“a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.”
Thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Lực lượng chức năng sẽ bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh… để xử lý người vi phạm. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm có thể bị nêu tên công khai kèm thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh.
Đây là mức xử phạt rất nghiêm khắc đối với các hành vi tùy tiện, kém ý thức trước cộng đồng, xã hội. Thông qua mức xử phạt cho từng hành vi vi phạm, cho thấy, những “ tật xấu” đáng ra đã phải loại bỏ từ lâu để mỗi khu phố, mỗi gia đình thực sự xứng đáng với danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa”. Vì vậy hy vọng mọi người dân đều có ý thức pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy định cấm của pháp luật, cùng chung tay xây dựng mỗi khu dân cư, làng, xóm, mỗi công trình công cộng không còn là nơi bị xả rác bừa bãi, trên đường phố không còn bắt gặp những tình huống đáng “xấu hổ” từ những hành vi tiểu bậy ngang nhiên của không ít người.
Tuy nhiên, dù việc triển khai thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP trên phạm vi cả nước, nhưng thực tế, hành vi đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định, vứt tàn, mẩu thuốc lá bừa bãi, vứt rác thải ở vỉa hè… vẫn xảy ra như chuyện thường ngày. Nhiều phía sau nhà chờ xe buýt và khuôn viên công cộng vẫn không khác gì bãi phóng uế tự do. Rác vẫn xả mọi nơi, mọi lúc trên những con phố, ngay trước các cơ quan công quyền nhưng vẫn chưa có ai xử phạt. Qua tìm hiểu khó khăn lớn nhất hiện các địa phương đó là, lúng túng trong việc tổ chức thực hiện quy định xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm. Bởi với đơn vị xã, phường, thị trấn, không thể có đủ lực lượng trực 24/24 tại các đường phố, ngõ xóm; nơi công cộng;.... Trong khi đó, địa bàn quản lý rất rộng, nhưng chỉ có một cán bộ phụ trách trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và chỉ làm việc trong giờ hành chính; lương và chế độ phụ cấp ít ỏi, giờ phát sinh thêm công việc, phải giám sát bà con, phát hiện người vi phạm để lập biên bản thì rất khó. Vậy thì ai có thể giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường của người dân để xử phạt? Tất nhiên, các địa phương rất coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, lương và chế độ phụ cấp ít ỏi, giờ phát sinh thêm công việc, phải giám sát bà con, phát hiện người vi phạm để lập biên bản thì rất khó. Mặt khác, để xử phạt với những người vứt rác tại các bãi rác tự phát, hoặc hành vi “tiểu tiện” những người vãng lai qua lại địa bàn, vứt tàn thuốc lá, vứt rác ra nơi công cộng… thì cực kỳ khó.
Có thể nói những hành vi bị xử phạt theo Nghị định này đã là một tồn tại xã hội, đôi khi thành “vấn nạn” hàng chục năm qua. Đã có nhiều văn bản, qui định nhằm xóa bỏ tình trạng này nhưng hầu như không có chuyển biến. Do vậy việc Nghị định 155/2016/NĐ-CP ra đời với nhiều kỳ vọng, mà nếu không có các giải pháp thực hiện khả thi thì cũng sẽ lại xếp vào loại “văn bản lịch sử”. Nếu các qui định xử phạt là công cụ chế tài để cho con người “không thể, không dám” thực hiện các hành vi sai trái thì việc tuyên truyền vận động sẽ làm mỗi người tự mình “không muốn, không nên” có các hành vi vi phạm. Điều đó sẽ có tác động xã hội sâu rộng hơn, nâng cao ý thức người dân, sẽ làm cho việc triển khai thực hiện Nghị định về xử phạt vi phạm môi trường tăng thêm tính khả thi.
Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều cơ quan có chức năng kiểm tra về bảo vệ môi trường, việc tăng cường lực lượng kiểm tra về môi trường là cần thiết trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động như hiện nay. Tuy nhiên nếu không có một quy chế phối hợp, sự phân công trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể giữa các cơ quan sẽ tạo nên sự kiểm tra trùng lặp, “giẫm chân” lên nhau, gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhưng công tác quản lý môi trường sẽ không đạt hiệu quả.
Thứ tám: Việc tổ chức thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, còn khó khăn xuất phát từ các quy định của văn bản hướng dẫn thi hành luật. Nghị định 121/2013/NĐ-CP là một điển hình! Mà theo đó, tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP đề cập đến về các trường hợp xây dựng sai phép, không phép được nộp tiền phạt và cho tồn tại, không cưỡng chế phá dỡ. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 02/2014/TT-BXD hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi Thông tư số 02/2014/TT-BXD được ban hành, đã có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến không đồng tình với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép quy định tại khoản 9[4] Điều 13; khoản 2 Điều 70 Nghị định 121/2013 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 8, Điều 11 Thông tư số 02/2014/TT-BXD với quan ngại rằng việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị và cho đến nay, sự quan ngại trên đã trở thành hiện thực! Dù quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP là “mới”, tiến bộ, chỉ nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội, có những trường hợp đã kéo dài nhiều năm nhưng cũng chưa xử lý được triệt để. Các công trình áp dụng quy định này phải đảm bảo điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, chứ quy định mới này không áp dụng đối với tất cả các công trình xây dựng sai phép, không phép. Nhưng lại không có văn bản hướng dẫn về thời gian áp dụng, cách thức áp dụng. Luật Xử lý VPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng không quy định cụ thể đối với các trường hợp đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng nếu người vi phạm không chấp hành thì có ban hành quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không?
Phạm Thị Hồng Đào
[1] Điều 24. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực
1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:
a) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê;
b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng: an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính;
c) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng: phòng cháy, chữa cháy; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng; thú y; kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; điện lực; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh;
d) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng: quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; dạy nghề; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội;
đ) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng: quản lý công trình thuỷ lợi; đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; giao thông hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; báo chí; xuất bản; thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản;
e) Phạt tiền đến 150.000.000 đồng: quản lý giá; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư;
g) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả;
h) Phạt tiền đến 250.000.000 đồng: điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước;
i) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng: xây dựng; quản lý rừng, lâm sản; đất đai;
k) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng: quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường.
2. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán; hạn chế cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng.
4. Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực mới chưa được quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
[2] 2. Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 05 ngày theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.
3. Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.
Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý và tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ thì các bên phải ký vào từng tờ biên bản. Biên bản này phải được lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ 01 bản.
[3] Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản thì không thi hành quyết định phạt tiền nhưng vẫn thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định
[4] “Hành vi quy định tài Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.”