Bàn về một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

27/04/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, chứa đựng nhiều điểm mới, tiến bộ như bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; hoàn thiện hơn quy trình tố tụng, quyền đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, bảo đảm quyền tranh luận tại phiên toà của đương sự được quy định rõ ràng, đảm bảo tính thực tế, qua đó các quyền con người, quyền công dân trong pháp luật tố tụng dân sự  tuân thủ đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chiến lược cải cách tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, tháo gở những bất cập vướng mắc trong thực tiễn áp dụng BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Quá trình triển khai thi hành BLTTDS năm 2015 thời gian qua, nhìn chung khá thuận lợi. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng một số điều luật của Bộ luật này có sự dẫn chiếu đến nội dung của điều luật khác có liên quan do chưa có quy định rõ ràng nên đã phát sinh bất cập, từ đó, việc hiểu và áp dụng không thống nhất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cụ thể sau:
Thứ nhất: về quy định quyền của đương sự đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc
Điều 70 BLTTDS năm 2015, quy định đương sự có rất nhiều quyền và nghĩa vụ, mà theo đó, tại khoản 18 của Điều luật này ghi nhận quyền được“Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này;”.
Điều 214[1] BLTTDS năm 2015 quy định các căn cứ mà theo đó, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Vấn đề đặt ra, với trường hợp quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015 có thuộc quy định tại điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 không? Theo quan điểm của người viết, vấn đề này do pháp luật quy định chưa cụ thể, hơn nữa, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nhận thức thống nhất và áp dụng quy định này, nên thực tiễn còn có ý kiến khác nhau là việc bình thường. Trước đây, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn thực hiện BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), trong đó, có Nghị quyết số 05/2012/HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (viết tắt là Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP). Mà theo đó, tại Điều 22 của Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thực hiện Điều 189 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động tố tụng dân sự vẫn có ý kiến khác nhau mà chưa có lời kết.
Những căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 189 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Cụ thể là:
“1. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà không phụ thuộc có hay không có yêu cầu của đương sự khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 189 của BLTTDS.
2. “Trường hợp cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp đã có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc sáp nhập, chia, tách cơ quan, tổ chức đó, nhưng cơ quan, tổ chức mới chưa được thành lập hoặc đã được thành lập nhưng chưa có đầy đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật đối với loại hình cơ quan, tổ chức đó.
“Trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp chưa xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại các điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều 62 của BLTTDS.
3. “Đại diện hợp pháp của đương sự” quy định tại khoản 3 Điều 189 của BLTTDS bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Người đại diện hợp pháp của đương sự được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 73 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 21 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
4. “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án” quy định tại khoản 4 Điều 189 của BLTTDS là trường hợp mà kết quả giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính đó, hoặc kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là cơ sở để xác định thẩm quyền của Tòa án, xác định quyền khởi kiện đối với vụ án, xác định địa vị pháp lý, xác định người tham gia tố tụng, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc là căn cứ khác để Tòa án giải quyết vụ án này một cách toàn diện, chính xác và đúng pháp luật.
"Vụ án khác có liên quan” đến vụ án mà Tòa án đang giải quyết là vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính.
“Sự việc được pháp luật quy định” phải là sự việc có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, và nếu không được cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước thì việc giải quyết của Tòa án là vi phạm pháp luật.
Ví dụ 1: Trong vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản giữa nguyên đơn A và bị đơn B. Sau khi thụ lý vụ án mà Tòa án nhân dân huyện X nhận được thông báo của Tòa án nhân dân huyện Y về việc Tòa án này đang thụ lý giải quyết vụ án giữa nguyên đơn C và bị đơn A về tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản đó. Trường hợp này, Tòa án nhân dân huyện X cần ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản giữa A và B để chờ kết quả giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản đó của Tòa án nhân dân huyện Y. Căn cứ vào kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Y, Tòa án nhân dân huyện X sẽ tiếp tục giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản theo thủ tục chung.
Ví dụ 2: Tòa án nhân dân huyện X đang giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn A và bị đơn B xuất phát từ giao dịch trái pháp luật giữa A và B thì nhận được thông báo của Viện kiểm sát nhân dân huyện X về giao dịch giữa A và B có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và yêu cầu Tòa án nhân dân huyện X chuyển hồ sơ để điều tra hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Trường hợp này, Tòa án nhân dân huyện X cần tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả điều tra của Cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật đó. Nếu cơ quan điều tra kết luận giao dịch dân sự trái pháp luật giữa A và B chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Tòa án nhân dân huyện X tiếp tục giải quyết vụ án tranh chấp giữa A và B về giao dịch trái pháp luật đó.
5. "Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Toà án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết đã hết” quy định tại khoản 5 Điều 189 của BLTTDS là trường hợp Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp hoặc chưa có kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc chưa nhận được các tài liệu, chứng cứ từ cơ quan, tổ chức mà thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả trường hợp đã gia hạn) đã hết hoặc tuy đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tại phiên tòa xét xử mà xét thấy cần phải thực hiện ủy thác tư pháp hoặc cần phải yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ mới giải quyết được vụ án thì Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Ví dụ: Theo quy định tại khoản 4 Điều 93 của BLTTDS, thì Tòa án phải tiến hành ủy thác thu thập chứng cứ ra nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Trường hợp đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả trường hợp đã gia hạn) mà vẫn chưa có kết quả ủy thác thu thập chứng cứ theo quy định, thì Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Sau khi có kết quả ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc sau khi đã hết thời hạn ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật, thì Tòa án tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
6. “Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định” quy định tại khoản 6 Điều 189 của BLTTDS là các trường hợp làm căn cứ cho Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà trong BLTTDS này chưa quy định nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. ” 
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tố tụng dân sự vẫn có ý kiến khác nhau mà chưa có lời kết. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án, trong thời hạn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) là bốn tháng, nguyên đơn có đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết án. Lý do là nguyên đơn đi chữa bệnh tại bệnh viện mà không thể ủy quyền cho người khác được. Thời hạn tạm đình chỉ cho đến khi nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án. Về trường hợp này đang có ý kiến khác nhau. Cụ thể, có ý kiến cho rằng Tòa án không chấp nhận đề nghị của nguyên đơn, vì Điều 189 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) không quy định về trường hợp nguyên đơn đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Ý kiến khác lại cho rằng, Tòa án căn cứ khoản 6 Điều 189 và căn cứ điểm x khoản 2 Điều 58 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Vì đây là trường hợp khác theo quy định của pháp luật được quy định tại khoản 6 Điều 189 BLTTDS.
Nhưng hiện nay, quyền của đường sự “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này;” được ghi nhận tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015. Về trường hợp này, người viết thấy rằng, đây là vấn đề nhận thức pháp luật. Nghiên cứu nội dung Điều 214 BLTTDS năm 2015, có thể thấy hai quy định cơ bản. Cụ thể:
Một là, quy định cụ thể từng trường hợp để Tòa án được ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Quy định cụ thể này là các trường hợp tại các điểm a, b, c,d, đ, e, g khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015.
Hai là, quy định khái quát (còn gọi là quy định chung). Quy định này không nêu cụ thể từng trường hợp. Đó là quy định tại điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015: “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. “Các trường hợp khác” được hiểu là các trường hợp không được liệt kê tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015, nhưng lại có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hoặc có quy định tại các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo tác giả, quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án là quyền do pháp luật tố tụng dân sự quy định, nếu đề nghị đó là hợp pháp và có căn cứ thì Tòa án chấp nhận. Còn trường hợp đề nghị không có căn cứ thì Tòa án không chấp nhận. Trường hợp nguyên đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nguyên đơn vào bệnh viện chữa bệnh mà nguyên đơn không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng được thì đề nghị này là hợp lý, vì: Được quy định tại  khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015 và phù hợp với nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015, đó là, “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”. Yêu cầu chữa bệnh của nguyên đơn là yêu cầu chính đáng được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Từ thực tế này có thể thấy quyền của nguyên đơn, quyền của bị đơn dân sự về “đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án” theo quy định của BLTTDS được chấp nhận trong các trường hợp, như: Bận phải đi công tác xa mà không thể hoãn được; cần có thời gian thu thập thêm chứng cứ; ốm đau; sinh đẻ;… mà họ không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng được, kèm theo đơn đề nghị là giấy tờ để chứng minh cho việc đề nghị là có căn cứ như giấy xác nhận của cơ sở y tế, cơ quan, tổ chức cử đi công tác…
Tuy nhiên, để pháp luật được hiểu và áp dụng được thống nhất, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn theo hướng cụ thể các trường hợp mà đương sự thực hiện quyền “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án” theo quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015.
Thứ hai: Về quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Theo Điều 210 BLTTDS năm 2015, Thẩm phán phải tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ sau đó mới được tiến hành hòa giải. Tuy nhiên đối chiếu với các quy định khác, người viết thấy có một số vướng mắc sau:
Một là, tại phiên họp Thẩm phán phải kiểm tra xem việc đương sự có giao nộp chứng cứ cho các đương sự khác chưa. Do vậy bắt buộc Thẩm phán phải hỏi đương sự xem đã giao nộp các chứng cứ cho đương sự khác chưa. Vì theo quy định tại khoản 5[2] Điều 96 BLTTDS năm 2015 thì đương sự phải có nghĩa vụ sao gửi các tài liệu chứng cứ cho các đương sự khác. Do vậy, nếu đương sự chưa gửi (do không biết) hoặc cố tình không gửi, thì các tài liệu chứng cứ đó có hợp pháp không, như thế có bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không? Trách nhiệm của Thẩm phán khi đó như thế nào, Thẩm phán có tiếp tục lập biên bản hòa giải không?
Hai là, theo nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 10 BLTTDS năm 2015. Trường hợp vụ án phức tạp, Thẩm phán phải tiến hành nhiều phiên hòa giải, nếu theo quy định tại Điều 208 BLTTDS năm 2015, thì có phải nhất thiết mỗi lần hòa giải Thẩm phán đều phải mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ không. Ví dụ: Tòa án hòa giải lần thứ 1 hoặc 2, nhưng Tòa án chỉ lập biên bản hòa giải mà không lập biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ của những lần này, sau đó đến lần cuối cùng mới lập biên bản về việc kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, thì có bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không?
Nếu bắt buộc phải lập biên bản về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó mới lập biên bản hòa giải, thì đương sự sẽ bị mất quyền yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập. Vì tại Điều 200 và Điều 201 BLTTDS năm 2015, thì đương sự chỉ được đưa ra yêu cầu độc lập hoặc yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp này, do trên thực tế khi mở phiên họp hoặc sau khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ các đương sự mới biết và đưa ra yêu cầu độc lập hoặc yêu cầu phản tố, nếu Tòa án thụ lý thì lại vượt quá phạm vi khởi kiện vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, mà không thụ lý thì không giải quyết triệt để trong cùng 1 vụ án.
Thứ ba: Tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 quy định về các trường hợp tạm đình chỉ vụ án dân sự: “Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây: đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;”
So với quy định tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), nhà làm luật cho phép Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, khi cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án mà không phải phụ thuộc vào điều kiện thời hạn giải quyết vụ án đã hết. Nghĩa là, nếu trong quá trình chuẩn bị xét xử Tòa án ra quyết định ủy thác hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cung cấp tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 93, 94 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), thời hạn tiến hành thực hiện ủy thác thu thập chứng cứ là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác; 15 ngày đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức khi nhận được yêu cầu của Tòa án hoặc Viện kiểm sát, nhưng đến khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 179 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) mà Tòa án vẫn chưa nhận được kết quả ủy thác hoặc tài liệu chứng cứ theo yêu cầu thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả, khi nào có kết quả Tòa án sẽ ra thông báo tiếp tục giải quyết vụ án.
Còn tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 quy định: Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án. Điều này cho phép, nếu trong quá trình chuẩn bị xét xử, Tòa án ra quyết định ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định tại  Điều 105,  Điều 106 BLTTDS năm 2015, thì không cần phải chờ hết thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 BLTTDS năm 2015 Tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án ngay.
Việc áp dụng Điều 214 BLTTDS năm 2015 thời gian qua cho thấy một bất cập phát sinh, đó là, có tình trạng lạm dụng quy định tại Điều 2014 BLTTDS năm 2015 để Tòa án ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án. Chủ yếu các quyết định tạm đình chỉ đều có lý do chờ kết quả ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ. Do vụ án được tạm đình chỉ, khi có căn cứ phục hồi, Tòa án ra thông báo tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết và thời hạn giải chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 BLTTDS năm 2015. Từ đó, nhiều vụ án đã bị kéo dài thời gian giải quyết một cách không cần thiết, gây thiệt thòi cho đương sự.
​          Thứ tưVề quy định thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm
Theo quy định tại khoản 5 Điều 343 BLTTDS 2015, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền: “Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
So với quy định tại Điều 297 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), nhà làm luật đã bổ sung một thẩm quyền mới cho Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, đó là, sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khoản 5 Điều 343 BLTTDS năm 2015). Về sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Điều 347 BLTTDS năm 2015 quy định:
“1. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án;
b) Việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
2. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.”
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì bản án, quyết định được thi hành, bao gồm:
“Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:
1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam ;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;
e) Quyết định của Trọng tài thương mại.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
Như vậy, quy định tại khoản 5 Điều 343 BLTTDS 2015 là hoàn toàn mới, thực tiễn công tác thi hành án dân sự từ trước đến nay chưa có tiền lệ, nên việc tổ chức thi hành loại quyết định này của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, do vậy, để bảo đảm mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành trong thực tế; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tôn trọng, thiết nghĩ rất cần sự hướng dẫn kịp thời của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vấn đề này.
Thứ năm: Tại khoản 2 Điều 113 BLTTDS 2015: Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
b) Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu;
c) Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.
Theo quy định vừa trích dẫn, phạm vi bồi thường của cơ quan tiến hành tố tụng , người tiến hành tố tụng rộng hơn so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Mà theo đó, Điều 28 của Luật này quy định 4 trường hợp trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, bao gồm:
1. Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu;
3. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức;
4. Ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.” 
        Trong khi đó, tại Điều 23 Dư thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), có ghi nhận trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:
1. Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, pháp nhân có yêu cầu;
3. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, pháp nhân;
4. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng;
5. Ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc;
6. Các trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Theo Dự thảo trên, chủ thể được bồi thường (nếu có xảy ra) là cá nhân, pháp nhân, mà không đề cập đến cơ quan, tổ chức, vì thực tế cho thấy có nhiều cơ quan, tổ chức tham gia vào quan hệ tranh chấp nhưng hoàn toàn không là pháp nhân đúng nghĩa theo quy định tại khoản 1[3] Điều 74 BLDS năm 2015. Do đó, tác giả đề xuất, bổ sung thêm đối tượng “cơ quan, tổ chức” vào nhóm chủ thể được Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, tại Điều 23 Dư thảo. Bởi khoản 3 Điều 113 BLTTDS năm 2015 có quy định “Việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Thứ sáu: Về quy định tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên
Theo quy định tại khoản 1 Điều 232, khoản 1 Điều 296, khoản 1 Điều 367 BLTTDS năm 2015, mà theo đó, Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm.
Có quan điểm cho rằng, quy định này gây khó khăn trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vì việc phân công Kiểm sát viên kiểm sát giải quyết vụ án và tham gia phiên tòa được thực hiện khi Tòa án gửi thông báo thụ lý vụ án, hơn nữa quyết định đưa vụ án ra xét xử thời gian nào là do Thẩm phán chủ động quyết định nên thực tế xảy nhiều trường hợp một Kiểm sát viên có 02 hoặc nhiều vụ án cùng lên lịch xét xử cùng một thời điểm, hoặc cũng có trường hợp tuy lịch xét xử Tòa án lên không trùng nhưng do vụ án kéo dài nhiều ngày dẫn đến trùng với thời gian xét xử của vụ án khác mà không có kiểm sát viên dự khuyết, hoặc đến ngày xét xử Kiểm sát viên được phân công ốm không thể tham gia phiên tòa, trong những trường hợp này Kiểm sát viên không tham gia được phiên tòa, việc ra quyết định thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa không thực hiện được, không gửi kịp cho đương sự để họ thực hiện quyền đề nghị thay đổi Kiểm sát viên…. Và như vậy, Viện kiểm sát cùng cấp không thực hiện được  kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phiên tòa.
Thứ bảy: Về quy định Chấp hành viên có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự
Khoản 1 Điều 362 BLTTDS năm 2015 quy định:“ …Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”
Qua nghiên cứu thấy rằng, đây là quy định mới, tiến bộ, tuy nhiên, những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng chắc chắn sẽ phát sinh, bởi:
Một là, BLTTDS năm 2015 chưa quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự như đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (quyền, nghĩa vụ của đương sự (điều 70); quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn (Điều 71); quyền và nghĩa vụ của bị đơn (Điều 72); quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 73). Do vậy, sẽ rất lúng túng nếu Chấp hành viên, tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Hai là, địa vị pháp lý của Chấp hành viên khác hoàn toàn với địa vị pháp lý của đương sự nói chung khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, chính vì vậy, nếu “gộp” tư cách tham gia tố tụng của Chấp hành viên với đương sự là một, thì hoàn toàn không phù hợp, vì Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm; công tác của Chấp hành viên mang tính chất thực thi công vụ. Vì vậy, phải có cơ chế pháp lý phù hợp hơn, hiệu quả hơn khi Chấp hành viên yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự liên quan đến công tác thi hành án.
 
ThS.LS Lê Văn Sua

 
[1] 1. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
c) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;
d) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;
đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;
e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;
g) Theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;
h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
 
[2] Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.
 
[3] Điều 74. Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
 

Xem thêm »