Một số vấn đề về tương trợ tư pháp trong trao đổi thông tin LLTP trong thời kỳ hội nhập quốc tế

16/05/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực toàn diện, sâu rộng hiện nay thì vấn đề trao đổi, cung cấp thông tin có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy giao lưu quốc tế và phát triển kinh tế xã hội. Trong xu thế đó, vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự mà cụ thể là công tác phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài đã bị tòa án nước ngoài xét xử cũng không nằm ngoài xu thế chung.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, công tác phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài giữ vai trò quan trọng, góp phần xây dựng, kiện toàn cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả hoạt động xác minh, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân ở nước ta hiện nay và phục vụ yêu cầu của các cơ quan tố tụng.
1. Cơ sở pháp lý của hoạt động phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp
Theo quy định tại Điều 15 Luật Lý lịch tư pháp, công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án cũng thuộc đối tượng quản lý lý lịch tư pháp, là nguồn thông tin để lập lý lịch tư pháp khi trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Tương trợ tư pháp là hình thức mà các nước sử dụng để trao và nhận sự giúp đỡ chính thức mang tầm quốc gia trong điều tra, truy tố hình sự.Cụ thể hơn, tương trợ tư pháp quốc tế về hình sự là việc giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp các quốc gia về các vấn đề tư pháp và pháp luật trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc theo pháp luật và thực tiễn tư pháp quốc tế. Việt Nam đã ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp (điều ước quốc tế) với một số nước trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình và hình sự. Các hiệp định đó quy định rõ phạm vi các vấn đề mà cơ quan tư pháp các nước hữu quan sẽ hợp tác, giúp đỡ nhau, các nguyên tắc áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột về quyền tài phán trong các lĩnh vực cụ thể, cách thức hợp tác và thực hiện các ủy thác tư pháp quốc tế, các nguyên tắc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân các nước ký kết hiệp định... Trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp sẽ giúp đỡ nhau trên cơ sở pháp luật mình phù hợp với thực tiễn tư pháp quốc tế về vấn đề này (chủ yếu là theo nguyên tắc có đi có lại)
Để cụ thể hóa cơ chế hợp tác quốc tế, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là đạo luật đầu tiên được Quốc hội ban hành quy định chuyên về lĩnh vực tương trợ tư pháp. Luật là bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp.Công tác tương trợ tư pháp trên cơ sở Luật Tương trợ tư pháp từ góc độ thể chế và thực tiễn trong cả 4 lĩnh vực: Dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Trong lĩnh vực hình sự có nhiều nội dung, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào quá trình thực hiện hợp tác quốc tế về việc trao đổi, cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp về các bản án, trích lục bản án, lý lịch tư pháp….
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 17 Luật Tương trợ tư phápthì phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự có nội dung về trao đổi thông tin và các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự Việt Nam ký kết với các quốc gia trong thời gian quabao giờ cũng có nội dung là trao đổi, cung cấp thông tin về án tích của công dân hai bên.Theo quy định tại Điều 26, 64 Luật Tương trợ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có vai trò là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi các thông tin do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo, cung cấp, trong đó có các thông tin về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Thông qua các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp được Việt Nam tham gia, ký kết, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để Viện kiểm sát nhân dân tối caotiến hành hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền nhằm cung cấp, trao đổi thông tin về hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài, trong đó có các thông tin về lý lịch tư pháp.
Trên cơ sở đó, Luật Lý lịch tư pháp đã cụ thể hóa trách nhiệm phối hợp quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Điều 17 như sau: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ gửi cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia bản sao trích lục bản án, trích lục án tích của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được trích lục bản án, trích lục án tích”.
Cụ thể hóa quy định nêu trên, trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công cho đơn vị đầu mối là Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự, cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10 tháng 5 năm 2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 04/2012) như sau: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giao cho Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin lý lịch tư pháp” 1. Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ gửi cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trích lục bản án, trích lục án tích của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trích lục bản án, trích lục án tích”(khoản 1 Điều 15).Căn cứ vào quy định nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện vai trò quan trọng trong lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự, là cơ quan có trách nhiệm đầu mối trong việc tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi  các thông tin do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp trong đó có các thông tin về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài cho Bộ Tư pháp.
Theo chiều ngược lại thì theo quy định tại khoản 7 Điều 12 Luật Lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối caođể cung cấp, trao đổi với các quốc gia có công dân bị Tòa án Việt Nam xét xử.
Xuất phát từ các quy định nêu trên, có thể thấy hoạt động phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài là một trong những hoạt động đặc thù của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác tương trợ tư pháp hình sự. Đây là hoạt động mang tính hai chiều, vừa là trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc cung cấp thông tin để Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp, đồng thời cũng là hoạt động mang tính trao đổi thông tin giữa Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phục vụ trao đổi, cung cấp với các quốc gia liên quan.
II. Thực trạng tình hình trao đổi, cung cấp thông tin về LLLTP
Theo kết quả tổng hợp từ Viện kiểm sát nhân dân tối caovà Bộ Tư pháp, cho đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết các điều ước quốc tế (hiệp định) về hình sự song phương với 17 quốc gia,tham gia 16 điều ước quốc tế đa phương và đang đàm phán/chuẩn bị ký kết song phương với 6 quốc gia. Trên cơ sở những Công ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp và nguyên tắc có đi có lại về hình sự đã được Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong đó có nội dung về trao đổi thông tin cho nhau những bản án, trích lục bản án, trích lục án tích, lý lịch tư pháp...Viện kiểm sát nhân dân tối caovà các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã có sự phối hợp, trao đổi thông tin của công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án và người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án trao đổi, cung cấp cho nhau. Các thông tin về án tích do phía nước ngoài cung cấp cho Việt Nam là một trong những nguồn thông tin quan trọng về án tích của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài để Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia)xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và khai thác, sử dụng trong công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp và phục vụ yêu cầu của các cơ quan tố tụng.
Từ khi thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (2010) đến hết năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận tổng số 5.991 thông tin lý lịch tư pháp là các án tích, trích lục án tích, lý lịch tư pháp của các quốc gia: Séc, Nga, Slovakia, Ba Lan, Hungari.

Loại TT Số lượng Tổng
  Trước 2010 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016
Trích lục án tích Séc 545 1094 1665 31 1936 3 7 1494 4839
Nga         1 6     7
Slovakia       12 14       26
Ba Lan   282           813 1095
Hungari           24     24
Tổng                   5991
Qua phân tích các con số thống kê cho thấy các thông tin này đều do các quốc gia đã ký hiệp định tương trợ tư pháp(điều ước quốc tế) về hình sự với Việt Nam trong đó có nội dung liên quan đến lý lịch tư pháp cung cấp cho Viện kiểm sát nhân dân tối caovà tiếp tụccung cấp cho Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, trong đó có 2 quốc gia Séc và Ba Lan cung cấp với số lượng nhiều nhất, còn nhiều quốc gia đã có các hiệp định ký kết với Viêt Nam thì chưa có thông tin và chưa có thông tin nào được trao đổi, cung cấp theo nguyên tắc có đi có lại. Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư phápcũng phối hợp cung cấp 149 thông tin lý lịch tư pháp của công dân 06 quốc gia: Vương quốc Anh, Cộng hòa Bungari, CHDCND Lào, CHLB Nga, CH Séc, CHND Trung Hoa cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để trao đổi, cung cấp cho các quốc gia liên quan.
Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối caothì tất cả những thông tin nêu trên đều được Viện kiểm sát nhân dân tối caochủ động gửi cho Bộ Tư pháp một cách nghiêm túc, kịp thời.Bộ Tư pháp khi nhận được đều tiến hành thủ tục dịch, chứng thực sang Tiếng Việt và đã thực hiện cập nhật, lập lý lịch tư pháp kịp thời, đúng quy định. Công tác trao đổi cung cấp thông tin giữa Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thông tin lý lịch tư pháp đến nay đã đi vào nề nếp, ổn định góp phần quan trọng vào củng cố, xây dựng cơ sở dữ liệulý lịch tư pháp.Thông qua hoạt động này, các thông tin về án tích của công dân Việt Nam được cập nhật tương đối kịp thời, đầy đủ, chính xác, góp phần đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng để phục vụ công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân và phục vụ yêu cầu của các cơ quan tố tụng.
III. Một số tồn tại, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, không thể không đề cập tới những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn công tác phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài mà các cơ quan chức năng nói chung đang gặp phải. Cụ thể như sau:
Thứ nhất:Hệ thống các văn bản hướng dẫn các bộ luật, luật về tương trợ tư pháp của Việt Nam còn chưa đầy đủ, đồng bộ, cụ thể dẫn đến việc thực hiện của các cơ quan chức năng còn gặp lúng túng. Trong khi đó các hiệp định đã ký trước đây còn mang tính chất quy định chung chung, chưa được hướng dẫn giải thích nên rất khó vận dụng. Đa số các hiệp định đã ký kết chủ yếu là với các nước xã hội chủ nghĩa hoặc kế thừa lại của các nước xã hội chủ nghĩa (cũ).Hiện nay, khi ở những nước này đã có những thay đổi về mặt chính trị, xã hội và pháp luật thì việc triển khai thực hiện các hiệp định không thực sự mang lại kết quả như mong muốn. Do vậy, chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hỗ trợ tích cực cho hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin.Bên cạnh đó, nhiều văn bản hợp tác đã ký kết từ lâu nhưng không được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; cũng chậm được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nên vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Một số văn bản đã ký do chưa được tính toán kỹ nên nội dung, hình thức, lĩnh vực hợp tác vừa rộng, vừa không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hoặc không có nội dung trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Thứ hai:Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đến việc đẩy mạnh xây dựng, ký kết các văn bản hợp tác quốc tế về hình sự nhưng hoạt động ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu,chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tiễn; nhiều quốc gia có công dân Việt Nam đang sinh sống và học tập có số lượng đông, nhất là các nước mà tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến Việt Nam diễn biến phức tạp như Đức, Mỹ, Ca-na-đa, Ôx-trây-lia… nhưng chưa ký hiệp định (điều ước quốc tế) tượng trợ tư pháp hình sự với nước ta, dẫn đến tình trạng bị động, kéo dài, thậm chí không có thông tin.
Thứ ba, hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin còn hạn chế.Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nhằm cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết rất nhiều điều ước quốc tế (hiệp định) song phương và đa phương. Tuy nhiên đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối caomới cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của 5 quốc gia cho Bộ Tư pháp. Theo chiều ngược lại, hiện nay Bộ Tư pháp mới cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp của 6 quốc gia cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thứ tư: Vấn đề pháp lý của việctiếp nhận, khai thác, sử dụng các thông tin còn nhiều vấn đề cần làm rõ, tháo gỡ. Thực chất đây là việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam về hình sự. Nếu như theo pháp luật hiện hành thì các thông tin trên được công nhận, lập lý lịch tư pháp thì các bản án quyết định trên đã mặc nhiên được công nhận và thi hành tại Việt Nam không qua một thủ tục đặc biệt nào. Tiếp theo là việc khai thác, sử dụng rất phức tạp vì nhiều thông tin là các bản án rất khó phân biệt là hình sự hay hành chính, các tội danh của Tòa án nước ngoài khác tội danh theo pháp luật Việt Nam, …. Hơn nữa, việc khai thác, sử dụng có nhiều khó khăn như cách viết về họ và tên của nước ngoài khác Việt Nam, không có dấu, không có thông tin chi tiết về nơi cư trú tại VN…
Sở dĩ có những hạn chế, vướng mắc nêu trên, bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, sự thiếu hoàn thiện về thể chế dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.Chúng ta đã tham gia các điều ước quốc tế song phương và đa phương có quy định về cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay trong hệ thống pháp luật quốc gia quy định về cung cấp thông tin chưa rõ ràng, cụ thể, thiếu đồng bộ, dàn trải nhiều cơ quan, nên việc phân biệt loại thông tin do cơ quan nào quản lý cũng còn lúng túng, thậm chí dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, thẩm quyền của các cơ quan thực thi.
Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác lý lịch tư pháp còn chưa chặt chẽ gây khó khăn cho Viện kiểm sát nhân dân tối caovà tương trợ tư pháp hình sự trong việc khai thác dữ liệu để cung cấp cho phía nước ngoài khi có yêu cầu. Cụ thể, khi tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp từ nước ngoài, Viện kiểm sát nhân dân tối caochủ yếu vẫn phải lấy thông tin từ hệ thống tàng thư của cơ quan Công an thông qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an nên trong nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu thời gian đã hẹn với phía nước ngoài.
Thứ ba, nhân lực,cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác lý lịch tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, không có nguồn kinh phí dành riêng cho hoạt động lý lịch tư pháp trong ngành kiểm sát, mọi hoạt động cập nhật, trao đổi, xác minh, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối caovới Bộ Tư pháp được thực hiện trên cơ sở kinh phí trích từ kinh phí hoạt động của ngành.Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối caotối cao trong đó có Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự đang gặp khó khăn về bố trí biên chế phụ trách công tác lý lịch tư pháp, hầu hết là kiêm nhiệm.
Thứ tư:Mặc dù Luật Tương trợ tư pháp quy định Viện kiểm sát nhân dân tối caocó trách nhiệm thông báo với Bộ Tư pháp tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự,nhưng dochưa có cơ chế giám sát việc tiếp nhận và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp tại Viện kiểm sát nhân dân tối caocho nên Bộ Tư pháp không nắm được số lượng thông tin do Viện kiểm sát nhân dân tối caotiếp nhận ở nước ngoài về vì vậy chỉ khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp thì Bộ Tư pháp mới biết số lượng. Theo chiều ngược lại Viện kiểm sát nhân dân tối caocũng không nắm được số lượng công dân nước ngoài bị Tòa án Việt Nam xét xử do Bộ Tư pháp đang quản lý để chủ động trao đổi, cung cấp cho phía nước ngoài.
IV. Một số giải pháp
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm là yêu cầu tất yếu. Vì vậy,các cơ quan có thẩm quyền thực hiên hoạt động tương trợ tư pháp cần phải đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tương trợ tư pháp về hình sự nói chung và trao đổi, cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp nói riêng. Trên cơ sở đánh giá những vướng mắc, hạn chế trong hoạt động phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin cũng như thắt chặt hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, chúng tôi đề xuất những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý có liên quan.Trước mắt, các cơ quan cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thi hành các quy định về trao đổi, cung cấp thông tin. Quy định trình tự, thủ tục thực hiện; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền và cơ chế, trách nhiệm giám sát, bảo đảm thực hiện trong việc thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp.
Về lâu dài cần xây dựng luật riêng điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của hoạt động tương trợ tư pháp. Trước mắt cần sửa đổi, bổ sung Luật Tương trợ tư pháp đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, giải quyết các vụ việc hình sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cải cách pháp luật; phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa Luật Tương trợ tư pháp và các luật chuyên ngành về tố tụng tư pháp. Sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp theo hướng cần quy định cụ thể về việc công nhận giá trị pháp lý của các thong tin cũng như cách thức khai thác, sử dụng cho phù hợp.
Thứ hai: Tăng cường trao đổi, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự trong đó có nội dung về trao đổi, cung cấp thông tin nói chung và thông tin về lý lịch tư pháp nói riêng; nhất là các quốc giacó công dân Việt Nam đang sinh sống và học tập có số lượng đông, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến Việt Nam diễn biến phức tạp.
Thứ ba: Đối với việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, cụ thể là các trích lục bản án, trích lục án tích, lý lịch tư pháp.. của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, đặc biệt là các nước đã tham gia ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự về việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam bị kết án tại các nước đó và kịp thời cung cấp cho Bộ Tư pháp theo quy định.
Thứ tư: Quan tâm đầu tư về nhân sự, kinh phí, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động trao đổi, cung cấp, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp, trang bị các phương tiện cần thiết như phần mềm chuyên cập nhật thông tin, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp, máy scan, văn phòng phẩm…cho các đơn vị có liên quan đến hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Nguyễn Văn Thắng - Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia

Xem thêm »