Quy định của pháp luật về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

26/05/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài có mặt ở Việt Nam. Cùng với việc hoàn thiện tiến trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu..., tạo nên sức cộng hưởng để thúc đẩy nền kinh tế bước sang một giai đoạn mới, nhằm đạt các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời với đổi mới mô hình tăng trưởng của các doanh nghiệp thương mại Việt Nam thì hợp đồng ngoại thương sẽ là cơ sở pháp lý, là công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và thâm nhập thị trường nước ngoài. Trong hoạt động kinh doanh thương mại, các chủ thể xác lập quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình. Một điểm đáng lưu ý khi giao kết hợp đồng, đó là, vấn đề miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm. Nếu các bên có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng thì sẽ tuân theo nội dung thỏa thuận đó. Nếu không có thỏa thuận về  miễn trách nhiệm thì sẽ áp dụng các quy định pháp luật thương mại để giải quyết tranh chấp đối với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này, pháp luật nước ta quy định chưa bảo đảm tính thống nhất giữa luật chuyên ngành và luật dân sự, từ đó, việc áp dụng trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến quy định của pháp luật về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm và vài kiến nghị hoàn thiện.
1.quy định của pháp luật về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm
Theo khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 (viết tắc Luật TM), hành vi vi phạm hợp đồng là là hành vi của một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật thương mại. Bên cạnh đó, khoản 13 Điều 3 Luật này cũng quy định về trường hợp vi phạm cơ bản, đó là, sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Xét về bản chất, vi phạm cơ bản là một dạng của hành vi vi phạm hợp đồng.
Theo các quy định tại khoản 2, 3 Điều 351Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì có 03 trường hợp được miễn trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, bao gồm: Sự kiện bất khả kháng; Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm và thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng. Trong khi đó, khoản 1 Điều 294 Luật TM năm 2005 quy định 04 căn cứ miễn trách nhiệm trong hợp đồng, đó là: (i) Thỏa thuận của các chủ thể trong hợp đồng; (ii) Sự kiện bất khả kháng; (iii) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (iv) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Như vậy, trong mối quan hệ với luật chuyên ngành, BLDS đứng ở vị trí trung tâm với tư cách là luật gốc, so với quy định của Luật TM liên quan tới vấn đề miễn trách nhiệm do hành vi vi phạm trong hợp đồng có sự không thống nhất với nhau
Nghiên cứu quy định tại Điều 294 Luật TM năm 2005, có thể thấy, gồm hai loại miễn trách nhiệm, đó là, miễn trách nhiệm theo thỏa thuận và miễn trách nhiệm khi không có thỏa thuận.
1.1. Miễn trách nhiệm theo thỏa thuận
Hợp đồng thương mại, xét về bản chất, cũng có tính chất dân sự, tức là có sự bình đẳng và tự do thỏa thuận. Do đó, các bên được quyền tự thỏa thuận các trường hợp miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng. Khi hợp đồng được giao kết bằng văn bản, thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi nhận trong nội dung hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng. Kể cả khi hợp đồng đã ký kết các bên vẫn có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng các trường hợp miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, việc viện dẫn làm cơ sở giải quyết tranh chấp đối với các thỏa thuận miễn trách nhiệm bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể rất khó khăn và thiếu tính khả thi.
Vấn đề miễn trách nhiệm của người vận chuyển, theo quy định tại khoản 3 Điều 151 Bộ luật Hàng hải năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2015), quy định: “... Người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm đối với việc chậm trả hàng trong trường hợp sau đây:
a) Đi chệch tuyến đường khi đã có sự chấp thuận của người giao hàng;
b) Nguyên nhân bất khả kháng;
c) Phải cứu người hoặc trợ giúp tàu khác đang gặp nguy hiểm khi tính mạng con người trên tàu có thể bị đe dọa;
d) Cần thời gian để cấp cứu cho thuyền viên hoặc người trên tàu.”
Trường hợp này cũng được coi là đã có thỏa thuận về vấn đề miễn trách nhiệm, mặc dù nó có thể không được thỏa thuận trong hợp đồng. Thông thường, các thỏa thuận về miễn trách nhiệm có thể trùng lặp với các trường hợp miễn trách nhiệm do pháp luật quy định, như thỏa thuận miễn trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng. Điều khoản bất khả kháng có được ghi nhận trong hợp đồng hay không thì bên vi phạm vẫn được quyền viện dẫn làm cơ sở miễn trách nhiệm.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp do tính chất đặc thù của hợp đồng, mà việc thỏa thuận về điều khoản miễn trách nhiệm có thể là nội dung bắt buộc trong hợp đồng. Theo quy định tại Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Hơn nữa. không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp: Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý; Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệpbảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.
1.2. Miễn trách nhiệm khi không có thỏa thuận
1.2.1. Miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng
Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là dù hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm.
Sự kiện bất khả kháng là một thuật ngữ có nguồn gốc tiếng Pháp “force majeure” có nghĩa là “sức mạnh tối cao”hoặc “sức người không thể kháng cự nổi”. Sự kiện này xảy ra chỉ sau khi ký hợp đồng, không phải do lỗi của bất kỳ bên nào tham gia hợp đồng, đều ngoài ý muốn và các bên không thể dự liệu trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ, bên chịu sự cố này có thể được miễn trừ trách nhiệm của hợp đồng hoặc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.
Theo quy định của pháp luật thương mại, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là dù hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm. Theo đó, để được xem là bất khả kháng thì một sự kiện cần thỏa mãn 3 nội dung sau:
Một là, là sự kiện khách quan xảy ra sau khi ký hợp đồng. Tức là sự  kiện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng như các hiện tượng tự nhiên: bão, lụt, sóng thần… ; các sự kiện chính trị, xã hội: đình công, bạo loạn, chiến tranh…; ngoài ra còn có các trường hợp như hỏa hoạn phát sinh từ khu vực bên ngoài lan sang và thiêu rụi nhà máy, …
Hai là, sự kiện xảy ra không thể dự đoán trước được. Năng lực đánh giá xem xét một sự kiện có xảy ra hay không được xét từ vị trí của một thương nhân bình thường chứ không phải một chuyên gia chuyên sâu.
Ba là, sự kiện xảy ra mà hậu quả để lại không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, là sự kiện xảy ra mà không thể tránh được về mặt hậu quả. Tức là sau khi bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết những vẫn không khắc phục được hậu quả thì mới đáp ứng điều kiện này. Tuy nhiên, nếu như bên vi phạm không thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả nhưng chứng minh được rằng dù có hành động vẫn không thể khắc phục được hậu quả thì xem như đã thỏa mãn điều kiện này.
Từ ngày 01/01/2017, Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên Hợp Quốc (CISG) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, mở ra nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giao thương hàng hóa quốc tế.
CISG là văn bản hài hòa hóa pháp luật nhằm thống nhất các quy phạm được áp dụng để điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, dù các bên của hợp đồng ở quốc gia nào. Cho đến thời điểm hiện tại, CISG là một trong các điều ước quốc tế thành công nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế, được phổ biến và áp dụng rộng rãi nhất, với trên 80 quốc gia thành viên trên thế giới. Thực tiễn cho thấy, các nước trên thế giới có cách hiểu và thừa nhận các hiện tượng xã hội là“sự kiện bất khả kháng” rất đa dạng và nhiều điểm chưa có sự thống nhất. Dưới đây, người viết xin tóm tắt vụ tranh chấp để minh chứng cho nhận định vừa nêu:
Tranh chấp xảy ra giữa một công ty của Pháp (người bán) và một công ty của Hà Lan (người mua). Người bán và người mua ký kết với nhau một số hợp đồng mua bán ống thép, trong đó không có điều khoản quy định về điều chỉnh giá. Sau khi ký kết hợp đồng và trước khi giao hàng, giá thép bất ngờ tăng lên 70%. Phía người bán cố gắng thương lượng một giá bán cao hơn nhưng phía người mua nhất quyết từ chối và yêu cầu được giao hàng với giá bán đã thống nhất theo hợp đồng được ký kết. Người bán không giao hàng, do đó, người mua khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền của Bỉ. Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói trên là Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp Quốc.
Phán quyết của Tòa sơ thẩm ngày 25/1/2005: Tòa sơ thẩm cho rằng người mua ở trong tình thế được áp dụng “học thuyết về hoàn cảnh không thể dự đoán được” (Theory of imprévision). Tuy nhiên, Tòa nhận định rằng CISG không điều chỉnh hoàn cảnh đặt ra bởi học thuyết này, do đó, từ chối áp dụng việc xem xét lại giá bán của hợp đồng dựa trên học thuyết nói trên.
Phán quyết của Tòa phúc thẩm:
+Phán quyết sơ bộ ngày 29/6/2006: Tòa phúc thẩm công nhận người mua ở trong hoàn cảnh của “học thuyết về hoàn cảnh không thể dự đoán được”, do vậy, việc Tòa sơ thẩm từ chối việc xem xét lại giá bán với lý do CISG không điều chỉnh vấn đề này là không chính xác. Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm cũng cho rằng, Tòa sơ thẩm từ chối áp dụng việc xem xét lại giá bán mà không tìm hiểu luật áp dụng dựa trên các quy tắc của tư pháp quốc tế và liệu luật áp dụng đó có loại trừ việc xem xét lại giá bán không.
+Phán quyết chung thẩm ngày 15/2/2007: Tòa khẳng định CISG không có quy định nào liên quan đến việc điều chỉnh giá trong những trường hợp bất thường không thể dự liệu, tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cũng không vi phạm các nguyên tắc của CISG.
Tòa xác định luật áp dụng là luật của Pháp dựa vào Điều 7(2) của CISG, từ đó, cho phép các bên thương lượng lại hợp đồng xuất phát từ nguyên tắc thiện chí. Việc người bán từ chối giao hàng nếu giá bán không được điều chỉnh hợp lý không vi phạm hợp đồng mà chính người mua đã vi phạm nguyên tắc thiện chí khi từ chối thương lượng lại giá bán.
Phán quyết của Tòa Phá án/Tòa Tối cao ngày 19/6/2009: Tòa Phá án bác bỏ việc áp dụng luật nội địa của Pháp. Tòa đưa ra nhận định: Tòa phúc thẩm đã áp dụng sai Điều 7 của CISG, theo đó, khi diễn giải CISG cần đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng Công ước và tôn trọng thiện chí trong thương mại quốc tế. Ngoài ra, những vấn đề liên quan mà không được quy định trong Công ước thì sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc chung dựa trên đó Công ước được thiết lập, trong trường hợp không có nguyên tắc phù hợp thì mới giải quyết theo luật áp dụng được xác định theo các nguyên tắc của tư pháp quốc tế.
Từ quy định trên, Tòa Phá án cho rằng trong vụ việc này cần áp dụng các nguyên tắc chung điều chỉnh luật thương mại quốc tế. Cụ thể Tòa viện dẫn đến các Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của uNIDROIT, theo đó, khi một bên trong hợp đồng chịu một sự thay đổi về hoàn cảnh khiến sự cân bằng vị thế giữa các bên bị đảo lộn cơ bản thì bên đó có quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng.
Sự thay đổi về hoàn cảnh nêu trên phải thỏa mãn các điều kiện: (i) không thể dự đoán trước một cách hợp lý tại thời điểm giao kết hợp đồng, (ii) thể hiện rõ ràng về bản chất là làm tăng gánh nặng trong việc thực hiện hợp đồng một cách không cân xứng. Sự thay đổi về hoàn cảnh này cũng được Tòa diễn giải là một trở ngại cho phép một bên trong hợp đồng được miễn trách nhiệm khi không thể thực hiện nghĩa vụ theo khoản 1 điều 79 của CISG:Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu qủa của nó.”
Từ đó, Tòa Phá án nhận định giá thép tăng là sự kiện không thể lường trước, là sự thay đổi về hoàn cảnh mà trong đó việc tiếp tục thực hiện hợp đồng với điều kiện hiện tại sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người bán. Tòa ra phán quyết yêu cầu các bên đàm phán lại hợp đồng trên tinh thần thiện chí. ngoài ra, Tòa Phá án cũng cho rằng Tòa phúc thẩm nhận định việc người bán từ chối giao hàng nếu giá bán không được điều chỉnh thì không vi phạm hợp đồng là không phù hợp với nguyên tắc Pacta sunt Servanda tại khoản 1 Điều 71 của CISG.
Có hai vấn đề cần lưu tâm qua tranh chấp này:
Thứ nhất, phán quyết của Tòa Phá án Bỉ đã thiết lập một nền tảng quan trọng cho việc áp dụng các nguyên tắc của luật thương mại quốc tế đối với những tình huống không được điều chỉnh trực tiếp bởi CISG, cụ thể là các nguyên tắc dựa trên quy định của Nguyên tắc UNIDROIT. Tuy nhiên, phán quyết này cũng chỉ mang tính chất đơn lẻ, một vụ việc tương tự sẽ được giải quyết ra sao trong thực tế phụ thuộc rất nhiều vào các tình tiết khách quan của vụ việc cụ thể đó. Đặc biệt lưu ý là trong hệ thống thông luật, học thuyết về “khó khăn kinh tế” hầu như rất kém phát triển. Ngoại trừ hoa Kỳ đã chấp nhận học thuyết về “tính không thể thực hiện” và đưa vào Bộ luật Thương mại thống nhất tuy việc áp dụng trong thực tiễn còn rất hạn chế, hệ thống thông luật không ghi nhận việc hủy bỏ hoặc điều chỉnh hợp đồng vì lý do khó khăn khi thực hiện. các bên cần lưu ý dự liệu nếu có khả năng luật nội địa của một nước thông luật được áp dụng để giải quyết vấn đề này.
Thứ hai, giá thị trường tăng đến mức độ nào thì được coi là làm mất cân xứng địa vị hợp đồng của các bên, dẫn đến thiệt hại cho bên bán và tạo ra hoàn cảnh cho phép đàm phán lại hợp đồng? Một phán quyết trọng tài theo luật của Ý cho rằng việc đồng Bảng anh giảm giá trị 14% là đủ cơ sở để xem xét lại hợp đồng. Bình luận chính thức của Nguyên tắc UNIDROIT gợi ý rằng một thay đổi từ 50% trở lên đối với chi phí hoặc giá trị hợp đồng có thể tạo ra thay đổi “cơ bản” cho phép áp dụng học thuyết về khó khăn khi thực hiện hợp đồng. Một số trường hợp khác cho phép điều chỉnh hợp đồng khi chi phí có thể dự liệu tăng dưới 100%.
Vì vậy, bài học cần rút ra là các bên trong hợp đồng, nhất là bên bán, nên lưu ý xem xét thương lượng một điều khoản cho phép điều chỉnh giá bán của hợp đồng trong trường hợp có biến động đột ngột, không thể lường trước của thị trường, đồng thời quy định rõ các tiêu chí và cơ chế cụ thể để xác định điều chỉnh giá bán.
Thuật ngữ “Sự kiện bất khả kháng” không được nhà làm luật giải thích trong Luật TM năm 2005. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015, thì:
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;”
Khi có “sự kiện bất khả kháng” xảy ra thì bên gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thế nhưng với định nghĩa như vậy, liên hệ với thực tế trong nhiều trường hợp nhận diện có là“sự kiện bất khả kháng” hay không là điều không đơn giản. Một sự biến xảy ra phải hội tụ đủ những điều kiện nào mới được coi là “sự kiện bất khả kháng”? Chẳng hạn, cuộc đình công của hàng nghìn công nhân thuộc Công ty X diễn ra nhiều ngày, gây đình trệ nghiêm trọng sản xuất có phải là “sự kiện bất khả kháng” không?. Với việc quy định theo phương pháp trừu tượng hoá như vậy của BLDS thì việc hiểu rõ nội hàm của khái niệm“sự kiện bất khả kháng” và việc áp dụng nó là rất khó. Thực tế cho thấy, với các nước thừa nhận án lệ là một nguồn luật thì các bản án của toà án có liên quan đến vấn đề này sẽ là nguồn luật giải thích một cách cụ thể “sự kiện bất khả kháng”.
Bên cạnh dấu hiệu “sự kiện bất khả kháng”, pháp luật dân sự nước ta còn ghi nhận dấu hiệu “trở ngại khách quan”, mà pháp luật của nhiều nước gọi là “hoàn cảnh khó khăn” (Hardship), là một khái niệm được thừa nhận trong thực tiễn thương mại quốc tế. Về “trở ngại khách quan”, đây là một khái niệm độc lập hoàn toàn so với “sự kiện bất khả kháng”. Theo khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015,“trở ngại khách quan” được hiểu là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình.  Nhưng, cũng giống như “sự kiện bất khả kháng”, khái niệm trên cũng tạo ra sự khó hiểu cho thương nhân và dễ dẫn đến nhầm lẫn với “sự kiện bất khả kháng”. Tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-Cp ngày 13/7/2009 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự (được sửa đổi bởi Nghị định số 125/2013/NĐ-Cp ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự , có giải thích:
“a) Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
b) Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.”
Có thể nói, “trở ngại khách quan” cùng với “sự kiện bất khả kháng” là quy định khá tiến bộ của pháp luật nước ta khi tính đến cả những trường hợp ngoài khái niệm “sự kiện bất khả kháng” làm cản trở chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, “trở ngại khách quan” chỉ được dùng để xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc thi hành án dân sự mà không được áp dụng cùng với “sự kiện bất khả kháng” để dẫn đến miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng. Do đó, ngoài Điều 294 Luật TM năm 2005;  khoản 2 Điều 351 BLDS năm 2015 cũng chỉ quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” 
Khoản 14 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”. Để được coi là “sự kiện bất khả kháng” theo ngườì viết, nó phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí sau:
+Tiêu chí về tính chất: Phải là một sự kiện khách quan, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng như các thảm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần, lũ lụt, sạt lở đất,…), các sự biến xã hội (đình công, bạo loạn, chiến tranh,…) và các hiểm họa khác do tự nhiên gây ra.
+Tiêu chí về thời điểm: Sự kiện này phải xảy ra sau khi ký hợp đồng. Xét về góc độ lý luận, nếu sự kiện khách quan này xảy ra trước hoặc trong khi giao kết hợp đồng thì nó sẽ đi ngược lại mục đích của hoạt động thương mại là sinh lợi. Không một thương nhân nào lại chấp nhận những thiệt hại mà mình biết rõ nó đang xảy ra.
+Tiêu chí về việc dự trù: Do là sự kiện xảy ra không thể dự đoán trước được. hơn nữa, không phải chủ thể nào cũng đều có khả năng đánh giá và dự trù những rủi ro có thể xảy ra. Năng lực đánh giá xem xét một sự kiện có xảy ra hay không được xét từ vị trí của một thương nhân bình thường chứ không phải một chuyên gia chuyên sâu.
+Tiêu chí về hậu quả: hậu quả do “sự kiện bất khả kháng” để lại có tính tất yếu khách quan, tức là bên vi phạm đã sử dụng hết các biện pháp cần thiết nhưng cũng không thể ngăn ngừa, phòng chống cũng như hạn chế thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu như bên vi phạm không thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả nhưng chứng minh được rằng dù có hành động vẫn không thể khắc phục được hậu quả thì xem như đã thỏa mãn điều kiện này.
Quy định về trường hợp bất khả kháng ở những văn bản pháp lý thương mại khác nhau lại có những quy định khác nhau. luật tM năm 2005 cũng chỉ đưa ra được khái niệm “sự kiện bất khả kháng” dựa trên phương pháp logic miêu tả các đặc trưng cơ bản. Tuy nhiên, tại một số văn bản khác cũng điều chỉnh về vấn đề thương mại lại quy định các trường hợp bất khả kháng theo phương pháp liệt kê, chẳng hạn như, điểm c khoản 3 Điều 165 Luật Hàng không dân dụng việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) “Do xảy ra chiến tranh hoặc xung đột vũ trang”;  hoặc các quy định của khoản 1 và các điểm b, c, d, đ, e, g, i, k, l, m, q  khoản 2 Điều 151[1] Bộ luật Hàng hải năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2015),
Theo quy định tại Điều 296 Luật TM năm 2005, trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
+Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
+Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định trên đây, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại. Trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn trên, bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng. cũng phải lưu ý, việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định trên đây không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.
Trên thực tế, sự kiện bất khả kháng không áp dụng đối với một số loại hợp đồng đặc thù, như Hợp đồng vay vốn ngân hàng. Khi đã vay được tiền thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả nợ và tất cả các hợp đồng vay vốn đều buộc bên vay phải trả nợ trong mọi trường hợp chứ không được miễn trách nhiệm trả nợ trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Nếu bên vay cố tình “lợi dụng” Điều 294 Luật TM năm 2005, để đòi miễn trách nhiệm trả nợ khi có sự kiện bất khả kháng thì chắc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng.
1.2.2. Miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Lỗi được coi là một trong những yếu tố để xác định trách nhiệm dân sự. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm. Về bản chất, thì các bên đều có hành vi vi phạm, tuy nhiên, sự vi phạm của một bên có nguyên nhân chủ yếu từ lỗi của bên bị vi phạm. chẳng hạn, bên vi phạm đã làm theo một chỉ dẫn không rõ ràng của bên bị vi phạm dẫn đến thiệt hại. trong trường hợp này, bên vi phạm đã được loại trừ lỗi cấu thành nên hành vi vi phạm, bên bị vi phạm sẽ chịu những rủi ro về thiệt hại này.
Bên cạnh điểm c khoản 1 Điều 294 Luật TM năm 2005, trường hợp miễn trách nhiệm còn được quy định tại Điều 165 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014):
“1. Trong trường hợp chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp chứng minh được thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ của hành khách xảy ra do lỗi của hành khách, người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của hành khách; người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ của hành khách nếu thiệt hại đó hoàn toàn do tình trạng sức khoẻ của hành khách gây ra
3. Người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa tương ứng với mức độ thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
a) Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa;
b) Do quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa;
c) Do xảy ra chiến tranh hoặc xung đột vũ trang;
d) Do lỗi của người gửi, người nhận hàng hóa hoặc do lỗi của người áp tải được người gửi hàng hoặc người nhận hàng cử đi kèm hàng hóa.
4. Người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành lý ký gửi tương ứng với mức độ thiệt hại do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hành lý ký gửi gây ra.”
Điều 151 Bộ luật Hàng hải năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2015), quy định miễn trách nhiệm đối với người vận chuyển, mà theo đó, người vận chuyển sẽ được miễn trách nhiệm khi có lỗi của người khác hoặc không do lỗi của người vận chuyển, bao gồm: Lỗi của thuyền trưởng, thuyền viên, hoa tiêu hàng hải hoặc người làm công của người vận chuyển trong việc điều khiển tàu; Hành động hoặc sự sơ suất của người giao hàng, chủ sở hữu hàng, đại lý hoặc đại diện của họ; Bất kỳ nguyên nhân nào khác xảy ra mà người vận chuyển không có lỗi hoặc không cố ý gây ra.
1.2.3. Miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước 
Xét về bản chất, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước là hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng về sự biến pháp lý. Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng. rõ ràng, các bên cũng không lường trước được những vi phạm và thiệt hại khi có một quyết định của nhà nước xen vào. Đó có thể là quyết định hành chính (quyết định xử phạt vi phạm, quyết định trưng thu,…) hoặc quyết định của cơ quan tư pháp (bản án, quyết định). Miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Còn nếu như các bên đã biết về việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm.
Bên cạnh điểm d khoản 1 Điều 294 Luật TM năm 2005, điểm g khoản 2 Điều 151 Bộ luật Hàng hải năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2015); điểm b khoản 3 Điều 165 Luật Hàng không dân dụng năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), cũng có quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm khi thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
          1.2.4. Miễn trách do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hoá, hành lý ký gửi
Điểm a khoản 3 Điều 165 Luật Hàng không dân dụng Việt nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); điểm n, o, p, q khoản 2 Điều 151 Bộ luật Hàng hải năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2015), đều thừa nhận bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm khi hao hụt về khối lượng, trọng lượng hoặc mất mát, hư hỏng khác của hàng hoá xảy ra do chất lượng, khuyết tật ẩn tỳ; Hàng hoá không được đóng gói đúng quy cách, không được đánh dấu ký, mã hiệu đúng quy cách; Khuyết tật ẩn tỳ của tàu biển mà những người có trách nhiệm không thể phát hiện được. Có thể thấy, quy định miễn trách nhiệm này không được ghi nhận trực tiếp và cụ thể trong Luật TM năm 2005. Như vậy, những quy định này đã có thật sự chưa “đồng bộ” trong hệ thống pháp luật, nhất là với luật chuyên ngành, từ đó, dễ gây lúng túng cho các cơ quan thực thi pháp luật khi phải xử lý tình huống có liên trong việc áp dụng các quy định miễn trách nhiệm khi giải quyết tranh chấp. Trong dịch vụ vận chuyển, người vận chuyển chỉ đăng kí kinh doanh và có nghiệp vụ về vận chuyển, do đó, các nghiệp vụ về kiểm soát và nhận biết những đặc tính của hàng hóa không phải chuyên môn của người vận chuyển. Hơn nữa, dù có áp dụng các biện pháp thích hợp bảo quản hàng hóa, song, những hao hụt và ẩn tỳ là những thiệt hại tất yếu không thể kiểm soát được. Đối với những hao hụt về chất lượng hay ẩn tỳ của hàng hóa, bên vận chuyển được miễn trách nhiệm đối với những thiệt hại này.
1.2.5. Miễn trách khi thực hiện hành vi cứu người nhân đạo
Điểm m khoản 2 và điểm c, d khoản 3 Điều 151 Bộ luật Hàng hải năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2015), quy định người vận chuyển được miễn trách nhiệm về hành vi gây ra thiệt hại hoặc chậm chễ giao hàng khi đã thực hiện hành vi cứu người hoặc cứu tài sản trên biển; phải cứu người hoặc trợ giúp tàu khác đang gặp nguy hiểm khi tính mạng con người trên tàu có thể bị đe dọa; Cần thời gian để cấp cứu cho thuyền viên hoặc người trên tàu. Tuy nhiên, điều khoản miễn trách nhiệm này chỉ được quy định trong pháp luật hàng hải, trên thực tế, trong các quan hệ kinh doanh thương mại khác, hành vi cứu người nhân đạo không được coi là căn cứ miễn trách nhiệm.
2. Kiến nghị
Một là, những quy định về miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của pháp luật thương mại không được quy định thống nhất trong luật tM năm 2005 mà lại có sự rải rác trong các văn bản pháp luật khác. Đối với hợp đồng bảo hiểm, điều khoản miễn trách nhiệm lại là điều khoản bắt buộc của hợp đồng vì căn cứ vào điều khoản này mới có thể xác định đầy đủ phạm vi và trách nhiệm cũng như những rủi ro mà các bên phải chịu khi có hành vi vi phạm xảy ra. Một lưu ý nữa cũng phải kể đến đó là, khi có điều khoản miễn trách nhiệm trong hợp đồng lại loại bỏ các trường hợp miễn trách nhiệm mà pháp luật quy định thì trong trường hợp này thỏa thuận đó có vi phạm hay không? Nếu như không vi phạm thì thỏa thuận này dường như không có ý nghĩa vì dù có thỏa thuận hay không thì vẫn áp dụng được cơ sở pháp lý để miễn trách nhiệm. Như vậy, cần có quy định rõ ràng về hiệu lực của thỏa thuận miễn trách nhiệm đối với các trường hợp miễn trách nhiệm còn lại. Hơn nữa, các quy định miễn trách nhiệm cần liệt kê cụ thể hơn, không nên quy định một cách chung chung dẫn đến việc khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật
Hai là, về căn cứ miễn trách nhiệm vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cũng thể hiện sự không thống nhất. Nếu BLDS chỉ đặt ra hai căn cứ miễn trách nhiệm là “sự kiện bất khả kháng” và yếu tố “lỗi” của bên bị vi phạm (còn lại là trường hợp miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng), thì Điều 294 Luật TM năm 2005 lại quy định 04 trường hợp là căn cứ miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, bao gồm: Trường hợp miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận; Sự kiện bất khả kháng; Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng
Ba là, quy định cụ thể về các điều kiện để xác định một sự kiện là căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Các quy định của pháp luật mới chỉ liệt kê chung chung các sự kiện là căn cứ miễn trách nhiệm mà không đưa ra các điều kiện áp dụng cụ thể, điều này gây nên khó khăn trong quá trình áp dụng trên thực tế, trong quá trình áp dụng pháp luật và giải quyết các tranh chấp liên quan tới vấn đề này. Do đó, theo tác giả, pháp luật cần quy định cụ thể các căn cứ miễn trách nhiệm và đương nhiên, khi áp dụng phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất,sự kiện này phải sảy ra sau khi các bên đã ký kết hợp đồng;
Thứ hai, ở thời điểm ký kết hợp đồng các bên không biết hoặc không thể biết sự kiện đó sẽ sảy ra;
Thứ ba, sự kiện đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vi phạm hợp đồng;
Thứ tư, khi các sự kiện này sảy ra, các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng nhưng không thể khắc phục được.
Các điều kiện trên phản ánh mối quan hệ nhân quả và bảo đảm nguyên tắc xác định lỗi, tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng các quy định một cách mềm dẻo khi giải quyết các vấn đề liên quan tới miễn trách nhiệm hợp đồng. 
Bốn là, bổ sung quy định về điều kiện để công nhận thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm hợp đồng giữa các bên. Luật TM năm 2005 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định có tính nguyên tắc về điều kiện công nhận thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, như: Thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài; Thỏa thuận này có giá trị pháp lý nếu như nó không phải là vi phạm do cố ý;...nếu được như vậy sẽ đảm bảo sự tự do thỏa thuận giữa các bên vừa hạn chế trường hợp khi một bên lợi dụng căn cứ này để trốn tránh trách nhiệm hợp đồng.
Năm là, bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm do người thứ ba có quan hệ với một bên trong hợp đồng thương mại gặp trường hợp bất khả kháng. việc bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm cho bên vi phạm do người thứ ba có quan hệ hợp đồng với bên vi phạm gặp bất khả kháng là phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Vấn đề này cũng được quy định trong công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc, cũng như quy định của pháp luật tại nhiều quốc gia khác. Để được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong trường hợp này, theo tác giả, cần quy định cụ thể về điều kiện làm căn cứ miễn trách nhiệm đối với bên thứ ba cho một bên hợp đồng thương mại, cụ thể:
thứ nhất,  sự kiện bất khả kháng mà bên thứ ba gặp phải phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 156 BLDS năm 2005;
Thứ hai, hợp đồng của bên vi phạm với bên thứ ba có quan hệ mật thiết với hợp đồng thương mại giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm;
Thứ ba, việc bên thứ ba vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vi phạm hợp đồng của bên vi phạm và bên vi phạm không thể khắc phục được.
Tóm lại: Qua việc phân tích quy định của pháp luật hiện hành về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, thấy rằng, việc quy định các điều khoản miễn trách nhiệm sẽ tạo ra sự công bằng pháp lý đối với những thiệt hại thực tế không do lỗi trực tiếp của người vi phạm gây ra. Tuy nhiên, pháp luật thương mại cần có những quy định cụ thể về vấn đề giá trị của thỏa thuận cũng như thứ tự áp dụng điều khoản miễn trách nhiệm. Việc quy định rõ ràng vấn đề trên sẽ góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo hướng tôn trọng thoả thuận của các bên giao kết hợp đồng, không trái với đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, phù hợp với tập quán, thông lệ thương mại quốc tế.
ThS.LS Lê Văn Sua

 
[1] Điều 151. Miễn trách nhiệm của người vận chuyển
1. Người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với mất mát, hư hỏng hàng hóa do việc tàu biển không đủ khả năng đi biển, nếu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 150 của Bộ luật này. Trong trường hợp này, người vận chuyển có nghĩa vụ chứng minh đã thực hiện nhiệm vụ một cách mẫn cán.
2. Người vận chuyển được miễn hoàn toàn trách nhiệm, nếu tổn thất hàng hóa xảy ra trong trường hợp sau đây:
b) Hỏa hoạn không do người vận chuyển gây ra;
c) Thảm họa hoặc tai nạn hàng hải trên biển, vùng nước cảng biển mà tàu biển được phép hoạt động;
d) Thiên tai;
đ) Chiến tranh;
e) Hành động xâm phạm trật tự và an toàn công cộng mà bản thân người vận chuyển không gây ra;
g) Hành động bắt giữ của người dân hoặc cưỡng chế của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
i) Hành động hoặc sự sơ suất của người giao hàng, chủ sở hữu hàng, đại lý hoặc đại diện của họ;
k) Đình công hoặc các hành động tương tự khác của người lao động do bất kỳ nguyên nhân nào làm đình trệ hoàn toàn hoặc một phần công việc;
l) Bạo động hoặc gây rối;
m) Hành động cứu người hoặc cứu tài sản trên biển;
q) Khuyết tật ẩn tỳ của tàu biển mà những người có trách nhiệm không phát hiện được, mặc dù đã thực hiện nhiệm vụ một cách mẫn cán;
 

Xem thêm »