Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

05/07/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới như sau: Chỉ những tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới không được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới hoặc có liên quan trực tiếp với tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới là công ty cổ phần thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới chỉ được nắm giữ không quá 10% cổ phần của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Nghị định quy định về một số điều kiện về cơ sở vật chất như: Diện tích mặt bằng của đơn vị đăng kiểm; Xưởng kiểm định; Nhà văn phòng, bãi đỗ xe, đường nội bộ; Thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra; Thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra; Quy định về thiết bị thông tin, lưu trữ, truyền số liệu
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định một số điều kiện về nhân lực, trong đó:
Đăng kiểm viên xe cơ giới phải có trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo Cơ khí ô tô, Công nghệ kỹ thuật ô tô hoặc ngành đào tạo Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật cơ khí trong chương trình đào tạo phải có các nội dung sau: Lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, Kết cấu tính toán ô tô, Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các môn học tương đương. Trường hợp không có các môn học trên, có thể đào tạo bổ sung tại các trường đại học; Trình độ tiếng Anh tối thiểu trình độ B hoặc tương đương; Được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định; Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên tại đơn vị đăng kiểm sau khi hoàn thành tập huấn; Có kết quả đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới đạt yêu cầu; Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.
Đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao: Là đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng; Được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định;) Có kết quả đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao đạt yêu cầu.
Về số lượng đăng kiểm viên, số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm: Để thực hiện hoạt động kiểm định, mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó ít nhất 01 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Phải có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa 02 dây chuyền. Số lượng xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 08 giờ làm việc) phải thỏa mãn đồng thời các quy định như sau: Trường hợp mỗi đăng kiểm viên kiểm tra 01 xe thì không quá 20 xe/01 ngày đối với 01 đăng kiểm viên; trường hợp nhiều hơn 01 đăng kiểm viên kiểm tra 01 xe thì không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên/01 ngày (số lượng đăng kiểm viên x20); Không quá 90 xe đối với 01 dây chuyền kiểm định loại I và không quá 70 xe đối với 01 dây chuyền kiểm định loại II.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016.
 

Xem thêm »