Bàn về giám định giọng nói theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành

03/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Giám định âm thanh là một trong những chuyên ngành của giám định Kỹ thuật hình sự. Giám định âm thanh có giá trị truy nguyên cao -Truy nguyên cá biệt - để xác định ra con người cụ thể. Giám định âm thanh phục vụ rộng rãi cho hoạt động điều tra, khám phá các vụ án về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, cũng như giải quyết các vụ việc dân sự.

Giọng nói là một trong những căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, giọng nói được nhận biết như thế nào và pháp luật Việt Nam quy định ra sao về vấn đề này?
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã bổ sung thêm biện pháp điều tra nhận biết giọng nói. Thực tế đã chứng minh, ở mỗi vùng miền trong một quốc gia có cùng tiếng nói hoặc nhiều quốc gia sử dụng chung một tiếng nói thường có sự khác nhau về âm điệu rất rõ nét, nên việc nhận biết giọng nói sẽ góp phần giúp cho công tác điều tra xác định được vùng, miền của đối tượng gây án.
Đi vào chi tiết giọng nói của từng người bao giờ cũng có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt giọng nói của người này so với giọng nói của người khác. Vì vậy, việc nhận biết giọng nói là một trong những biện pháp điều tra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm.
Điều 191 BLTTHS năm 2015, quy định về nhận biết giọng nói, như sau:
“1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói.
Số giọng nói được đưa ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau.
Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận biết giọng nói.
2. Những người sau đây phải tham gia việc nhận biết giọng nói:
a) Giám định viên về âm thanh;
b) Người được yêu cầu nhận biết giọng nói;
c) Người được đưa ra để nhận biết giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm;
d) Người chứng kiến.
3. Nếu người làm chứng, bị hại được yêu cầu nhận biết giọng nói thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.
4. Điều tra viên phải hỏi trước người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói.
Trong quá trình tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó.
5. Biên bản nhận biết giọng nói được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói; điều kiện về không gian khi thực hiện nhận biết giọng nói.”
Theo quy định trên, BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về nhận biết giọng nói, mà không quy định về giám định giọng nói. Đây là biện pháp điều tra chỉ được áp dụng khi Điều tra viên được phân công điều tra vụ án đó thấy cần thiết, chứ không là thủ tục bắt buộc cho mọi trường hợp. Do vậy, mọi thủ tục liên quan đến trưng cầu giám định theo quy định của BLTTHS năm 2015 và Luật Giám định tư pháp (Luật GĐTP) năm 2012, không đặt ra với trường hợp cơ quan điều tra tiến hành biện pháp điều tra nhận biêt giọng nói. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 191 BLTTHS năm 2015, sự có mặt của của Giám định viên về âm thanh là bắt buộc, do vậy, Giám định viên có phải ban hành kết luận giám định không? Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật GĐTP năm 2012: “Trong trường hợp giám định cá nhân thì người giám định thực hiện việc giám định, ký vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định đó.”
Thông tư số 33/2014/TT-BCA ngày 05/8/2014 của Bộ Công an, quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự, trong đó có Giám định viên âm thanh. Nhưng hiện tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành quy định quy trình về giám định âm thanh, chính điều này, là khó khăn vướng mắc trong quá trình tác nghiệp cũng như cơ sở pháp lý bảo đảm tính chính xác, khách quan trong quá trình giám định của giám định viên.
Cũng liên quan đến nguồn chứng cứ là giọng nói, khoản 2 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, quy định: “Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
Như vậy, đoạn băng ghi âm cuộc trao đổi với đối tác chỉ được coi là chứng cứ khi người cung cấp đoạn băng ghi âm đó xuất trình được kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc ghi âm. Ví dụ, như: Biên bản làm việc về nội dung cụ thể được ghi âm trong băng ghi âm có chữ ký đầy đủ của hai bên; văn bản xác nhận người cung cấp chứng cứ đó và đối tác có gặp mặt thời điểm ghi âm; người cung cấp chứng cứ đoạn băng ghi âm và đối tác có lịch làm việc cùng nhau;…Điều quan trọng, đối tác của phía cung cấp chứng cứ phải thừa nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của họ hoặc cơ quan giám định có kết luận xác nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của đối tác. Từ đó có thể thấy, để được Tòa án chấp nhận đoạn băng ghi âm của người cung cấp là chứng cứ của vụ án thì đoạn băng ghi âm đó phải đáp ứng được các điều kiện trên, nếu không chỉ được xem là tài liệu có liên quan, có giá trị tham khảo chứ không có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Nội dung điều luật muốn nhấn mạnh rằng, nếu như một tài liệu (giấy vay nợ) mà vừa có tài liệu chứng minh bằng văn bản (văn bản này vừa xác nhận xuất xứ của tài liệu, hoặc văn bản này thể hiện các thông tin liên quan đến tài liệu trên) và vừa có băng ghi âm có đính kèm thì băng ghi âm này được xem là chứng cứ. Ví dụ: Ông A cho ông B vay 50 triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thỏa thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Tòa án. Trong trường hợp này cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về việc liên quan tới việc thu âm đó. Như vậy, các tài liệu ghi âm qua các phương tiện như: Điện thoại, Máy ghi âm, băng ghi âm, các phương tiện ghi âm khác sẽ được coi là chứng cứ nếu xuất trình được nguồn gốc của việc ghi âm, có văn bản trình bày xuất xứ của việc ghi âm.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào người cung cấp chứng cứ là đoạn băng, file ghi âm cũng đều có thể xuất trình kèm theo được văn bản chứng minh nguồn gốc của đoạn băng, file âm thanh hoặc hình ảnh mà mình cung cấp, nhưng nếu Tòa án vẫn chấp nhận và cho đối chất, trong quá trình đối chất vẫn có trường hợp xảy ra là phía bên kia thừa nhận đúng là đoạn băng, file âm thanh, hình ảnh của mình thì lúc này chứng cứ được công nhận. Chẳng hạn với trường hợp, theo Đơn khởi kiện của chị Nguyễn Thị Nguyệt A. đề ngày 10/12/2016, giữa chị A. và anh Trần Hữu B. là chỗ quen biết với nhau qua công việc làm ăn từ hơn 03 năm, họ rất tin tưởng nhau, chữ “tín” được hai bên tôn trọng, chính vì vậy, việc giao và nhận tiền mặt giữa A. và B. với số lượng từ 200 đến 300 triệu đồng/lần diễn ra khá thường xuyên mà không cần biên nhận hay giấy tờ gì để chứng minh. Ngày 10/02/2016, khi chị A. cùng gia đình chuẩn bị khởi hành chuyến du lịch dài ngày tại Sapa, thì nhận được điện thoại từ anh B. với đề nghị cho anh tạm ứng số tiền 200 triệu đồng để chi trả số lượng lúa mua tạm trữ. Do trước đó, chị A. cũng vừa nhận được khoản tiền các đối tác thanh lý hợp đồng, nên chị đồng ý và yêu cầu anh B. đến nhận ngay. Cũng như những lần trước đó, việc giao nhận số tiền 200 triệu đồng lần này, giữa hai người cũng không có người chứng kiến, không lập biên nhận hay văn tự gì để chứng minh. Tuy nhiên, cuộc trao đổi qua điện thoại giữa anh B. và chị A. trước đó về nội dung anh B. đề nghị được “tạm ứng” số tiền trên, được chị B. ghi âm lại. Sau nhiều lần hứa hẹn, nhưng anh B. không thực hiện đúng cam kết việc trả lại cho chị A. số tiền 200 triệu đồng và số tiền lãi 15 triệu đồng. Nên chị A. đã nộp Đơn khởi kiện và file ghi âm tại TAND thành phố M. Theo giải thích của Tòa án, do chị A. không thể xuất trình được văn bản hay tài liệu gì để chứng minh file ghi âm cuộc trao đổi trên là đúng sự thật theo quy định của pháp luật. Do vậy, phía nguyên đơn có Đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ là giọng nói của anh B. để trưng cầu giám định. Nhưng Tòa án bác yêu cầu của chị A. với lý do: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là giọng nói của bị đơn! Hơn nữa, cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn quy trình cụ thể về phương pháp thu thập bảng mẫu so sánh là tiếng nói để phục vụ công tác giám định, nên Tòa án không thể thực hiện một cách tùy tiện. Song song đó, anh B. cũng không thừa nhận việc tạm ứng tiền, như chị A. trình bày trong Đơn. Mặt khác, phía nguyên đơn cũng không thể tự mình thực hiện việc trưng cầu giám định, vì không thuộc trường hợp Luật định, hơn nữa, cũng không thể thu thập giọng nói của anh B. (theo nghĩa hợp pháp) để làm bảng mẫu so sánh gửi đi giám định, do anh B. không hợp tác.
Nếu “cứng nhắc” theo quy định thì đương sự trong vụ án trên sẽ bị bác yêu cầu ngay khi cung cấp file âm thanh mà không có văn bản chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, vì vậy, sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo nguyên tắc chung của pháp luật tố tụng dân sự, nếu như khi bác yêu cầu về một vấn đề gì mà đương sự có đơn yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải ban hành bằng văn bản và ấn định rõ thời hạn khiếu nại kể từ ngày đương sự nhận được văn bản đó. Trong trường hợp, nếu như chỉ bằng “miệng”, Thẩm phán không chấp nhận yêu cầu thu thập chứng cứ là giọng nói của anh B. để phục vụ giám định file ghi âm thì TAND thành phố M đã vi phạm thủ tục tố tụng, đương sự có quyền khiếu nại đến Chánh án Toà án nơi thẩm phán thụ lý vụ án trên.
Có ý kiến cho rằng, có thể cùng với việc lấy lời khai của bị đơn (theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015), Thẩm phán kết hợp ghi âm giọng nói của anh B. tại buổi lấy lời khai đó. Cũng có ý kiến khác cho rằng, quy định tại điểm i khoản 2 Điều này: “Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.”, được hiểu là quy định có tính chất “mở” để giải quyết các tình huống đặt ra từ thực tiễn mà nhà làm luật chưa dự liệu hết, do vậy, với tình huống pháp lý trên, Tòa án không được từ chối đề nghị của nguyên đơn về việc thu thập chứng cứ là giọng nói của anh B. để trên cơ sở đó, tiến hành trưng cầu giám định. Nghĩa là, Tòa án công khai việc thu thập chứng cứ là giọng nói của anh B.
Tác giả đồng tình với cách lý giải của hai quan điểm trên, bởi suy cho cùng đó là cách thức thực hiện trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án giúp đương sự thu thập chứng cứ mà thôi, nếu Tòa án từ chối yêu cầu thu thập chứng cứ trong trường hợp này, đồng nghĩa với việc Tòa án đã không làm tròn trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 BLTTDS năm 2015.
Một vấn đề nữa, cũng cần bàn thêm, đó là vì sao Điều 191 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định là nhận biết giọng nói, mà không quy định việc giám định giọng nói. Trong khi đó, Điều 102 BLTTDS năm 2015, quy định về trưng cầu giám định, yêu cầu giám định, như sau: “ Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.” Với nội dung quy định này có thể hiểu, là bao gồm cả về giám định giọng nói.
Tuy nhiên, muốn giám định âm thanh (giọng nói) băng, đĩa, file ghi âm thì bắt buộc các đương sự có tiếng nói trong băng, đĩa, file ghi âm phải có mặt tại tổ chức giám định để so sánh, đối chiếu mẫu tiếng nói. Chỉ cần một bên không có mặt, không hợp tác là việc giám định bế tắc. Trong khi đó, BLTTDS năm 2015 không có quy định bắt buộc đương sự phải cung cấp mẫu giám định, trong trường hợp phải giám định để Tòa án có cơ sở giải quyết án thì những người liên quan phải có nghĩa vụ hợp tác, cung cấp mẫu giám định. Nếu từ chối, không hợp tác thì xem như họ sẽ gặp bất lợi khi tòa đánh giá chứng cứ. Theo nguyên tắc đương sự có trách nhiệm phải chứng minh để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Vì vậy, khi đương sự không hợp tác thì xem như đương sự thừa nhận theo như yêu cầu cần giám định của bên có yêu cầu. Cũng có ý kiến cho rằng, nghĩa vụ chứng minh trong án dân sự thuộc về người có yêu cầu. Chẳng hạn bên cung cấp băng, file ghi âm cho Tòa án có nghĩa vụ chứng minh giọng nói trong băng ghi âm là của bên kia, bên kia thì có quyền không cung cấp mẫu giọng nói để giám định vì không có nghĩa vụ phải chứng minh. Luật cũng không có quy định buộc họ phải có nghĩa vụ hợp tác với bên cung cấp băng ghi âm khi họ không muốn. Chỉ khi nào họ có yêu cầu phản tố (ví dụ yêu cầu bên cung cấp băng ghi âm phải xin lỗi vì đã dùng băng ghi âm vu khống…) thì họ mới phải có nghĩa vụ chứng minh rằng giọng nói trong băng ghi âm không phải của mình. Phải chăng đây là một “lỗ hổng” trong pháp luật tố tụng dân sự?
Trong bối cảnh nhân loại đang chứng kiến cuộc “Cách mạng Công nghiệp 4.0” đang diễn ra tại nhiều nước phát triển, nó mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Đặc trưng của cuộc “Cách mạng Công nghiệp 4.0” đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của viễn thông, thông tin liên lạc đã, đang và sẽ làm thay đổi đời sống con người, hiện thực hóa khả năng liên kết của mỗi người, mỗi quốc gia, gắn kết mọi người với nhau nhờ một mạng lưới viễn thông vô hình và hữu hình trên khắp thế giới. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê tính đến tháng 9/2016, số thuê bao di động của cả nước khoảng 129 triệu thuê bao, số thuê bao  Internet băng rộng cố định là 8,8 triệu thuê bao. Với dân số 90 triệu người, trung bình cứ 01 người Việt Nam sở hữu 1,51 thuê bao di động và có 44% dân số sử dụng dịch vụ Internet[1]. Cùng với đó, sự phổ biến của các thiết bị lưu giữ âm thanh, hình ảnh như: Điện thoại thông minh, máy ghi âm, máy nghe nhạc... trong đời sống xã hội. Sự xuất hiện của hàng loạt các chương trình phần mềm chỉnh sửa âm thanh, như: Sound Forge Audio Studio; WavePad; Audio Editor Pro; MP3 Music Editor; Akram Audio Editor;…trên Internet kèm theo đó là hướng dẫn sử dụng chi tiết, mọi người đều có thể tự học và tự làm được. Điều đó sẽ dẫn đến hai vấn đề: Một là, người dân, các cán bộ thực thi pháp luật dễ dàng sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ này để lưu giữ những thông tin, bằng chứng phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc để hỗ trợ công tác điều tra tội phạm. Hai là, các đối tượng phạm tội lợi dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào mục đích lưu giữ, che giấu, chỉnh sửa dữ liệu âm thanh.
Trình độ dân trí ngày càng phát triển, các yêu cầu về tính minh bạch, khách quan, chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật đối với hoạt động giám định tư pháp ngày càng được chú trọng, khi đó giám định âm thanh rất cần thiết và kết luận giám định là căn cứ khẳng định giá trị pháp lý của bản ghi. Thực tiễn cho thấy, có nhiều trường hợp giám định viên đã phải từ chối giám định hoặc phải đề nghị thu lại mẫu vì băng, file âm thanh mẫu giám định và băng, file âm thanh mẫu so sánh không đủ yếu tố để giám định. Nguyên nhân là do cán bộ thu mẫu chưa nắm vững nguyên tắc thu mẫu dẫn đến mẫu thu không đảm bảo yêu cầu như: thời lượng quá ngắn hoặc không đủ các nguyên âm tối thiểu để giám định, nội dung tiếng nói trong băng mẫu so sánh khác với trong băng cần giám định, chất lượng băng quá kém, … nên không thể tiến hành giám định được hoặc tiến hành giám định cho kết quả không chính xác.
Để cho công tác thu mẫu đạt kết quả, phục vụ tốt cho việc giám định tiếng nói được chính xác, qua nghiên cứu tác giả đề xuất đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định, quy trình chuẩn về giám định âm thanh, mà theo đó, việc thu mẫu tiếng nói cho các băng, file mẫu cần giám định và băng, file mẫu so sánh, có thể như sau:

  1. Thu mẫu cần giám định.
Việc thu tiếng nói của các đối tượng để giám định hầu hết được thu bí mật, tuy nhiên, cũng có trường hợp được thu công khai và có thể được thực hiện bởi bất cứ người nào có nhu cầu, từ người bị hại, luật sư, nhân chứng, … đều có thể chủ động ghi lại băng, file âm thanh để giám định nếu tuân thủ theo đúng nguyên tắc đã nêu trên. Có thể thu trực tiếp bằng các loại máy ghi âm, có thể thu qua băng từ,  máy ghi âm kỹ thuật số,… hoặc thu gián tiếp qua điện thoại cố định hoặc di động hay các phương tiện ghi âm chuyên dụng khác. Phương thức ghi âm có thể được ngụy trang hoặc không được ngụy trang tùy thuộc vào đối tượng ghi âm và tính chất vụ việc.
  1. Thu mẫu so sánh.
Mẫu so sánh được thu công khai, do đơn vị giải quyết vụ án trực tiếp tiến hành, nội dung thu mẫu so sánh tiếng nói trong băng, file được thực hiện như sau:
Trước hết người chủ trì cuộc ghi âm phải giới thiệu thành phần tham gia, lí do ghi âm, đặt ra yêu cầu đối với đối tượng được ghi âm giọng nói làm mẫu so sánh. Tiếp đến, đối tượng được ghi âm giọng nói phải tự giới thiệu về mình: họ tên, quê quán, nơi thường trú… Sau đó đối tượng tường thuật lại câu chuyện như hoặc có liên quan đến nội dung trong băng cần giám định. Trong thời gian tường thuật người khác không được can thiệp vào. Chỉ khi nào thấy thật cần thiết thì người chủ trì mới gợi ý thật ngắn gọn.
Khi đã tường thuật xong thì người chủ trì có thể đặt một số câu hỏi để đối tượng trả lời. Sau đó cho đối tượng đọc lại nguyên văn một đoạn khoảng 10 đến 20 câu giống tiếng nói của đối tượng nghi vấn trong băng, file âm thanh cần giám định. Đoạn nội dung này ở băng cần giám định phải có tiếng nói rõ ràng, rành mạch, ít tiếng động, ồn và nhiễu. Sau khi ghi âm xong, cần phát lại băng cho mọi người nghe xác nhận rồi lập biên bản đóng gói và niêm phong băng theo đúng thủ tục. Ngoài bì của gói niêm phong và trên nhãn của băng ghi âm phải có chữ kí của đối tượng được ghi âm, chữ kí của người chủ trì cuộc ghi âm…
Để phục vụ tốt cho công tác giám định, các loại băng, đĩa đã được ghi âm phải được bảo quản theo các nguyên tắc sau:
- Không để băng đĩa nơi ẩm ướt, phải để nơi khô thoáng để băng khỏi bị mốc.
- Không để băng từ ở nơi có nhiệt độ cao, vì nó làm từ tính của băng bị giảm, ảnh hưởng tới chất lượng tiếng nói trong băng.
- Không để băng nơi có từ trường mạnh.
- Không để vật nặng lên băng từ.
- Cần đóng gói băng từ trong hộp bìa cứng, ngoài hộp có kí hiệu
 
Phạm Thị Hồng Đào 
 
[1] http://www.baomoi.com/ca-nuoc-hien-co-khoang-129-trieu-thue-bao-di-dong/c/20480703.epi

Xem thêm »