Quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng

03/07/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Theo đó, Nghị định này quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng bao gồm: Kinh doanh vận tải hàng không; Kinh doanh cảng hàng không, sân bay; Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; Kinh doanh dịch vụ thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam; Kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
Kinh doanh vận tải hàng không
Nghị định quy định, tổ chức kinh doanh vận tải hàng không phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không; Đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm theo quy định; Được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 05 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh bao gồm các nội dung như: Số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay; Hình thức chiếm hữu (mua, thuê mua hoặc thuê); Phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay; Nguồn vốn bảo đảm chiếm hữu tàu bay.
Về tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam được quy định như sau: Đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách: Không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê; Đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung: Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê; Các loại tàu bay khác ngoài quy định trên: Không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 30 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Số lượng tàu bay duy trì trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không tối thiểu là 03 tàu bay đối với kinh doanh vận chuyển hàng không; tối thiểu là 01 tàu bay đối với kinh doanh hàng không chung; số lượng tàu bay thuê có tổ lái đến hết năm khai thác thứ hai chiếm không quá 30% đội tàu bay.
Nghị định cũng quy định, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không: Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa; Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa; Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.
Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Bản chính văn bản xác nhận vốn; Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp; Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách quy định tại Điều 7 Nghị định này; Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay; Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp.
Kinh doanh cảng hàng không, sân bay
Về kinh doanh cảng hàng không, sân bay, Nghị định quy định: Được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương trong trường hợp thành lập doanh nghiệp cảng hàng không; chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài; Được cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không, sân bay khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không phải có 1- Phương án kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp bao gồm các nội dung: Tổ chức bộ máy và nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn khai thác cảng hàng không theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng; Hệ thống trang thiết bị và các điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng. 2- Đáp ứng các điều kiện về vốn như sau: Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không đối với kinh doanh cảng hàng không nội địa: 100 tỷ đồng Việt Nam; kinh doanh cảng hàng không quốc tế: 200 tỷ đồng Việt Nam; Tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Xem thêm »