Quy định XPHC về hành vi thu lợi ngoài hợp đồng dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư

14/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 14/8/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (viết tắt Nghị định 67/2015/NĐ-CP). Mà theo đó, quá trình tác nghiệp mà luật sư có hành vi sách nhiễu, đòi hỏi để thu lợi thêm bất kỳ khoản tiền hay lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng bằng văn bản hoặc ký hợp đồng mà thiếu một trong những nội dung quy định về thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý; không tuân thủ quy định việc lập sổ sách theo dõi hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, đều bị coi là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 67/2015/NĐ-CP. Qua nghiên cứu các nội dung quy định trên, cho thấy còn có những chi tiết chưa thật sự rõ ràng, khó khăn cho việc áp dụng, cụ thể:
Tại Điều 6 Nghị định 67/2015/NĐ-CP có quy định hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề luật sư và hình thức xử phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, tại điểm d khoản 5; điểm a khoản 6 của Điều này có quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sách nhiễu, lừa dối khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng bằng văn bản hoặc ký hợp đồng thiếu một trong các nội dung quy định tại khoản 2[1] Điều của 26 Luật Luật sư. Xoay quanh quy định này, tác giả thấy có một số vướng mắc sau:
Thứ nhất, nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, điều chỉnh các hành vi bị coi là vi phạm hành chính chỉ đề cập đến đối tượng là luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, có thể là luật sư trong nước hoặc luật sư người nước ngoài. Theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012 – viết tắt Luật Luật sư năm 2012): “Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên”. Hình thức hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 75 Luật Luật sư năm 2012, bao gồm: Làm việc với tư cách là thành viên của một chi nhánh hoặc một công ty luật nước ngoài tại Việt Nam; làm việc theo hợp đồng cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 76 Luật Luật sư năm 2012: “Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có Bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam”.
Theo quan điểm của người viết, quy định tại điểm d khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều 6 Nghị định 67/2015/NĐ-CP là thiếu tính thực tế, bởi lẽ, như đã trích dẫn, ngoại trừ các trường hợp đã nêu tại khoản 3 Điều 49 Luật Luật sư năm 2012, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được quyền cung cấp dịch vụ pháp lý ngoài cơ quan, tổ chức mà mình đã ký kết hợp đồng lao động. Mà đã như thế, thì luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không thể tự tiện ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, cho dù đó chỉ là hợp đồng ủy quyền thực hiện một công việc cụ thể. Hay nói cách khác, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, khách hàng chỉ ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với một tổ chức hành nghề luật sư cụ thể, như: Văn phòng luật sư; Công ty luật hợp danh; Công ty trách nhiệm hữu hạn… Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 26; Điều 56 Luật Luật sư năm 2012; Điều 18 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, trong mọi trường hợp khi đã ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa khách hàng với tổ chức hành nghề luật sư, thì người đại diện của tổ chức hành nghề luật sư đó nhân danh tổ chức hành nghề để ký kết, do đó, yếu tố cá nhân bị loại trừ. Từ đó, để quy kết hành vi vi phạm: Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý là quy định thiếu tính khả thi. Hơn nữa, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không thể nhân danh bất kỳ tổ chức hành nghề luật sư cụ thể nào để ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý và họ cũng “ngớ ngẩn” đến mức độ đòi hỏi thêm tiền, lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo sự phân công của tổ chức Đoàn luật sư.
Bên cạnh đó, tại Điều 7 Nghị định 67/2015/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về hoạt động tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Mà theo đó, tại điểm b khoản 4 của Điều này, quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu tiền hoặc lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã được ký kết. Theo quy định này có thể hiểu, ngoài khoản tiền thù lao và chi phí thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết, mà tổ chức hành nghề luật sư lại thu thêm bằng bất cứ khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác từ đối tác, có thể do đòi hỏi, sách nhiễu, gợi ý… ngoại trừ việc khách hàng hoàn toàn tự nguyện thưởng, bồi dưỡng thêm cho tổ chức hành nghề luật sư đó.
          Như vậy, nếu so sánh mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 5 Điều 6 với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, có thể thấy: Suy cho cùng đều là hành vi có mục đích“tư lợi” cá nhân và bị coi là vi phạm hành chính, nhưng mức phạt tiền đối với cá nhân từ 20 triệu đến 30 triệu đồng (điểm d khoản 5 Điều 6) lại cao hơn so với tổ chức vi phạm chỉ từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (điểm b khoản 4 Điều 7). Trong khi đó, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”. Phải chăng đây là bất cập cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Bên cạnh đó, tại điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 67/2015/NĐ-CP có quy định hành vi “lừa dối khách hàng” của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm này từ 20 triệu  đến 30 triệu đồng. Vấn đề đặt ra, dựa vào cơ sở pháp lý nào để cho rằng hành vi lừa dối khách hàng của luật sư chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự? Trong khi đó, cấu thành cơ bản của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015, như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”
Theo quy định này, chỉ cần người thực hiện hành vi bằng thủ đoạn gian dối (dối trá) nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc tuy dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, với trường hợp luật sư hứa hẹn thông qua mối quan hệ với một số cá nhân A, B, C,…sẽ thực hiện được yêu cầu của khách hàng đưa ra trong vụ án tranh chấp tài sản thừa kế, đổi lại khách hàng phải đưa cho luật sư số tiền 100 triệu đồng, trong đó bao gồm: Chi phí tiêu hao thực tế 90 triệu đồng; thù lao 10 triệu đồng. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án có thẩm quyền không như mong đợi của khách hàng. Vậy trong trường hợp này, hành vi vừa nêu của luật sư có bị coi là lừa dối khách hàng không? Nếu có thì hành vi này đã cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 139 BLHS năm 1999 nay là Điều 174 BLHS năm 2015 hay chỉ cấu thành vi phạm hành chính và bị xử phạt theo quy định tại điểm điểm d khoản 5; điểm b khoản 8 Điều 5 Nghị định 67/2015/NĐ-CP? Vấn đề ở đây, do pháp luật quy định xử lý hành vi nói trên giữa chế tài hình sự với chế tài hành chính chưa thật sự rõ ràng, ranh giới phân biệt giữa chúng quá mờ nhạt, từ đó dẫn đến việc áp dụng trên thực tế còn tùy tiện, thiếu tính minh bạch, không bảo đảm sức răn đe và phòng ngừa.
Thứ hai: Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2015/NĐ-CP,  phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không lập, quản lý, sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu về tổ chức và hoạt động luật sư. Liên quan đến quy định về sổ sách, biểu mẫu về tổ chức và hoạt động luật sư, qua thống kê của tác giả cho thấy có các văn bản sau:
Một là, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), theo đó, tại khoản 7 và khoản 8 Điều 40 của Luật này, quy định:
“7. Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê;
8. Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra.”
Hai là, Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp, hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, thay thế Thông tư số 02/2007/TT-BTP ngày 25/4/2007 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư. Mà theo đó, tại Điều 34 và 35 của Thông tư này, quy định về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc báo cáo và lập sổ sách; Các mẫu giấy tờ ban hành kèm theo Thông tư. Cụ thể:
-“Điều 34. Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc báo cáo và lập hồ sơ, sổ sách
1. Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 40 của Luật Luật sư, hướng dẫn tại Điều 31, 32, 33 của Thông tư này và Thông tư số 08/2011/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về công tác thống kê của Ngành Tư pháp.
Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập hồ sơ, sổ sách theo các mẫu quy định tại các khoản 23, 24, 25, 26 Điều 36 của Thông tư này và theo quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, kế toán.
Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân có trách nhiệm lập hồ sơ, sổ sách theo các mẫu quy định tại các khoản 24, 25, 26 Điều 36 của Thông tư này và theo quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, kế toán.
2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư phải thực hiện đầy đủ nghiêm chỉnh nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 31, 32, 33 của Thông tư này.
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có trách nhiệm lập hồ sơ, sổ sách theo các mẫu quy định tại các khoản 23, 26, 27, 28 Điều 36 của Thông tư này và theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Việc lưu trữ các báo cáo, hồ sơ, sổ sách được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.”
Điều 36. Các mẫu giấy tờ ban hành kèm theo Thông tư
1. Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư (Mẫu TP-LS-01);
2. Sơ yếu lý lịch (Mẫu TP-LS-02);
3. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Mẫu TP-LS-03);
4. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Mẫu TP-LS-04);
5. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư (Mẫu TP-LS-05);
6. Giấy đề nghị đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân (Mẫu TP-LS-06);
7. Giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư (Mẫu TP-LS-07);
8. Giấy đăng ký hoạt động văn phòng luật sư, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Mẫu TP-LS-08);
9. Giấy đăng ký hoạt động công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Mẫu TP-LS-09);
10. Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư (Mẫu TP-LS-10);
11. Giấy đăng ký hành nghề của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân (Mẫu TP-LS-11);
12. Đơn đề nghị thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-12);
13. Đơn đề nghị thành lập công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-13);
14. Đơn đề nghị thành lập chi nhánh công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-14);
15. Đơn đề nghị cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài (Mẫu TP-LS-15);
16. Đơn đề nghị đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-16);
17. Đơn đề nghị đăng ký hoạt động cho chi nhánh của Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-17);
18. Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (Mẫu TP-LS-18);
19. Giấy đăng ký hoạt động công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-19);
20. Giấy đăng ký hoạt động công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh tại Việt Nam (Mẫu TP-LS-20);
21. Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của công ty luật nước ngoài (Mẫu TP-LS-21);
22. Phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý (Mẫu TP-LS-22);
23. Sổ theo dõi văn bản đi/văn bản đến (Mẫu TP-LS-23);
24. Sổ theo dõi việc sử dụng lao động (Mẫu TP-LS-24);
25. Sổ theo dõi hợp đồng dịch vụ pháp lý/phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý (Mẫu TP-LS-25).
26. Sổ theo dõi việc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng/thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí (Mẫu TP-LS-26).
27. Sổ theo dõi khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm (Mẫu TP-LS-27).
28. Sổ theo dõi khiếu nại và giải quyết khiếu nại (Mẫu TP-LS-28).
29. Sổ đăng ký hoạt động (Mẫu TP-LS-29).”
Ba là, Thông tư số 02/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp, quy định một số mẫu giấy tờ về luật sư và hành nghề luật sư, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2015, theo đó, tại Điều 6 của Thông tư này có quy định:Các nội dung hướng dẫn liên quan đến trách nhiệm lập hồ sơ, sổ sách của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân quy định tại Điều 34; Điều 36 và Phụ lục 1, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2011/TT-BTP hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”. Theo nội dung quy định này, các loại mẫu giấy tờ, sổ sách, như: Phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý; Sổ theo dõi văn bản đi/văn bản đến; Sổ theo dõi việc sử dụng lao động; Sổ theo dõi hợp đồng dịch vụ pháp lý/phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý; Sổ theo dõi việc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng/thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí; Sổ theo dõi khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm; Sổ theo dõi khiếu nại và giải quyết khiếu nại; Sổ đăng ký hoạt động;…các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam; tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư không cần phải lập, quản lý, sử dụng như trước đây theo quy định tại Điều 34, Điều 36 Thông tư 17/2011/TT-BTP.
Bốn là, Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/3/2016 của Bộ Tư pháp, quy định về một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, thay thế Thông tư số 20/2013/TT-BTP ngày 03/12/2013 của Bộ Tư pháp, hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp. Mà theo đó, về đối tượng áp dụng và hình thức báo cáo thống kê, tại Điều 2 và Điều 5 của Thông tư này quy định:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là các đơn vị thuộc Bộ);
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
3. Ủy ban nhân dân các cấp;
4. Sở Tư pháp và các cơ quan chuyên môn khác có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
5. Phòng Tư pháp và các cơ quan chuyên môn khác có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
6. Các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng;
7. Các tổ chức bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp;
8. Các tổ chức đăng ký giao dịch bảo đảm;
9. Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
10. Các cơ quan, tổ chức khác có liên quan theo quy định của pháp luật.”
Điều 5. Hình thức báo cáo thống kê
Các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này, căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình lựa chọn một trong các hình thức dưới đây để gửi báo cáo đến đơn vị nhận báo cáo:
1. Báo cáo bằng văn bản giấy có chữ ký của Thủ trưởng, dấu của đơn vị thực hiện báo cáo, gửi về đơn vị nhận báo cáo theo đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp.
2. Báo cáo bằng văn bản điện tử được thể hiện bằng một trong hai hình thức sau đây:
a. Văn bản điện tử dưới dạng ảnh (định dạng pdf) của báo cáo giấy theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b. Văn bản điện tử dưới dạng tệp tin điện tử được xác thực bằng chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật.
3. Báo cáo bằng tiện ích trên Phần mềm thống kê Ngành Tư pháp do Bộ Tư pháp chủ trì thống nhất xây dựng và triển khai.”
Theo nội dung quy định vừa trích dẫn, đối tượng là tổ chức hành nghề luật sư phải thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ bắt buộc; hình thức báo cáo có thể bằng văn bản giấy; bằng văn bản điện tử dưới dạng file PDF hoặc dạng tệp tin điện tử được xác định bằng chữ ký số; bằng tiện ích trên phần mềm thống kê ngành Tư pháp. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, hình thức báo cáo được nhiều Sở Tư pháp tỉnh/thành phố trên cả nước triển khai đến các tổ chức bổ trợ tư pháp để thực hiện chế độ báo cáo theo quy định bằng hình thức văn bản điện tử dưới dạng tệp tin điện tử được xác thực bằng chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thực hiện báo cáo. Hình thức này rất nhiều tiện ích do tận dụng ưu điểm của công nghệ thông tin vừa tận dụng được phần mềm “Chữ ký số” mà hầu hết các đối tượng thuộc quy định tại Điều 2 Thông tư 04/2016/TT-BTP đều phải đăng ký. Còn lại số ít vẫn còn áp dụng hình thức báo cáo bằng văn bản giấy truyền thống. Như vậy, vấn đề đặt ra cần được thống nhất về nhận thức, đó là, với những địa phương thực hiện hình thức báo cáo bằng văn bản điện tử dưới dạng tệp tin điện tử được xác thực bằng chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thực hiện báo cáo, thì có bắt buộc phải lưu văn bản giấy có chữ ký của Thủ trưởng, dấu của đơn vị thực hiện báo cáo không? Nếu không phải lưu thì liệu rằng có vi phạm chế độ lưu trữ về biểu mẫu tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nói riêng và các tổ chức bổ trợ tư pháp khác nói chung không?
Năm là, theo Điểm 4 Luật số 21/2012/QH13 bổ sung thêm Khoản 10 vào Điều 7 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, kể từ ngày 1/7/2013, các doanh nghiệp đóng trụ sở tại các tỉnh/thành phố có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin bắt buộc kê khai thuế qua mạng, thay cho hình thức nộp giấy truyền thống. Kê khai thuế qua mạng thực chất là việc gởi các Tờ khai thuế đã được kết xuất ra file *.pdf từ phần mềm HTKK lên website http://kekhaithue.gdt.gov.vn/ của Tổng cục Thuế. Để có thể gởi file, mỗi doanh nghiệp cần có một Tài khoản đăng nhập và một Chữ ký số dùng để “ký” lên các file trước khi nhấn nút “Gởi tờ khai”. Tài khoản đăng nhập được Tổng cục Thuế cấp miễn phí sau khi hoàn tất các bước đăng ký, nhưng “Chữ ký số” thì phải mua của các tổ chức được phép cung cấp Chứng thư số. Hiện có 8 đơn vị được Tổng cục Thuế công khai danh sách trên Cổng tiếp nhận Tờ khai điện tử, bao gồm: BKAV, Viettel, Nacencomm, FPT, VDC, CK, Chứng số An Toàn và Vi Na.  
Tại Điều 5 Thông tư 180/2010/TT-BTC ngày 10/11/2010 của Bộ Tài chính, hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, để thực hiện kê khai thuế qua mạng, mỗi doanh nghiệp chỉ cần có một chữ ký số, một địa chỉ email đảm bảo liên lạc ổn định qua Internet và làm thủ tục đăng ký với cơ quan Thuế về việc sử dụng hình thức khai thuế điện tử. Theo quy định tại khoản 1 Mục I Phần II Quyết định số 1390/QĐ-TCT ngày 13/10/2011 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình quản lý đăng ký sử dụng và kê khai thuế điện tử, được thực hi ện qua 03 bước sau :
+Bước 1: Nộp Tờ khai đăng ký sử dụng hình thức khai thuế điện tử (mẫu 01/ĐK-KĐT đính kèm Thông tư 180/2010/TT-BTC) tại cơ quan Thuế quản lý trực tiếp
+Bước 2: Đăng ký trực tuyến tại địa chỉ: http://nhantokhai.gdt.gov.vn/ihtkk_reg/predkyonline.do
+Bước 3: Đăng ký thông qua các nhà cung cấp dịch vụ T-VAN như SeaTech, Viettel, BKAV, TaxOnline, Thai Sơn, VDC, Misa . Những nhà cung cấp này đã được Tổng cục Thuế công khai thừa nhận tại http://nhantokhai.gdt.gov.vn/ihtkk_nnt/TroGiup/TroGiup_Main.jsp
Trong vòng 5 ngày làm việc sau khi đăng ký, doanh nghiệp sẽ nhận được qua email một “Thông báo cấp tài khoản sử dụng hệ thống nộp tờ khai thuế qua mạng”, ghi rõ Định danh và Mật khẩu (username/password) dùng để truy cập http://kekhaithue.gdt.gov.vn/, phục vụ việc khai thuế qua mạng.
Bên cạnh đó, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, theo đó, tại Điều 3, Điều 27 và Điều 28 của Thông  này có quy định về hình thức hóa đơn; báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn; lưu trử, bảo quản hóa đơn.
Do đó, nếu thực hiện quy định, quy trình quản lý đăng ký sử dụng và kê khai thuế điện tử, thì đơn vị nộp thuế nói chung không cần thiết phải sao lưu chứng từ nộp thuế, cũng như các báo cáo tình tình sử dụng hóa đơn vì tất cả đã được hế thống phần mềm HTKK lưu trữ.  
Từ những căn cứ pháp lý đã dẫn chiếu và quan điểm cá nhân thể hiện ở phần trên, cho thấy, nhiều tổ chức hành nghề luật sư đang rất lúng túng xoay quanh việc lập, quản lý, sử dụng hệ thống sổ sách tại tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động. Bởi, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, tổ chức hành nghề luật sư trong nước và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam mà có hành vi không lập, quản lý, sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu về tổ chức và hoạt động luật sư thì sẽ bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 07 triệu đồng. Nhưng hiện nay, nếu ngoại trừ việc lập Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động luật sư (biểu số 30/BTP/BTTP/LSTN ban hành theo Thông tư số 04/2016/TT-BTP), để thực hiện đúng việc lập, quản lý, sử dụng các loại sổ sách về tổ chức và hoạt động luật sư thì tổ chức hành nghề luật sư nói chung cần phải lập những sổ sách gì? Số lượng, tên gọi, nội dung ghi chép của từng loại sổ ra sao?
 

Phạm Thị Hồng Đào
 
[1] Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;
b) Nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng;
c) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
d) Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có);
đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
e) Phương thức giải quyết tranh chấp.
 

Xem thêm »