Bàn về ủy thác tư pháp trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo BLTTDS năm 2015

29/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ủy thác tư pháp về dân sự là yêu cầu bằng văn bản của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ủy thác tư pháp chính là một hình thức để thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.


Theo quy định tại Điều 6 Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) năm 2007:
“1. Uỷ thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông qua ủy thác tư pháp.”
Theo quy định tại Điều 13 Luật TTTP năm 2007, thì Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang ở nước được yêu cầu; Triệu tập người làm chứng, người giám định ở nước được yêu cầu; Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự tại Việt Nam; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài, bao gồm: (i) Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; (ii) Triệu tập người làm chứng, người giám định; (iii) Thu thập, cung cấp chứng cứ; (iv) Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.
Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (viết tắt là Công ước tống đạt giấy tờ), là công ước đa phương do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua vào ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, có hiệu lực kể từ ngày 10/02/1969. Hiện nay, Công ước tống đạt giấy tờ có 71[1] quốc gia thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau. Mục tiêu của Công ước là:
(i) Xây dựng một hệ thống có thể đảm bảo được rằng người nhận được thông báo có đủ thời gian để bảo vệ quyền lợi của mình;
(ii) Đơn giản hóa phương thức tống đạt giấy tờ từ quốc gia yêu cầu đến quốc gia được yêu cầu;
(iii) Đưa ra được bằng chứng là tống đạt đã được hoàn thành dưới hình thức là giấy xác nhận kết quả theo mẫu thống nhất.
Ngày 01/10/2016, Công ước tống đạt giấy tờ có hiệu lực với Việt Nam. Công ước này quy định việc tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án và giấy tờ của cơ quan, tổ chức khác từ một nước thành viên Công ước này cho đương sự ở nước thành viên khác của Công ước theo kênh tống đạt chính thức và các kênh tống đạt thay thế khác.
Như vậy, có thể hiểu ủy thác tư pháp về dân sự là yêu cầu bằng văn bản của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ủy thác tư pháp chính là một hình thức để thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài Tòa án Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự khi cần tiến hành một số hoạt động tố tụng dân sự tại nước ngoài.
Theo hướng dẫn tại Tiểu mục 4.3, Mục 4, Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/ 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004, thì những vụ việc dân sự cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài  là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập theo nguyên tắc có đi có lại.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa quy định cụ thể trong trường hợp nào và những vụ việc dân sự nào thì Tòa án phải tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định khác nhau của pháp luật thì thông thường những vụ việc dân sự phải tiến hành ủy thác tư pháp là những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
Tại khoản 2 Điều 464 BLTTDS năm 2015, quy định: “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
“Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015. Cụ thể:
a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;
c) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;
e) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.”
Tuy nhiên, việc xác định “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” và việc xác định việc phải ủy thác tư pháp trong một số trường hợp khá phức tạp và không phải “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” nào Tòa án cũng phải tiến hành ủy thác tư pháp và ngược lại, nhiều vụ việc dân sự khi Tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết thì không phải là “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” và không phải tiến hành ủy thác tư pháp nhưng sau đó một hoặc nhiều đương sự ra nước ngoài công tác, học tập, lao động dẫn đến Tòa án phải tiến hành ủy thác tư pháp. Do đó, việc xác định “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” để xác định việc Tòa án có phải tiến hành việc ủy thác tư pháp hay không chỉ mang tính chất tương đối. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà mình đang giải quyết để xác định xem có cần tiến hành hoạt động tố tụng ở nước ngoài hay không, từ đó, xác định việc có phải tiến hành việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài hay không.
Quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, các cơ quan tố tụng còn gặp những vướng mắc từ phương thức tống đạt cho đương sự ở nước ngoài, uỷ thác tư pháp ra nước ngoài.
Điều 474 BLTTDS năm 2015, quy định các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài, như sau:
”1. Tòa án thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án theo một trong các phương thức sau đây:
a) Theo phương thức được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Theo đường ngoại giao đối với đương sự cư trú ở nước mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế;
c) Theo đường dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của đương sự đang cư trú ở nước ngoài với điều kiện pháp luật nước đó đồng ý với phương thức tống đạt này;
d) Theo đường dịch vụ bưu chính đến cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài;
đ) Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam thì việc tống đạt có thể được thực hiện qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này;
e) Theo đường dịch vụ bưu chính cho người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam của đương sự ở nước ngoài.
2. Các phương thức tống đạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện theo pháp luật tương trợ tư pháp.
3. Trường hợp các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 01 tháng thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
Mà theo đó, cho phép Tòa án tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài theo nhiều phương thức khác nhau, bao gồm: phương thức quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phương thức bưu chính; phương thức thông qua người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện của đương sự tại Việt Nam; phương thức thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phương thức ngoại giao.
Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp – Bộ Ngoại giao – Tòa án nhân dân tối cao, quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (viết tắc Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT), Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2016 và thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp - Bộ Ngoại giao - Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp. Mà theo đó, Tòa án có thể thực hiện theo 2 phương thức thông qua Bộ Tư pháp hoặc Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
          Đối với đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài, việc ủy thác tống đạt văn bản sẽ thực hiện qua Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao chưa ban hành hướng dẫn việc thực hiện tống đạt theo kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp theo Công ước Tống đạt cho công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài nếu nước đó không phản đối hoặc pháp luật nước đó cho phép thực hiện (theo khoản 3 Điều 14 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT). Vì vậy, việc Tòa án ủy thác cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt và lấy lời khai đối với đương sự ở nước ngoài chưa thể thực hiện được.
Ngày 21/02/2017, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 33/TANDTC-HTQT, về việc tố đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, mà theo đó: Tòa án thực hiện tống đạt văn bản tố tụng theo kênh chính thức của Công ước tống đạt giấy tờ quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT khi đương sự có nơi cư trú hoặc có trụ sở tại 70 nước thành viên của Công ước này. Trong đó, Tòa án thực hiện tống đạt văn bản tố tụng theo kênh chính thức của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT  khi đương sự có nơi cư trú hoặc có trụ sở tại 18 nước, vùng lãnh thổ sau đây: Liên bang Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Mông Cổ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cu Ba, An-giê-ri, Pháp, Ba Lan, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Séc, Trung Quốc, Xlô-va-ki-a, Lào, Cam-pu-chia và Đài Loan (Trung Quốc).
Điều 14 Luật TTTP năm 2007 quy định sau khi nhận hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự, Bộ Tư pháp phải vào sổ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên, hoặc thông qua kênh ngoại giao. Nhưng hiện nay, số nước mà Việt Nam có ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự chỉ là 18 nước, trong khi đó, một số nước có công dân Việt Nam sinh sống đông thì chưa ký như Mỹ, Úc, Canada, Đài Loan… Vì thế, theo tác giả, Nhà nước ta cần đẩy mạnh việc đàm phán ký kết hiệp định tương trợ với nhiều nước nữa
Tòa án thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng theo phương thức ngoại giao quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT nếu đương sự có nơi cư trú hoặc có trụ sở tại các nước chưa cùng với Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp và Công ước tống đạt giấy tờ.
Căn cứ các quy định vừa nêu, Tòa án phải tống đạt thông qua dịch vụ bưu chính. Trường hợp việc tống đạt thông qua dịch vụ bưu chính không có kết quả, Tòa án thực hiện việc niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 01 tháng và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương (theo khoản 3 Điều 474 BLTTDS năm 2015). Tuy nhiên, quy định này hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, do vậy, khi gặp những trường hợp trên, nhiều Tòa án rất “lúng túng” bởi chắc chắn không bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng thời hạn luật định.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp không thể thực hiện việc ủy thác tư pháp hoặc khi Tòa án ủy thác tư pháp để thu thập chứng cứ,… thường mất rất nhiều thời gian, do đương sự thay đổi địa chỉ hoặc thiếu thiện chí hợp tác. Nhiều trường hợp, tuy có hợp tác nhưng không thể khai báo địa chỉ vì họ đang sống “bất hợp pháp” không có giấy tờ hợp lệ tại nước sở tại... Điều này dẫn tới việc kéo dài thời gian trong quá trình giải quyết vụ án. Vướng mắc này tập trung nhiều ở các vụ án hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, nhiều vụ không thể thụ lý giải quyết do công dân Việt Nam xin ly hôn chỉ cung cấp cho Tòa án bản đăng ký kết hôn có địa chỉ của bên kia, ngoài ra không có một thông tin nào khác. Trước đây, những trường hợp này sau hai lần Tòa án ủy thác tư pháp qua Bộ Tư pháp, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và Tòa án nước ngoài điều tra tống đạt nhưng hết thời hạn sáu tháng không có kết quả trả lời Tòa án phải tạm đình chỉ vì không tìm được hoặc không có lời khai của bị đơn. Điều này dẫn đến thực tế nhiều cuộc hôn nhân chỉ mang tính hình thức vẫn bị kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của nguyên đơn. Hay trường hợp hai bên thuận tình ly hôn, nhưng một bên sống bất hợp pháp ở nước ngoài không thể cung cấp địa chỉ, từ đó, không thể thực hiện uỷ thác tư pháp. Hoặc bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đang định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, cũng có thể công dân nước ngoài. Hoặc cũng không ít các vụ án kinh doanh thương mại, mà công ty chính ở nước ngoài. Hay các vụ án lao động xảy ra nhiều nhất, đó là, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã trở về nước mà không thanh toán các khoản tiền cho người lao động.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Nhưng thời gian để xác định “lâu dài” được hiểu như thế nào cho đúng với tinh thần của quy định vừa nêu, trong khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, với trường hợp người Việt Nam đi công tác, học tập hoặc du lịch nhưng khi hết thời hạn họ không về nước, mà tiếp tục ở lại nước sở tại cho đến thời điểm hiện nay, thì có được xem là người Việt Nam định cư nước ngoài hay không? Vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của toà án. 
Đó là chưa kể đến những trường hợp, việc ủy thác tư pháp để ghi lời khai của người đang ở những nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp thì hầu như không có kết quả. Từ những vướng mắc đó, nhiều trường hợp Tòa án buộc phải đình chỉ, tạm đình chỉ, gây bức xúc cho đương sự, bởi ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp chính đáng của các bên.

Trước đây, theo quy định tại tiệu mục 2.1, mục 2, Phần II  Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cáo, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình. Mà theo đó: Đối với trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã đi ra nước ngoài, khi giải quyết loại việc này, cần phân biệt như sau:

“a. Đối với những trường hợp uỷ thác tư pháp không có kết quả vì lý do bị đơn sống lưu vong, không có cơ quan nào quản lý, không có địa chỉ rõ ràng nên không thể liên hệ với họ được, thì Toà án yêu cầu thân nhân của bị đơn đó gửi cho họ lời khai của nguyên đơn và báo cho họ gửi về Toà án những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Sau khi có kết quả, Toà án có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để xét xử theo thủ tục chung.
b. Trường hợp bên đương sự là bị đơn đang ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức hoặc giấu địa chỉ nên nguyên đơn ở trong nước không thể biết địa chỉ, tin tức của họ, thì giải quyết như sau:
Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết.
Nếu thông qua thân nhân của họ mà biết rằng họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử Toà án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.”
Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 đã có hiệu lực đã gần hai năm, nhưng vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn nhiều nội dung cụ thể, trong đó có trường hợp vừa nêu. Cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chờ đợi hướng dẫn từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tố tụng được “vận dụng” nội dung quy định tại tiểu mục 2.1, mục 2, Phần II Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989), hai văn bản quy phạm pháp luật này đã hết hiệu lực thi hành, chiếu theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016), thì: Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”. Do đó, việc áp dụng tinh thần hướng dẫn trên của Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP là “không ổn”. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 172 Luật này, quy định: “Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác.”. Theo quy định này, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì không được tiếp tục có hiệu lực áp dụng, mặc dù, chưa có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác.
Một bất cập khác, đó là, theo quy định tại  khoản 2 Điều 10Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT, trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, nếu phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự thì TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định và gửi về TAND cấp tỉnh để thực hiện việc ủy thác tư pháp theo quy định chung. Thực hiện việc gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự từ Việt Nam ra nước ngoài theo trình tự sau:
(i). TAND tỉnh → Bộ Tư pháp → Bộ Ngoại giao → Bộ Ngoại giao của nước ngoài (cơ quan được ủy quyền của Nhà nước) → Cơ quan tư pháp của nước ngoài → Công dân nước ngoài.
(ii). TAND tỉnh → Bộ Tư pháp → Bộ Ngoại giao → Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài → Công dân Việt Nam
Theo quy trình ủy thác tư pháp hiện hành còn qua nhiều khâu, nhiều cơ quan như: Nếu trong quá trình giải quyết Tòa án cấp huyện thấy cần thiết ủy thác tư pháp thì phải làm hồ sơ chuyển lên cấp tỉnh để thực hiện ủy thác tư pháp theo thủ tục chung. Đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài vẫn phải ủy thác tư pháp qua Bộ tư pháp, Bộ ngoại giao mới đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian trung chuyển. Mặt khác, thời gian thực hiện ủy thác tư pháp chưa phù hợp với thời gian yêu cầu tống đạt một số loại tài liệu, giấy tờ của Tòa án như Thông báo thụ lý vụ án phải trả lời trong thời hạn 30 ngày, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, giấy triệu tập phiên tòa 30 ngày...trong khi thời gian để ủy thác tư pháp tống đạt các loại giấy tờ trên có thể lên đến vài tháng, đặc biệt có vụ án đã chờ kết quả thực hiện ủy thác tư pháp lên đến hàng năm.
Từ thực tế đó, tác giả đề xuất, quy trình thực hiện ủy thác tư pháp: Nên rút ngắn quy trình thực hiện ủy thác tư pháp qua các cơ quan khác nhau như TAND cấp huyện trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nếu thấy cần thiết thực hiện việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì có thể trực tiếp lập hồ sơ theo quy định chung (không cần thông qua TAND cấp tỉnh). Đối với việc ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài không nhất thiết ủy thác tư pháp qua Bộ tư pháp, Bộ ngoại giao mà ủy thác tư pháp trực tiếp qua cơ quan đại diện Việt Nam (hoặc tổ chức có thẩm quyền) ở nước thực hiện việc ủy thác tư pháp.
 
Ths.LS Lê Văn Sua
 
[1] DANH SÁCH CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN CÔNG ƯỚC TỐNG ĐẠT GIẤY TỜ
TÊN NƯỚC TÊN NƯỚC
1. An-ba-ni (Albania) 37. Lúc-xăm-bua (Luxembourg)
2. An-ti-goa và Bác-bu-đa (Antigua and Barbuda) 38. Lít-va (Lithuania)
3. Ác-mê-ni-a (Armenia) 39. Liên bang Nga (Russian Federation)
4. Ai-xơ-len (Iceland) 40. Ma-la-uy (Malawi)
5. Ai-len (Ireland) 41. Ma-rốc (Morocco)
6. Ác-hen-ti-na (Argentina) 42. Môn-đô-va (Moldova)
7. Ả Rập Ai Cập (Egypt) 43. Ma-xê-đô-ni-a (Macedonia)
8. Ấn Độ (India) 44. Man-ta (Malta)
9. Bun-ga-ri (Bulgaria) 45. Mê-hi-cô (Mexico)
10. Ba Lan (Poland) 46. Mô-na-cô (Monaco)
11. Bồ Đào Nha (Portugal) 47. Môn-tê-nê-grô (Montenegro)
12. Ba-ha-mát (Bahamas) 48. Na Uy (Norway)
13. Bác-ba-đốt (Barbados) 49. Nhật Bản (Japan)
14. Bê-la-rút (Belarus) 50. Ốt-xtrây-li-a (Australia)
15. Bỉ (Belgium) 51. Pa-ki-xtan (Pakistan)
16. Bê-li-xê (Belize) 52. Pháp (France)
17. Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na (Bosnia and Herzegovina) 53. Ru-ma-ni (Romania)
18. Bốt-xoa-na (Botswana) 54. Síp (Cyprus)
19. Ca-na-đa (Canada) 55. Séc (Czech Republic)
20. Cô-lôm-bi-a (Colombia) 56. Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey)
21. Cốt-xta-ri-ca (Costa Rica) 57. Tây Ban Nha (Spain)
22. Ca-dắc-xtan (Kazakhstan) 58. Thụy Điển (Sweden)
23. Cô-oét (Kuwait) 59. Trung Quốc (China)
24. Cờ-roát-ti-a (Croatia) 60. Thụy sỹ (Switzerland)
25. Đức (Germany) 61. U-crai-na (Ukraine)
26. Đan Mạch (Denmark) 62. Vương quốc Anh (United Kingdom)
27. Ex-tô-ni-a (Estonia) 63. Việt Nam
28. Hà Lan (Netherlands) 64. Vê-nê-du-ê-la (Venezuela)
29. Hàn Quốc (Korea) 65. Xây-sen (Seychelles)
30. Phần Lan (Finland) 66. Xlô-ve-ni-a (Slovenia)
31. Hy Lạp (Greece) 67. Xlô-va-ki-a (Slovakia)
32. Hung-ga-ri (Hungary) 68. Xéc-bi-a (Serbia)
33. Hoa Kỳ (United States of America) 69 Xanh-vin-xen và Grê-na-din (Saint Vincent and the Grenadines)
34. I-xra-en (Israel) 70. Xan-ma-ri-nô (San Marino)
35. I-ta-li-a (Italy) 71. Xri-lan-ca (Sri Lanka)
36. Lát-vi-a (Latvia)    
(Danh sách này được dịch từ tài liệu chính thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế (https://www.hcch.net/en/instruments).
 

Xem thêm »