Quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo

01/08/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa qua đã ban hành Thông tư số 18/2016/TT-BTNMT ngày 25 tháng 7 năm 2016 quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo.

Yêu cầu lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo
Việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo phải thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Thông tư này; bảo đảm thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng. Hồ sơ tài nguyên hải đảo phải phản ánh trung thực, khách quan và khoa học các thông tin về hiện trạng và sự biến động tài nguyên, môi trường của hải đảo. Hồ sơ tài nguyên hải đảo phải được cập nhật định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Thành phần, thể thức hồ sơ tài nguyên hải đảo
Thành phần của hồ sơ tài nguyên hải đảo theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thể thức hồ sơ tài nguyên hải đảo: Hồ sơ tài nguyên hải đảo được lập dưới dạng giấy và dạng số; Phiếu trích yếu thông tin hải đảo; Kết quả Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường hải đảo; Sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo được lập theo các mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; Hồ sơ được đóng bìa cứng. Tờ bìa, tờ lót bìa ghi thông tin theo Mẫu số 01/Bìa HSHĐ (đối với hồ sơ lập lần đầu) và Mẫu số 02/Bìa HSHĐCN (đối với hồ sơ cập nhật) tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; Hồ sơ được đánh số tờ liên tục vào góc bên phải phía dưới các trang từ tờ 1 (một) sau tờ lót bìa đến tờ cuối. Thứ tự trình bày gồm Mục lục, chỉ dẫn các chữ viết tắt và nội dung của hồ sơ tài nguyên hải đảo; Hồ sơ phải có chữ ký của thủ trưởng và đóng dấu của đơn vị lập hồ sơ ở tờ lót bìa của hồ sơ.
Phiếu trích yếu thông tin hải đảo
Phiếu trích yếu thông tin hải đảo thể hiện các thông tin cơ bản về hải đảo được lập theo Mẫu số 03/PTY tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung của Phiếu trích yếu thông tin hải đảo: Tên hải đảo: ghi theo địa danh do cấp có thẩm quyền ban hành. Nếu hải đảo có tên địa phương thì ghi thêm Mục tên gọi khác; Số hiệu hải đảo: ghi theo số hiệu được cấp có thẩm quyền ban hành (nếu có); Loại hải đảo: ghi theo Quyết định phân loại hải đảo của cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp hải đảo chưa được phân loại thì ghi “Chưa phân loại”; Vị trí của hải đảo: ghi thông tin về đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh; Khoảng cách từ hải đảo đến trung tâm hành chính của cấp xã, huyện, tỉnh và Khoảng cách tới cảng biển gần nhất trong đất liền; Tọa độ của hải đảo: ghi thông tin về tọa độ địa lý tại Điểm cao nhất của hải đảo. Đối với các hải đảo có diện tích từ một ki lô mét vuông (01km2) trở lên thì ghi thêm thông tin về tọa độ các Điểm cực địa lý. Tọa độ của hải đảo được ghi đến chẵn một (01) giây; Diện tích của hải đảo: ghi thông tin về diện tích của đảo tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (đối với đảo); diện tích phần bãi tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm hoặc diện tích bãi theo ranh giới tự nhiên (đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi); diện tích của bãi ngầm theo ranh giới tự nhiên; Thông tin về Điểm cao nhất trên hải đảo; độ cao trung bình của hải đảo so với mực nước biển; Quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo: ghi các thông tin về loại tài nguyên, thời gian, vị trí, đối tượng, Mục đích, quy mô, hình thức khai thác và sử dụng.
Sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo
Sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo để ghi các thông tin về sự biến động của một hoặc nhiều yếu tố tài nguyên, môi trường trên hải đảo do cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ tài nguyên hải đảo ghi nhận được trong quá trình quản lý, theo dõi, kiểm tra giám sát tài nguyên, môi trường hải đảo. Sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo được lập theo Mẫu số 05/BĐTN tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Nội dung của thông tin biến động tài nguyên, môi trường hải đảo gồm loại tài nguyên bị biến động, yếu tố môi trường bị biến động, nội dung biến động, khu vực bị biến động, thời gian biến động, nguyên nhân gây ra sự biến động, tác động của sự biến động lên hải đảo và các thông tin khác có liên quan.
Quy trình lập hồ sơ tài nguyên hải đảo như sau: Lập và phê duyệt nhiệm vụ lập hồ sơ tài nguyên hải đảo; Tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập hồ sơ tài nguyên hải đảo; Nghiệm thu nhiệm vụ lập hồ sơ tài nguyên hải đảo; Thẩm định, phê duyệt hồ sơ tài nguyên hải đảo.
Lập, phê duyệt, thực hiện và nghiệm thu nhiệm vụ lập hồ sơ tài nguyên hải đảo
Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) lập hồ sơ tài nguyên hải đảo, có trách nhiệm lập nhiệm vụ lập hồ sơ tài nguyên hải đảo, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Nội dung nhiệm vụ lập hồ sơ tài nguyên hải đảo gồm: Tên nhiệm vụ; Cơ sở pháp lý đề xuất nhiệm vụ; Sự cần thiết phải thực hiện nhiệm vụ; Mục tiêu của nhiệm vụ; Phạm vi thực hiện (trong đó nêu rõ số lượng và tên của hải đảo cần lập hồ sơ); Tổng quan hiện trạng các thông tin, dữ liệu đang có tại các bộ, ngành, địa phương về tài nguyên, môi trường của các hải đảo; Các hoạt động của nhiệm vụ; Sản phẩm của nhiệm vụ; Khái toán kinh phí và nguồn vốn; Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ: thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành; Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2016.

Xem thêm »