Quy định của pháp luật về bản án, quyết định được thi hành và kinh nghiệm quốc tế có liên quan

28/09/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã khẳng định: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”[1].

Như vậy, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp đã xác định rõ về mặt chủ trương và nguyên tắc, đó là mọi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để các văn bản luật về nội dung, tố tụng cụ thể hóa, bảo đảm tôn trọng, thực thi đầy đủ, hiệu quả Hiến pháp, bảo vệ quyền con người và những quyền cơ bản của công dân thông qua việc quy định, liệt kê đầy đủ và thi hành có hiệu quả trên thực tế tất cả các loại bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại. Nội dung quy định của Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, (sau đây gọi tắt là Luật THADS) có thể được phân tích, bình luận với các nội dung sau đây:
I. Quy định của các văn bản pháp luật về bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự
Quy định các loại bản án, quyết định được thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo bản án, quyết định. Khi bản án, quyết định được thi hành đồng nghĩa với nó là sẽ làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên có liên quan theo quy định của bản án, quyết định. Bản án, quyết định trong quá trình tổ chức thi hành có thể bịkhiếu nại, tố cáo hoặc có thể bị hoãn, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc xác định đúng yêu cầu, bản chất, loại bản án, quyết định được thi hành trước khi đưa bản án, quyết định ra tổ chức thi hành có ý nghĩa, vai trò quan trọng, bảo đảm độ chắc chắn của quá trình tổ chức thi hành án và hạn chế những sai sótnghiêm trọng phát sinh (nếu có), đặc biệt là những vi phạm từ những nguyên nhân khách quan dẫn đến trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, của nhân dân và của Nhà nước.
Ngoài quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp, bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự hiện nay đang được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và với những tên gọi khác nhau mà chủ yếu là Luật THADS, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Trọng tài thương mại, Luật Phá sản và Luật Cạnh tranh.Do đó, việc liệt kê, xác định đầy đủ tất cả các lĩnh vực pháp luật có liên quan, theo đó bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan tài phán được ban hành là hết sức quan trọng và cần thiết đối với công việc thi hành án dân sự. Khi nhận bản án, quyết định do cơ quan có thẩm quyền chuyển giao hoặc do đương sự nộp khi yêu cầu thi hành án, Chấp hành viên không chỉ đọc nội dung phần quyết định của bản án, quyết định để tổ chức thi hành mà cần tìm hiểu để nắm vững các vấn đề pháp luật nội dung có liên quan (bao gồm các lĩnh vực pháp luật và các điều khoản cụ thể có liên quan được quy định trong các văn bản pháp luật đó), đặc biệt là các lĩnh vực pháp luật mới, có tính chất đặc thù, ví dụ lĩnh vực pháp luật về cạnh tranh, phá sản, tín dụng, ngân hàng, đất đai, quy định của pháp luật về tài sản hình thành trong tương lai, v.v. Dưới đây là các lĩnh vực pháp luật mà bản án, quyết định đượcban hành, được tổ chức thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
1. Luật Thi hành án dân sự
Luật THADS trên cơ sở kế thừa có sửa đổi, bổ sung từ các Pháp lệnh thi hành án dân sự và Luật Thi hành án dân sự 2008, đã quy định về bản án, quyết định được thi hành tại Điều 2 như sau:
“Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này, bao gồm:
1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1[2] của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
 đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;
e) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
g) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
2. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Bản án, quyết định được thi hành được quy định tại Điều 482 Chương XXXIX về thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đó là:
“1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án được thi hành là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 360 của Bộ luật này;
d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;
b) Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
3. Luật tố tụng hành chính năm 2015
Theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự được quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 311 như sau: “Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.
4. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự như sau: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, … Tòa án cấp sơ thẩm gửi bản án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án sơ thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự theo quy định của Luật THADS” (khoản 1 Điều 262) và khoản 2 Điều 262 Bộ luật này cũng quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho … cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự… Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày”.
5. Luật Phá sản năm 2014
Luật Phá sản năm 2014 quy định một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự là “Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản và các quyết định khác theo quy định của Luật này” (khoản 1 Điều 17). Ngoài ra, Điều 119 Luật Phá sản 2014 về thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản quy định: “Thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Và khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản 2014 về thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản cũng đã quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản”.
6. Luật Trọng tài thương mại năm 2010
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng có nhiều quy định về thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài, cụ thể bao gồm:
Khoản 5 Điều 50 quy định: “Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Ngoài việc khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 65 Luật Trọng tài thương mại thì quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài được quy định tại Điều 66 Luật này như sau: “1. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. 2. Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật này”. Và Điều 67 quy định: “Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.
Hơn nữa, Điều 26 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại đã  xác định “Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án”.
7. Luật Cạnh tranh năm 2004
Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định về việc thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo thủ tục thi hành án dân sự tại khoản 2 Điều 121 như sau: “Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành tổ chức thực hiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”.
II. Một số bất cập trong các quy định của pháp luật về bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự
Như đã được nêu ở phần I, Nghị quyết số 49-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu mọi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Hiện nay, các bản án, quyết định của Tòa án chủ yếu liên quan đến ba lĩnh vực chính đó là hình sự, dân sự và hành chính. Tương ứng với nó có ba lĩnh vực thi hành án là thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và thi hành án hành chính. Như đã trình bày ở phần trên, việc thi hành bản án, quyết định về dân sự theo quy định được thực hiện theo thủ tục thi hành án dân sự tại Luật THADS. Việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính quy định trong Luật tố tụng hành chính 2015, cũng như việc thi hành bản án, quyết định hình sự sơ thẩm hoặc phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đều được dẫn chiếu đến Luật THADS và được thi hành theo trình tự, thủ tục thi hành án dân sự theo quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, việc thi hành các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến tài sản, thi hành các phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại cũng được dẫn chiếu thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.Tuy nhiên, quy định của pháp luật về phạm vi bản án, quyết định được thi hành trong Luật THADS và trong các văn bản Luật khác, đặc biệt là những văn bản Luật mới được ban hành đã xuất hiện sự thiếu thống nhất, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
1. Phạm vi bản án, quyết định được thi hành
Phạm vi bản án, quyết định được thi hành theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 rộng hơn so với quy định của Luật THADS. Cụ thể, Luật THADS quy định về những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị[3], bao gồm: “a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Trong khi đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015[4], ngoài những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị như đã được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS nên trên, còn bổ sung thêm một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị gồm: khoản về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công.
Như vậy, giữa quy định mới của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và quy định của Luật THADS về phạm vi bản án, quyết định được thi hành đã có sự thiếu thống nhất[5]. Sự thiếu thống nhất này phần nào đã gây khó khăn, trở ngại cho Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc tiếp nhận và tổ chức thi hành những bản án, quyết định mà chưa được liệt kê trong Luật THADS.
2. Thi hành quyết định giám đốc thẩm
Mục 3 Chương V Luật THADS có 03 Điều quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, đó là Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Điều 134); Thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa (Điều 135) và Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Điều 136).
Trong khi đó, Điều 343 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ngoài thẩm quyền ban hành những bản án, quyết định (khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 343) tương ứng được thi hành theo quy định tại các Điều 134, 135 và Điều 136 Luật THADS, như đã phân tích ở trên, còn được bổ sung thêm thẩm quyền hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm (khoản 3) và thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khoản 5). Như vậy, so với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về loại bản án, quyết định giám đốc thẩm được thi hành thì Luật THADS chưa quy định về việc thi hành quyết định giám đốc thẩm trong trường hợp tuyên hủy một phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm và tuyên sửa một phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Sự thiếu thống nhất này cũng phần nào gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án mà chưa được quy định trong Luật THADS. Lý do nữa cho thấy sự boăn khoăn của cơ quan thi hành án dân sự khi tiếp nhận và tổ chức thi hành những loại bản án, quyết định này là có cơ sở, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật THADS thì Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật THADS. Điều này cũng có thể được hiểu là Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định đã được quy định tại Điều 2 của Luật THADS. Câu hỏi đặt ra là những bản án, quyết định khác của Tòa án không được quy định tại Điều 2 Luật THADS có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật THADS không và Chấp hành viên có nhiệm vụ tổ chức thi hành đối với các loại bản án, quyết định này không? Mặc dù, khoản 2 và khoản 3 Điều 485 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định về thời hạn chuyển giao bản án, quyết định như sau: “Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 482 của Bộ luật tố tụng dân sự phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định” và “Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định”. Với tinh thần tôn trọng và bảo đảm thực thi mọi bản án, quyết định của Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên theo quy định của Hiến pháp và trên nguyên tắc của pháp luật, với chức năng được giao theo nguyên tắc chung của pháp luật, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự sau khi nhận các bản án, quyết định loại này đều tổ chức thi hành các loại bản án, quyết định này bình thường theo đúng trình tự, thủ tục Luật định. Tuy nhiên, để bảo đảm sự chặt chẽ, thống nhất của pháp luật và bảo đảm yên tâm cho Chấp hành viên khi thi hành nhiệm vụ thì những bất cập nêu trên cần sớm được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. 
3. Quy định về việc thi hành án đối với tài sản hình thành trong tương lai
Hiện nay, pháp luật thi hành án dân sự đang thiếu các quy định cụ thể, cần thiếtquy định về việc thi hành án đối với tài sản hình thành trong tương lai, mặc dù khái niệm “tài sản hình thành trong tương lai” và các chế định pháp lý có liên quan đã được quy định trước đây tại Bộ luật dân sự năm 2005 và hiện nay đã được quy định rộng rãi tại nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành. Các quy định pháp luật điều chỉnh về tài sản hình thành trong tương lai như Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm đã quy định tài sản hình thành trong tương lai gồm tài sản được hình thành từ vốn vay; tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm; tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật. Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất (khoản 2 Điều 1). Các văn bản pháp luật mới được ban hành quy định về tài sản hình thành trong tương lai, điển hình như Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015 quy định về thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 147); về điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 148) và xử lý tài sản nhà ở, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thế chấp (Điều 149). Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015 quy định về quyền kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai (Điều 54); về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh (Điều 55) và bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 56). Thông tư số 26/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thế chấp và giải chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai, v.v.
Trước đây, Bộ luật dân sự 2005 chỉ có 04 điều liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai như phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (khoản 2 Điều 319), vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (khoản 2 Điều 320), thế chấp tài sản (khoản 1 Điều 342), quyền của bên nhận thế chấp tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (khoản 6 Điều 351). Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 đã bổ sung thêm nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến tài sản hình thành trong tương lai, cụ thể tại các Điều 105, 108, 293, 294, 295 và Điều 336). Theo đó, Bộ luật dân sự 2015 ngoài kế thừa khái niệm “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” như quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự 2005 còn bổ sung thêm một điểm mới, đó là “Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”[6]. Tiếp theo, Điều 108 Bộ luật dân sự 2015 bổ sung quy định mới về khái niệm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Cụ thể, tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Và các quy định mới khác có liên quan đến các chế định pháp lý về tài sản hình thành trong tương lai được quy định tại Bộ luật này như quy định về phạm vi nghĩa vụ được bảo lãnh (Điều 293); bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai (Điều 294); tài sản bảo đảm (Điều 295) và phạm vi bảo lãnh (Điều 336).
Việc xuất hiện nhiều văn bản pháp luật mới quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch dân sự, thương mại, kinh tế đặc biệt là các giao dịch liên quan đến bất động sản, tín dụng, ngân hàng đã thúc đẩy các giao dịch có liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai phát triển, đồng thời cũng phát sinh những tranh chấp và kết quả tranh chấp được thể hiện bằng những bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định giải quyết của Trọng tài thương mại có liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục và các nội dung cụ thể có tính đặc thù để tổ chức thi hành các loại án này lại chưa được luật hóa trong Luật THADS, cùng với việc thiếu sự xác minh trên thực tiễn về sự tồn tại của tài sản hình thành trong tương lai trước khi ban hành các bản án, quyết định của Tòa án đã gây ra không ít khó khăn cho các cơ quan thi hành án dân sự khi phải xử lý các vấn đề có liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai trong thời gian qua, sau đây là một vài ví dụ minh họa[7]:
Ví dụ 1: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 51/2014/KDTM-ST ngày 15/9/2014 có nội dung “Công ty Cổ phần PG phải trả Ngân hàng thương mại cổ phần B số tiền 160.302.133.153 đồng và tiền lãi chậm thi hành án theo hợp đồng đặt mua trái phiếu số 031-11/HĐ ĐMTP-PGDBT ngày 23/4/2011 và hợp đồng đặt mua trái phiếu số 076-11/HĐ ĐMTP-PGDBT ngày 18/11/2011 được ký giữa Ngân hàng thương mại cổ phần B và Công ty Cổ phần PG bao gồm nợ gốc là 100.000.000.000 đồng, tiền lãi đến ngày 03/9/2014 là 60.302.133.153 đồng. Thời hạn thanh toán số tiền trên chậm nhất là ngày 15/9/2014.
Đến thời hạn nói trên, nếu Công ty Cổ phần PG không trả được nợ thì Ngân hàng thương mại cổ phần B có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi 70% giá trị dự án căn hộ và văn phòng cao tầng là tài sản hình thành trong tương lai tại địa chỉ số 11D TS”.
Tuy nhiên, khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh theo quy định thì được biết dự án căn hộ và văn phòng cao tầng tại địa chỉ số 11 D TS chưa được triển khai thực hiện nên cơ quan thi hành án dân sự đã không thể tổ chức thi hành án theo đúng nội dung Quyết định của Tòa án.
Ví dụ 2: Năm 2010, Ngân hàng thương mại cổ phần E cho Công ty cổ phần CV vay 50 tỷ đồng tài sản thế chấp quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất hình thành từ vốn vay của Ngân hàng thương mại cổ phần E thuộc dự án nhà nghỉ, biệt thự và sân golf. Đến ngày 13/5/2014, Tòa án ra quyết định công nhận sự thảo thuận của các đương sự về việc trả nợ nhưng do Công ty cổ phần CV chưa tiến hành xây dựng bất kỳ một tài sản nào nên cơ quan thi hành án dân sự chưa tổ chức thi hành được vụ việc theo nội dung bản án của Tòa án.
4. Về hình thức và giá trị pháp lý của các bản án, quyết định
Điều 27 về cấp bản án, quyết định của Luật THADS quy định: Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định được quy định tại Điều 2 của Luật này phải cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “Để thi hành".
Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã  giải thích tại Mục 2, Phần IV quy định: “Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký các bản án chính và Tòa án thực hiện việc giao bản án theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 31 Luật THADS quy định về tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án như sau: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan”.
Hoặc Điều 262 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về giao, gửi bản án, quy định:
“1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Trại tạm giam, Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo làm việc, học tập; cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án về những phần có liên quan cho đương sự hoặc người đại diện của họ.
Trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này thì trong thời hạn nêu trên, bản án phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập cuối cùng của bị cáo.
Tòa án cấp sơ thẩm gửi bản án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án sơ thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp; cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm; Trại tạm giam, Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo; người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện của họ; cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập của bị cáo. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày”.
Theo như các văn bản pháp luật nêu trên thì một số khái niệm có liên quan đến hình thức, giá trị pháp lý của bản án, quyết định như “bản án gốc”, “bản án chính”, “bản sao bản án”, “trích lục bản án”, “bản án, quyết định có ghi chữ “Để thi hành””[8]. Vấn đề đặt ra là giữa những thuật ngữ nêu trên dùng để miêu tả bản án, quyết định của Tòa án có cùng một nội hàm hay không, giá trị pháp lý của chúng giống và khác nhau như thế nào? Đây là những vấn đề còn chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn, lúng túng cho không những các bên đương sự có liên quan khi yêu cầu thi hành án mà còn có thể cho chính cả các cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự. Nên chăng, các thuật ngữ pháp lý và các điều khoản ở các văn bản pháp luật khác nên dẫn chiếu đến quy định của pháp luật thi hành án dân sự để thuận lợi cho cả người dân và cho cơ quan thi hành án dân sự khi tiếp nhận và tổ chức thi hành án dân sự trên thực tế.
III. Một vài kinh nghiệm pháp luật quốc tế quy định về bản án, quyết định được thi hành
Kiến nghị số 17 ngày 09/09/2003 của Ủy ban Bộ trưởng các quốc gia thành viên Châu Âu về thi hành án dân sự, được thông qua bởi Ủy ban các Bộ trưởng ngày 09/09/2003 tại phiên họp thứ 851 về thủ tục thi hành án dân sự đã yêu cầu cần phải định nghĩa một cách cẩn thận, đầy đủ, chi tiết và rõ ràng về các bản án, quyết định được thi hành và quy định liệt kê một danh sách các bản án, quyết định được thi hành, cũng như cách thức để những bản án, quyết định này có hiệu lực thi hành. 
Trong lĩnh vực hợp tác tư pháp về các vấn đề dân sự (Điều 81 của Hiệp ước về Chức năng của Liên minh châu Âu), đã có rất nhiều quy định của châu Âu quy định về cách thức để một bản án, quyết định được ban hành có thể được thi hành ở các quốc gia thành viên. Những quy định này không chỉ áp dụng đối với những quyết định của Tòa án mà còn điều chỉnh các vấn đề về công nhận và cho thi hành những “giao dịch tư pháp” và những “tài liệu gốc”. Ví dụ, Quy định số 44/2001 của Hội đồng châu Âuáp dụng đối với tất cả các quyết định được ban hành bởi Tòa án ở một quốc gia thành viên, các giao dịch tư pháp được ban hành bởi một cơ quan có thẩm quyền xét xử, và các tài liệu gốc. Tài liệu gốc theo định nghĩa tại khoản 3 Điều 4 Quy định số 85/2004 của Nghị viện châu Âu, đó là i) một tài liệu được ban hành hoặc được đăng ký như là một tài liệu gốc và tài liệu gốc này bao gồm có chữ ký và nội dung của tài liệu liên quan, được lập nên bởi cơ quan công quyền hoặc cơ quan khác được trao quyền bởi quốc gia thành viên mà nơi đó tài liệu được ban hành hoặc ii) một thỏa thuận liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng đã được quyết định bởi cơ quan hành chính hoặc được chứng thực bởi cơ quan này.
Điều 25 Quy định số 85/2004 của Nghị viện châu Âu quy định các tài liệu gốc liên quan đến yêu cầu thanh toán về một khoản tiền cụ thể được thi hành ở quốc gia mà tài liệu gốc được phát hành sẽ được công nhận như là lệnh thi hành án của châu Âu, có thể được thi hành ở quốc gia thành viên khác mà không cần có thêm một thủ tục tuyên bố về thi hành án, và không có bất kỳ một khả năng nào có thể làm trở ngại hoặc thách thức đối với việc thi hành các tài liệu gốc đó. Đây là thủ tục rất nhanh và hiệu quả. Những tài liệu gốc khác liên quan đến các vấn đề thương mại và dân sự được thi hành ở một quốc gia thành viên có thể tuyên bố có hiệu lực thi hành ở quốc gia thành viên khác dựa trên các yêu cầu phù hợp với thủ tục được quy định tại Điều 38, 57 của Quy định Brussel I.
Ngoài ra, Các Hướng dẫn để thực hiện tốt hơn các Kiến nghị hiện hành của Hội đồng Châu Âu về Thi hành án dân sự đã được thông qua bởi Ủy ban Châu Âu về tính hiệu quả của hoạt động tư pháp tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 cũng đã quy định rằng pháp luật của mỗi quốc gia nên định nghĩa rõ ràng về những cái gì được gọi là bản án, quyết định được thi hành và điều kiện để thi hành nó. Bản án, quyết định thi hành nên được dự thảo rõ ràng và dễ hiểu, loại bỏ tất cả những gì có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất thậm chí là hiểu sai.
Điều 33 Đạo luật thống nhất Ohada ngày 10/04/1998, quy định các loại bản án, quyết định, tài liệu được thi hành bao gồm 05 loại chính đó là 1) Các quyết định của Tòa án liên quan đến các điều khoản thi hành thông thường và các quyết định được thi hành ngay lập tức; 2) Phán quyết, quyết định của Tòa án nước ngoài cũng như quyết định của Trọng tài nước ngoài tuyên bố được thi hành bởi một quyết định của Tòa án; 3) Thỏa thuận hòa giải được ký kết bởi thẩm phán và các bên đương sự; 4) Tài liệu được chứng thực liên quan đến các điều khoản thi hành thông thường và 5) Những quyết định mà theo đó luật quốc gia của mỗi quốc gia ký kết công nhận như là một quyết định của Tòa án. 
Để bảo đảm việc thi hành có hiệu quả các thỏa thuận giải quyết tranh chấp ở các quốc gia thành viên châu Âu, các Hướng dẫn để thực hiện tốt hơn các Kiến nghị hiện hành của Hội đồng Châu Âu về Thi hành án dân sự này cũng đã khuyến nghị các quốc gia thành viên rằng “Nên ưu tiên giải quyết tranh chấp giữa các bên đương sự thông qua sự thỏa thuận để việc thi hành án được thực hiện thuận lợi trong một khoảng thời gian hợp lý theo quy định. Khi mà thỏa thuận giữa các bên đã đạt được về một khoảng thời gian thi hành án hợp lý thì sau đó bất kỳ một thủ tục tố tụng nào của các quốc gia thành viên cũng không nên cản trở hiệu lực thi hành của những thỏa thuận đã đạt được này”.
Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, khi mà cơ chế tố tụng, thi hành án chưa thực sự hiệu quả và đạt mức độ tin tưởng cần thiết thì việc thương lượng, hòa giải ngoài Tòa án giữa các bên cũng là một lựa chọn hợp lý giữa các bên tranh chấp nhằm giảm thiểu các chi phí tố tụng và thời gian tố tụng không cần thiết[9].
Qua những văn bản pháp luật quốc tế quy định về bản án, quyết định được thi hành có thể rút ra một số kết luận có giá trị như i) Pháp luật mỗi quốc gia nên định nghĩa đầy đủ, rõ ràng, thống nhất, dễ hiểu khái niệm bản án, quyết định và các tài liệu khác được thi hành, đồng thời liệt kê một danh sách đầy đủ các bản án, quyết định, tài liệu được thi hành; ii) Phạm vi bản án, quyết định và tài liệu được thi hành được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm không những tất cả các bản án, quyết định của Tòa án, mà còn các “giao dịch tư pháp” và các “tài liệu gốc”; iii) Pháp luật trong nước phải quy định cụ thể, rõ ràng về cách thức để bản án, quyết định của Tòa án và các văn bản, tài liệu khác được thi hành; iv) Bản án, quyết định, tài liệu được ban hành, có giá trị thi hành ở một quốc gia thì được thi hành ở quốc gia thành viên khác mà không cần có thêm bất kỳ một thủ tục nào nhằm ngăn cản hoặc gây khó khăn cho việc thi hành những bản án, quyết định hoặc tài liệu này./.


Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục THADS.
 
[1]Điều 106.
[2]Bao gồm bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.
[3]Khoản 2 Điều 2 Luật THADS
[4]Khoản 2 Điều 482
[5]Xem thêm Chuyên đề, “Khái quát chung về pháp luật thi hành án dân sự tại Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự”, Tài liệu Hội thảo: Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực thi hành án dân sự giữa Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, được tổ chức tại Hà Nội, ngày 07.7.2017, tr.12.
[6]Khoản 2 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015
[7]Tổng cục Thi hành án dân sự, “Vấn đề thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Vấn đề xử lý tài sản hình thành trong tương lai, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”, Tài liệu Hội thảo: Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực thi hành án dân sự giữa Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, được tổ chức tại Hà Nội, ngày 07.7.2017, tr.66-67.
[8]Xem thêm bài: “Căn cứ ra quyết định thi hành án và những bất cập”, Phạm Quang Dũng, website: https://phamlaw.com/can-cu-ra-quyet-dinh-thi-hanh-an-va-nhung-bat-cap.html, trc. 08/09/2017.
[9]Xem các Hướng dẫn về giải quyết tranh chấp thay thế của Nhóm Ngân hàng thế giới, 2011, tr.27-28, (Alternative Dispute Resolution Guidelines), và Giải quyết ngoài Tòa án của Ngân hàng thế giới, tr.1-4 (Settling Out of Court).

Xem thêm »