15/05/2018
Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Về một số thiết chế bảo đảm quyền yêu cầu BTNN trong pháp luật của một quốc gia, vùng lãnh thổQuyền được bồi thường nói chung và quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại do hành vi thi hành công vụ gây ra là một quyền hiến định không chỉ trong pháp luật Việt Nam mà cả trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới.Nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới về một số thiết chế bảo đảm quyền được bồi thường, có thể nói, giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2017 và pháp luật của các nước có nhiều điểm tương đồng. Chính vì vậy, trong phạm vi khuôn khổ bài viết này, tác giả giới thiệu cùng bạn đọc kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về một số thiết chế bảo đảm quyền được bồi thường.
1. Một số vấn đề chung
Liên quan đến việc bảo đảm quyền được bồi thường, pháp luật các nước quy định thiết chế bảo đảm quyền này khá đa dạng, trong đó, tùy theo những tiêu chí cụ thể mà có thể phân loại ra các thiết chế khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại thì trong pháp luật các nước quy định những loại cơ quan chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cơ quan thực hiện việc giải quyết bồi thường (GQBT) đối với yêu cầu bồi thường (YCBT);
Thứ hai, cơ quan thực hiện việc xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ để các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại làm căn cứ thực hiện quyền YCBT;
Thứ ba, cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc cá nhân, tổ chức bị thiệt hại YCBT;
Thứ tư, cơ quan kiểm soát việc thực hiện TNBTCNN.
2. Cơ quan thực hiện việc GQBT
2.1. Tòa án là cơ quan thực hiện việc GQBT
Có thể nhận định chung là trong pháp luật của các nước có quy định về TNBTCNN đều quy định bảo đảm quyền tiếp cận Tòa án trong thực hiện quyền YCBT. Theo đó, trong pháp luật của các nước thì đều quy định Tòa án là cơ quan thực hiện việc GQBT. Tuy nhiên, mỗi nước lại quy định vai trò, sự tham gia của Tòa án cũng như loại hình tố tụng được áp dụng để Tòa án thực hiện việc GQBT. Cụ thể:
Thứ nhất, về vai trò của Tòa án trong mối liên hệ giữa hai giai đoạn: một là đánh giá một quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ là hợp pháp hay bất hợp pháp; hai là, GQBT sau khi đã xác định quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ là bất hợp pháp.
Ở các nước mà pháp luật quy định tách biệt giữa giai đoạn nêu trên thì Tòa án chỉ là cơ quan thực hiện việc GQBT sau khi quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ đã được xác định là bất hợp pháp. Điển hình là Luật về TNBTCNN 2001 của Estonia (State Liability Act 2001) thì có quy định rất đặc thù, theo đó, nếu một người bị xâm phạm nhân quyền hoặc các quyền tự do cơ bản thì có quyền khởi kiện thẳng tới Tòa án nhân quyền Châu âu. Tòa án nhân quyền Châu âu sẽ xác định là họ có bị Nhà nước Estonia xâm phạm nhân quyền hoặc các quyền tự do cơ bản hay không? Nếu Tòa án nhân quyền Châu âu xác định là có sự xâm phạm nhân quyền hoặc các quyền tự do cơ bản, thì người bị thiệt hại sẽ dựa trên phán quyết này của Tòa án để yêu cầu Nhà nước Estonia bồi thường.
Ngược lại, ở các nước mà pháp luật không quy định tách biệt giữa giai đoạn xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của quyết định, hành vi gây thiệt hại với giai đoạn GQBT thì Tòa án sẽ đồng thời thực hiện 02 chức năng là đánh giá tính hợp pháp hay bất hợp pháp của quyết định, hành vi gây thiệt hại và GQBT. Điển hình là Luật về TNBTCNN 1947 của Nhật Bản (Law on State Compensation Liability 1947) quy định người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án để yêu cầu GQBT và Tòa án có thẩm quyền của Nhật Bản là cơ quan vừa xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của quyết định, hành vi gây thiệt hại và vừa GQBT.
Thứ hai, về vai trò của Tòa án trong mối liên hệ với cơ quan có thẩm quyền GQBT khác trong giai đoạn GQBT.
Ở các nước mà pháp luật quy định quyền của người bị thiệt hại được khởi kiện ngay ra Tòa án để yêu cầu GQBT thì khi đó Tòa án có thẩm quyền GQBT ngay.
Ngược lại, ở các nước mà pháp luật quy định YCBT của người bị thiệt hại trước hết phải được giải quyết tại một cơ quan trước khi họ có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu GQBT thì Tòa án chỉ GQBT nếu YCBT trước đó đã được giải quyết tại một cơ quan có thẩm quyền. Điển hình là Luật TNBTCNN 1980 của Đài Loan (State Compensation Law 1980) quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại (đối với trường hợp thi hành công vụ gây thiệt hại) hoặc là cơ quan trực tiếp quản lý người đã lắp đặt hoặc quản lý các phương tiện là tài sản của Nhà nước gây thiệt hại (đối với trường hợp thiệt hại do tài sản của Nhà nước gây ra) là cơ quan GQBT. Trong trường hợp YCBT tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ không đạt được thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án GQBT.
Thứ ba, về loại hình tố tụng mà Tòa án áp dụng để GQBT.
Về vấn đề này, pháp luật các nước quy định rất khác nhau, cụ thể:
Đa số pháp luật các nước quy định loại hình tố tụng mà Tòa án áp dụng để GQBT là tố tụng dân sự. Điển hình là Luật TNBTCNN 1947 của Nhật Bản quy định dẫn chiếu áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để GQBT.
Một số nước thì quy định nhiều loại hình tố tụng để Tòa án áp dụng khi thực hiện việc GQBT. Điển hình là Bulgaria và Cộng hòa Pháp. Luật TNBTCNN 2006 của Bulgaria (Act on the Liability for Damage Incurred by the State and the Municipalities 2006) quy định 02 loại hình tố tụng tương ứng với hai trường hợp, theo đó, đối với thiệt hại gây ra trong lĩnh vực quản lý hành chính, thủ tục tố tụng được áp dụng để GQBT là tố tụng hành chính, trong khi đó, đối với thiệt hại gây ra trong lĩnh vực tố tụng hình sự, pháp luật mà Tòa án áp dụng để GQBT là tố tụng dân sự. Tương tự như pháp luật của Bulgaria, thực tiễn xét xử của Cộng hòa Pháp cũng quy định 02 loại hình tố tụng để Tòa án áp dụng khi GQBT, đối với thiệt hại gây ra trong lĩnh vực quản lý hành chính, thủ tục tố tụng được áp dụng để GQBT là tố tụng hành chính (Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa hành chính và ở cấp cao nhất là Tham chính Viện - Tòa hành chính tối cao Pháp), trong khi đó, đối với thiệt hại gây ra trong lĩnh vực tố tụng hình sự, thủ tục tố tụng được áp dụng để GQBT là tố tụng dân sự.
Một số rất ít nước thì quy định việc GQBT có thể được Tòa án thực hiện kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Điển hình là Luật Đền bù hình sự 1950 của Nhật Bản (Criminal Compensation Act 1950) quy định, theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự tại Tòa án thì nếu Tòa án tuyên bị cáo là vô tội thì sẽ phải đồng thời xác định thiệt hại và tuyên luôn mức bồi thường thiệt hại đối với người bị thiệt hại trong bản án.
2.2. Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT
Trong số các nước có Luật về TNBTCNN thì đa số các nước đều quy định Tòa án là cơ quan thực hiện GQBT. Chỉ một số ít nước quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT. Ngoài Luật TNBTCNN 1980 của Đài Loan, Luật TNBTCNN 1994 của Trung Quốc (State Compensation Law 1994) cũng quy định cơ quan quản lý hành chính hoặc cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan GQBT.
2.3. Cơ quan cấp trên của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT
Trong số pháp luật của một số ít nước thì có quy định cơ quan cấp trên của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT. Như đã nêu trên, ngoài quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT thì Luật TNBTCNN 1980 của Đài Loan còn quy định cơ quan cấp trên của cơ quan đó cũng là cơ quan thực hiện việc GQBT. Tại Cộng hòa Pháp, mặc dù không có Luật riêng về TNBTCNN nhưng thực tiễn thi hành quyền khiếu nại trong hoạt động quản lý hành chính cho thấy, đối với những thiệt hại gây ra trong hoạt động quản lý hành chính thì cơ quan thực hiện việc GQBT là cơ quan hành chính cấp trên của cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại nếu người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan hành chính gây thiệt hại và tiếp tục khiếu nại lên cơ quan cấp trên.
2.4. Một cơ quan độc lập là cơ quan thực hiện việc GQBT
Trong số pháp luật của một số rất ít nước thì có quy định một cơ quan độc lập là cơ quan thực hiện việc GQBT. Điển hình là Luật TNBTCNN 1967 của Hàn Quốc (State Compensation Act 1967) quy định việc GQBT thuộc trách nhiệm Nhà nước hoặc thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ do một Hội đồng đại diện đứng ra giải quyết gọi là Hội đồng bồi thường nhà nước. Ở trung ương, một Hội đồng Trung ương được thành lập ở Bộ Tư pháp để xem xét vụ việc có đơn YCBT đối với Nhà nước ở trung ương. Ngoài ra, một Hội đồng Đặc biệt được thành lập ở Bộ Quốc phòng để xem xét đơn YCBT đối với thiệt hại do các quân nhân hoặc công chức trong hoạt động quốc phòng gây ra. Hội đồng Trung ương và Hội đồng Đặc biệt nêu trên thành lập một Hội đồng cấp quận, huyện để xem xét thảo luận và quyết định các nội dung liên quan đến YCBT. Mỗi Hội đồng có thẩm quyền, cơ cấu, hoạt động theo quy định tại Sắc lệnh của Tổng thống. Luật TNBTCNN 1985 của Canada (Crown Liability and Proceedings Act 1985) thì quy định phạm vi TNBTCNN rất rộng, trong đó, có cả TNBTCNN do vi phạm cam kết tại các Hiệp ước quốc tế. Hiệp ước quốc tế theo quy định của Luật của Canada bao gồm Hiệp ước giữa Canada với các nước có liên quan trên 02 lĩnh vực là: hợp tác về môi trường và hợp tác về lao động. Riêng đối với trường hợp này thì Luật quy định một cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc GQBT là một “Ban Hội thẩm”. Theo đó, “Ban Hội thẩm” được định nghĩa là một Hội đồng trọng tài hoặc một Hội đồng xem xét lại được triệu tập theo quy định của Hiệp ước hợp tác về môi trường hoặc Hiệp ước hợp tác về lao động và chức năng của “Ban Hội thẩm” là ra một quyết định theo quy định của một Hiệp ước hợp tác về môi trường hoặc Hiệp ước hợp tác về lao động, trong quyết định đó sẽ xác định một khoản tiền mà Nhà nước Canada phải trả.
3. Cơ quan thực hiện việc xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ để các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại làm căn cứ thực hiện quyền YCBT
Như đã phân tích ở trên, ở các nước mà pháp luật quy định tách bạch giai đoạn đánh giá một quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ là hợp pháp hay bất hợp pháp với giai đoạn GQBT thì đều có quy định về cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ để các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại làm căn cứ thực hiện quyền YCBT. Ngoài Luật của Estonia như đã ví dụ ở trên, Luật của nhiều nước mà nhất là các nước theo hệ thống thông luật (Common Law) đều có quy định đặc thù về việc xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ để các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại làm căn cứ thực hiện quyền YCBT đối với thiệt hại gây ra bởi các lực lượng vũ trang (armed forces hoặc defense forces). Điển hình là Luật TNBTCNN 1965 của Cộng hòa Zambia (State Proceeding Act 1965) quy định đối với các thiệt hại gây ra bởi lực lượng quốc phòng thì Nhà nước Zambia sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu người đó là thành viên của lực lượng quốc phòng và họ chết hoặc bị thương khi đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với tư cách là thành viên của lực lượng quốc phòng, hoặc, dù người đó không đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với tư cách là thành viên của lực lượng quốc phòng nhưng người đó đang ở trên bất kỳ vùng đất, tòa nhà, tàu biển, tàu bay hoặc phương tiện nào trong thời gian mà các vật nêu trên được sử dụng cho các mục đích của lực lượng quốc phòng. Để được bồi thường thì phải có một chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thiệt hại xảy ra. Đối với tình huống tương tự, Luật TNBTCNN 1947 của Vương quốc Anh (Crown Proceeding Act 1947) thì quy định việc chứng nhận này thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao còn Luật TNBTCNN 1998 của Cộng hòa Ghana (State Proceedings Act 1998) thì quy định việc chứng nhận này thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại Trung Quốc, Luật TNBTCNN 1994 thì quy định, đối với các thiệt hại gây ra trong lĩnh vực quản lý hành chính thì để YCBT, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại phải có một văn bản xác định hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
4. Cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc cá nhân, tổ chức bị thiệt hại YCBT
Có thể nói cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc cá nhân, tổ chức bị thiệt hại YCBT đa số chỉ được quy định trong pháp luật của các nước theo hệ thống thông luật. Sự tồn tại vai trò của cơ quan độc lập này đến từ tính “hai chiều” của Luật về TNBTCNN của các nước này, theo đó, Luật của các nước theo hệ thống common law đều quy định cơ quan độc lập nêu trên vừa là cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc mà Nhà nước là nguyên đơn nhưng cũng vừa là cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc mà Nhà nước là bị đơn - trong đó có các vụ việc YCBT.
Luật TNBTCNN của Vương quốc Anh quy định, về nguyên tắc, cơ quan đại diện Nhà nước là Tổng chưởng lý hoặc là một cơ quan được Chính phủ ủy quyền. Đối với cơ quan không phải là cơ quan Tổng chưởng lý thì Bộ trưởng khối các cơ quan dân sự sẽ công bố một danh sách xác định các cơ quan của Chính phủ được ủy quyền và tên và địa chỉ của người là luật sư của các cơ quan đó. Theo Luật của Vương quốc Anh thì Tổng chưởng lý hoặc cơ quan được Chính phủ ủy quyền sẽ đại diện cho Vương quốc Anh trong mọi vụ kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường. Luật TNBTCNN của Cộng hòa Ghana quy định trong mọi vụ kiện mà Nhà nước là bị đơn thì Tổng chưởng lý sẽ là đại diện Nhà nước với tư cách là bị đơn. Nếu có sự thay đổi về nhân sự liên quan đến cơ quan Tổng chưởng lý thì vụ kiện vẫn được tiến hành bình thường mà không bị ảnh hưởng. Tương tự, Luật TNBTCNN 1992 của Bang Nam Úc (Crown Proceedings Act 1992 of South Australia) quy định Tổng chưởng lý là cơ quan đại diện cho Nhà nước tại bất kỳ vụ án hình sự hoặc dân sự nào mà trong đó Nhà nước là một bên đương sự.
Ở Châu á, pháp luật của Nhật Bản thì quy định cơ quan đại diện Nhà nước là Bộ Tư pháp Nhật Bản. Cụ thể, theo Luật về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước thì quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp là đại diện cho Nhà nước với tư cách là bị đơn trong các vụ án dân sự về yêu cầu Nhà nước bồi thường. Để giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ nêu trên thì tại Bộ Tư pháp Nhật Bản có bộ phận công tác tố tụng thuộc Văn phòng Bộ Tư pháp và do một Phó chánh văn phòng công tác tổng hợp trực tiếp phụ trách. Các phòng công tác tố tụng thuộc Văn phòng Bộ bao gồm: phòng kế hoạch công tác tố tụng; phòng công tác tố tụng dân sự; phòng công tác tố tụng hành chính; phòng công tác tố tụng thuế vụ; chuyên viên quản lý công tác tố tụng tài sản.
5. Cơ quan kiểm soát việc thực hiện TNBTCNN
Việc kiểm soát các hoạt động thực hiện TNBTCNN trong pháp luật của nhiều nước được hiểu là việc Nhà nước chủ động hoặc theo yêu cầu của một cá nhân, tổ chức để thực hiện các hoạt động theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra thậm chí là điều tra hoạt động của các cơ quan nhà nước khác trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền được bồi thường nói riêng. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều nước có mô hình cơ quan thanh tra nhân quyền (Ombudsman) và ở những nước đó, cơ quan này là cơ quan kiểm soát việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung cũng như quyền được bồi thường nói riêng.
Về tên gọi, ở đa số các nước thì cơ quan này có tên gọi là cơ quan thanh tra nhân quyền (Ombudsman). Trong khi đó, ở một số ít nước thì cơ quan này có tên gọi khác: tại Vương quốc Anh, cơ quan này có tên gọi là Ủy ban nhân quyền Nghị viện (The Parliamentary Commissioner Act 1967), tại Cộng hòa Serbia, cơ quan này có tên gọi là Cơ quan bảo hộ công dân (Law On The Protector Of Citizens 2005), tại Estonia, cơ quan này có tên gọi là Pháp quan trưởng ấn (Chancellor Of Justice Act 1999), tại Cộng hòa Albania, cơ quan này có tên gọi là Luật sư bảo vệ công dân (Law On The PeoPle Advocate1999)…
Về phương thức hình thành của cơ quan thanh tra nhân quyền (TTNQ), đại đa số các nước đều quy định cơ quan TTNQ do Quốc hội thành lập. Tùy theo tên gọi mà người đứng đầu là Trưởng cơ quan TTNQ hoặc Trưởng cơ quan bảo hộ công dân hoặc Trưởng pháp quan trưởng ấn hoặc Trưởng luật sư bảo vệ công dân… Riêng Luật về cơ quan TTNQ của Philippines thì quy định Trưởng cơ quan TTNQ do Tổng thống bổ nhiệm.
Về nhiệm kỳ của Trưởng cơ quan TTNQ, nhìn chung pháp luật của các nước quy định khá đa dạng về thời hạn nhiệm kỳ của Trưởng cơ quan TTNQ. Theo Luật về cơ quan TTNQ 2006 của Latvia (Ombudsman Law 2006) thì nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức. Luật về cơ quan TTNQ 1989 của Philippines (The Phillipines Republic Act 6770.1989. Ombudsman 1989) thì quy định nhiệm kỳ là 07 năm kể từ ngày tuyên thệ. Luật về cơ quan TTNQ 2009 của Vương quốc Thái Lan (Organic Act On Ombudsmen 2009) thì quy định nhiệm kỳ là 07 năm kể từ ngày được bổ nhiệm và Trưởng cơ quan TTNQ chỉ được đảm nhiệm chức vụ trong một nhiệm kỳ.
Về chế độ làm việc của cơ quan TTNQ, nhìn chung, pháp luật của các nước quy định chế độ làm việc của cơ quan TTNQ theo chế độ “thủ trưởng chế”, trong đó, Trưởng cơ quan TTNQ hoặc cấp phó được ủy quyền hoặc phân công có toàn quyền quyết định các vấn đề thuộc chức năng của cơ quan TTNQ. Tuy nhiên, cũng có một số rất ít nước thì quy định chế độ làm việc tập thể của cơ quan TTNQ, theo đó, việc ra các quyết định phải thông qua cuộc họp của Hội đồng TTNQ. Luật về cơ quan TTNQ 1982 của Cộng hòa Áo (Ombudsman Act 1982) quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Ombudsman sẽ được quyết định bởi Nghị quyết của Hội đồng, cụ thể là đối với các vấn đề sau đây: (1) các khuyến nghị, yêu cầu về thời hạn và các gợi ý về các giải pháp kiểm soát có tính chất giám sát theo quy định của Hiến pháp liên bang; (2) các báo cáo Hội đồng nhà nước - Quốc hội Áo - theo quy định của Hiến pháp liên bang; (3) các yêu cầu gửi tới Tòa án Hiến pháp theo quy định của Hiến pháp liên bang; (4) các bản ý kiến trong quá trình xem xét lại dự thảo Luật và văn bản hướng dẫn; (5) các gợi ý về việc sửa đổi hoặc thông qua các Luật; (6) việc phê chuẩn và miễn nhiệm các thành viên của các Ủy ban trực thuộc cơ quan TTNQ cũng như đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác và các thành viên thay thế của Hội đồng tư vấn nhân quyền trực thuộc cơ quan TTNQ; (7) xác định các nội dung kiểm tra chung và (8) việc thông qua các Nghị quyết về các gợi ý đưa ra bởi Hội đồng tư vấn nhân quyền đối với các nội dung bảo đảm sự đồng đều trong hoạt động và tiêu chuẩn kiểm tra.
Về phạm vi thẩm quyền, nhìn chung pháp luật của các nước quy định phạm vi thẩm quyền của cơ quan TTNQ là rất rộng. Tuy nhiên, về cơ bản thì có thể phân loại pháp luật của các nước thành 03 nhóm chính: ở nhóm thứ nhất, pháp luật chỉ quy định cơ quan TTNQ có quyền “can thiệp” vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, các quyền tự do cơ bản nhất và quyền công dân; ở nhóm thứ hai, ngoài việc “can thiệp” vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, các quyền tự do cơ bản nhất và quyền công dân thì pháp luật còn quy định cơ quan TTNQ có quyền tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền khác để bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật không xâm phạm quyền con người, các quyền tự do cơ bản nhất và quyền công dân cũng như bảo đảm phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà quốc gia đó là thành viên; ở nhóm thứ ba, ngoài việc “can thiệp” vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, các quyền tự do cơ bản nhất và quyền công dân thì pháp luật còn quy định cơ quan TTNQ có quyền kiến nghị các phương thức để bảo đảm nguyên tắc “quản trị Nhà nước hiệu quả”, theo đó, thông qua quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan TTNQ phát hiện ra những thiếu sót trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước khác để từ đó kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện.
Về hạn chế đối tượng tác động, pháp luật của các nước đều quy định các hạn chế về đối tượng tác động của cơ quan TTNQ, trong đó, đối tượng mà cơ quan TTNQ không được quyền tác động, can thiệp thường là các cá nhân có thẩm quyền là như Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án tối cao. Đối với cơ quan nhà nước thì đại đa số pháp luật các nước đều quy định cơ quan TTNQ không được can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án. Chỉ một số rất ít nước pháp luật cho phép can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án nhưng cũng chỉ giới hạn trong trường hợp mà hoạt động xét xử của Tòa án không bảo đảm về thời hạn theo quy định của pháp luật.
Về cách thức “can thiệp” và các biện pháp bảo đảm cho sự “can thiệp”, pháp luật về cơ quan TTNQ của các nước đều quy định cách thức can thiệp là “kiến nghị” mà không trực tiếp làm “thay đổi” hoặc “làm thay” hoạt động của các cơ quan nhà nước bị “can thiệp”. Các cơ quan nhà nước bị “can thiệp” có nghĩa vụ phải tiếp nhận, nghiên cứu các “kiến nghị” của cơ quan TTNQ và phải có trả lời hoặc giải trình chính đáng trong thời hạn luật định. Nếu không trả lời hoặc không giải trình trong thời hạn luật định thì cơ quan TTNQ sẽ thông báo hoặc báo cáo lên cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền cao hơn như cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan bị can thiệp hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hoặc Tổng thống. Đối với cá nhân người thi hành công vụ tại các cơ quan nhà nước bị “can thiệp”, trong quá trình xem xét, kiến nghị thì cơ quan TTNQ cũng có quyền đưa ra các kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cá nhân người đó, trong đó, tập trung vào 02 dạng trách nhiệm là xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.
Lời kết: có thể nói, để phúc đáp quyền YCBT của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, pháp luật của các nước đã quy định nhiều cơ quan, trong đó, mỗi cơ quan giữ một vai trò nhất định trong quá trình từ lúc đánh giá, xác định tính trái pháp luật của quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ cho đến khi GQBT cũng như việc kiểm soát quá trình thực hiện TNBTCNN. Luật TNBTCNN 2017 cũng có nhiều quy định khá tương đồng với pháp luật của các nước, trong đó, quy định rõ về cơ quan GQBT là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, cơ quan GQBT là Tòa án và cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN. Trong thời gian tới khi Luật có hiệu lực thi hành, với những quy định mới rõ ràng hơn, cụ thể hơn, các cơ quan GQBT, quản lý nhà nước về công tác bồi thường sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình có hiệu quả hơn, qua đó, bảo đảm tốt hơn quyền được bồi thường của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.
Tác giả: Lê Thái Phương
Cục Bồi thường nhà nước
Quyền được bồi thường nói chung và quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại do hành vi thi hành công vụ gây ra là một quyền hiến định không chỉ trong pháp luật Việt Nam mà cả trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới.
Nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới về một số thiết chế bảo đảm quyền được bồi thường, có thể nói, giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2017 và pháp luật của các nước có nhiều điểm tương đồng. Chính vì vậy, trong phạm vi khuôn khổ bài viết này, tác giả giới thiệu cùng bạn đọc kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về một số thiết chế bảo đảm quyền được bồi thường.
1. Một số vấn đề chung
Liên quan đến việc bảo đảm quyền được bồi thường, pháp luật các nước quy định thiết chế bảo đảm quyền này khá đa dạng, trong đó, tùy theo những tiêu chí cụ thể mà có thể phân loại ra các thiết chế khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại thì trong pháp luật các nước quy định những loại cơ quan chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cơ quan thực hiện việc giải quyết bồi thường (GQBT) đối với yêu cầu bồi thường (YCBT);
Thứ hai, cơ quan thực hiện việc xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ để các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại làm căn cứ thực hiện quyền YCBT;
Thứ ba, cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc cá nhân, tổ chức bị thiệt hại YCBT;
Thứ tư, cơ quan kiểm soát việc thực hiện TNBTCNN.
2. Cơ quan thực hiện việc GQBT
2.1. Tòa án là cơ quan thực hiện việc GQBT
Có thể nhận định chung là trong pháp luật của các nước có quy định về TNBTCNN đều quy định bảo đảm quyền tiếp cận Tòa án trong thực hiện quyền YCBT. Theo đó, trong pháp luật của các nước thì đều quy định Tòa án là cơ quan thực hiện việc GQBT. Tuy nhiên, mỗi nước lại quy định vai trò, sự tham gia của Tòa án cũng như loại hình tố tụng được áp dụng để Tòa án thực hiện việc GQBT. Cụ thể:
Thứ nhất, về vai trò của Tòa án trong mối liên hệ giữa hai giai đoạn: một là đánh giá một quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ là hợp pháp hay bất hợp pháp; hai là, GQBT sau khi đã xác định quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ là bất hợp pháp.
Ở các nước mà pháp luật quy định tách biệt giữa giai đoạn nêu trên thì Tòa án chỉ là cơ quan thực hiện việc GQBT sau khi quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ đã được xác định là bất hợp pháp. Điển hình là Luật về TNBTCNN 2001 của Estonia (State Liability Act 2001) thì có quy định rất đặc thù, theo đó, nếu một người bị xâm phạm nhân quyền hoặc các quyền tự do cơ bản thì có quyền khởi kiện thẳng tới Tòa án nhân quyền Châu âu. Tòa án nhân quyền Châu âu sẽ xác định là họ có bị Nhà nước Estonia xâm phạm nhân quyền hoặc các quyền tự do cơ bản hay không? Nếu Tòa án nhân quyền Châu âu xác định là có sự xâm phạm nhân quyền hoặc các quyền tự do cơ bản, thì người bị thiệt hại sẽ dựa trên phán quyết này của Tòa án để yêu cầu Nhà nước Estonia bồi thường.
Ngược lại, ở các nước mà pháp luật không quy định tách biệt giữa giai đoạn xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của quyết định, hành vi gây thiệt hại với giai đoạn GQBT thì Tòa án sẽ đồng thời thực hiện 02 chức năng là đánh giá tính hợp pháp hay bất hợp pháp của quyết định, hành vi gây thiệt hại và GQBT. Điển hình là Luật về TNBTCNN 1947 của Nhật Bản (Law on State Compensation Liability 1947) quy định người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án để yêu cầu GQBT và Tòa án có thẩm quyền của Nhật Bản là cơ quan vừa xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của quyết định, hành vi gây thiệt hại và vừa GQBT.
Thứ hai, về vai trò của Tòa án trong mối liên hệ với cơ quan có thẩm quyền GQBT khác trong giai đoạn GQBT.
Ở các nước mà pháp luật quy định quyền của người bị thiệt hại được khởi kiện ngay ra Tòa án để yêu cầu GQBT thì khi đó Tòa án có thẩm quyền GQBT ngay.
Ngược lại, ở các nước mà pháp luật quy định YCBT của người bị thiệt hại trước hết phải được giải quyết tại một cơ quan trước khi họ có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu GQBT thì Tòa án chỉ GQBT nếu YCBT trước đó đã được giải quyết tại một cơ quan có thẩm quyền. Điển hình là Luật TNBTCNN 1980 của Đài Loan (State Compensation Law 1980) quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại (đối với trường hợp thi hành công vụ gây thiệt hại) hoặc là cơ quan trực tiếp quản lý người đã lắp đặt hoặc quản lý các phương tiện là tài sản của Nhà nước gây thiệt hại (đối với trường hợp thiệt hại do tài sản của Nhà nước gây ra) là cơ quan GQBT. Trong trường hợp YCBT tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ không đạt được thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án GQBT.
Thứ ba, về loại hình tố tụng mà Tòa án áp dụng để GQBT.
Về vấn đề này, pháp luật các nước quy định rất khác nhau, cụ thể:
Đa số pháp luật các nước quy định loại hình tố tụng mà Tòa án áp dụng để GQBT là tố tụng dân sự. Điển hình là Luật TNBTCNN 1947 của Nhật Bản quy định dẫn chiếu áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để GQBT.
Một số nước thì quy định nhiều loại hình tố tụng để Tòa án áp dụng khi thực hiện việc GQBT. Điển hình là Bulgaria và Cộng hòa Pháp. Luật TNBTCNN 2006 của Bulgaria (Act on the Liability for Damage Incurred by the State and the Municipalities 2006) quy định 02 loại hình tố tụng tương ứng với hai trường hợp, theo đó, đối với thiệt hại gây ra trong lĩnh vực quản lý hành chính, thủ tục tố tụng được áp dụng để GQBT là tố tụng hành chính, trong khi đó, đối với thiệt hại gây ra trong lĩnh vực tố tụng hình sự, pháp luật mà Tòa án áp dụng để GQBT là tố tụng dân sự. Tương tự như pháp luật của Bulgaria, thực tiễn xét xử của Cộng hòa Pháp cũng quy định 02 loại hình tố tụng để Tòa án áp dụng khi GQBT, đối với thiệt hại gây ra trong lĩnh vực quản lý hành chính, thủ tục tố tụng được áp dụng để GQBT là tố tụng hành chính (Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa hành chính và ở cấp cao nhất là Tham chính Viện - Tòa hành chính tối cao Pháp), trong khi đó, đối với thiệt hại gây ra trong lĩnh vực tố tụng hình sự, thủ tục tố tụng được áp dụng để GQBT là tố tụng dân sự.
Một số rất ít nước thì quy định việc GQBT có thể được Tòa án thực hiện kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Điển hình là Luật Đền bù hình sự 1950 của Nhật Bản (Criminal Compensation Act 1950) quy định, theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự tại Tòa án thì nếu Tòa án tuyên bị cáo là vô tội thì sẽ phải đồng thời xác định thiệt hại và tuyên luôn mức bồi thường thiệt hại đối với người bị thiệt hại trong bản án.
2.2. Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT
Trong số các nước có Luật về TNBTCNN thì đa số các nước đều quy định Tòa án là cơ quan thực hiện GQBT. Chỉ một số ít nước quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT. Ngoài Luật TNBTCNN 1980 của Đài Loan, Luật TNBTCNN 1994 của Trung Quốc (State Compensation Law 1994) cũng quy định cơ quan quản lý hành chính hoặc cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan GQBT.
2.3. Cơ quan cấp trên của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT
Trong số pháp luật của một số ít nước thì có quy định cơ quan cấp trên của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT. Như đã nêu trên, ngoài quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan thực hiện việc GQBT thì Luật TNBTCNN 1980 của Đài Loan còn quy định cơ quan cấp trên của cơ quan đó cũng là cơ quan thực hiện việc GQBT. Tại Cộng hòa Pháp, mặc dù không có Luật riêng về TNBTCNN nhưng thực tiễn thi hành quyền khiếu nại trong hoạt động quản lý hành chính cho thấy, đối với những thiệt hại gây ra trong hoạt động quản lý hành chính thì cơ quan thực hiện việc GQBT là cơ quan hành chính cấp trên của cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại nếu người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan hành chính gây thiệt hại và tiếp tục khiếu nại lên cơ quan cấp trên.
2.4. Một cơ quan độc lập là cơ quan thực hiện việc GQBT
Trong số pháp luật của một số rất ít nước thì có quy định một cơ quan độc lập là cơ quan thực hiện việc GQBT. Điển hình là Luật TNBTCNN 1967 của Hàn Quốc (State Compensation Act 1967) quy định việc GQBT thuộc trách nhiệm Nhà nước hoặc thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ do một Hội đồng đại diện đứng ra giải quyết gọi là Hội đồng bồi thường nhà nước. Ở trung ương, một Hội đồng Trung ương được thành lập ở Bộ Tư pháp để xem xét vụ việc có đơn YCBT đối với Nhà nước ở trung ương. Ngoài ra, một Hội đồng Đặc biệt được thành lập ở Bộ Quốc phòng để xem xét đơn YCBT đối với thiệt hại do các quân nhân hoặc công chức trong hoạt động quốc phòng gây ra. Hội đồng Trung ương và Hội đồng Đặc biệt nêu trên thành lập một Hội đồng cấp quận, huyện để xem xét thảo luận và quyết định các nội dung liên quan đến YCBT. Mỗi Hội đồng có thẩm quyền, cơ cấu, hoạt động theo quy định tại Sắc lệnh của Tổng thống. Luật TNBTCNN 1985 của Canada (Crown Liability and Proceedings Act 1985) thì quy định phạm vi TNBTCNN rất rộng, trong đó, có cả TNBTCNN do vi phạm cam kết tại các Hiệp ước quốc tế. Hiệp ước quốc tế theo quy định của Luật của Canada bao gồm Hiệp ước giữa Canada với các nước có liên quan trên 02 lĩnh vực là: hợp tác về môi trường và hợp tác về lao động. Riêng đối với trường hợp này thì Luật quy định một cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc GQBT là một “Ban Hội thẩm”. Theo đó, “Ban Hội thẩm” được định nghĩa là một Hội đồng trọng tài hoặc một Hội đồng xem xét lại được triệu tập theo quy định của Hiệp ước hợp tác về môi trường hoặc Hiệp ước hợp tác về lao động và chức năng của “Ban Hội thẩm” là ra một quyết định theo quy định của một Hiệp ước hợp tác về môi trường hoặc Hiệp ước hợp tác về lao động, trong quyết định đó sẽ xác định một khoản tiền mà Nhà nước Canada phải trả.
3. Cơ quan thực hiện việc xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ để các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại làm căn cứ thực hiện quyền YCBT
Như đã phân tích ở trên, ở các nước mà pháp luật quy định tách bạch giai đoạn đánh giá một quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ là hợp pháp hay bất hợp pháp với giai đoạn GQBT thì đều có quy định về cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ để các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại làm căn cứ thực hiện quyền YCBT. Ngoài Luật của Estonia như đã ví dụ ở trên, Luật của nhiều nước mà nhất là các nước theo hệ thống thông luật (Common Law) đều có quy định đặc thù về việc xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ để các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại làm căn cứ thực hiện quyền YCBT đối với thiệt hại gây ra bởi các lực lượng vũ trang (armed forces hoặc defense forces). Điển hình là Luật TNBTCNN 1965 của Cộng hòa Zambia (State Proceeding Act 1965) quy định đối với các thiệt hại gây ra bởi lực lượng quốc phòng thì Nhà nước Zambia sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu người đó là thành viên của lực lượng quốc phòng và họ chết hoặc bị thương khi đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với tư cách là thành viên của lực lượng quốc phòng, hoặc, dù người đó không đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với tư cách là thành viên của lực lượng quốc phòng nhưng người đó đang ở trên bất kỳ vùng đất, tòa nhà, tàu biển, tàu bay hoặc phương tiện nào trong thời gian mà các vật nêu trên được sử dụng cho các mục đích của lực lượng quốc phòng. Để được bồi thường thì phải có một chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thiệt hại xảy ra. Đối với tình huống tương tự, Luật TNBTCNN 1947 của Vương quốc Anh (Crown Proceeding Act 1947) thì quy định việc chứng nhận này thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao còn Luật TNBTCNN 1998 của Cộng hòa Ghana (State Proceedings Act 1998) thì quy định việc chứng nhận này thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại Trung Quốc, Luật TNBTCNN 1994 thì quy định, đối với các thiệt hại gây ra trong lĩnh vực quản lý hành chính thì để YCBT, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại phải có một văn bản xác định hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
4. Cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc cá nhân, tổ chức bị thiệt hại YCBT
Có thể nói cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc cá nhân, tổ chức bị thiệt hại YCBT đa số chỉ được quy định trong pháp luật của các nước theo hệ thống thông luật. Sự tồn tại vai trò của cơ quan độc lập này đến từ tính “hai chiều” của Luật về TNBTCNN của các nước này, theo đó, Luật của các nước theo hệ thống common law đều quy định cơ quan độc lập nêu trên vừa là cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc mà Nhà nước là nguyên đơn nhưng cũng vừa là cơ quan đại diện Nhà nước trong các vụ việc mà Nhà nước là bị đơn - trong đó có các vụ việc YCBT.
Luật TNBTCNN của Vương quốc Anh quy định, về nguyên tắc, cơ quan đại diện Nhà nước là Tổng chưởng lý hoặc là một cơ quan được Chính phủ ủy quyền. Đối với cơ quan không phải là cơ quan Tổng chưởng lý thì Bộ trưởng khối các cơ quan dân sự sẽ công bố một danh sách xác định các cơ quan của Chính phủ được ủy quyền và tên và địa chỉ của người là luật sư của các cơ quan đó. Theo Luật của Vương quốc Anh thì Tổng chưởng lý hoặc cơ quan được Chính phủ ủy quyền sẽ đại diện cho Vương quốc Anh trong mọi vụ kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường. Luật TNBTCNN của Cộng hòa Ghana quy định trong mọi vụ kiện mà Nhà nước là bị đơn thì Tổng chưởng lý sẽ là đại diện Nhà nước với tư cách là bị đơn. Nếu có sự thay đổi về nhân sự liên quan đến cơ quan Tổng chưởng lý thì vụ kiện vẫn được tiến hành bình thường mà không bị ảnh hưởng. Tương tự, Luật TNBTCNN 1992 của Bang Nam Úc (Crown Proceedings Act 1992 of South Australia) quy định Tổng chưởng lý là cơ quan đại diện cho Nhà nước tại bất kỳ vụ án hình sự hoặc dân sự nào mà trong đó Nhà nước là một bên đương sự.
Ở Châu á, pháp luật của Nhật Bản thì quy định cơ quan đại diện Nhà nước là Bộ Tư pháp Nhật Bản. Cụ thể, theo Luật về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước thì quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp là đại diện cho Nhà nước với tư cách là bị đơn trong các vụ án dân sự về yêu cầu Nhà nước bồi thường. Để giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ nêu trên thì tại Bộ Tư pháp Nhật Bản có bộ phận công tác tố tụng thuộc Văn phòng Bộ Tư pháp và do một Phó chánh văn phòng công tác tổng hợp trực tiếp phụ trách. Các phòng công tác tố tụng thuộc Văn phòng Bộ bao gồm: phòng kế hoạch công tác tố tụng; phòng công tác tố tụng dân sự; phòng công tác tố tụng hành chính; phòng công tác tố tụng thuế vụ; chuyên viên quản lý công tác tố tụng tài sản.
5. Cơ quan kiểm soát việc thực hiện TNBTCNN
Việc kiểm soát các hoạt động thực hiện TNBTCNN trong pháp luật của nhiều nước được hiểu là việc Nhà nước chủ động hoặc theo yêu cầu của một cá nhân, tổ chức để thực hiện các hoạt động theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra thậm chí là điều tra hoạt động của các cơ quan nhà nước khác trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền được bồi thường nói riêng. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều nước có mô hình cơ quan thanh tra nhân quyền (Ombudsman) và ở những nước đó, cơ quan này là cơ quan kiểm soát việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung cũng như quyền được bồi thường nói riêng.
Về tên gọi, ở đa số các nước thì cơ quan này có tên gọi là cơ quan thanh tra nhân quyền (Ombudsman). Trong khi đó, ở một số ít nước thì cơ quan này có tên gọi khác: tại Vương quốc Anh, cơ quan này có tên gọi là Ủy ban nhân quyền Nghị viện (The Parliamentary Commissioner Act 1967), tại Cộng hòa Serbia, cơ quan này có tên gọi là Cơ quan bảo hộ công dân (Law On The Protector Of Citizens 2005), tại Estonia, cơ quan này có tên gọi là Pháp quan trưởng ấn (Chancellor Of Justice Act 1999), tại Cộng hòa Albania, cơ quan này có tên gọi là Luật sư bảo vệ công dân (Law On The PeoPle Advocate1999)…
Về phương thức hình thành của cơ quan thanh tra nhân quyền (TTNQ), đại đa số các nước đều quy định cơ quan TTNQ do Quốc hội thành lập. Tùy theo tên gọi mà người đứng đầu là Trưởng cơ quan TTNQ hoặc Trưởng cơ quan bảo hộ công dân hoặc Trưởng pháp quan trưởng ấn hoặc Trưởng luật sư bảo vệ công dân… Riêng Luật về cơ quan TTNQ của Philippines thì quy định Trưởng cơ quan TTNQ do Tổng thống bổ nhiệm.
Về nhiệm kỳ của Trưởng cơ quan TTNQ, nhìn chung pháp luật của các nước quy định khá đa dạng về thời hạn nhiệm kỳ của Trưởng cơ quan TTNQ. Theo Luật về cơ quan TTNQ 2006 của Latvia (Ombudsman Law 2006) thì nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức. Luật về cơ quan TTNQ 1989 của Philippines (The Phillipines Republic Act 6770.1989. Ombudsman 1989) thì quy định nhiệm kỳ là 07 năm kể từ ngày tuyên thệ. Luật về cơ quan TTNQ 2009 của Vương quốc Thái Lan (Organic Act On Ombudsmen 2009) thì quy định nhiệm kỳ là 07 năm kể từ ngày được bổ nhiệm và Trưởng cơ quan TTNQ chỉ được đảm nhiệm chức vụ trong một nhiệm kỳ.
Về chế độ làm việc của cơ quan TTNQ, nhìn chung, pháp luật của các nước quy định chế độ làm việc của cơ quan TTNQ theo chế độ “thủ trưởng chế”, trong đó, Trưởng cơ quan TTNQ hoặc cấp phó được ủy quyền hoặc phân công có toàn quyền quyết định các vấn đề thuộc chức năng của cơ quan TTNQ. Tuy nhiên, cũng có một số rất ít nước thì quy định chế độ làm việc tập thể của cơ quan TTNQ, theo đó, việc ra các quyết định phải thông qua cuộc họp của Hội đồng TTNQ. Luật về cơ quan TTNQ 1982 của Cộng hòa Áo (Ombudsman Act 1982) quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Ombudsman sẽ được quyết định bởi Nghị quyết của Hội đồng, cụ thể là đối với các vấn đề sau đây: (1) các khuyến nghị, yêu cầu về thời hạn và các gợi ý về các giải pháp kiểm soát có tính chất giám sát theo quy định của Hiến pháp liên bang; (2) các báo cáo Hội đồng nhà nước - Quốc hội Áo - theo quy định của Hiến pháp liên bang; (3) các yêu cầu gửi tới Tòa án Hiến pháp theo quy định của Hiến pháp liên bang; (4) các bản ý kiến trong quá trình xem xét lại dự thảo Luật và văn bản hướng dẫn; (5) các gợi ý về việc sửa đổi hoặc thông qua các Luật; (6) việc phê chuẩn và miễn nhiệm các thành viên của các Ủy ban trực thuộc cơ quan TTNQ cũng như đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác và các thành viên thay thế của Hội đồng tư vấn nhân quyền trực thuộc cơ quan TTNQ; (7) xác định các nội dung kiểm tra chung và (8) việc thông qua các Nghị quyết về các gợi ý đưa ra bởi Hội đồng tư vấn nhân quyền đối với các nội dung bảo đảm sự đồng đều trong hoạt động và tiêu chuẩn kiểm tra.
Về phạm vi thẩm quyền, nhìn chung pháp luật của các nước quy định phạm vi thẩm quyền của cơ quan TTNQ là rất rộng. Tuy nhiên, về cơ bản thì có thể phân loại pháp luật của các nước thành 03 nhóm chính: ở nhóm thứ nhất, pháp luật chỉ quy định cơ quan TTNQ có quyền “can thiệp” vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, các quyền tự do cơ bản nhất và quyền công dân; ở nhóm thứ hai, ngoài việc “can thiệp” vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, các quyền tự do cơ bản nhất và quyền công dân thì pháp luật còn quy định cơ quan TTNQ có quyền tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền khác để bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật không xâm phạm quyền con người, các quyền tự do cơ bản nhất và quyền công dân cũng như bảo đảm phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà quốc gia đó là thành viên; ở nhóm thứ ba, ngoài việc “can thiệp” vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, các quyền tự do cơ bản nhất và quyền công dân thì pháp luật còn quy định cơ quan TTNQ có quyền kiến nghị các phương thức để bảo đảm nguyên tắc “quản trị Nhà nước hiệu quả”, theo đó, thông qua quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan TTNQ phát hiện ra những thiếu sót trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước khác để từ đó kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện.
Về hạn chế đối tượng tác động, pháp luật của các nước đều quy định các hạn chế về đối tượng tác động của cơ quan TTNQ, trong đó, đối tượng mà cơ quan TTNQ không được quyền tác động, can thiệp thường là các cá nhân có thẩm quyền là như Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án tối cao. Đối với cơ quan nhà nước thì đại đa số pháp luật các nước đều quy định cơ quan TTNQ không được can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án. Chỉ một số rất ít nước pháp luật cho phép can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án nhưng cũng chỉ giới hạn trong trường hợp mà hoạt động xét xử của Tòa án không bảo đảm về thời hạn theo quy định của pháp luật.
Về cách thức “can thiệp” và các biện pháp bảo đảm cho sự “can thiệp”, pháp luật về cơ quan TTNQ của các nước đều quy định cách thức can thiệp là “kiến nghị” mà không trực tiếp làm “thay đổi” hoặc “làm thay” hoạt động của các cơ quan nhà nước bị “can thiệp”. Các cơ quan nhà nước bị “can thiệp” có nghĩa vụ phải tiếp nhận, nghiên cứu các “kiến nghị” của cơ quan TTNQ và phải có trả lời hoặc giải trình chính đáng trong thời hạn luật định. Nếu không trả lời hoặc không giải trình trong thời hạn luật định thì cơ quan TTNQ sẽ thông báo hoặc báo cáo lên cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền cao hơn như cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan bị can thiệp hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hoặc Tổng thống. Đối với cá nhân người thi hành công vụ tại các cơ quan nhà nước bị “can thiệp”, trong quá trình xem xét, kiến nghị thì cơ quan TTNQ cũng có quyền đưa ra các kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cá nhân người đó, trong đó, tập trung vào 02 dạng trách nhiệm là xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.
Lời kết: có thể nói, để phúc đáp quyền YCBT của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, pháp luật của các nước đã quy định nhiều cơ quan, trong đó, mỗi cơ quan giữ một vai trò nhất định trong quá trình từ lúc đánh giá, xác định tính trái pháp luật của quyết định, hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ cho đến khi GQBT cũng như việc kiểm soát quá trình thực hiện TNBTCNN. Luật TNBTCNN 2017 cũng có nhiều quy định khá tương đồng với pháp luật của các nước, trong đó, quy định rõ về cơ quan GQBT là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, cơ quan GQBT là Tòa án và cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN. Trong thời gian tới khi Luật có hiệu lực thi hành, với những quy định mới rõ ràng hơn, cụ thể hơn, các cơ quan GQBT, quản lý nhà nước về công tác bồi thường sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình có hiệu quả hơn, qua đó, bảo đảm tốt hơn quyền được bồi thường của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.
Tác giả: Lê Thái Phương
Cục Bồi thường nhà nước