Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BTTTT ngày 02 tháng 11 năm 2016 quy định về điều tra sản lượng và giá cước bình quân đối với dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.
Thông tư này áp dụng đối với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều tra sản lượng và giá cước bình quân dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.
Thông tư quy định nguyên tắc xác định như sau: Sản lượng dịch vụ bưu chính phổ cập, đơn vị tính là thư, được xác định dựa trên cơ sở tính toán số liệu từ báo cáo hàng năm của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và kết quả điều tra; Sản lượng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí, đơn vị tính là tờ (báo), cuốn (tạp chí), được xác định dựa trên số liệu từ báo cáo hàng năm của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và kết quả điều tra; Giá cước bình quân một thư cơ bản trong nước, đơn vị tính là đồng Việt Nam, được xác định dựa trên cơ sở tổng hợp, tính toán số liệu từ kết quả điều tra; Giá cước bình quân một thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước và thư cơ bản từ các nước đến Việt Nam, đơn vị tính là đồng Việt Nam, được xác định dựa trên cơ sở tổng hợp, tính toán số liệu từ kết quả điều tra và giá cước thanh toán giữa Việt Nam và các nước theo quy định hiện hành của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) cho mỗi kilôgam (kg) thư; Mức độ sai khác của báo cáo dịch vụ bưu chính công ích, đơn vị tính là %, được xác định dựa trên kết quả đối chiếu giữa số liệu trên các báo cáo tổng hợp và số liệu trên các báo cáo, sổ sách chi tiết, chứng từ giao nhận (sau đây gọi tắt là tài liệu, chứng từ) tại các đơn vị được lựa chọn điều tra; Số thư bình quân trong một kilôgam thư là số nguyên dương. Nếu số thư bình quân trong một kilôgam thư theo tính toán là số thập phân thì làm tròn thành số nguyên theo nguyên tắc làm tròn số thập phân: kết quả sau dấu phẩy lớn hơn hoặc bằng năm (05) thì số liệu được làm tròn lên; kết quả sau dấu phẩy nhỏ hơn năm (05) thì số liệu được làm tròn xuống.
Việc điều tra được thực hiện theo quyết định, phương án của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nội dung phương án điều tra gồm: Mục đích; Đối tượng, đơn vị và phạm vi; Nội dung; Thời gian; Mẫu; Kinh phí. Thành phần tham gia điều tra là đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lựa chọn điều tra; Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Thông tư cũng quy định, việc điều tra sản lượng và giá cước bình quân dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí nhằm thu thập số liệu, thông tin cho các nội dung sau: Xác định số thư bình quân trong một kilôgam thư và giá cước bình quân một thư đối với dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước, dịch vụ thư cơ bản từ các nước đến Việt Nam (sau đây gọi là dịch vụ thư cơ bản quốc tế) và dịch vụ thư cơ bản trong nước; Xác định tỷ lệ chênh lệch về sản lượng theo các báo cáo (sau đây gọi tắt là tỷ lệ chênh lệch) đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước, dịch vụ thư cơ bản quốc tế và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí (sau đây gọi là dịch vụ phát hành báo chí); Các nội dung điều tra khác theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc điều tra được thực hiện hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định nội dung điều tra quy định. Nội dung điều tra phải được phản ánh trung thực, chính xác và đầy đủ trên biểu mẫu; Việc ghi chép, thu thập, tổng hợp số liệu điều tra phải bảo đảm chính xác, không được tính trùng hoặc bỏ sót; Việc lựa chọn mẫu điều tra phải khách quan và đủ số lượng theo yêu cầu.
Việc điều tra được thực hiện ít nhất năm (05) ngày làm việc; liên tục từ thứ hai đến thứ sáu và vào quý II hoặc quý III trong năm.
Mẫu điều tra để xác định các nội dung quy định tại tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư này được quy định như sau:
Về địa điểm điều tra: Việc điều tra đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước được thực hiện ở trung tâm khai thác cấp tỉnh của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tại ít nhất bảy (07) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, bắt buộc thực hiện tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các tỉnh, thành phố khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định hàng năm theo tiêu chí các tỉnh được lựa chọn điều tra trải đều trên toàn quốc và đại diện cho các vùng, miền. Việc điều tra đối với dịch vụ thư cơ bản quốc tế được thực hiện tại tất cả các bưu cục ngoại dịch của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Về khối lượng thư điều tra: Đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước: Mỗi ngày trong đợt điều tra, thực hiện điều tra 10 kg thư tại mỗi địa điểm điều tra được lựa chọn. Đối với dịch vụ thư cơ bản quốc tế: Mỗi ngày trong đợt điều tra, thực hiện điều tra 20 kg thư đối với từng nội dung điều tra tại mỗi địa điểm điều tra. Trường hợp khối lượng thư điều tra không đủ so với các yêu cầu nêu trên thì thực hiện điều tra toàn bộ khối lượng thư thực tế trong ngày.
Mẫu điều tra để xác định các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này như sau:
Về địa điểm điều tra: Việc điều tra đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước và dịch vụ phát hành báo chí được thực hiện tại ít nhất bảy (07) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chí các tỉnh được lựa chọn điều tra trải đều trên toàn quốc và đại diện cho các vùng, miền. Tại mỗi tỉnh, thành phố này, thực hiện điều tra tại 100% bưu cục giao dịch cấp tỉnh, tại ít nhất 10% bưu cục giao dịch cấp huyện, 5% bưu cục giao dịch khác và 10% đơn vị cấp huyện. Việc điều tra đối với với dịch vụ thư cơ bản quốc tế được thực hiện tại tất cả các bưu cục ngoại dịch của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Tài liệu điều tra: Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định lựa chọn báo cáo của tháng bất kỳ (trước đợt điều tra) để thực hiện việc điều tra.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 12 năm 2016. Các nội dung quy định về điều tra thống kê dịch vụ bưu chính công ích quy định tại Thông tư số 20/2009/TT-BTTTT ngày 28/5/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về báo cáo thông kê và điều tra thống kê dịch vụ bưu chính công ích hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.