Giải pháp khắc phục hạn chế hạn chế trong quá trình lập, triển khai thực hiện chương trình XD luật, pháp lệnh

31/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email


Lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là giai đoạn đầu tiên của quy trình xây dựng luật, pháp lệnh bảo đảm cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động, hoạt động có kế hoạch trong việc xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh; bảo đảm việc xây dựng và ban hành các văn bản luật, pháp lệnh không thể tùy tiện mà phải đặt trong tầm nhìn chiến lược mang tính quy hoạch tổng thể, với những kế hoạch dài hạn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được quy định cụ thể trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, Luật ban hành VBQPPL năm 2008 dành hẳn một mục riêng quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, quyền hạn của các chủ thể trong việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (từ Điều 31 đến Điều 51).

  1. Thực trạng quá trình lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua
Thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy trình lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị đề xuất vào chương trình, soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý đến xem xét, thông qua.
Về phía các Bộ, cơ quan ngang bộ: nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trên cơ sở sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì các đồng chí Bộ trưởng đã có sự quan tâm hơn, hầu hết các dự án luật, pháp lệnh đều do các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan hiện quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo được tăng cường trong tất cả các giai đoạn của quy trình. Cụ thể, trong việc lập dự kiến Chương trình, công tác tổng kết thi hành pháp luật, tổ chức nghiên cứu xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách trong hồ sơ đề nghị được các cơ quan quan tâm vào cuộc sớm.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể và quyết liệt hơn đối với từng đề nghị, từng dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đã bố trí nhiều thời gian hơn trong phiên họp Chính phủ cho việc thảo luận, cho ý kiến về đề nghị, đồng thời Chính phủ xem xét đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ về Chương trình tại nhiều phiên họp và tổ chức một số chuyên đề về xây dựng pháp luật([1]). Đặc biệt, đối với những khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành, Chính phủ thông qua Văn phòng Chính phủ chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó.
Về phía Bộ Tư pháp: Bộ Tư pháp đã có sự phối hợp, chủ động hướng dẫn, đôn đốc cơ quan chủ trì đề xuất dự án trong việc xây dựng hồ sơ, lập đề nghị đưa dự án vào Chương trình([2]), chủ động thẩm định các đề nghị của các Bộ, ngành, phối hợp với cơ quan có đề xuất trình Chính phủ cho ý kiến. Hàng tháng, quý đều có báo cáo trình Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trong năm hai năm 2017 và năm 2018, Bộ Tư pháp đã tăng cường tập huấn hoặc làm việc trực tiếp với bộ, ngành để hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh… theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bên cạnh đó đã chủ trì, phối hợp xây dựng và phát hành các cuốn tài liệu về về phân tích chính sách, đánh giá tác động của chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản…
Về phía các cơ quan của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban pháp luật: trong thời gian qua Ủy ban pháp luật đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp ngay từ đầu, chủ động làm việc với các bộ, ngành trong việc xác định yêu cầu xây dựng luật và lập đề nghị Chương trình; tham mưu, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công cơ quan thẩm tra các dự án được đề nghị đưa và Chương trình. Các ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan có đề xuất dự án vào Chương tình thuộc lĩnh vực phụ trách và chủ động nghiên cứu, có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi đến Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian hơn cho việc xem xét các đề xuất đưa dự án vào Chương trình trước khi trình Quốc hội thảo luật, quyết định.
Mặc dù đã có tiến bộ, nhưng việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tiếp tục được khắc phục cụ thể là:
- Về chất lượng của các hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh: các bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức thỏa đáng cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; không ít báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết còn sơ sài; đánh giá về dự kiến nguồn lực hoặc dự kiến nguồn lực còn định tính, thiếu định lượng, ảnh hướng đến tính khả thi của dự án; có những dự án không có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;
- Việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án còn hình thức, đối tượng lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan với nhiều dự án còn nặng về hình thức; nhiều cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản đồng ý;
- Về hồ sơ của các đề nghị: nhiều báo cáo quan trọng trong hồ sơ (như báo cáo đánh giá tác động chính sách, báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật…) chưa thể hiện là tài liệu chính thức; chưa thể hiện được rõ quan điểm của cơ quan trình về chính sách trong các đề nghị xây dựng luật;
- Tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên([3]);
- Dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được trình đồng thời trong hồ sơ của một số dự án luật. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn trường hợp nợ nhiều năm chưa được ban hành([4]);
- Chủ trương bố trí nhiều dự án luật tại kỳ họp đầu năm, bố trí ít dự án luật tại kỳ họp cuối năm để kỳ họp cuối năm dành thời gian cho Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, và các vấn đề quan trọng khác không đạt được. Điều này đã ảnh hưởng tới Chương trình kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Bên cạnh đó, xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi thuế, đất đai…cũng làm hco hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật([5]).
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong qua trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Qua đó để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh có đề xuất một số những giải pháp khắc phục các hạn chế nêu trên
  1. Giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
2.1. Chuẩn bị kỹ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh
- Đề xuất đưa dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình phải có đầy đủ căn cứ, khoa học và thực tiễn; dự liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung, các chính sách trong dự án; thể hiện rõ từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ thảo luật và biểu quyết thông qua chính sách trong từng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và có nghị quyết của Chính phủ trong hồ sơ đề xuất đưa dự án vào Chương trình.
- Công tác tổng kết phải làm từ sớm, thực chất, bảo đảm thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định tại Điều 34 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo tổng kết phải có số liệu cụ thể phản ánh được tình hình của địa phương và trung ương.
- Đánh giá tác động của chính sách cần được đầu tư thời gian, công sức để thực hiện kỹ càng. Chú trọng việc đánh giá đối với từng chính sách mới bảo đảm việc đánh giá tác động thực chất, đầy đủ nội dung, dự kiến nguồn lực thực hiện…theo đúng và đủ yêu cầu tại Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Việc tổ chức lấy ý kiến thực hiện theo đúng quy định tại Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong hồ sơ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, khắc phục triệt để tình trạng không có ý kiến hoặc văn bản góp ý có nội dung quá sơ sài, ngắn gọn, không rõ chính kiến. Đối với các đề nghị không do Chính phủ trình phải xin ý kiến bằng văn bản của Chính phủ.
Các báo cáo, tài liệu quan trọng trong hồ sơ đề nghị (như báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động…) phải là văn bản chính thức, có chữ ký và đóng dấu. Hồ sơ đề xuất xây dựng luật của Chính phủ phải được Chính phủ xem xét thông qua, không chỉ là hồ sơ của cơ quan chủ trì soạn thảo.
2.2. Tăng cường vai trò và đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì
- Cơ quan được phân công soạn thảo cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định rõ nội dung, lộ trình soạn thảo xây dựng các dự án được giao phụ trách; tập trung nguồn lực, thời gian soạn thảo bảo đảm thực hiện đúng quy trình, tiến độ và chất lượng; bảo đảm dự án trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và hình thức, kỹ thuật soạn thảo;
- Trong quá trình soạn thảo phải thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các dự án phải lấy ý kiến đầy đủ của đối tượng chịu sự tác động;
- Trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nếu đề xuất bổ sung chính sách mới vào dự án thì thực hiện đánh giá tác động của chính sách và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Hạn chế những nội dung giao quy định chi tiết trong dự thảo luật; bảo đảm có đầy đủ dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ trình dự án; nội dung giao quy định chi tiết (nếu có) phải quy định rõ chủ thể, thẩm quyền, không ủy quyền quy định chi tiết; dự liệu đủ thời gian chỉnh lý và tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, thẩm định dự án; kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình;
- Chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự án. Định kỳ trước ngày 30 hằng tháng báo cáo tình hình và tiến độ chuẩn bị dự án đã được phân công; nêu rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo và đề xuất kiến nghị giải pháp gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ; gửi Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì thẩm tra để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban soạn thảo phải hoạt động thường xuyên, thực chất, có kế hoạch cụ thể (trong đó thể hiện rõ tiến độ, công việc phải thực hiện, trách nhiệm của từng thành viên), thực hiện tốt việc kiểm tra, đôn đốc việc triển khai công việc của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tổng hợp báo cáo cơ quan có trách nhiệm. Từng thành viên Ban soạn thảo phải sắp xếp công việc,dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của Ban soạn thảo; không cử cán bộ dưới quyền tham dự thay;
- Người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đặc biệt chú trọng và đề cao vai trò trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng văn bản, từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi thông qua dự án; trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, chất lượng và tiến độ trình các dự án do cơ quan mình chủ trì chuẩn bị và phải có mặt tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời báo cáo, giải trình khi được yêu cầu.
3. Phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định và đầu mối giúp Chính phủ trong xây dựng pháp luật
- Nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Chính phủ; chú trọng tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách, quy định trong dự thảo văn bản và mức độ tương thích giữa nội dung của chính sách trong đề nghị, dự án với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Kiên quyết báo cáo đề nghị Chính phủ không đưa vào dự kiến Chương trình những dự án luật chưa rõ về chính sách; không đưa vào Chương trình những dự án không bảo đảm chất lượng, tiến độ, không đầy đủ hồ sơ.
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình; công khai tình hình soạn thảo các dự án luật chưa bảo đảm tiến độ trình trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; tăng cường làm việc với Ban soạn thảo các dự án thuộc Chương trình để trực tiếp nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tiến độ chuẩn bị các dự án, kịp thời hỗ trợ, tham gia xây dựng dự án.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
4. Chính phủ chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, nâng cao kỷ luật trong xây dựng pháp luật          
- Đề nghị Chính phủ dành thời gian nhiều hơn nữa trong các phiên họp cho việc thảo luận tập thể để bàn sâu, thảo luận kỹ về từng chính sách được đề xuất và về các dự án luật, nội dung mà Bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm thống nhất ý kiến giữa các Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
- Có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án; đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tổ chức lấy ý kiến, huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sự phản biện từ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, chuẩn bị dự án, chấn chỉnh việc tham gia ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan được lấy ý kiến phải làm hết trách nhiệm, bên cạnh việc cho ý kiến vào những nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, còn phải chú trọng nghiên cứu, cho ý kiến đối với những lĩnh vực khác. Kiên quyết chưa xem xét việc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án không bảo đảm chất lượng, chậm tiến độ, không đầy đủ hồ sơ.
- Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc không hoàn thành Chương trình để kịp thời báo cáo Quốc hội, nhất là những dự án không chuẩn bị kịp, chất lượng chuẩn bị không bảo đảm phải lùi, rút khỏi Chương trình.
- Chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, nhất là những dự án luật có nội dung nhạy cảm ngay từ giai đoạn đề xuất chính sách, soạn thảo và trong quá trình thảo luận, xem xét tại Quốc hội nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với dự án luật khi được Quốc hội thông qua và trong quá trình triển khai thực hiện; khắc phục tình trạng thời gian qua có dự án mới chỉ trong giai đoạn đề xuất chính sách của Bộ, ngành nhưng đã có nhiều thông tin trái chiều từ phía người dân; nhưng cũng có dự án mặc dù đã được đăng tải công khai, tổ chức lấy ý kiến nhiều lần và được trình Quốc hội 2 - 3 kỳ họp nhưng người dân vẫn không hiểu rõ về nội dung của dự án.
- Khẩn trương xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch triển khai để kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII); đồng thời chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những văn bản quy phạm pháp luật khác có vướng mắc, bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bảo đảm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
- Khi có yêu cầu bổ sung dự án mới thì chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng và thông báo sớm về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm đủ hồ sơ trình và thời hạn trình văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi trình dự án luật dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật khác thì phải có đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng và có giải pháp thực hiện bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, tránh việc đề nghị sửa đổi, bổ sung văn bản khác mà chưa có hồ sơ đề xuất theo quy định.
- Chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tiến tới không còn tình trạng tồn động, nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.
- Đối với các dự án thuộc Chương trình năm 2019, Chính phủ cần:
+ Chỉ đạo các Bộ có liên quan khẩn trương đề xuất và xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung các luật để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 đã được nêu trong các Kế hoạch của Bộ Chính trị thuộc lĩnh vực phụ trách và phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 hoặc năm 2020.
+ Chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ dự kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
+ Chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), những dự án luật mới được bổ sung vào Chương trình năm 2019 bảo đảm chất lượng và gửi các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Những dự án luật có nội dung lớn, phức tạp sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 2 phiên họp trước khi trình Quốc hội. Hồ sơ dự án phải được gửi các cơ quan của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức thẩm tra.
+ Đối với những dự án thuộc Chương trình năm 2019, thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất là phiên họp tháng 4/2019 (đối với những dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7), phiên họp tháng 9/2019 (đối với những dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).
5. Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng thẩm tra, tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội:
- Phát huy trách nhiệm của tập thể Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban cũng như của toàn thể Hội đồng, Ủy ban trong việc thẩm tra, tham gia thẩm tra, chỉnh lý dự án sau khi được Quốc hội cho ý kiến; thẳng thắn, kiên quyết trong việc thể hiện quan điểm của Hội đồng, Ủy ban; đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Hội đồng, Ủy ban phải có chính kiến, nêu rõ các phương án để làm cơ sở cho việc biểu quyết khi cần thiết.
- Cơ quan được giao chủ trì thẩm tra chủ động nghiên cứu, theo dõi, tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình, cơ quan soạn thảotrong việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh cũng như quá trình soạn thảo dự án đã được đưa vào Chương trình để nắm thông tin giúp nâng cao hiệu quả của công tác thẩm tra; chủ động tăng cường tổ chức khảo sát, tổ chức hội nghị, tọa đàm để tham khảo thực tiễn, lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động... phục vụ có hiệu quả công tác thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật. Kiên quyết không thẩm tra dự án nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc được gửi chậm so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị không đưa ra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án không bảo đảm chất lượng.
- Cơ quan được giao tham gia thẩm tra phải nâng cao trách nhiệm phối hợp thẩm tra, chủ động phối hợp với cơ quan thẩm tra để xử lý các vấn đề liên quan; có ý kiến tham gia bằng văn bản, nhất là về những nội dung liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách; tăng cường trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Pháp luật trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; cử đại diện tham dự, báo cáo ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng, Ủy ban mình tại phiên họp thẩm tra của cơ quan chủ trì.
6. Tăng cường công tác phối hợp trong suốt quá trình xây dựng pháp luật
- Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Quốc hội thường xuyên trao đổi, phối hợp chỉ đạo cho ý kiến về những vấn đề lớn, định hướng chỉnh lý của các dự án luật để tạo sự đồng thuận giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội với cơ quan của Chính phủ khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án, nếu cơ quan soạn thảo có ý kiến khác với cơ quan thẩm tra dự án thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; nếu Chính phủ có ý kiến khác với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
- Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình xây dựng luật, pháp lệnh từ khi lập đề nghị đưa dự án vào Chương trình đến thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và cả trong quá trình triển khai thực hiện luật, pháp lệnh. Thực hiện đúng yêu cầu về báo cáo tiến độ hằng tháng đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội([6]).
- Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội chuyên trách được sớm tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh.
- Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các cơ quan ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án; tổ chức thảo luận, tham gia ý kiến góp phần hoàn thiện dự án. Báo cáo tham gia ý kiến của Đoàn phải bảo đảm chất lượng, tránh hình thức, chú ý phản ánh được những đặc thù của địa phương để có những kiến nghị xác đáng.
- Đại biểu Quốc hội tại phiên họp không phát biểu lặp lại các ý kiến thảo luận đã được tập hợp, tổng hợp gửi cho đại biểu Quốc hội để tiết kiệm thời gian; đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của các cơ quan thẩm tra có thể đăng ký tham gia hoạt động thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh mà mình quan tâm tại Hội đồng Dân tộc hoặc các Ủy ban của Quốc hội.
 
Vụ VĐCXDPL
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
  2. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
  3. Tài liệu Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật tháng 7/2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
  4. Báo cáo số 346/BC-CP ngày 24/8/2018 của Chính phủ báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
  5. Các báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết của Bộ Tư pháp trình Chính phủ trong năm 2018.
 
([1]) Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2018.
([2]) Công văn 1653/BTP-VĐCXDPL về nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật, pháp lệnh.
([3]) Năm 2017, bổ sung 06 dự án, lùi thời gian trình 05 dự án, rút khỏi Chương trình 03 dự án, 02 dự án được thông qua theo quy tình 3 kỳ họp. Năm 2018 điều chỉnh thời gian trình 03 dự án, bổ sung Chương trình 10 dự án.
([4]) Theo báo cáo số 346/BC-CP ngày 24/8/2018 của Chính phủ báo cáo Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội năm 2018 Tính đến ngày 15/8/2018, kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết cụ thể như sau:Đối với văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực: đã ban hành được 140/152 văn bản (58 nghị định, 04 quyết định, 72 thông tư, 06 thông tư liên tịch), đạt 92,11 % (xin xem Phụ lục 2). Còn 12/152 văn bản (06 nghị định, 01 quyết định, 05 thông tư) nợ chưa ban hành. Trong số văn bản chưa ban hành có: 03/12 văn bản (03 thông tư) quy định chi tiết của 02 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ năm 2017 trở về trước và 09/12 văn bản (06 nghị định, 01 quyết định, 02 thông tư) quy định chi tiết của 09 luật mới có hiệu lực trong năm 2018.
([5])  Ban hành Luật Quy hoạch dấn đến phải sửa 37 luật có liên quan đến quy hoạch và một loạt các pháp lệnh khác có liên quan. Xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi) dãn đến yêu cầu sửa đổi, bổ sung ban hành mới 09 luật, pháp lệnh…
([6]) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên thực hiện việc báo cáo tiến độ hằng tháng.

Xem thêm »