Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật cư trú

05/04/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu chủ trì phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội sáng nay, 5-4-2006 đã đề nghị các Uỷ viên Uỷ ban tập trung cho ý kiến để làm rõ nội dung cốt yếu, xuyên suốt trong Dự án Luật cư trú là việc bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho dân sinh sống.

Các ý kiến đều thấy rằng: Tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước ta ghi nhận ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và đến nay, quyền cơ bản đó vẫn tiếp tục được khẳng định trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, trong Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, giữa yêu cầu dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, công tác quản lý nhà nước về cư trú với yêu cầu bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân là vấn đề rất phức tạp được xã hội quan tâm.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với việc ban hành Luật cư trú là phải cân đối hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng với lợi ích cá nhân.

Đa số ý kiến tán thành với Dự án Luật là giữ nguyên mô hình quản lý cư trú như hiện nay với những cải tiến và đơn giản hoá các thủ tục trình tự, điều kiện đăng ký cư trú, tạo thuận lợi cho dân trong việc đăng ký cư trú và góp phần đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú; đồng thời vẫn giúp cho công tác quản lý nhà nước về cư trú được chặt chẽ.

Ông Vũ Đức Khiển, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định về những trường hợp phải đăng ký tạm trú trong Dự án Luật là quá rộng như: "Người từ 14 tuổi trở lên mỗi lần đến cư trú ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú của mình thì phải đăng ký tạm trú".

Quy định như vậy là không thực tế, khó khả thi đối với những người phải ở lại địa phương nơi mình không có hộ khẩu thường trú một vài ngày như đi thăm người thân, gặp bạn bè... có nhất thiết phải đăng ký tạm trú hay không?

Các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội: Nguyễn Đức Kiên, Trần Thị Tâm Đan, Tráng A Pao đồng tình với quy định tại Khoản 5- Điều 11 của Dự án Luật là nghiêm cấm sử dụng hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và cho đây là bước tiến mới trong việc bảo đảm quyền tự do cư trú và lựa chọn nơi cư trú của công dân; đảm bảo cho công dân Việt Nam dù cư trú ở đâu cũng vẫn được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình và quyền bình đẳng như mọi công dân khác.

Về vấn đề này, Bà Trần Thị Tâm Đan băn khoăn về thực tế ở đô thị không thể đáp ứng được đầy đủ cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng cho người dân. Cho nên, dù muốn hay không vẫn cần có những biện pháp để cân đối giữa lợi ích và khả năng của Nhà nước, của cộng đồng với lợi ích của công dân.

Đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm chủ trương này sẽ được triển khai thực hiện trên thực tế như thế nào khi vẫn tồn tại sự chênh lệch về điều kiện sống giữa khu vực đô thị và nông thôn dẫn đến tình trạng di cư gây quá tải ở đô thị.

Bà Trần Thị Tâm Đan cho rằng, điều kiện học hành ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn hiện nay rất khó khăn, vì sĩ số của một lớp quá cao (từ 40 đến 60 em), như vậy không đảm bảo chất lượng mà điều kiện tốt nhất là chỉ 20 học sinh/lớp.

Như vậy nếu để tình trạng dân ở các địa phương di chuyển quá đông ra các thành phố thì sẽ gây sức ép lớn về việc làm, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng về giáo dục, y tế, an ninh trật tự cũng như khả năng quản lý. Do vậy điều kiện cư trú cần tập trung vào 2 điều kiện là có nhà ở hợp pháp và có việc làm.

(Theo TTXVN)

Xem thêm »