Thiết chế ủy ban trong quy trình lập pháp, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

08/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email


1. Vai trò của các Ủy ban của Quốc hội
Ủy ban của Quốc hội hay các ủy ban thuộc Nghị viện được hiểu là một tập hợp các nghị sĩ được phân công làm một số công việc cụ thể của Quốc hội. Hầu hết các nước quy định chức năng chính của các ủy ban là thẩm tra dự luật, các báo cáo, chương trình, dự án khác được Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của ủy ban. Những công việc này có thể là những nội dung công việc đơn lẻ, có thời hạn xác định cụ thể hoặc là những công việc kéo dài trong suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ của nghị viện.
Ở mỗi nước sẽ quy định việc thành lập các ủy ban khác nhau. Về số lượng các ủy ban ở nghị viện các nước sẽ được quyết định dựa trên cơ sở cơ cấu, tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Ở Nga, Viện Đuma Quốc gia Nga thành lập 28 ủy ban, trong đó có những Ủy ban quan trọng như Ủy ban xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp-pháp luật.
Để đảm nhiệm khối lượng công việc lớn, phức tạp, Nghị viện Mỹ phân chia nhiệm vụ cho các ủy ban. Thượng nghị viện và Hạ nghị viện đều có hệ thống các ủy ban riêng. Các ủy ban hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động riêng của mình. Về cơ cấu tổ chức, nghị viện Hoa Kỳ thành lập 3 loại ủy ban.
- Ủy ban thường trực là ủy ban được thành lập trong suốt nhiệm kỳ của Nghị viện. Các ủy ban thường trực có nhiệm vụ thẩm tra các dự luật. Ngoài ra, ủy ban này còn có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan, các chương trình, dự án.
- Ủy ban đặc biệt được Nghị viện thành lập nhằm thực hiện những nhiệm vụ nhất định như tiến hành điều tra, nghiên cứu. Ủy ban đặc biệt có thể tồn tại lâu dài hoặc lâm thời.
- Ủy ban chung là ủy ban được thành lập gồm thành viên của cả 2 viện nhằm giải quyết những bất đồng giữa Thượng nghị viện và Hạ nghị viện trong quá trình xem xét, giải quyết một vấn đề cụ thể của nghị viện.
Trong cơ cấu tổ chức của Hạ nghị viện Nhật Bản, ủy ban có vai trò quan trọng. Cũng giống như Thượng nghị viện, hệ thống thường trực của Hạ nghị viện gồm 17 ủy ban, mỗi ủy ban có từ 20 đến 50 thành viên. Theo quy định, mỗi hạ nghị sỹ phải tham gia ít nhất một ủy ban thường trực của Hạ nghị viện. Thông thường, các ủy ban của cả 2 viện được thành lập tương ứng với các lĩnh vực do Chính phủ phụ trách.
Theo quy định của luật, ở Thụy Điển, cơ cấu tổ chức của Quốc hội có 16 ủy ban chuyên trách. Theo quy định, số lượng thành viên của mỗi ủy ban là số lẻ và không ít hơn 15 người. Ở Thụy Điển, Ủy ban về Hiến pháp và Ủy ban về tài chính là quan trọng hơn cả.
Ở Trung quốc, ủy ban chuyên môn và cơ quan chức năng của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc. Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc thành lập các ủy ban chuyên môn như Ủy ban dân tộc, Ủy ban pháp luật, Ủy ban kinh tế tài chính, Ủy ban y tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, Ủy ban đối ngoại, Ủy ban Hoa kiều và các Ủy ban cần thiết khác. Trong thời gian Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không họp, các ủy ban chuyên trách chịu sự lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc.
Việc thành lập các ủy ban trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội xuất phát từ lý do cơ bản là nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Quốc hội là một diễn đàn lớn để xem xét các vấn đề mang tính chi tiết và kỹ thuật như xem xét các dự luật. Việc phân chia công việc xem xét, thẩm tra các dự luật của Quốc hội cho các ủy ban làm cho công việc của Quốc hội được chia nhỏ thành các nội dung cụ thể và có thể được tiến hành song song với nhau. Cách làm này tiết kiệm tối đa thời gian làm việc của Quốc hội, nhất là trong điều kiện thời gian hoạt động của Quốc hội luôn luôn bị hạn chế.
Tổ chức Quốc hội thành các ủy ban còn giúp cho các nghị sĩ phát huy khả năng chuyên môn của mình, có điều kiện đi sâu vào những vấn đề mình quan tâm đồng thời có điều kiện theo dõi tốt hơn hoạt động của các bộ ngành thuộc nhánh hành pháp trong lĩnh vực mình phụ trách. Ngoài ra, cơ chế hoạt động theo các Ủy ban còn làm tăng thêm tính chắc chắn cho các quyết định của Quốc hội trên cơ sở các thông tin do hệ thống ủy ban cung cấp.
4. Thẩm tra dự luật của các ủy ban (Giai đoạn Ủy ban)
Nhiều nước trên thế giới, thẩm tra là quy trình bắt buộc được các ủy ban của Quốc hội thực hiện khi các dự luật trình Quốc hội. Các quốc gia đều cho rằng, giai đoạn ủy ban là giai đoạn quan trọng của quy trình lập pháp, theo đó, các dự luật phải được xem xét, thảo luận kỹ lượng bởi cơ quan chủ trì thẩm tra. Giai đoạn thẩm tra ở nhiều nước được thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối dài. Một số nước còn tổ chức các phiên điều trần, trưng cầu dân ý và tiến hành nhiều hoạt động tham vấn ý kiến. Thậm chí, có nước còn mời đối tượng chịu sự tác động trực tiếp đến để nghe ý kiến của họ về dự luật.
Ở Australia, dự luật được chuyển đến các ủy ban để xem xét và đưa ra các báo cáo tham vấn. Việc xem xét dự luật tại các ủy ban thường đi sâu vào chi tiết của dự luật, là những công việc khó có thể thực hiện có hiệu quả tại phiên họp toàn thể của Hạ nghị viện. Các ủy ban có thể tiến hành các thủ tục đặc biệt để xem xét dự luật như tiến hành các phiên điều trần để thu thập chứng cứ, lấy ý kiến của các chuyên gia hoặc các nhóm lợi ích…Mặc dù vậy, các ủy ban của Hạ nghị viện Australia cũng chỉ đưa ra các báo cáo có tính chất tham vấn mà không được quyền chỉnh sửa các dự luật.
Điều 43 Hiến pháp Đức quy định về quyền yêu cầu có mặt, quyền tiếp cận và quyền trình bày, theo đó, Hạ nghị viện và các ủy ban của Hạ nghị viện có thể yêu cầu sự hiện diện của bất kỳ thành viên nào của Chính phủ Liên bang. Các thành viên của Thượng nghị viện và của Chính phủ Liên bang cũng như các đại diện của họ có thể tham dự tất cả các phiên họp của Hạ nghị viện và các phiên họp của các ủy ban của Hạ nghị viện. Họ có quyền trình bày vào bất kỳ lúc nào.
Việc xem xét dự luật ở các ủy ban thường được thực hiện như sau: dự luật có nội dung thuộc phạm vi thẩm quyền của ủy ban nào thì sẽ được chuyển tới ủy ban đó. Nếu dự luật có nội dung thuộc phạm vi thẩm quyền của nhiều ủy ban khác nhau thì dự luật được gửi tới các ủy ban có liên quan. Tùy thuộc quy trình lập pháp của từng nước, dự luật có thể được xem xét trước ở một ủy ban rồi chuyển sang xem xét tiếp ở ủy ban khác; hoặc dự luật được xem xét đồng thời ở mỗi ủy ban về nội dung có liên quan đến thẩm quyền của ủy ban đó. Một số nước, khi xem xét dự luật, ủy ban chủ trì thẩm tra có thể mời các ủy ban có liên quan tham dự phiên thẩm tra, hồ sơ thẩm tra dự luật thường được gửi cho các ủy ban có liên quan xem xét trước khi tiến hành phiên thẩm tra. Đối một số dự luật có nội dung phức tạp, một số nước cho phép thành lập ủy ban lâm thời hoặc ủy ban đặc biệt để thẩm tra. Thành phần của Ủy ban lâm thời hoặc Ủy ban đặc biệt là đại diện các ủy ban có liên quan, các nghị sỹ không thuộc ủy ban nào. Ngoài ra, một số nước còn cho phép mời các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia thẩm tra dự luật.
Việc xem xét dự luật ở các ủy ban có vai trò rất quan trọng. Tại các ủy ban, dự luật sẽ được xem xét một cách chi tiết (cả nội dung và kỹ thuật soạn thảo). Đặc biệt, ở một số nước như Italia, Tây ban nha…các ủy ban được trao nhiều quyền trong giai đoạn xem xét dự luật. Cơ quan, đại biểu quốc hội trình dự luật có thể được mời dự các phiên họp của ủy ban và có thể bị chất vấn. Các ủy ban có thể mời chuyên gia cho ý kiến. Sau khi xem xét, ủy ban sẽ chuẩn bị Báo cáo trình ra Nghị viện, trong đó nêu quan điểm của thành viên ủy ban, các đề xuất về việc sửa đổi dự luật.
Việc xem xét dự luật tại các ủy ban của nghị viện nhằm mục đích xem xét một cách cụ thể về từng điều luật theo thứ tự để có thể có những đề xuất sửa đổi. Đây là giai đoạn cung cấp những kiến thức chuyên sâu về chính sách được thể hiện trong dự luật và cũng là giai đoạn giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp nhất của dự luật, tạo ra những khoảng không gian và thời gian cần thiết để phân tích và thảo luận về dự luật một cách hiệu quả hơn so với các phiên họp toàn thể, tránh cho nghị viện phải mất thời gian bàn những vấn đề chuyên sâu về chuyên môn. Do đó, ở các nước, giai đoạn xem xét tại ủy ban thường chiếm nhiều thời gian nhất trong quy trình xem xét dự luật ở giai đoạn nghị viện.
Thông thường, giai đoạn xem xét dự luật tại ủy ban được thực hiện với các bước cơ bản sau:
Bước 1: Ủy ban tiến hành các hoạt động nhằm nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về dự luật. Ở bước này, các ủy ban ở hạ nghị viện Hoa Kỳ thường tìm kiến thông tin về dự luật trước hết từ các bộ, ngành có liên quan, đồng thời, gửi dự luật cho văn phòng kiểm toán của nghị viện kèm theo yêu cầu cơ quan này phải có một báo cáo chính thức về sự cần thiết và những yêu cầu đối với việc ban hành luật đó. Ở Canada, ủy ban có thể dựa vào nội dung của dự luật để tiến hành các cuộc điều trần, thu thập chứng cứ, mời nhân chứng đến để trình bày; khi đó, các bộ trưởng, các chuyên gia, đại diện công chúng có mặt như là những nhân chứng tham gia điều trần trước ủy ban. Các cuộc điều trần cũng được ủy ban hoặc các tiểu ban thuộc ủy ban của Hạ nghị viện Hoa Kỳ tiến hành với những dự luật quan trọng để những người ủng hộ hay phản đối dự luật đó trình bày quan điểm của mình. Sau khi đã hoàn tất các phiên điều trần, tiểu ban thường tổ chức phiên họp đánh giá để xem xét, đánh giá về dự luật. Tại phiên đánh giá, quan điểm của cả hai phía được đưa ra nghiên cứu một cách chi tiết và khi kết thúc thảo luận, tiểu ban sẽ biểu quyết để quyết định ủng hộ hoàn toàn hay ủng hộ với điều kiện cần có những sửa đổi, bổ sung đối với dự luật; không tán thành với dự luật.
Thông thường, trong quá trình xem xét dự luật tại ủy ban, các thành viên ủy ban cũng sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của công chúng về dự luật để đưa ra những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với dự luật. Các tổ chức có lợi ích liên quan, công dân có thể tác động tới quá trình xem xét dự luật của các ủy ban thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc yêu cầu có một cuộc phỏng vấn với thành viên ủy ban đang xem xét, thẩm tra dự luật... Bằng các cách này, họ có thể đưa ra những quan điểm tranh luận, bày tỏ sự phản đối hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với dự luật.
Bước 2: Ủy ban xem xét, thảo luận về các nội dung cụ thể của dự luật. Ở Hoa Kỳ, tại các phiên họp toàn thể của ủy ban, các tiểu ban có thể trình báo cáo của mình về các dự luật. Các dự luật được đọc theo từng phần để tập thể ủy ban thảo luận về các điểm cần sửa đổi, các thành viên ủy ban có thể đề xuất những sửa đổi phù hợp.
Ở Thụy Điển, việc xem xét dự luật ở giai đoạn ủy ban được thực hiện thông qua các phiên họp của ủy ban. Tại các phiên họp này, ủy ban thường mời các chuyên gia và các đại diện của các tổ chức khác nhau tham dự để thu nhận thêm thông tin và tiếp thu ý kiến. Những phiên họp này được mở công khai cho công chúng và các cơ quan thông tin của Nghị viện. Tại các phiên họp này, các nghị sĩ thảo luận về những vấn đề của dự luật mà họ quan tâm. Thụy điển cũng cho phép thành lập Ủy ban hỗn hợp gồm đại diện các ủy ban để cùng xem xét, thẩm tra dự luật. Luật tổ chức Quốc hội Thụy điển quy định Ủy ban Tài chính được tạo điều kiện để phát biểu ý kiến của mình trước ủy ban thẩm tra nếu dự luật ảnh hưởng lớn đến khoản thu chi của ngân sách nhà nước. Trong quá trình thảo luận ở ủy ban, các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm cung cấp mọi thông tin và trình bày quan điểm của mình.
Các cuộc thảo luận về dự luật tại các ủy ban của Đuma quốc gia Nga được tiến hành công khai và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc thảo luận của ủy ban có sự tham gia của chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan mà dự luật được gửi đến để lấy ý kiến. Báo cáo thẩm tra phải trả lời được các câu hỏi sau: (1) Dự luật có phù hợp với Hiến pháp, các văn bản pháp luật hiện hành không; (2) Cơ cấu dự luật có phù hợp không, có mâu thuẫn giữa các điều luật không, nếu có thì Báo cáo thẩm tra phải đề xuất biện pháp xử lý; (3) Danh mục các văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực, cần sửa đổi, bổ sung.
Ở Mỹ, dự luật được chuyển cho Ủy ban thường trực tương ứng để thẩm tra. ủy ban có thể chuyển dự thảo luật cho các bộ, cơ quan liên quan để lấy ý kiến. Các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm báo cáo ủy ban. Tuy nhiên, các báo cáo này không ràng buộc ủy ban trong việc ủng hộ hay phản đối dự luật. Tùy thuộc vào tầm quan trọng hoặc đụng chạm đến quyền lợi của nhân dân hay vấn đề nhạy cảm mà ủy ban có thể tiến hành điều trần công khai nhằm lấy ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan. Cuộc điều trần được tiến hành với sự tham gia của cơ quan hành pháp, nghị sỹ quốc hội, các học giả nhằm tìm kiếm thông tin về những ưu, nhược điểm của dự luật. Việc điều trần do ủy ban thực hiện được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin công khai, rộng rãi trong phạm vi cả nước. Điều trần là một khâu quan trọng trong quy trình lập pháp ở Mỹ được tiến hành ở giai đoạn ủy ban xem xét dự luật. Tại cuộc họp toàn thể ủy ban, các báo cáo sẽ do các tiểu ban trình bày và có thể đề xuất sửa đổi phù hợp. Ủy ban tiến hành bỏ phiếu về việc dự luật có được tiếp tục xem xét ở nghị viện hay không.
Ở Nhật Bản, sau khi đệ trình, dự luật được chuyển tiếp sang giai đoạn xem xét tại ủy ban. Chủ tịch nghị viện dựa vào nội dung để chuyển dự luật đến ủy ban tương ứng. Các ủy ban của nghị viện thẩm tra chi tiết các dự luật. Giai đoạn ủy ban ở Nhật thường kéo dài hơn rất nhiều so với giai đoạn xem xét tại phiên họp toàn thể. Có thể thấy rằng số phận của dự luật được dự đoán trước ngay từ giai đoạn xem xét ở ủy ban. Ủy ban có thẩm quyền khá lớn, cụ thể là có thể bác bỏ dự luật bằng quyết định dự luật không thể trình nghị viện. Về nguyên tắc, quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự luật bắt buộc phải theo ý kiến của ủy ban nhưng do quá trình thẩm tra được tiến hành công phu, có sự tham gia của các chuyên gia nên ý kiến của ủy ban thường được chấp nhận. Trong quá trình thảo luận, thành viên ủy ban được tự do đặt câu hỏi về quan điểm và nội dung cần xem xét. Số lần phát biểu của thành viên ủy ban không hạn chế. Các nghị sỹ cũng có quyền tự do đưa ra các giải pháp sửa đổi, bổ sung đối với dự luật. Để bảo đảm chất lượng, ủy ban cũng có thể tổ chức các phiên điều trần để nghe ý kiến của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến dự luật. Quá trình thảo luận cho đến khi biểu quyết phải được ghi thành biên bản.
Bước 3: Ủy ban biểu quyết thông qua báo cáo của ủy ban về dự luật hoặc biểu quyết để quyết định nội dung của báo cáo mà toàn thể ủy ban sẽ trình nghị viện. Thông thường, ở các nước theo chính thể đại nghị như Canada hoặc hỗn hợp như Pháp, ủy ban không có quyền bác bỏ các dự luật do Chính phủ trình mà chỉ thể hiện ý kiến của mình về dự luật để trình ra nghị viện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, ủy ban có thẩm quyền rất lớn. Ủy ban có quyền biểu quyết về dự luật để trình ra nghị viện. Trường hợp ủy ban biểu quyết tán thành dự luật, ủy ban có thể trình Hạ nghị viện dự luật mà không có sửa chữa nào, hay trình báo cáo về dự luật gốc cùng với một bản sửa đổi có tính chất như một bản thay thế, bao gồm tất cả những điểm sửa đổi đã được Ủy ban thông qua trước đó, hay có thể trình một dự luật mới đã bao hàm tất cả những sửa đổi đã được ủy ban thông qua. Trong trường hợp này, các tài liệu về quá trình soạn thảo dự luật cũng được trình ra nghị viện để nghị viện có thể tìm hiểu đầy đủ về mối quan hệ giữa dự thảo luật mới và dự thảo luật cũ. Một ủy ban ở Hạ nghị viện Hoa Kỳ cũng có thể hoãn vô thời hạn việc xem xét dự luật hoặc không tiến hành bất cứ hoạt động nào liên quan đến dự luật.
Thông thường, báo cáo của ủy ban là cơ sở để nghị viện tiến hành thảo luận khi thông qua dự luật. Ví dụ, ở Thụy Điển, báo cáo của Ủy ban sẽ nhấn mạnh những vấn đề cần thảo luận trong dự luật. Ở Hoa Kỳ, các báo cáo của ủy ban có thể được xem là một trong những tài liệu có giá trị nhất trong quá trình xem xét thông qua một dự luật. Các báo cáo này được các tòa án, các cơ quan Chính phủ và công chúng tham khảo như một nguồn thông tin về mục đích, ý nghĩa của dự luật. Tuy nhiên, ở một số nước như Cu ba, Đan Mạch, Ấn Độ…, các dự thảo ban đầu lại được xem là cơ sở thảo luận chính, còn các báo cáo của ủy ban chỉ là những kiến nghị về các vấn đề cần sửa đổi.
Ở Nhật, sau khi hoàn thành việc xem xét dự luật, công việc tiếp theo của ủy ban là báo cáo kết quả thảo luận trước nghị viện. Các báo cáo của ủy ban phải được chuẩn bị bằng văn bản, giải thích ngắn gọn lý do ủy ban đưa ra quyết định. Trong quá trình thảo luận của ủy ban có sự tham gia của Chính phủ thì quan điểm của Chính phủ về dự luật phải được đưa vào báo cáo của ủy ban. Nhật Bản cũng cho phép nghị sỹ khi không nhất trí với báo cáo của ủy ban có quyền trình bày ý kiến trước nghị viện.
Ở Uganda, dự luật sẽ chịu sự soi xét chi tiết theo từng điều khoản tại các ủy ban của nghị viện. Công đoạn ủy ban được coi là quan trọng nhất trong quy trình lập pháp ở Uganda. Sau khi được trình ở lần đọc thứ nhất, dự luật được chuyển tới ủy ban thích hợp để ủy ban xem xét, thẩm tra, ra báo cáo nêu quan điểm và kiến nghị của ủy ban về dự luật. Các ủy ban thuộc nghị viện Uganda đã bác bỏ nhiều dự luật mà hành pháp rất quan tâm và buộc cơ quan trình dự luật phải sửa đổi chúng. Uganda cho rằng cần đăng tải sớm các dự luật của Chính phủ và lấy ý kiến của các nghị sỹ trước khi dự luật được trình sang nghị viện.
5. Đổi mới phương thức hoạt động của các ủy ban của Quốc hội
Nghiên cứu quy trình lập pháp của các quốc gia trên thế giới có thể thấy quy trình lập pháp như ở một số nước trên đây, dự luật được Quốc hội thông qua bảo đảm chất lượng vì:
Thứ nhất, có sự liên thông giữa công đoạn Chính phủ và công đoạn Quốc hội. Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội và Chính phủ gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ với sự phân công phân nhiệm, quy trình hoạch định, quyết định chính sách của đất nước vẫn là một quy trình thống nhất cần đến sự tương tác giữa lập pháp và hành pháp. Trong quy trình liên thông này, với tư cách là cơ quan đại diện cho dân, lập pháp sẽ phản biện lại các chính sách pháp luật mà hành pháp đã đề ra. Đây là lúc lập pháp thực hiện chức năng làm luật trong mối tương quan chặt chẽ với chức năng giám sát và đại diện. Một đạo luật sẽ được lập pháp thông qua nếu bảo vệ được lợi ích của đất nước và đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Như vậy, một khi dự luật làm tổn hại những lợi ích và yêu cầu đó, lập pháp phải thể hiện vai trò “gác cổng” đối với hành pháp. Ngược lại, cơ quan trình luôn luôn theo đuổi và giải trình về chính sách mình đề ra, thậm chí có thể rút lại các dự luật trong trường hợp không thể bảo vệ được chính sách mà mình đề xuất.
Thứ hai, dự án luật ở các nước được chuẩn bị rất bài bản, căn cơ, theo từng bước của một quy trình chuẩn đã được thử nghiệm qua hàng trăm năm, mỗi bước trong quy trình đều bảo đảm sự phân công và kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập pháp. Không những thế, các dự án luật còn được xem xét, rà soát rất kỹ nhiều lần từ lúc hình thành ý tưởng lập pháp, đến phân tích chính sách, soạn thảo, thẩm định, phê chuẩn của Chính phủ, cho đến giai đoạn Ủy ban.
Do đó, để có một quy trình chuẩn, thực sự hiệu quả là cần thiết nên khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ, phù hợp hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quy trình lập pháp theo hướng phân công hợp lý, bảo đảm kiểm soát quyền lực, tạo ra sự liên thông giữa giai đoạn Chính phủ và giai đoạn Quốc hội (đặc biệt là giai đoạn thẩm tra, phản biện của các ủy ban của Quốc hội); cần có cơ chế để cơ quan trình có thể theo đuổi và giải trình đến cùng chính sách do mình đề ra hoặc quyền rút dự án luật nếu chính sách đã thay đổi so với đề xuất ban đầu.
Cuối thế kỷ 20, ủy ban với tư cách là một bộ phận trong cơ quan lập pháp, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thực hiện các chức năng của cơ quan lập pháp. Tuy cơ quan lập pháp hình thành trong lịch sử khá lâu, nhưng sự phát triển của các ủy ban trong các cơ quan lập pháp trên thế giới chỉ thực sự mạnh vào cuối thể kỷ 20. Từ thực tiễn của các cơ quan lập pháp và xuất phát từ lịch sử phát triển của ủy ban trong cơ quan lập pháp, đáp ứng nhu cầu kiểm soát hành pháp, sự phát triển của vai trò của cơ quan lập pháp và nhu cầu lập pháp hiện nay trên thế giới đang có xu hướng gia tăng hoạt động thường xuyên và vai trò của cơ quan lập pháp; gia tăng số lượng nhân viên giúp việc cho các ủy ban và đại biểu Quốc hội; gia tăng việc thành lập các tiểu ban hoặc Ủy ban lâm thời; gia tăng tính công khai và minh bạch trong hoạt động thẩm tra của các ủy ban.
Vai trò của các ủy ban trong nghị viện đối với quy trình lập pháp của các nước cũng có nhiều điểm khác nhau. Ở những nước có hệ thống ủy ban mạnh như ở Mỹ, Nhật thì thẩm quyền của ủy ban rất lớn. Ủy ban có thể dựa vào nội dung của dự luật để tiến hành các cuộc điều trần, thu thập chứng cứ, mời nhân chứng, ghi nhận v.v. Việc tổ chức những phiên điều trần công khai có mục đích cung cấp cho nghị viện những kinh nghiệm thực tế, tạo ra một diễn đàn để trao đổi quan điểm, thông qua đó tuyên truyền đến nhân dân chính sách, pháp luật, làm tăng sự tin tưởng của công chúng vào một quy trình làm việc minh bạch của nghị viện.
Một thiết chế ở một số quốc gia được đánh giá là hiệu quả thì ở Việt Nam lại đang hoạt động chưa hiệu quả, đó là việc thành lập Ủy ban lâm thời để tiến hành thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết. Theo quy định của Điều 33, Điều 88 và Điều 89 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội để thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Ủy ban lâm thời theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội. Ủy ban lâm thời gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Thành viên của Ủy ban lâm thời là đại biểu Quốc hội. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban lâm thời do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban lâm thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Quốc hội giao. Ủy ban lâm thời chấm dứt hoạt động sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Thiết chế Ủy ban lâm thời là cần thiết đối với hoạt động lập pháp của nhiều quốc gia không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam rất hiếm khi thành lập ủy ban lâm thời để thẩm tra dự án luật, do đó, để tăng cường vai trò của các cơ quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo cần tăng cường hoạt động của các Ủy ban lâm thời, đặc biệt là đối với các dự án luật có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng mở rộng thành phần tham gia Ủy ban lâm thời đối với các cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, sự tham gia của Chính phủ để giải quyết những vấn đề khác nhau của dự thảo luật. Hoạt động của Ủy ban lâm thời cần phải được công khai, mở rộng. Một mặt công khai trong hoạt động của ủy ban để mở rộng sự tham gia rộng rãi của xã hội với những ý kiến chuyên môn rộng rãi và đa chiều, mặt khác tăng cường mối liên hệ giữa cơ quan đại diện với cử tri.
Cơ quan thẩm tra có thể mời chuyên gia độc lập kiểm tra về pháp lý, kinh tế, tài chính, kỹ thuật, môi trường của dự thảo luật để đánh giá chất lượng. Mục đích của việc kiểm tra của chuyên gia nghiên cứu nhằm: (1) Đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hợp pháp và tính thực tiễn của Dự thảo; (2) Thiết lập một hệ thống kiểm định khoa học cho việc thông qua văn bản quy phạm pháp luật; (3) Nghiên cứu các hệ quả tiêu cực có thể, hệ quả xã hội, kinh tế, pháp lý, sinh thái và các hệ quả khác của văn bản khi được thông qua.
Khi quyết định có thể chuyển dự luật đến một Ủy ban chuyên trách có liên quan của Quốc hội để thảo luận và cho ý kiến có đưa hoặc không đưa dự luật đó vào chương trình kỳ họp Quốc hội. Khi tổ chức họp để thảo luận về dự luật, Ủy ban chuyên trách có thể mời cơ quan trình dự luật tham dự và phát biểu ý kiến. Đại biểu Quốc hội chuyên trách cần được các ủy ban phân công theo dõi các dự án luật ngay từ khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thông qua. Sự vào cuộc sớm của các đại biểu quốc hội chuyên trách cho phép cơ quan thẩm tra nắm được thông tin từ sớm. Các giai đoạn của quy trình lập pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi cho các ủy ban dự thảo để theo dõi, nắm bắt thông tin.
Tóm lại, các ủy ban của Quốc hội trước nhất, cần chú trọng làm tốt vai trò thẩm tra và chủ yếu là hướng vào việc đánh giá, nhận định về sự phù hợp của chính sách trong dự án luật với nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, giúp Chính phủ hoàn thiện dự án của mình, trước khi trình Quốc hội tiếp tục xem xét, quyết định có “công nhận” dự án luật hay không. Với quyền làm luật được Hiến pháp quy định, Quốc hội có toàn quyền sửa đổi, bổ sung, thông qua, không thông qua dự án luật, nhưng Quốc hội nên sử dụng quyền đúng trọng tâm, phù hợp với đặc tính và ưu thế của mình. Đặc biệt, Quốc hội cần tránh khuynh hướng hoạch định lại chính sách hoặc soạn thảo lại dự án luật và thay vào đó là tập trung thẩm tra cẩn trọng dự án luật thông qua cơ chế phản biện, chất vấn để có được chính sách tốt nhất, phù hợp nhất, phục vụ lợi ích của xã hội.

Ths.Bùi Thu Hằng - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
 
 

Xem thêm »