Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TANDTC về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án

02/03/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong các bộ luật, luật tố tụng và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của người được trợ giúp pháp lý, pháp luật quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề phối hợp của Tòa án trong hoạt động tố tụng về trợ giúp pháp lý.

1. Cơ sở pháp lý quy định về trách nhiệm phối hợp trong hoạt động tố tụng về trợ giúp pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (các Bộ luật, luật về tố tụng) đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý: Trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc thông báo, giải thích, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý (người thực hiện trợ giúp pháp lý) bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (khoản 2 Điều 41).
Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29-6-2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 10) đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Điều 7), đặc biệt là việc giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý; yêu cầu ra văn bản thông báo cho Trung tâm khi đối tượng có yêu cầu trợ giúp pháp lý, ra văn bản thông tin cho Trung tâm khi đối tượng chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý.


2. Quy định của pháp luật về trách nhiệm của Tòa án liên quan đến trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
- Trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết về quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý
Khoản 6 Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 6 Điều 38 Luật tố tụng hành chính quy định thẩm phán có nhiệm vụ “Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”; điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 quy định: “Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, người tiến hành tố tụng giải thích cho đương sự về quyền được trợ giúp pháp lý”, theo các quy định này, thẩm phán có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Trách nhiệm thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý
Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 quy định về trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo quy định này, trường hợp đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì Tòa án có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh trợ giúp pháp lý biết. Trường hợp đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông tin cho Trung tâm, Chi nhánh trợ giúp pháp lý biết.
- Trách nhiệm vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Ngoài trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, Tòa án còn có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi họ đề nghị theo quy định tại khoản 5 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau: “Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị”; khoản 5 Điều 61 Luật tố tụng hành chính: “Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị” và điểm c khoản 1; điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch số 10.
- Trách nhiệm giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý
Để cụ thể hóa Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 170 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 104 Luật tố tụng hành chính về việc cấp, giao, chuyển gửi, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, khoản 7 Điều 8 Thông tư liên tịch số 10 quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải “Giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng”; đồng thời có trách nhiệm: “Bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý” (khoản 8 Điều 8 Thông tư liên tịch số 10).  Đồng thời, khuyến khích Tòa án các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để người được trợ giúp pháp lý biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời (khoản 9 Điều 8).
Ngoài ra, để tăng cường hơn nữa hoạt động phối hợp của Tòa án, ngày 05/11/2019 Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 244/TANDTC-PC gửi hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp về việc triển khai, thi hành Thông tư liên tịch số 10, văn bản này đã chỉ đạo Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án mình phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất thực tế của địa phương.
Trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương, hiện này một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nghiên cứu, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại trụ sở Tòa án là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; Tây Ninh; Ninh Bình; Bạc Liêu; Bến Tre; Quảng Bình, Ninh Thuận.

3. Một số khó khăn, tồn tại trong công tác phối hợp của Tòa án về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
Mặc dù quy định của pháp luật về hoạt động phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có Tòa án về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã cơ bản đầy đủ, cụ thể nhưng trên thực tế việc triển khai các hoạt động này hiện nay còn tồn tại một số vấn đề như sau:
- Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người được trợ giúp pháp lý và vụ án do Tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp: Năm 2018, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện được 16.886 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 3,4% số lượng vụ việc do Tòa án đã giải quyết là 457.024 vụ việc. Năm 2019, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện được 21.235 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 4,6% số vụ việc do Tòa án giải quyết là 466.862 vụ việc. Năm 2020, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện được 27.493 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 5,04% số vụ việc do Tòa án giải quyết là 544.604 vụ việc. Do đó, sẽ có khả năng bỏ sót đối tượng là người được trợ giúp pháp lý.
- Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển gửi cho Trung tâm tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các cơ quan thụ lý, tiếp nhận (Khi đánh giá thực trạng để xây dựng Thông tư liên tịch số 10 năm 2016: ở Hưng Yên cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu 36 vụ việc/6.000 vụ việc tham gia tố tụng; 19/119 đối tượng được trợ giúp pháp lý tại Hà Tĩnh; 07/146 vụ việc tham gia tố tụng tại Sóc Trăng…).
- Việc hướng dẫn quyền được trợ giúp pháp lý cho đương sự còn hạn chế, phần lớn mới chú trọng đối với các vụ án hình sự. Đối với các vụ việc có đối tượng trợ giúp pháp lý Tòa án giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý còn ít so với các vụ việc đã thụ lý, nhất là trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính.
- Đối với các vụ việc dân sự, hành chính khi đương sự trực tiếp nộp đơn đến Tòa án, tại bộ phận nhận đơn thì việc giải thích hay thông báo cho đối tượng biết mình có thuộc diện được trợ giúp pháp lý hay không của cán bộ Tòa án hiện nay chưa thực sự hiệu quả, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do số lượng các vụ việc tranh chấp về dân sự, hành chính tại Tòa án là rất lớn, phức tạp, lượng cán bộ, công chức tại các Tòa án không tăng cũng không chuyên sâu về lĩnh vực trợ giúp pháp lý, do đó trong quá trình triển khai thực hiện công tác này tại các Tòa án chưa thật sự được quan tâm, chú trọng nên dẫn đến khả năng bỏ sót đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý.
Từ những vấn đề tồn tại nêu trên, để khắc phục tình trạng này, cần phải có những giải pháp để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Tòa án và các Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Một trong những giải pháp được xem là hữu hiệu đó là xây dựng Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án, để người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể tư vấn, hướng dẫn cho đối tượng về quyền được trợ giúp pháp lý ngay từ khi họ đến làm việc tại Tòa án, giúp họ có thể tiếp cận ngay với dịch vụ trợ giúp pháp lý, hạn chế bỏ sót đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý từ đó giúp cho việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý được kịp thời, hiệu quả.

4. Giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án
Nhằm đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa trong thời gian sớm nhất, thì hai cơ quan là Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động:

- Về phía Bộ Tư pháp:
+ Chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát các điều kiện về nguồn lực (nguồn nhân lực và điều kiện vật chất) để lên phương án triển khai hình thức cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại trụ sở Tòa án.
+ Chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh lựa chọn địa điểm và hình thức trực.
+ Chỉ đạo Sở Tư pháp các địa phương hiện nay đã triển khai việc người trợ giúp pháp lý trực tại trụ sở Tòa án thì tiếp tục nghiên cứu để mở rộng phạm vi và địa bàn thực hiện trực.
- Về phía Tòa án nhân dân tối cao:
+ Chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn Tòa án và tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án mình phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất thực tế của địa phương. Tòa án được lựa chọn tạo điều kiện thuận lợi để người thực hiện trợ giúp pháp lý triển khai các hoạt động trực tại Tòa án đạt hiệu quả.
+ Chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh yêu cầu các Tòa án trực thuộc thực hiện niêm yết danh sách người trực qua điện thoại tại trụ sở Tòa án để cung cấp cho người có nhu cầu được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu.
+ Có chỉ đạo kịp thời đối với những địa phương hiện nay đã triển khai việc người trợ giúp pháp lý trực tại Tòa theo hướng khuyến khích mở rộng phạm vi thực hiện trực tại nhiều Tòa án khác trên địa bàn.

5. Hiệu quả mang lại khi ban hành Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án.
Việc ban hành Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án sẽ mang lại những hiệu quả sau:
- Việc ban hành Chương trình phối hợp tạo căn cứ thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động phối hợp giữa hệ thống Tòa án và ngành Tư pháp khi cử người trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án từ Trung ương đến địa phương.
- Giúp người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tham gia tố tụng được tiếp cận kịp thời với dịch vụ trợ giúp pháp lý đặc biệt là trong các vụ việc tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; có người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia các phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thuộc diện trợ giúp pháp lý.
- Bảo đảm đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt đối tượng là người dưới 18 tuổi trong vụ án mà Tòa án nhân dân thụ lý được giải thích đầy đủ, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, giảm thiểu tối đa việc bỏ sót đối tượng.
- Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với Tòa án nhân dân trong việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý để các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các địa phương có thể tiếp cận đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý sớm, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, hiệu quả./.



                                                                                                                                          Như Lan – Phòng Chính sách & quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý













 

Xem thêm »