Ngày 06/3/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 08/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Những nội dung chính của Quy chế gồm các quy định về chuẩn bị cho kỳ thi; công tác đề thi; coi thi; chấm thi và phúc khảo; công nhận tốt nghiệp; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, xử lý vi phạm và khen thưởng.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức mỗi năm một lần. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần hai trong năm.
Các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 hằng năm. Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Thí sinh tự do cũng phải thi đủ các môn thi, theo nội dung thi, hình thức thi quy định của năm tổ chức kỳ thi.
Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải đạt các yêu cầu sau: Nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông hiện hành; kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học; đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sư phạm; phân loại được trình độ của người học; phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi; nếu đề thi tự luận gồm nhiều câu hỏi thì phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi vào đề thi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10; đề thì phải ghi rõ có mấy trang và có chữ "HẾT" tại điểm kết thúc đề; cấu trúc đề thi quy định trong hướng dẫn thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong một kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu và nội dung; mỗi đề thi có hướng dẫn chấm thi kèm theo.
Thí sinh học chương trình trung học phổ thông phân ban thí điểm được thi theo đề thi riêng. Nội dung đề thi dựa trên mặt bằng kiến thức cơ bản của Ban Khoa học Tự nhiên và Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đề thi gồm hai phần: phần các câu hỏi chung cho tất cả các thí sinh và phần các câu hỏi riêng theo đặc điểm chương trình từng ban. Thí sinh học theo ban nào phải làm phần đề thi riêng của ban đó; thí sinh làm cả 2 phần đề thi riêng là vi phạm quy chế thi và không được chấm điểm bài làm phần đề thi riêng.
Căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi, các đơn vị thành lập các Hội đồng coi thi, xác định địa điểm tổ chức thi; có thể thành lập Hội đồng coi thi liên trường tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Số lượng phòng thi của từng Hội đồng coi thi tuỳ thuộc số thí sinh dự thi. Trong mỗi phòng thi phải đủ 2 giám thị. Trong kỳ thi, mỗi phòng thi bố trí ít nhất một buổi thi có một giám thị trong phòng thi là cán bộ, giảng viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Số giám thị ngoài phòng thi được bố trí tuỳ theo yêu cầu riêng của từng Hội đồng coi thi nhưng đảm bảo 2 đến 3 phòng thi có một giám thị.
Việc sắp xếp chỗ ngồi của thí sinh trong một phòng thi phải đảm bảo mỗi phòng thi không quá 24 thí sinh, khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét. Hội đồng coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 2 được phép ghép phòng thi nhưng phải đảm bảo không quá 24 thí sinh trong phòng thi ghép và phải thu bài thi riêng theo từng môn thi.
Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi: Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Khi làm bài, tuyệt đối không được trao đổi bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Trong suốt thời gian ở phòng thi, phải tuyệt đối giữ trật tự. Muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo giám thị. Khi được phép nói, thí sinh đứng báo cáo rõ với giám thị ý kiến của mình.
Thí sinh học chương trình trung học phổ thông phân ban thí điểm học theo ban nào phải làm phần đề thi riêng của ban đó; thí sinh làm cả 2 phần đề thi riêng thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần đề thi riêng.
Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp. Trong trường hợp đặc biệt, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị trong phòng thi và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi hoặc cán bộ của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng coi thi phân công.
Chí Linh