Đề xuất xây dựng quy định về hủy việc nuôi con nuôi trong Luật nuôi con nuôi

27/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Việc nuôi con nuôi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm xác lập mối quan hệ cha, mẹ - con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, giúp những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi…) được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình để bảo đảm quyền của trẻ em, giúp các em phát triển lành mạnh và có tương lai tươi sáng.

Luật Nuôi con nuôi được ban hành năm 2010, đã quy định tương đối đầy đủ về điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi; điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi; các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi; chấm việc nuôi con nuôi; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tìm gia đình thay thế, quản lý, theo dõi việc nuôi con nuôi… Tuy nhiên Luật Nuôi con nuôi năm 2010 chưa quy định trường hợp hủy việc nuôi con nuôi. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và đối chiếu với một số trường hợp xảy ra trên thực tiễn, bài viết này đề xuất bổ sung các quy định về hủy việc nuôi con nuôi trong Luật Nuôi con nuôi.
Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi chấm dứt khi có một trong các căn cứ sau[1]: (1) Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dưt việc nuôi con nuôi; (2) Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi; (3) Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi; (4) Vi phạm quy định về các hành vi bị cấm (lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị em nhận nhau làm con nuôi; lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc).
Luật Nuôi con nuôi chưa quy định việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về điều kiện của việc nuôi con nuôi (như người được nhận làm con nuôi trên 16 tuổi; người nhận con nuôi hơn con nuôi dưới 20 tuổi trở xuống; giả mạo giấy tờ trong việc đăng ký nuôi con nuôi, lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật  …), vi phạm thẩm quyền  giải quyết việc nuôi con nuôi… Do vậy, trên thực tế khi gặp các trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền thường áp dụng tương tự luật. Áp dụng trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp xử lý văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân nhân cấp xã, quy định tại Luật Hộ tịch năm 2014: Thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định[2] và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019 và 2020): “Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện và văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã”[3].
Để bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ và thống nhất, đề nghị bổ sung các quy định về việc hủy nuôi con nuôi như sau:
1. Các trường hợp hủy việc nuôi con nuôi
- Vi phạm quy định về điều kiện của người được nhận làm con nuôi.
- Vi phạm quy định về điều kiện của người nhận con nuôi.
- Không phát sinh quan hệ nuôi dưỡng trên thực tế.
- Vi phạm quy định về các hành vi bị cấm tại Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi, trừ khoản 3 Điều 13[4].
Về bản chất, việc vi phạm các hành vi bị cấm nêu tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 là hành vi vi phạm pháp luật, do đó khi chủ thể vi phạm quy định này thì phải hủy việc nuôi con nuôi (trừ trường hợp: phân biệt, đối xử giữa con đẻ và con nuôi nêu tại khoản 3 thuộc trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi). Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định các trường hợp vi phạm điều cấm tại Điều 13 thuộc trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi là chưa thỏa đáng, bởi ngay từ khi đăng ký việc nuôi con nuôi các chủ thể đã cố ý vi phạm, hành vi vi phạm này không đáp ứng đúng mục đích và ý nghĩa của việc nuôi con nuôi nên phải hủy việc nuôi con nuôi chứ không phải là chấm dứt.
2. Thẩm quyền hủy việc nuôi con nuôi
Tòa án thực hiện việc hủy việc nuôi con nuôi theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.
Quy định thẩm quyền hủy việc nuôi con nuôi là Tòa án nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 quy định Tòa án có quyền xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật[5]. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật[6].
3. Người có quyền yêu cầu hủy việc nuôi con nuôi
- Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.
- Cha mẹ nuôi.
- Con đẻ của người nhận con nuôi.
- Cơ quan, tổ chức sau đây: Cơ quan lao động, thương binh và xã hội; Hội liên hiệp phụ nữ
Việc quy định con đẻ của người nhận con nuôi có quyền yêu cầu hủy việc nuôi con nuôi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Ví dụ: Bộ luật dân sự năm 2015 quy định con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất[7]. Ông A nhận chị H (20 tuổi), làm con nuôi và được Ủy ban nhân dân xã ra quyết định công nhận việc nuôi con nuôi. Giữa ông A và chị H không phát sinh quan hệ nuôi dưỡng (ông A vẫn ở nhà ông A và chị H vẫn ở nhà chị H. Các con ông A không biết việc cha mình nhận con nuôi. Khi ông A chết, không để lại di chúc, chị H có đơn đề nghị Tòa án chia thừa kế tài sản của ông A. Như vậy, việc nhận nuôi con nuôi của ông A đã không đúng pháp luật và hệ lụy của hành vi này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các con ông A. Vì vậy, các con ông A có quyền đề nghị Tòa án ra quyết định hủy việc nuôi con nuôi.
4. Hệ quả pháp lý của việc hủy nuôi con nuôi
- Không có mối quan hệ cha, mẹ - con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.
5. Xử lý việc công nhận nuôi con nuôi không đúng thẩm quyền
Trong trường hợp việc công nhận nuôi con nuôi không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Giấy công nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu người nhận nuôi con nuôi thực hiện lại việc đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hi vọng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo những đề xuất trên, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi, nhằm bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ của Luật Nuôi con nuôi; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan áp dụng quy định pháp luật thuận lợi; bảo đảm tính nhân văn của chế định nuôi con nuôi là tạo dựng mối quan hệ cha, mẹ - con trên cơ sở tình yêu thương, hình thành gia đình mới cho trẻ em; triệt tiêu những hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để mưu cầu lợi ích cá nhân./.
 Nguyễn Thị Quế
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
 

[1] Điều 25 quy định về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi.
[2] Điểm h khoản 1 Điều 70 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
[3] Khoản 5 Điều 29 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
[4] Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Các hành vi bị cấm: 1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em. 2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi. 3. Phân biệt đối xử giữa von đẻ và con nuôi. 4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số. 5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. 6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi. 7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
[5] Khoản 5 Điều 2 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân
[6] Điều 10 và Khoản 1 Điều 11 quy định xử lý việc kết hôn trái pháp luật.
[7] Điểm a Khoản 1 Điều 651 quy định người thừa kế theo pháp luật.

Xem thêm »