Đặc điểm về hình thức giáo dục pháp luật và giáo dục pháp luật cho người lao động

30/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

1. Đặc điểm về hình thức giáo dục pháp luật

Nguyên tắc của giáo dục pháp luật (GDPL) là luôn có sự phù hợp giữa nội dung, hình thức, đối tượng được GDPL. Khi tổ chức GDPL cần có các tiêu chí xác định rõ lựa chọn những hình thức như thế nào để có thể chuyển tải nội dung GDPL đến với đối tượng GDPL hiệu quả nhất. Lựa chọn các hình thức GDPL cần thực hiện trên cơ sở các tiêu chí sau:
- Tính phù hợp giữa hình thức với đối tượng được GDPL luật. Để xác định được tính phù hợp cần phải xuất phát từ những yếu tố về yêu cầu GDPL đối với đối tượng giáo dục; trình độ văn hóa và nhận thức của đối tượng được phổ biến; điều kiện kinh tế, địa lý và hoàn cảnh thực tế của đối tượng giáo dục, địa bàn; Điều kiện năng lực của các chủ thể giáo dục hiện có.
- Tính khả thi của hình thức GDPL với điều kiện của địa bàn thực hiện. GDPL là hoạt động mang tính thường xuyên, lâu dài, do đó khi tiến hành GDPL cần phải tính đến tính khả thi trong điều kiện thực tế tại địa bàn thực hiện. Trong đó, quan tâm tới các hình thức GDPL được lựa chọn có sử dụng được các phương tiện (sách, báo, đài truyền thanh…), có thể thu hút được đối tượng GDPL quan tâm hay không ? các điều kiện đảm bảo cho tổ chức GDPL (chủ thể giáo dục, kinh phí, công cụ giáo dục...) được chuẩn bị như thế nào? Địa điểm, cơ sở hạ tầng, thời tiết, trang thiết bị tại địa bàn để có thể sử dụng phục vụ cho hình thức GDPL đã được lựa chọn hay không?
- Tính hiệu quả của hình thức GDPL có thể xem xét trên một số yếu tố, đó là sự tác động của những nội dung pháp luật đối với các đối tượng GDPL như sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, hành vi chấp hành pháp luật của đối tượng giáo dục; sự quan tâm và có ý kiến về các vấn đề pháp luật của đất nước và vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến đối tượng giáo dục; biết, hiểu và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, xây dựng dần thói quen trong tìm hiểu và chấp hành pháp luật.
Theo Điều 11 Luật PBGDPL năm 2012, các hình thức GDPL được quy định trong Luật PBGDPL là rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, việc xác định hình thức GDPL nào cho NLĐ phải dựa trên cơ sở phù hợp với nội dung GDPL và tính chất, đặc điểm của đối tượng giáo dục, địa bàn, đặc thù dân cư trong từng thời điểm, điều kiện, hoàn cảnh làm việc và sinh sống của NLĐ; phù hợp với trình độ nhận thức, nhu cầu tìm hiểu, tâm lý lứa tuổi, giới và điều kiện kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán của NLĐ từng vùng miền, khu vực. Như vậy, hình thức GDPL cho NLĐ phải là những hình thức đơn giản, tiện lợi, dễ tìm hiểu, dễ nhớ và có sức hấp dẫn, thu hút NLĐ dành thời gian tìm hiểu, tham gia; đồng thời đảm bảo tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn của các hình thức.
2. Hình thức giáo dục pháp luật cho người lao động
Trong GDPL, hình thức giáo dục là một “kênh” đặc biệt quan trọng, đồng thời là then chốt trong việc đưa pháp luật tới đối tượng GDPL. Bản chất của hình thức là những cách làm cụ thể, đa dạng khác nhau; thông qua đó, chủ thể GDPL chuyển tải các nội dung GDPL cho đối tượng giáo dục nhằm đạt được mục đích, mục tiêu GDPL cho đối tượng này. GDPL cho NLĐ trong các doanh nghiệp là bộ phận không thể tách rời của hệ thống lý luận về GDPL nói chung. Vì vậy hình thức GDPL cho NLĐ cũng bao hàm tất cả các hình thức GDPL nói chung, đó là các dạng hoạt động cụ thể để tổ chức quá trình GDPL, để thể hiện nội dung GDPL, xuất phát từ mục tiêu và nội dung GDPL đòi hỏi phải có những hình thức GDPL phù hợp. Do đó, khi GDPL cho NLĐ đều có thể sử dụng các hình thức GDPL như với đối tượng khác, đặc biệt các hình thức đã được quy định tại Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục năm 2012.
2.1. Hình thức giáo dục pháp luật phù hợp với đặc thù của người lao động trong các doanh nghiệp
Đặc thù của NLĐ là làm việc trong một môi trường lao động khắc nghiệt, công việc đơn điệu, nặng nhọc, làm việc theo ca kíp; đời sống văn hóa tinh thần và vật chất đa phần nghèo nàn, khó khăn. NLĐ, đặc biệt lao động trẻ chưa qua đào tạo nghề khá cao. Trình độ văn hóa đa số mới học hết phổ thông trung học. Bên cạnh đó, NLĐ bị gò bó về thời gian, làm việc ca kíp, làm thêm giờ nhiều. Vì vậy, thời gian để họ tìm hiểu, học tập pháp luật rất ít và thậm chí là không có. Đây cũng chính là những áp lực khiến họ mệt mỏi thiếu sự quan tâm tới GDPL. Chính vì vậy, hình thức GDPL cho NLĐ cũng phải lựa chọn phù hợp với đặc thù của NLĐ nêu trên. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy một số hình thức GDPL có hiệu quả với NLĐ đã được khẳng định trên thực tế như: Tư vấn pháp luật tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, đối thoại ba bên giữa NSDLĐ, cán bộ công đoàn và NLĐ, tại các buổi đối thoại này không chỉ riêng các vướng mắc về pháp luật của NLĐ được đưa ra mà tại đây có nhiều nội dung liên quan đến QHLĐ; Tờ gấp, sổ tay pháp luật chứa đựng nội dung, thông tin pháp luật NLĐ cần được phát tới NLĐ; Giáo dục pháp luật thông qua tổ chức đại diện của NLĐ, cán bộ công đoàn là một trong những đặc điểm cơ bản về hình thức GDPL của NLĐ. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của NLĐ. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, GDPL được các cấp Công đoàn từng bước đổi mới về nội dung và hình thức phù hợp với thực tiễn cơ sở và nhu cầu của đoàn viên, NLĐ.
2.2. Giáo dục pháp luật cho người lao động là sự kết hợp chặt chẽ giữa hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật
Trong GDPL, để có thể đạt được mục tiêu đề ra thì mỗi nội dung GDPL khác nhau, hình thức giáo dục khác nhau đòi hỏi phải vận dụng phương pháp chủ đạo và có sự phối hợp với nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp GDPL phù hợp là điều kiện quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả GDPL cho các đối tượng. GDPL cho NLĐ cũng đảm bảo nguyên tắc như vậy.
Phương pháp giáo dục hiện nay rất đa dạng như phương pháp giáo dục, thuyết phục, phương pháp áp dụng tình huống, phương pháp tọa đàm, phương pháp phỏng vấn, phương pháp khen thưởng, khuyến khích, phương pháp đối thoại, phương pháp xử phạt. Cần xuất phát từ đặc điểm của các nhóm đối tượng xã hội để áp dụng các phương pháp GDPL phù hợp. Các phương pháp cần được giáo dục hợp lý, phù hợp với nội dung, hình thức và đối tượng GDPL [46, tr. 456].
Các nội dung pháp luật không thể tự đến được với NLĐ, mà phải thông qua các hình thức và phương pháp GDPL để truyền đạt cho NLĐ. Phương pháp GDPL cho NLĐ trong các doanh nghiệp là một thành tố rất quan trọng trong quá trình GDPL cho đối tượng này. Từ mục tiêu, nội dung, hình thức GDPL cho NLĐ cần lựa chọn, sử dụng các nhóm phương pháp GDPL tương ứng, phù hợp và hiệu quả.
- Để GDPL nhằm hình thành, củng cố ý thức pháp luật cho NLĐ, có thể sử dụng các phương pháp GDPL sau:
+ Phương pháp giáo dục, thuyết phục: Đây là phương pháp rất quan trọng trong GDPL cho NLĐ. GDPL nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ. Tuy nhiên, sẽ không đạt được hiệu quả nếu như trong GDPL chỉ thông tin về các quy định pháp luật. Để có sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của NLĐ thì yếu tố giáo dục, thuyết phục NLĐ tự giác tìm hiểu pháp luật, tôn trọng và tuân thủ pháp luật là rất quan trọng. Để đạt được điều này, các chủ thể GDPL cần nâng cao không chỉ kiến thức pháp luật mà cần nâng cao kỹ năng giáo dục, thuyết phục trong GDPL.
- Phương pháp áp dụng tình huống: Phương pháp này thường được sử dụng trong các hình thức tuyên truyền miệng (lớp học pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo, tư vấn pháp luật…). GDPL thông qua các hình thức tuyên truyền miệng sẽ hiệu quả hơn, sẽ dễ hiểu hơn đối với NLĐ nếu như những nội dung pháp luật được giới thiệu qua hình thức tuyên truyền miệng có những ví dụ, tình huống pháp lý cụ thể để minh họa.
- Phương pháp đối thoại: Phương pháp này thường kết hợp với hình thức đối thoại tại doanh nghiệp giữa NLĐ, NSDLĐ và hình thức tuyên truyền miệng. Phương pháp này là sự tương tác giữa các chủ thể GDPL và đối tượng giáo dục. GDPL sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn nếu sử dụng phương pháp giáo dục một chiều, không phát huy được sự tham gia của đối tượng GDPL, không có sự tương tác, đối thoại giữa người nói và người nghe.
- Phương pháp rèn luyện, thực hành pháp luật: Chủ thể GDPL tổ chức cho NLĐ rèn luyện, thực hành vận dụng những kiến thức pháp luật, nội quy, quy chế của doanh nghiệp đã được học vào môi trường thực tế trong lao động, sản xuất, trong tham gia các mối quan hệ pháp luật; qua đó, giúp NLĐ biết cách lựa chọn và thực hiện những hành vi đúng đắn, phù hợp với quy định pháp luật.
- Phương pháp sử dụng công cụ hỗ trợ trong các buổi GDPL: Trong thời đại ứng dụng mạnh mẽ CNTT việc các chủ thể GDPL sử dụng công cụ hỗ trợ trong các buổi PBGDPL là tất yếu. Điều đó tăng tính hấp dẫn, tạo mức độ lan tỏa nhanh, rộng và khiến đối tượng được GDPL dễ hiểu hơn, được thu hút hơn, ví dụ như các chủ thể GDPL có thể sử dụng các clip tiểu phẩm pháp luật, sử dụng powerpoint, sử dụng các video... để minh họa cho bài thuyết trình của mình; hoặc có thể sử dụng các bài giảng điện tử để thực hiện GDPL, điều đó giảm chi phí, tăng số lượng người thụ hưởng, người nghe có thể sử dụng nghe đi nghe lại nhiều lần vào các khoảng thời gian thích hợp.
Việc áp dụng các hình thức GDPL cho người lao động luôn đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các đặc điểm, đặc thù của người lao động về trình độ nhận thức, văn hóa, điều kiện, môi trường sống, làm việc, nhu cầu của người lao động và phù hợp với nội dung pháp luật được triển khai…

TS. Ngô Quỳnh Hoa
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

 

Xem thêm »