Một số quy định mới về tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 2015

04/09/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2018 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015). Nhìn một cách tổng quát, BLHS này có nhiều nội dung đổi mới cả phần quy định chung và phần các tội phạm cụ thể. Sau đây là một số quy định mới về tội phạm.

Với BLHS năm 2015, tội phạm được quy định tại Chương 3 từ Điều 8 đến Điều 19. Các quy định về tội phạm được sửa đổi nhằm: Bảo đảm tính thống nhất khi quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm cần phải sửa các chế định liên quan, trong đó có khái niệm tội phạm, phân biệt rõ khái niệm về tội phạm và phân loại tội phạm. Bên cạnh đó, nhằm tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý tội phạm, đặc biệt là chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội; Cùng với đó là bảo đảm thực hiện các yêu cầu một số Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Công ước về quyền trẻ em, Công ước phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; Ngoài ra, còn nhằm bảo đảm sự phù hợp giữ tên Chương với nội dung các điều của Chương. 
Các nội dung sửa đổi như: 
Sửa đổi khái niệm tội phạm khoản 1 Điều 8;
Tách quy định phân loại tội phạm thành một điều riêng, đồng thời sửa đổi căn cứ phân loại tội phạm (Điều 9); bổ sung quy định phân loại phán nhân thương mại phạm tội; 
Thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS thuộc 04 nhóm tội phạm: 1. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; 2. Các tội phạm sở hữu; 3. Các tội phạm về ma túy; 4. Các tội xâm phạm an toàn công cộng.
Sửa đổi chế định chuẩn bị phạm tội (Điều 14) theo hướng: 1. Thu hẹp chỉ xử lý hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 21 tội danh  trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS (chiếm tỷ lệ 6.68%). Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 02 tội danh là giết người (Điều 123) và cướp tài sản (Điều 168); 2. Bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể. Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn ngừa sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, phù hợp với tinh thần của Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
BLHS cũng sửa đổi, bổ sung chế định đồng phạm theo hướng cụ thể nguyên tắc người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành (khoản 4 Điều 17).
Bên cạnh đó là sửa đổi quy định liên quan đến hành vi che dấu tội phạm và không tố giác tội phạm theo hướng loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người che giấu hoặc không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác. 
BLHS cũng sửa đổi quy định liên quan đến hành vi không tố giác của người bào chữa, theo đó, người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác (khoản 3 Điều 19). Khi xử lý khoản này cần lưu ý: 1. Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không không tố giác tội phạm khi hành vi đó là hành vi khác mà không phải là hành vi mà họ đang thực hiện trách nhiệm bào chữa; 2. hành vi đó cấu thành tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.
Ví dụ: A là luật sư nhận bào chữa cho B phạm tội cướp tài sản. Trong quá trình bào chữa, A phát hiện và có đủ căn cứ cho rằng, ngoài tội cướp tài sản, B còn phạm tội hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi nhiều lần, thì A phải có nghĩa vụ tố giác. Nếu không tố giác, A sẽ bị xử lý về tội không tố giác tội phạm đối với tội hiếp dâm trẻ em. 

 

Xem thêm »