Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở

26/10/2007
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 23/10/2007 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 22/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở và hoà giải viên lao động. Theo đó, Hội đồng hoà giải lao động cơ sở (sau đây gọi là Hội đồng) phải được thành lập trong các doanh nghiệp có Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời (sau đây gọi chung là Ban chấp hành CĐCS). Tại các doanh nghiệp này, đại diện của bên người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải chủ động đề xuất với Ban chấp hành CĐCS về việc thành lập Hội đồng.

Căn cứ vào số lượng người lao động (NLĐ), đặc điểm, quy mô và cơ cấu tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đại diện của bên NSDLĐ thảo luận, thống nhất với đại diện của bên NLĐ là Ban chấp hành CĐCS về số lượng thành viên của Hội đồng nhưng không ít hơn bốn người và lựa chọn các thành viên của mỗi bên tham gia Hội đồng, Chủ tịch và Thư ký của Hội đồng.

Căn cứ vào kết quả thảo luận và thống nhất giữa hai bên, NSDLĐ ra quyết định thành lập Hội đồng (theo Mẫu). Quyết định thành lập Hội đồng phải được gửi cho các thành viên của Hội đồng, Ban chấp hành CĐCS. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra Quyết định, NSDLĐ phải thông báo công khai tại doanh nghiệp và gửi cho cơ quan lao động cấp huyện để theo dõi.

Hội đồng có nhiệm vụ: Hòa giải tất cả các vụ tranh chấp lao động cá nhân xảy ra tại doanh nghiệp theo đơn yêu cầu của một hoặc hai bên tranh chấp; hòa giải các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại doanh nghiệp theo đơn yêu cầu của một hoặc hai bên tranh chấp.

Hội đồng có quyền hạn: Tiếp nhận đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động; Tìm hiểu vụ việc, gặp gỡ hai bên tranh chấp, những người có liên quan, những người làm chứng, thu thập tài liệu, chứng cứ, yêu cầu hai bên tranh chấp cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan tới vụ việc phải hoà giải; đưa ra phương án hoà giải để hai bên tranh chấp cùng xem xét, thương lượng…

Thành viên của Hội đồng hòa giải có thể được thay đổi hoặc bổ sung trong nhiệm kỳ của Hội đồng. Việc thay đổi hoặc bổ sung thành viên Hội đồng hòa giải phải được cả hai bên thoả thuận, nhất trí. NSDLĐ phải ra Quyết định thay đổi, bổ sung thành viên của Hội đồng và gửi cho các thành viên của Hội đồng, Ban chấp hành CĐCS cơ quan lao động cấp huyện để theo dõi, thông báo công khai tại doanh nghiệp.

Chí Linh

Xem thêm »