Tiêu chí lựa chọn án lệ

24/06/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Nghị quyết quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Trong đó, một trong những tiêu chí để lựa chọn án lệ là có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.


Tiêu chí lựa chọn án lệ
Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;
Có tính chuẩn mực;
Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Công bố án lệ
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.
Nội dung công bố bao gồm: Số, tên án lệ; Số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ; Tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ; Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ; Từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ; Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ; Nội dung của án lệ.
Án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản.
Áp dụng án lệ trong xét xử
Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
 Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.
Nghị quyết cũng quy định cụ thể về việc bãi bỏ án lệ, theo đó: Án lệ đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định, việc bãi bỏ án lệ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình; Bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23 tháng 5 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2019.  Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Xem thêm »