Thông tư 25/2019/TT-NHNN: Sửa đổi bổ sung quy định về hoạt động của ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam

04/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 02 tháng 12 năm 2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 25/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.


Thẩm quyền quyết định cấp Giấy phép
Thông tư sửa đổi quy định về thẩm quyền cấp phép, theo đó:
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền quyết định: a) Cấp Giấy phép đối với ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; b) Cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép đối với ngân hàng thương mại, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định: a) Cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố, trừ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; Cấp Giấy phép, sửa đổi, bổ sung Giấy phép đối với văn phòng đại diện.”
Trình tự và thủ tục cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện
Thông tư sửa đổi trình tự và thủ tục cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện như sau:
Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, Điều 18 Thông tư này và nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) nơi văn phòng đại diện dự kiến đặt trụ sở.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng yêu cầu bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản trả lời tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.”
Thông tư cũng quy định rõ: Đối với các hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn hoạt động của văn phòng đại diện đã nộp mà Giấy phép hết hiệu lực trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép theo thẩm quyền quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 01 năm 2020, bãi bỏ:
Điểm b khoản 4 Điều 1 và Điều 2 Thông tư số 17/2017/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN;
Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 28/2018/TT-NHNN ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN.
 
 
 

Xem thêm »