Quốc hội thảo luận các dự án: Luật Dạy nghề và Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người

07/06/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 6/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hai hội trường: Hội trường Ba Đình và 37 Hùng Vương, thảo luận các dự án: Luật Dạy nghề và Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều bầy tỏ sự đồng tình với việc ban hành Luật Dạy nghề nhằm cụ thể hoá những quy định về dạy nghề trong Luật Giáo dục, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển sự nghiệp dạy nghề, góp phần đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Luật Dạy nghề có khắc phục được tình trạng mất cân đối kéo dài trong nhiều năm qua?

Đại biểu Nguyễn Thị Sáu (Tuyên Quang)

Các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề, đang là nỗi bức xúc khi chúng ta xác định mục tiêu đến năm 2010 nâng số lao động được đào tạo lên 40%. Nhưng hằng năm, ở nước ta, giáo dục đại học, cao đẳng tuyển mới khoảng 250.000 sinh viên (chính quy), trong khi đó số học sinh được tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp và học nghề dài hạn là trên 400.000. Sự mất cân đối này đã kéo dài nhiều năm mà nguyên nhân chính là số trường dạy nghề quá ít, mỗi năm chỉ tiếp nhận khoảng 230.000 học sinh. Mặt khác, công tác dạy nghề chưa đảm bảo cả về số lượng, chất lượng; nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp cũng như xuất khẩu lao động.

Một  nguyên nhân khác cũng được các đại biểu đề cập nhiều, đó là vấn đề quản lý Nhà nước về dạy nghề. Nhiều ý kiến cho rằng công tác dạy nghề hiện nay rất phức tạp, chồng chéo giữa hai Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Giáo dục - Đào tạo. Đại biểu  Nguyễn Thị Sáu (Tuyên Quang) cho rằng: Cơ quan trực tiếp quản lý dạy nghề trong phạm vi cả nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã được ghi rõ trong dự thảo Luật tại Điều 96. Tôi nhận thấy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dạy nghề có trái với Luật Giáo dục hiện hành không? Nếu việc này không trái, việc này là đúng thì Luật Giáo dục có thể nói là chưa dùng đã hỏng.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhấn mạnh: Có thể nói luật này tiếp tục cái không hợp lý của Luật Giáo dục năm 2005 và tạo ra tình trạng "rối ren" về giáo dục nghề nghiệp ở đất nước ta hiện nay. Khi thảo luận về Luật Giáo dục năm 2005 rất nhiều cán bộ trong ngành giáo dục đã kiến nghị tha thiết hai  Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội cần ngồi lại với nhau dưới sự chủ trì của Chính phủ, để làm sao thống nhất được hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở nước ta, tránh tình trạng bộ nào biết bộ ấy… Cuối cùng, thành một hệ thống rất không hợp lý, đã có trường trung cấp chuyên nghiệp lại có trung cấp dạy nghề, đã có cao đẳng, còn có cao đẳng dạy nghề. Thực sự ra cao đẳng chính là dạy nghề, tất cả các nước người ta quan niệm như vậy.

Công tác xã hội hoá dạy nghề được nhiều đại biểu đề cập đến, cho rằng rất cần xã hội hóa một cách mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng nêu lên những băn khoăn vì dự án Luật còn thiếu quy định về kiểm định chất lượng dạy nghề. Luật Dạy nghề cần phải có các quy định rất cụ thể, rõ ràng minh bạch các chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích, huy động toàn xã hội, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, đầu tư phát triển dạy nghề…

Qua thảo luận cho thấy một số điều luật cần phải được rà soát lại để bảo đảm sự thống nhất và không bị trùng với Luật Giáo dục. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật phục vụ cho việc xem xét, thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.

Thiếu những quy định mang tính pháp lý là yếu tố cản trở sự phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người

Ở nước ta, bên cạnh những hạn chế về trình độ kỹ thuật chuyên môn, khó khăn về trang thiết bị và những rào cản về tâm lý, thì sự thiếu hụt những quy định mang tính pháp lý cũng là một yếu tố không nhỏ cản trở sự phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. Do vậy dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người được nhiều đại biểu cho là cần thiết nên sớm được ban hành, vì đây là một đòi hỏi rất bức xúc của cuộc sống và xã hội.

Xem xét phạm vi điều chỉnh của Luật, một số ý kiến đề nghị không nên đưa vấn đề hiến xác vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này vì nhiều lý do, đặc biệt là sẽ làm che lấp và dễ hiểu lầm những nội dung quan trọng mà Luật này cần điều chỉnh là hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Vấn đề phòng, chống tình trạng bán tạng, môi giới bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người, theo đại biểu Trần Đông A (thành phố Hồ Chí Minh): Bán tạng, môi giới bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người là mặt trái của ghép tạng, nên cần phải phòng ngừa, bởi tình trạng này diễn ra nhức nhối ở nhiều nước trên thế giới. Luật cần quy định rõ ràng để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đáng lo ngại này.

Một nội dung cũng được nhiều đại biểu đề cập là: Ai có thẩm quyền công bố chết não? Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho rằng, việc quy định giám định viên pháp y là người công bố kết quả chết não như dự thảo Luật là chưa phù hợp, mà việc này nên do giám đốc cơ sở y tế thực hiện.

Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng vẫn còn một số vấn đề chưa được đề cập trong dự án Luật; một số khái niệm, định nghĩa chưa được giải thích để người dân dễ hiểu; Luật còn nhiều quy định chung chung… Ban soạn tiếp tục chỉnh sửa để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

(Theo website Chính phủ)

Xem thêm »