Tình hình tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

06/05/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014, để đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Luật và sự thống nhất, đồng bộ của Luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ngày 29/01/2019 Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 370/KH-BTP-PBGDPL về tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Tính đến ngày 30/4/2019, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở của 52 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (còn một số tỉnh chưa gửi báo cáo về Bộ Tư pháp là Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa…).
Theo kết quả tổng kết của các địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở đã được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức. Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, các địa phương đã tiến hành củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở bảo đảm đúng tiêu chuẩn, thành phần theo quy định. Công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở được quan tâm, các địa phương đã thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên do Bộ Tư pháp ban hành. Nhiều địa phương đã tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” ở cả 3 cấp, 2 cấp (như Hà Nội, Bình Phước, Long An, Đăk Lăk, Bạc Liêu, Bình Dương...). Để đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở và nâng cao chất lượng hòa giải viên, một số địa phương đã xây dựng mô hình điểm như mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” của thành phố Hà Nội; mô hình “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến” của tỉnh Lạng Sơn. Để bảo đảm hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn, các địa phương đều ban hành văn bản quy định về kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và mức chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên. Kết quả hòa giải thành đạt tỷ lệ cao, tăng hàng năm (năm 2014 tỷ lệ hòa giải thành cả nước đạt 81,1%; năm 2015 tỷ lệ hòa giải thành cả nước đạt 81,3%; năm 2016 tỷ lệ hòa giải thành cả nước đạt 81,4%; năm 2017 tỷ lệ hòa giải thành cả nước đạt 82,03%; năm 2018 tỷ lệ hòa giải thành cả nước đạt 82,7%).  
Kết quả thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên toàn quốc đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả; vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở đã được khẳng định trong đời sống xã hội./.

Xem thêm »